Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

57. Rửa tay gác kiếm

Người ơi người ở đâu rồi
Để tôi cô quạnh ngồi đây não lòng
Hay là ra quán bên sông
Chúng mình câu cá xa vòng lợi danh

Ai cũng biết từ ‘rửa tay gác kiếm’ này. Trừ những trường hợp đặc biệt, con người đến tuổi ‘tri thiên mệnh’, có ít nhiều sáng suốt và nếu không màng đến danh lợi lắm, thường bắt đầu nghĩ đến, hoặc là củng cố và bảo vệ công việc làm ăn hiện có của mình, hoặc tìm một công việc gì đó tạm ổn mà có thu nhập vừa đủ để chuẩn bị cho ‘tuổi già’ sau này và sắp xếp cho thế hệ tương lai.

Nghe thì dễ chứ không phải dễ, tưởng như vậy chứ không phải vậy, ta thường nghe các câu nói này. Con người sống, thường phụ thuộc vào rất nhiều vào lịch sử hình thành mình, vào nội tâm, đặc biệt là yếu tố bên ngoài và những ngưởi có liên quan. Chuyện quan hệ gia đình và xã hội đâu phải là dễ giải quyết, nếu bạn là chồng muốn ‘rửa tay gác kiếm’ nhưng vợ bạn lại không ủng hộ, con bạn nghĩ khác, nếu cha mẹ/bà con của bạn không nghĩ vậy, nếu bạn bè của bạn không đồng cảm, …? Còn một yếu tố rất quan trọng hiếm ai bỏ được, đó là cái thị dục huyễn ngã, cái thói háo danh và ít nhiều cái ‘bệnh vĩ cuồng’ vẫn tồn tại mãi trong mỗi con người.
Rửa tay gác kiếm là dễ lắm ư? Các bạn hãy hình dung, có một người nghèo, đi bằng xe đạp, do làm ăn phát triển, y đã mua được một chiếc xe máy, dù sao y cũng tự hào là mình có thể ‘sánh vai’ với nhiều bạn bè khác, từ xe đạp chuyển lên xe máy là dễ rồi. Nhưng nếu một ngày nào đó, y thất bại, y có thể dễ dàng ‘chường mặt’ trước mặt bàn dân thiên hạ bằng chiếc xe đạp ‘cùi’ không?, cái ‘tâm lý hụt hẫng’ đó ai cũng có, chắc là ‘từ xe máy chuyển xuống xe đạp’ là không đơn giản tí nào.
Một số người ‘phóng lao thì phải theo lao’, nếu mình dừng lại thì những người cùng đi với mình sẽ như thế nào, hay nói ví von là nếu một chiếc xe đang lên dốc mà không cố tiến lên thì rất có khả năng bị tuột dốc. Một số người có sự nghiệp tốt lại bị vướng mắc trong cái vòng xoáy của xã hội, bỏ cái này thì lại lại phát sinh ra cái khác, cái nào cũng phức tạp, cuối cùng muốn không bận rộn thì cũng cứ bận rộn, muốn không lo lắng thì cũng cứ lo lắng. Một số người có công ăn việc làm ổn định đâu mà củng cố. Muốn tìm công việc ‘tạm ổn’ thì đâu phải dễ, kiếm đâu ra công việc có vừa đủ thu nhập mà ít có ‘stress’?
Công việc phức tạp thì dĩ nhiên là phức tạp rồi, nhưng công việc đơn giản cũng nhiều khi lại hàm chứa cái phức tạp. Đôi khi ta làm một số việc ‘lớn’, thì lúc nào đó cũng sẽ xong. Có công việc ta nghĩ là rất đơn giản, lại sinh ra mâu thuẫn với người khác, chuyện bé xé ra to, nhiều khi ta bị kỷ luật hay bị mất việc vì một sự việc nhỏ mà do ta làm chạm tự ái của người khác. Còn nữa, ‘nhanh một phút, chậm cả đời’, chắc bạn đã biết rồi, ...
Có nhiều khi, 'tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa’. Bạn tìm một công việc khác mà bạn nghĩ là ít stress và ‘ổn hơn’! Chưa chắc đâu, cái mà bạn nghĩ vậy thì không phải vậy. Đời là bể khổ, công việc thì ở đâu cũng là công việc, con người thì ở đâu cũng là con người, xã hội thì ở đâu cũng là xã hội. Ở đâu người ta cũng thường dựng lên những nguyên tắc cá nhân quá chặt chẽ, ở đâu người ta cũng nói cách làm của tôi/ý của tôi/quan điểm của tôi là thế này là thế nọ. Chín người thì mười ý, ai mà không biết như vậy. Bạn thử kiểm nghiệm xem, khi tâm sự ở nhà hay nơi trà dư tửu lậu, người ta thường nói tôi biết cái này tôi biết cái kia, kinh nghiệm của tôi nhiều lắm, toàn là ‘tôi' không à, dễ gì mà họ lắng nghe ý kiến của bạn, bạn thử làm phật ý của họ xem họ phản ứng như thế nào.
Người đời rất đa đoan, bạn đã làm nghề gì dính líu đến tiền bạc, thì người chi tiền cho bạn, dù vô tình hay cố ý, cũng xuất hiện ra các cách ‘hành hạ’ bạn, vì họ muốn bạn làm theo cái ý của họ, bất kể là đúng hay sai, con người mấy khi ai lại thừa nhận cái sai của mình, thêm vào đó, ‘ông chủ’ muốn chứng minh mình là đúng, là có quyền uy trên bạn, là ‘số một’ đối với bạn và trước mặt các người khác, nếu bạn xung đột với ông chủ thì trái với nguyên tắc trong tư tưởng về ‘rửa tay gác kiếm’, và xung đột với ông chủ thì không bao giờ có lợi. Ở đâu, người ta cũng muốn gây khó khăn khi viết ‘phiếu chi’ cho bạn, cái gì cũng có giá của cái đó, đồng tiền làm ra không dễ dàng tí nào. Một số người được làm ‘xếp’ thì lại hay mắc bệnh vĩ cuồng, nhiều khi huyên hoang tuyên bố những chân lý chắc như đinh đóng cột, chỉ khi ông ta hết làm xếp hay đang ‘hấp hối’ thì may ra ông ta mới biết những tuyên bố của mình là ảo tưởng như thế nào. 
Có người mới thành công, đã vội vui mừng, khoe khoang, báo cáo hoặc làm một ít trò ‘chưa đỗ ông nghè, đã đe hàng tổng’, nhưng không bao lâu sau đó lại có một thất bại đắng cay nào đó có thể gấp nhiều lần. Người ta kể chuyện ‘tái ông mất ngựa’, thiết nghĩ đó là một bài học. Cái mà được được gọi là thành công thì chỉ là tạm thời, cái mà được gọi là thất bại thì chỉ có tính chất giai đoạn, cái thành công có tiềm ẩn cái thất bại không lường trước và ngược lại, chớ vội tự mãn hay tự ti, tính biện chứng là như vậy.
Các bạn thấy đấy, ví dụ, bạn có một số tài sản nào đó, nhiều khi ta lơ là không bảo vệ thì chúng chẳng mắt, còn có cái ta thường xuyên để mắt đến nó thì lại bị mất ‘trong vòng một nốt nhạc’, không có cái dại nào giống cái dại nào, sự đời biến hóa khôn lường, biết thế nào mà lần.
Còn nói về người già nữa, ai cũng nói người già có tình bảo thủ, chưa chắc họ đã chịu, tuy nhiên ta thường thấy người già hay tin một cái gì đó rất lâu một cách quán tính, không có thể/khó có thể/vô cùng khó để thay đổi niềm tin ‘ảo tưởng’ đó, thậm chí quán tính đó là mãi mãi.
Còn nói về đàn bà nữa nữa. Người ta nói ‘dùng lửa để thử vàng, dùng vàng để thử đàn bà, dùng đàn bà để thử đàn ông’. Người ta thường nói ‘chỉ khi đàn ông mà cắt đầu gối ra không còn giọt máu nào thì mới không thích đàn bà’, rất rất hiếm có đàn ông như vậy. Còn đàn bà khi về già thì hết thích tiền, nghi ngờ lắm.
Tuy nhiên, có không ít người già đã thành công tương đối trong việc sống an nhàn trong một căn nhà nho nhỏ xinh xinh, ung dung uống trà/cà phê, đọc sách, xem phim, thoải mái tâm giao với bạn bè, sáng chiều ngắm hoa, thỉnh thoảng vào làm bạn với mấy con cá, chốc chốc lại ra vườn chăm sóc mấy cái cây, buồn buồn vui vui lại vào đùa giỡn với mấy cháu bé, …, nghĩ ra thật là bội phục.
Vậy bạn rửa tay gác kiếm như thế nào? Rút lui khỏi cái vòng danh lợi là dễ lắm sao? Chắc bạn khó tìm ra ai đồng cảm với bạn, nói ra cũng bằng vô ích. Đa số người mà bạn gặp đều lao vào danh vọng như con ‘thiêu thân’, không ít thì nhiều. Vì vậy, bạn phải tự tìm đường riêng cho bạn. Tìm bằng cách nào, không có câu trả lời. Chỉ có một giải pháp mang tính triết lý, là nếu trong tâm hồn bạn đã muốn vậy, thì sớm hay muộn bạn sẽ làm được, chắc không quá lâu, nhưng đừng để tìm được sau khi bạn chết!
Ngày 14/9/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét