Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

145. Kết nối 100 tư tưởng thành một tư tưởng


* Có một buổi sáng, mình đi uống cà phê với ‘ông tiến sĩ kỳ lạ’ (xem bài viết trong blog này). Về đến nhà, anh chàng này xem lướt qua blog của tôi. Có hàng chục, hàng trăm blog, mỗi blog có hàng chục, hàng trăm tư tưởng/ý tưởng khác nhau. Thình lình y hỏi:
- Ủa, tại sao người ta một tí lại nói về Khổng tử, một tí lại nói về Kim Dung, một tí lại nói về Moammar Gadhafi, một tí lại nói về Putin, một tí lại nói về tập quán của người Nhật, một tí lại nói về các thi sĩ/ca sĩ/họa sĩ trong nước hay nước ngoài, …Vậy tư tưởng của blogger 'A' là gì hả anh?
Y lại bình luận:
- À, đứng trước một kho gỗ ‘đầy màu sắc’, người ta có cảm hứng nên nhặt ‘thanh gỗ’ này, sau đó lại có cảm hứng khác nên nhặt thanh gỗ kia, và rồi mỗi lần có cảm hứng lại nhặt những thanh gỗ khác. Đồng ý là từng thanh gỗ đều đẹp, rất đẹp, nhưng tất cả các ‘thanh gỗ’ mà người ta nhặt lung tung đó lại không lắp ghép được với nhau để thành một đồ vật nào cụ thể. Nói chung, hình như chúng ta không có khả năng kết nối hay tổng hợp 10 hay 100 tư tưởng thành một tư tưởng duy nhất.
Rồi y lại bình tiếp:
- Chúng ta có các thầy như Nguyễn Hiến Lê, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Hoàng Phương, … Các thầy nhắc đến nào là tư tưởng của Khổng tử, Mạnh tử, Lão tử, Trang tử, Phật, Chúa, thiền, nào là phân tâm học của Freud, triết lý của Krishnamurti, phương pháp sản xuất dây chuyền của Henry Ford, nào là ‘đắc nhân tâm’ Dale Carnegie, ‘thuyết xã hội bất hủ’ của Hồ Thích, truyện kiếm hiệp của Kịm Dung, chuyện Hàn Tín - Lưu Bang, ‘tỉ phú’ Rockferler, chuyện phóng xạ hạt nhân của Marie Curie/Oppenheimer, thuyết tương đối của Einstein, … Tôi xin hỏi, các thầy cứ bình theo cái của người ta, vậy thì cuối cùng tư tưởng của Nguyễn Hiến Lê là gì? Tư tưởng của Bùi Giáng là gì? Tư tưởng của Phạm Công Thiện là gì? Tư tưởng của Nguyễn Hoàng Phương là gì? … Ai biết? Ai trả lời cho tôi…
Y lại nói thêm:
- Chúng ta có Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, Bà Huyện thanh quan, Ngô Gia văn phái, … Vậy tư tưởng của Lê Quý Đôn là gì? Tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm là gì? Tư tưởng của Cao Bá Quát là gì? …
Y lại nói một cách cay đắng rằng:
- Rất tiếc là chúng ta hình như được thế giới thừa nhận là có tài học hỏi những điều tiểu tiết rất nhanh và bắt chước rất giỏi, nói chung là ta có tài lẻ chứ không có tài 'chẵn'. Cứ dở ra trang sách nào ở ta thì cũng thường thấy viết rằng ‘Không tử nói rằng’, ‘Huệ tử nói rằng’, ‘Phật dạy rằng’, ‘Chúa dạy rằng’, ‘Tổ Huệ Năng dạy rằng’, Lý Bạch/Đỗ Phủ/Bạch Cư Dị có câu’, ‘Shakespeare/Apollinaire có câu’, ‘Napoleon/Tôn Tử nói rằng’, ‘Einstein/Newton nói rằng’, ‘Steve Jobs/Hồ Thích nói rằng’, , … Phải chăng trong mấy ngàn năm nay, chúng ta đã vô hình chung đã phụ thuộc các tư tưởng của họ và vô tình chấp nhận chúng mà không hề hay biết! 

* Y có kể một câu chuyện kiếm hiệp của Cổ Long (truyện ‘Ân thù kiếm lục’) là:
“Có một kiếm sĩ Đông Doanh giỏi kiếm thuật vô cùng. Y đi thuyền bằng đường biển đến Trung Nguyên và thách đấu tay đôi với từng chưởng môn của các môn phái hàng đầu. Tất cả đều bị bại dưới tay y, không có ai đấu nổi với y một chiêu! Sau đó, y tuyên bố rằng:
- Ta rất buồn vì không có ai xứng đáng đấu với ta, 7 năm sau ta sẽ quay lại.
Trong quãng thời gian đó, có một cậu bé mới mười mấy tuổi tên là Phương Bửu Nhi. Cha, mẹ và bác của cậu mặc dù là những nhất đại tông sư tuyệt đỉnh về kiếm thuật lừng danh một thời, nhưng đều cảm thấy rằng không thể thắng nổi tay kiếm sĩ Đông Doanh nọ. Ba người này mới chỉ cho Phương Bửu Nhi 3 chiêu kiếm được gọi là ‘vô địch’ của họ và nói rằng:
- Chỉ khi nào con có thể nhập 3 chiêu kiếm này thành một chiêu thì con mới có thể rời khỏi ‘thủy cung’ này được.
Cậu bé rất thông minh, cậu không chỉ nhập 3 chiêu kiếm thành một, mà thành một chiêu hoàn toàn khác.
Bảy năm sau, tên kiếm sĩ Đông Doanh quay trở lại Trung Nguyên. Quả nhiên các chưởng môn của thế hệ sau cũng không thể địch lại y. Y định nói câu:
- Ta rất buồn vì không có ai xứng đáng đấu với …’
Y chưa nói kịp chữ ‘ta’ thì cậu bé xuất hiện và nói:
- Còn có ta nữa.
Thế là cậu bé bước ra, tay cầm kiếm mà như là kẻ chưa biết cầm kiếm, dáng đi thất thơ thất thểu như một kẻ chả có chút nôi lực nào, cặp mắt thì ngơ ngác, khờ khạo và vô hồn như chả quan tâm đến cái gì chung quanh cả, cậu bước một cách uể oải chậm chạp đến gần tay kiếm khách đó, bất thần cậu có vẻ sợ hãi ngã xuống dưới 2 chân của gã, thế là một tia kiếm nhanh như chớp xẹt lên và xuyên thủng hạ bộ của gã này. Gã ngã xuống và vẫn còn kịp nói một cách mãn nguyện:
- Cám ơn cậu bé đã cho ta thấy ‘một chiêu kiếm vô địch thiên hạ'.

* Kể chuyện xong, y còn bổ sung thêm:
- Vâng, người ta có Lý Tiểu Long, Trần Chân thì ta có ai? Người ta có Kim Dung hay Cổ Long thì ta có ai? Người ta có Càn Long hay Khang Hi, …, thì ta có ai? Người ta có Krishnamurti, Sartre hay Hồ Thích thì ta có ai? Người ta có Shakespeare, Lev Tolstoi, Dostoyevsky hay Hemingway, …, thì ta có ai? Người ta có Steve Jobs hay Dale Carnegie, …, thì ta có ai? Không lẽ suốt đời ta chỉ học theo người ta!
Vâng, Khổng tử, Lão/Trang tử, Phật, Chúa, thiền, …, đều là những tư tưởng có thể là vô địch, nhưng không phải là vô địch thiên hạ và cũng không thể nào mà vô địch trong suốt mấy ngàn năm. Người VN ta rất thông mình và rất tự hào dân tộc, có ai cấm người VN ta không được làm như 'chàng trai trẻ ka'!
Y lại nói thẳng thừng:
- Tai sao ta không thể nối kết 100 tư tưởng của ta thành một tư tưởng duy nhất?
- Tại sao ta lại không nói ‘tôi nói rằng’ thay vì 'đức Khổng tử dạy rằng’, không lẽ người VN chúng ta không có 'khổng tử'!!!
- Không lẽ người VN chúng ta trong mấy ngàn năm nay cũng không có khả năng phát hiện ra chân lý như của đức Phật, Chúa, Khổng tử, Trang Tử, …, hay không có những phát hiện mới!!! Tại sao?
- Tại sao chúng ta không thể kết nối tư tưởng của hàng trăm cha ông chúng ta thành một tư tưởng duy nhất – tư tưởng VN?
- Triết học nào là triết học của VN?
- Tại sao chúng ta không thể nói rằng ‘triết học của người VN chúng tôi là’, ‘tư tưởng của người VN chúng tôi là’, ‘ý niệm của người VN chúng tôi là’ …???, và cuối cùng y còn thốt ra một cách chua chát rằng:
- VN chúng ta không có nhà ý niệm! … 

* Y còn làm thơ đùa rằng:
Người ta nghĩ thật là đúng thôi
Mấy ngàn năm trói buộc ta rồi
Khổng Mạnh lâu rồi sao 'ôm' mãi!
Hằng Nga người ta 'cưới' đã lâu

Sợ rằng tôi không hiểu ý, y có giải thích rằng ý anh ta muốn nói là VN cho đến nay vẫn phụ thuộc tư tưởng của người ta, vì thế mấy ngàn năm nay, dường như dân tộc ta thiếu tính sáng tạo mà chưa hình thành được hệ tư tưởng đặc dị của mình, đặc biệt là chưa có nền triết học VN. Nhưng người ta hoặc là không dám nói ra hoặc là không biết đến 'vấn đề nghiêm trọng' này, điều đó làm rất thiệt hại đến VN trong việc phát triển đất nước, ví dụ như việc nước ta có thể trở thành một cường quốc như Nhật Bản.

* Mình xin bổ sung đây một tư liệu, các bạn chỉ tham khảo thôi nhé:
Đặc điểm của người Việt Nam (Nguồn: Bình Địa Mộc’s blog)
Năm 2006, Viện Nghiên Cứu Xã Hội Hoa Kỳ đã đưa ra 10 đặc điểm của người Việt nhằm giúp các doanh nhân Hoa Kỳ sang Việt Nam làm ăn:
1/ Cần cù lao động song dễ thỏa mãn, nên tâm lý hưởng thụ còn nặng.
2/ Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.
3/ Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).
4/ Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không ý thức nâng lên thành lý luận.
5/ Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học hành "đến đầu đến đuôi", nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm việc làm, ít vì chí khí, đam mê).
6/ Xởi lởi, chiều khách, song không bền.
7/ Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời).
8/ Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn, thì tinh thần này ít xuất hiện.
9/ Yêu hoà bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì những lý do tự ái lặt vặt, đánh mất đại cục.
10/ Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng).

* Chắc không có kết luận nào tốt hơn bằng kết luận từ một sự thật. Sau đây mình xin trích 2 lời bình qua lại có thật 100%:
- Lời bình: Em thích những bài viết như thế này của anh, đọc mà phải suy nghĩ. Thích thật!
- Trả lời: Cám ơn em… Có một bạn đọc (lớn tuổi, có trình độ) có bình luận đại khái ý là 'chỉ mong học cái cũ/cái đang có cho tốt, sợ học cũng không được chứ ở đó mà đòi sáng tạo ra cái mới/tư tưởng mới làm gì!' (có thể là y nói móc). Anh mới kể lại với thằng cu, nó nói là 'cái ông đó không hiểu tính vĩ mô trong bài viết của ba, thầy nào dạy cũng khuyên học trò học nên học cho tốt cái mà thầy đã dạy, nhưng thầy luôn khuyên học sinh hãy tìm tòi, tự khám phá và sáng tạo ra cái mới chứ đừng phụ thuộc vào tư tưởng sẵn có của người ta'. Anh còn nói rằng 'nếu con có đọc 100 cuốn sách, cuối cùng thì con cũng chỉ viết một cái luận văn tốt nghiệp cỡ 20 trang à, điều này có nghĩa là, thứ nhất, con phải biết tổng hợp 100 ý tưởng thành 1 ý tưởng, thứ hai, ý tưởng đó chỉ độc đáo và có giá trị khi nó là ý tưởng mới do con phát hiện ra, Ngô Bảo Châu là một ví dụ, mong rằng có nhiều Ngô Bảo Châu khác nữa. Khi đó con mới có thể góp một phần nhỏ nào đó vào việc làm rạng danh cho đất nước/dân tộc được.'

...Tay ‘tiến sĩ kỳ lạ’ đó đã ra đi vào ‘chốn vô cùng’, nhưng y vẫn để lại trong lòng tôi một nỗi khắc khoải ngày này qua ngày khác, tôi suy nghĩ hoài và chưa biết phải trả lời anh chàng ấy như thế nào… 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét