Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

152. Bản nhạc 'chiều tà' - ông ấy đã chết

Khi còn trẻ, vào những ngày Tết, mình hay về vùng nông thôn chơi, nơi có một cái hồ nước xanh vắt chạy vòng vèo, khắp từ nơi có những cặp vợ chồng nông dân hầu như gây lộn suốt ngày, đến nơi có những đêm thanh tịnh đến nỗi mà ta có thể ngắm nhìn những vì sao lấp lánh và ‘tâm sự với chúa Jesus’, đến nơi mà vào vụ thu hoạch, có hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn con két, cứ mỗi chiều tà bay ngang qua và kêu lên thảm thiết khóc cho những người đã chết, khóc cho những cuộc đời lam lũ tội nghiệp của những người nông dân dãi nắng dầm sương trồng bắp, đậu phụng, lúa, …, khóc cho cái thân phận con người lúc như lên mây, lúc như rơi xuống bùn sâu vạn kiếp, khóc cho cuộc đời của những thầy cô giáo đêm ngày soạn giáo án - những người đã đi vào lòng đất mà đã để lại cho ta ngày nay có kiến thức để viết blog... 
Lang thang đi vào chợ, mình đã gặp một ông già khoảng 70 tuổi, đeo kính lão, người gầy, hơi nhỏ con, khuôn mặt hao hao giống Trịnh Công Sơn, tên ông ấy là L. Trước 1975, ông ấy làm trưởng trạm kiểm soát không lưu ở sân bay địa phương. Nghe bà con ở đó đồn rằng em ruột của ông ấy tên là Đ., làm lớn lắm, ông Đ. đã có lần ghé thăm nhà ông ấy. Vợ ông ấy là một người rất tử tế, bán thịt heo sáng chiều ngoài chợ. Ông có một bầy con, nhiều lắm, lâu rồi mình không nhớ bao nhiêu đứa nữa. 
Ông ấy biết nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh, Pháp, Nhật và Thái Lan. Mình cũng không biết ông có tài hay không nữa, chỉ biết là ông rất thích đọc sách, vì thế mình đã vận chuyển cả ngàn cuốn sách đến nhà cho ông đọc. 
Có một buổi tối 30 Tết năm nọ, ông ấy qua mời mình sang nhà nhậu chơi. Ông lấy cái khăn mù-soa lau nước mắt, sụt sùi khóc và kể: 
- Cháu ơi, bác tâm sự cho cháu nghe nhé. Bác đã sống nhiều năm ở Pháp, rồi Nhật, Thái Lan, rồi bác lấy vợ và định cư ở đây. Tại Pháp, lúc con thanh niên, bác đã biết bài hát ‘Chiều tà (Sérénata)’ và hát thuộc lòng bằng tiếng Pháp.
- Sau khi lấy vợ, bác không bao giờ còn cảm xúc mà hát hay đánh đàn nữa. Sau 1975, bác không có việc làm vì già rồi, chỉ quanh quẩn ở nhà uống nước trà, đánh cờ tướng và chờ chết. Có lần vợ bác ở chợ về, thấy bác ngồi không làm gì, bà ấy chửi với cái ‘đòn gánh’ trong tay...(!), bác không phản kháng và im lặng chịu đựng. Bà ấy là nông dân, thẳng tính như vậy là bình thường cháu ạ, nhưng điều đó đã giết chết tâm hồn của bác, bác đã suốt đời nén chịu, không một lời than vãn. Không có ai hiểu và thông cảm cho bác, nay nhìn thấy cháu đi ngang qua chợ, bác có linh cảm rằng đây là người duy nhất và là người cuối cùng có thể lắng nghe tâm sự, hiểu và thông cảm cho đoạn cuối đời của bác.
... Theo mình, con người có lúc 'động' thì phải có lúc được 'tĩnh', có ngày thì phải có đêm, ông ấy đã làm 'trưởng trạm không lưu' là sự nghiệp cả đời của ông ấy rồi, 'có lúc mẹ mình chửi và sĩ nhục ba mình là 'tại sao ngồi chơi', ba mình đã trả lời là 'chơi là làm', con người ngoài làm việc ra, còn phải dành thời gian suy nghiệm về bản thân mình và về vũ trụ nữa bạn ạ. Riêng mình, mình đồng cảm với ông già đó.
Ông lại kể tiếp:
- Cháu ạ, bài hát ‘Chiều tà’ này bác không có dip được hát lại, bác mong vô cùng một tình yêu cháu ạ, bác mong có một người yêu để bác hát cho nàng nghe (nói xong ông lại sụt sùi khóc). Bây giờ có cháu ở đây, cháu hãy nghe bác hát lần cuối cùng nhé, bác sẽ mang bài hát này sang thế giới bên kia, mong rằng kiếp sau bác sẽ có người yêu và sẽ hát cho nàng nghe.
Rồi ông hát như sau:
Lắng trầm tiếng chiều ngân
Nhạc dặt dìu ái ân
Người ôi! Nhớ mãi cung đàn
Năm tháng phai tàn
Duyên kiếp vẫn còn lỡ làng 
Đã quên hết sầu chưa
Lời này là tiếng xưa
Quỳ dâng dưới nắng phai mờ
Bên gối ơ thờ
Ôi tiếng tơ tình mong chờ 
Chiều êm êm đưa duyên về người
Đàn triền miên nắn tiếng sầu đời
Người hỡi!
Đến bên tôi nghe lời xao xuyến
Như chuyện thần tiên.
Niềm mơ xưa là đó
Cho ta nâng niu lời ca
Chiều mơ không gian
Hờ hững cõi Thiên Đàng
Thuyền trôi bến sông xa đừng chờ
Xin hãy lắng nghe bao lời thơ chiều tà 
Nhạc chiều của chúng ta
Là câu ân ái muôn đời
Bóng đã xế rồi
Hãy nép trong lòng cõi đời.
Tình Yêu mãi mãi... (Chiều tà – LV Phạm Duy)  
Bài hát đã làm mình chết lịm, một tình yêu rạo rực, khao khát, bùng cháy hiển hiện trong tâm trí mình, nhưng than ôi, nàng ở đâu rồi, nàng có nghe ông hát tặng nàng không, sao suốt đời nàng không ghé lại 'thăm' ông ấy, nghe ông hát một lần, dù chỉ 5 phút thôi, rồi ông mãn nguyện nhắm mắt, cái quan tài bằng gỗ nhỏ sẽ đưa ông ra một vùng đất đỏ, ở đấy ông sẽ cô đơn vĩnh viễn với những cơn mưa dầm mùa đông ngày đêm hầu như không dứt, ở đấy loài giun dế sẽ tấu lên khúc nhạc đại ngàn để an ủi ông trong lòng đất, ở đấy những cơn gió hoang dã khủng khiếp sẽ thổi qua linh hồn ông, ở đấy từng đàn chim két vẫn thường bay ngang qua nhỏ lệ trên nấm mồ của ông, ở đấy ông có thể nhìn xuống sườn dốc nối liền với cái hồ dài như bất tận, nhẹ nhàng và lãng mạn đưa linh hồn ông rong ruổi cõi vô cùng…
Ông nói tiếp:
- Cháu ơi, đời là ‘sinh ký tử quy’, bác sẽ ra đi vào tối mùng ba Tết này cháu ạ, cám ơn cháu đã lắng nghe lời tâm sự của bác, cám ơn cháu rất nhiều, chúc cháu học thật giỏi nhé.
... Theo mình, có nhiều nguyên nhân làm ta không có tình yêu: tính thơ hay tính lãng mạn cao quá mà tìm không ra được đối tác, ta không có điều kiện để theo đuổi tình yêu (khoảng cách địa lý...), sự biến động của lịch sử (từ giàu thành nghèo), có không ít phụ nữ quá nhút nhát, truyền thống 'Khổng Mạnh' đã trói buộc ta, việc không biết nuôi dưỡng tình yêu (lỗi cả hai), ..., nhiều hết không kể xiết bạn ạ.

Cũng mùa hè năm đó, mình đã quay lại cái chợ kia, ông đã ra đi đúng tối mồng ba Tết, chính xác 100% như lời ông ấy đã trăn trối. 
Bác ơi, nghe lời bác, cháu đã tiếp tục rèn luyện đánh đàn Mandoline (chú ruột của cháu đã dạy cháu đánh đàn từ nhỏ), thổi kèn Harmonica và đánh đàn Guitar. Cháu đã mang tiếng đàn đi khắp nơi. Có một đêm, cháu biểu diễn đánh đàn bài 'Chiều tà' trong một cuộc hội thi văn nghệ do 4 trường tổ chức chung là trường Bổ túc công - nông, Đại học tổng hợp, Đại học Sư phạm kỹ thuật và Đại học Nông nghiệp, sáng hôm sau nghe loa phát thanh thông báo, cháu đã đạt giải nhất bác ạ. Sau đó cháu có rất nhiều bạn gái, nhưng lúc đó cháu ngu quá, cháu đã bỏ qua biết bao nhiêu mối tình vì cháu đã mơ ước trở thành một nhà triết học vĩ đại, mãi sau này cháu mới biết đời là ‘sắc sắc - không không’, vĩ đại hay không vĩ đại, tất cả đều vô nghĩa, chỉ có một thứ có nghĩa, đó là ‘nghĩa địa’. Ý thức được điều đó, cháu vô cùng trân trọng tình yêu, ở đời có bao nhiêu cái 10 năm hả bác, nếu khi sống mà ta không yêu nhau thì để chết mới yêu nhau à!
Cháu đã mang quả tim ‘chiều tà’ đó đi khắp Việt Nam, có nhiều lúc dừng lại, cháu chợt kinh hoàng, đời là ‘bóng câu qua cửa sổ’, có nhiều khả năng cháu sẽ không thực hiện được di chúc của bác, vì cháu cũng không may mắn có một ‘bóng hồng’ như lòng mình mơ ước ghé 'thăm', có lẽ cháu phải mang bản nhạc ‘chiều tà’ này sang... thế giới bên kia, bác ạ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét