Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

246. Thái hậu Dương Vân Nga và ‘Nho giáo’

Diêu bông là lá hư không
Sang sông, ai vẫn nhớ mong ai hoài
Chờ em tôi, cả tháng ngày
Cỏ hoa héo úa, trời mây mịt mù
Người xưa nay đã cười chưa?
Lâu ngày không thấy, mưa vừa lướt qua
Chia ly đau đớn làm sao
Muốn không thì tốt nhất là đừng... yêu.
(Cảm hoài, NGLB)

Dương Vân Nga (952-1000) là một trong 5 hoàng hậu của Đinh Bộ Lĩnh, thời đó người ta thường gọi bà là ‘Dương thị’, còn Dương Vân Nga là tên gọi của thời nay, tên ‘Vân Nga’ là từ ghép của hai từ ‘Vân Lung’ và ‘Nga My’ là tên hai thôn của cha mẹ bà, thuộc huyện Gia Viễn và Nho Quan, tỉnh Ninh Bình ngày nay.
'Theo các truyền thuyết dân gian, sinh thời Dương Vân Nga rất xinh đẹp. Bà có khuôn mặt bầu bĩnh rất phúc hậu song vẫn có nét thanh tú, cao sang. Nước da của bà hoàng hậu họ Dương trắng hồng và cặp mắt phượng, mày ngài lúc nào cũng long lanh đầy tình tứ. Nhan sắc bà được mô tả trong cuốn ‘Hoàn Vương ca tích’ (tìm thấy ở Hà Nam). Bà không chỉ đẹp mà còn tràn đầy sinh lực: 
‘Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn
Mắt kia sao mọc cờn cờn
Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân’
Vẻ đẹp của bà quyến rũ đến nỗi mỗi nước đi cũng làm cả vùng thiên nhiên, cây cỏ xao động, bừng sáng:
‘Ðồi đông điểm ngọc, đồi tây mây vàng
Suối trong tựa ánh nguyệt tràn
Mây ngồi xổm, cá lượn đàn lên mây
Chim kề mỏ, bướm xỏ mày
Bao nhiêu suối chảy thành cây đàn cầm’
Chắc hẳn chính vẻ đẹp thanh tú, mỹ miều và uyển chuyển của bà đã khiến cho cả vị chúa động Hoa Lư Đinh Bộ Lĩnh và sau này Thập đạo tướng quân Lê Hoàn mê đắm. Đó là lý do bà được làm chính cung ở cả hai triều đại nhà Đinh và nhà Tiền Lê’ (Dương Vân Nga - Wikipedia).

Quay lại chuyện... lịch sử, sau khi đánh tan quân Nam Hán vào năm 938, Ngô Quyền (Tiền Ngô Vương, 898-944) đã chấm dứt vĩnh viễn hơn ‘một ngàn năm đô hộ giặc Tàu’ và đem lại nền độc lập cho dân tộc Việt. Vị trí của ông là vô cùng to lớn trong lịch sử Việt Nam, có thể nói ‘có Ngô Quyền mới có Việt Nam ngày nay’, chính bản thân Ngô Quyền là một bản ‘Tuyên ngôn độc lập’ sống, là xuất phát điểm cho việc hình thành nhà nước Việt Nam đầu tiên trong lịch sử thế giới (thời Đinh Tiên Hoàng)… 
Năm 965, sau khi con của Ngô Quyền là Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn mất thì năm 966 có ‘loạn 12 sứ quân', Đinh Bộ Lĩnh hay Đinh Tiên Hoàng (924-979) đã dẹp được 11 sứ quân khác, năm 968 lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Thời ông có luật pháp, có nền tài chính-tiền tệ, có 'khoa học' tổ chức quân sự và quản lý kinh tế, có đoàn kết 'tôn giáo'… Ông đã cũng cố việc triều chính, định phẩm hàm cho Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Đinh Liễn, Lê Hoàn... Lê Hoàn hay Lê Đại Hành (941-1005) nguyên là ‘Thập đạo tướng quân’ (chỉ huy 10 đạo quân) dưới thời Đinh Bộ Lĩnh.
Năm 979, sau khi Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn lần lượt bị ám sát (có nghi án là Dương Vân Nga liên kết với Lê Hoàn, do tranh chấp ngôi vị Thái tử cho con giữa các hoàng hậu, đây cũng là nguyên cớ để nhà Tống xâm chiếm nước ta!), Đinh Toàn lên ngôi khi mới có 6 tuổi, Dương Vân Nga trở thành Thái hậu, còn Lê Hoàn làm ‘Nhiếp chính’, việc này đã gây nên làn sóng nghi kỵ ‘tư thông’ và gây lũng cũng nội bộ rất lớn, các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp… nổi loạn và đều bị giết.
Năm 980, khi vua Tống đe dọa đánh Đại Cồ Việt, Lê Hoàn được Thái hậu Dương Vân Nga và triều thần tôn lên làm vua, lập nên nhà Tiền Lê và phong Dương Vân Nga làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu. Năm 981, Lê Hoàn đại thắng quân Tống ở Bạch Đằng và Tây Kết, giết tướng Tàu là Hầu Nhân Bảo..., nhà Tống phải thừa nhận Đại Cồ Việt là một nước độc lập.

Các sử gia thời phong kiến thường ‘phê bình’ Lê Hoàn và Dương Vân Nga rất nặng nề, ví dụ: ‘Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sao?’ (Đại Việt sử ký toàn thư - Ngô Sĩ Liên). Nhưng so với các sử gia khác như Lê Văn Hưu, Phan Huy Chú, Ngô Thì Sĩ, Ngô Sĩ Liên… thì gần đây nhà sử học Hoàng Xuân Hãn nhận định thoáng hơn: ‘...việc này trái với khuôn phép nhà nho. Các sử gia nho xưa đã trịnh trọng chỉ trích như Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ... Các vị ấy không hiểu rằng đời Đinh, Tiền Lê, đạo Nho chưa có ảnh hưởng gì sâu vào dân Việt cho đến nửa đời Trần còn thế. Dân chúng đã lập đền thờ các vua Đinh Lê trên nền tảng cung điện Hoa Lư mà không quên bà Dương hậu, không những thế mà còn tự hợp hai vua tô tượng hai vua ngồi chung một toà với Dương hậu ở giữa. Nhưng đến đầu đời Lê Thái Tổ cho là trái đạo mà bỏ đi! Tuy vậy các nho gia phê bình cũng không ai trách bà mà chỉ trách Lê Hoàn’.
Còn ngày nay, có blogger nhận xét rất thoáng:  '…sau khi chồng bị ám hại, để lại đứa con 6 tuổi kế nghiệp Hoàng Ðế, Dương Vân Nga đã phải cáng đáng những khó khăn vượt quá sức mình. Sự nghiệp thống nhất đất nước vừa được hoàn thành, bị đe doạ to nhiều phía. Bên ngoài phong kiến phương Bắc sửa soạn đại binh xâm lược. Bên trong, các triều thần phân biệt tranh chấp gay gắt có nguy cơ nổ ra nội chiến lớn. Là người có tầm nhìn xa thấy rộng, Dương Vân Nga nhận rõ chỉ có Thập Ðạo tướng quân Lê Hoàn là người có khả năng giải quyết tình hình nghiêm trọng ấy... Khi nghe tin Đinh Tiên Hoàng đã mất, tự quân còn nhỏ, nhà Tống muốn thừa cơ sang cướp ta. Lúc quân Tống sắp kéo sang, các tướng đồng lòng với Phạm Cự Lượng truất phế Đinh Tuệ, suy tôn Lê Hoàn lên ngôi vua. Chính bà đã tự tay lấy Hoàng bào khoác vào vai Lê Hoàn và giúp ông làm nên việc lớn... Vậy mà chỉ vì Dương Vân Nga... về sau lại trở thành vợ Lê Hoàn mà sử sách phong kiến đã xoá sạch công lao của bà'. (trantung, hoiquandisan.com)

Mặc dù vai trò của cá nhân (các anh hùng/lãnh tụ) trong lịch sử rất quan trọng, nhưng lịch sử không quyết định bởi cá nhân, do đó nó lại càng không quyết định bởi các sử gia, mà quyết định bởi những người làm nên lịch sử, đó là ‘nhân dân’. Hơn nữa, người ta hay dùng khái niệm ‘lịch sử-tự nhiên’, về bản chất, lịch sử quyết định bởi tự nhiên, tức là con người có thể căn cứ vào các quy luật của tự nhiên để tác động tích cực đến lịch sử chứ không thể quyết định lịch sử được (có nhiều nều văn minh đã bị dìm dưới đáy biển, ví dụ nôm na là vụ sóng thần ở Nhật Bản vừa qua).
Vì thế, những lời phê bình của các nhà sử học không hẳn là luôn chính xác, vì lúc đó nước ta vừa mới lập quốc, có ảnh hưởng ít nhiều Phật giáo nhưng không bị ảnh hưởng bởi ‘Nho giáo’. Bằng chứng như việc Đinh Tiên Hoàng phong phẩm hàm cho các ‘nhà sư’ là Đô hộ phủ sĩ sư (Lưu Cơ ), Khuông Việt  đại sư (Ngô Châu Lưu ), Tăng lục (Trương Ma Ni ), hay việc Lê Đại Hành trọng dụng sư Pháp Thuận...
Việc con gái của Lê Hoàn-Dương Vân Nga là Lê Thị Phất Ngân trở thành Hoàng hậu của Lý Thái Tổ và là mẹ của Lý Thái Tông sau này là một bằng chứng nữa cho thấy rằng triều Lý vốn không xem ‘vụ’ Lê Hoàn-Dương Vân Nga là có 'vấn đề', điều đó chứng tỏ quan điểm ‘Nho giáo’ chưa đóng vai trò quan trọng trong ý thức hệ của người Việt thời bấy giờ.

Dương Vân Nga và bác bỏ các tin đồn (entry 421, đường dẫn bên dưới). 
Như đã nói ở trên, đánh giá lịch sử không phải là ‘nhìn’ dưới cặp mắt ngay vào thời điểm xảy ra (một) sự kiện lịch sử nào đó, mà là dưới cặp mắt hiện nay, vậy quan điểm của chúng ta về vấn đề Dương Vân Nga như thế nào?
Để tiện cho việc theo dõi bên dưới, mình xin ghi dưới đây năm sinh và năm mất của các nhân vật có liên quan.
-Ngô Quyền: 898-944, thọ 47 tuổi
-Ngô Xương Văn: ?-965
-Đinh Bộ Lĩnh: 924-979, thọ 55 tuổi
-Dương Vân Nga: 952!-1000, thọ 48 tuổi
-Lê Hoàn: 941-1005, thọ 64 tuổi (quá thọ!)
(Năm sinh của Ngô Xương Văn không rõ, vì Ngô Quyền lấy Dương thị là em gái của Dương Tam Kha (khởi binh năm 931), nên với độ chênh lệch toán học là 5 năm, có thể giả thiết là Dương Tam Kha sinh khoảng năm 900-905, thì Dương thị là em gái nên sinh khoảng sau năm 905, do đó Ngô Xương Văn sinh khoảng năm 925, mất năm 965, thọ 40 tuổi).
Dưới đây là một số truyền thuyết... nghịch lý với 'tư duy toán học':
- Có truyền thuyết nhân gian cho rằng Dương Vân Nga là hoàng hậu của Nam sách vương Ngô Xương Văn (trước khi lấy Đinh Bộ Lĩnh, rồi Lê Hoàn):
a) Nếu nàng lấy Ngô Xương Văn thật sớm, năm 942 (khi y được nhận là con nuôi của Dương Tam Kha) thì nàng chưa ra đời (nàng sinh năm 952),
b) Còn nếu lịch sử bí quá mà ‘ép’ nàng lấy Ngô Xương Văn khi y chết (năm 965) thì nàng mới 13 tuổi: nàng không thể là hoàng hậu vài năm ‘trước đó’ được, nên truyền thuyết này là hoàn toàn sai.
- Có truyền thuyết nhân gian cho rằng giữa Dương Vân Nga và Lê Hoàn có một mối tình ‘thanh mai trúc mã’: như đã nói ở trên, nàng theo sứ quân Ngô Xương Văn, y chết, nàng mới có 13 tuổi (ở thành Cổ Loa), nên tin đồn về mối tình thanh mai trúc mã ‘trước đó’ của một cô nàng mới có vài tuổi với Lê Hoàn (ở Thanh Hóa!) là hoàn toàn nghịch lý.
- Còn có giả thiết khác do một ‘sử gia quèn’ nào đó cho rằng nàng sinh năm 928 (già thêm 24 tuổi để phù hợp với các sự kiện trên, và cũng đồng nghĩa với việc nàng lớn hơn Lê Hoàn 13 tuổi! và nàng thọ 76 tuổi!) thì càng tệ hại hơn, vì nếu vậy, khi làm hoàng hậu của Lê Hoàn vào năm 980 thì nàng đã 52 tuổi, nên nhớ rằng vào thế kỷ thứ 10 thì tuổi thọ trung bình của loài người dao động ở mức 35-40 tuổi, mà một phụ nữ 50 tuổi thời đó được xem là ‘già đanh cú đế’ rồi, vì thế (theo hiện nay) nàng Dương Vân Nga già hơn một bà cụ 80 tuổi, mà Lê Hoàn lên làm hoàng đế thì lại càng không thể ‘yêu say đắm’ một bà cụ 80 tuổi được!, và nên nhớ rằng. Lý Thánh Tôn phong nàng Lê Thị Yến (sinh 1044) làm Ỷ Lan cung phi năm 1063 khi nàng mới có 19 tuổi, Nguyễn Huệ phong Ngọc Hân công chúa (sinh 1770) làm Bắc cung hoàng hậu năm 1788 khi nàng mới có 18 tuổi, còn Bảo Đại phong nàng Nguyễn Hữu Thị Lan (sinh năm 1914) làm Nam Phương hoàng hậu năm 1934 khi nàng mới có 20 tuổi,  không lẽ gì mà Lê Hoàn lại quá khác biệt đến nỗi phải phong Dương Vân Nga làm hoàng hậu khi là một cụ bà ‘80 tuổi’, nghịch lý quá đi. Các bạn thử nghĩ lại xem!

Dương Vân Nga, công và tội? Trước Lê Hoàn, Tàu chỉ xem nước ta là một quận, các vị anh hùng trước chỉ dám xưng ‘vương’. Còn Đinh Bộ Lĩnh/Lê Hoàn xưng đế cùng ‘đẳng cấp’ với hoàng đế của Tàu, hơn nữa lại được nhà Tống xem ‘Đại Cồ Việt’ là một nước độc lập, đây là một ‘chiến công hiển hách’ chưa từng có trong lịch sử Việt cho đến thời điểm đó. Người Tàu có câu ‘mèo đen hay mèo trắng không quan trọng, miễn sao là bắt được chuột’, họ còn nói thế, ta há đem ‘tứ thư ngũ kinh’ ra mà luận xét các vị nam nữ anh hùng của Việt Nam hay sao! Còn Dương Vân Nga - một người phụ nữ biết hy sinh ‘cái tôi’ của mình để gián tiếp triệt hạ quân xâm lược Tống và đem lại lợi ích cho tổ quốc há chả là điều rất cao quý sao?, hơn nữa, một phụ nữ ‘xấu’ thì không thể yêu nước (vụ Trần Thúy Liễu chẳng hạn), ngược lại, một phụ nữ yêu nước thì rất hiếm khi làm những điều quá xấu, các bạn nghĩ thử xem! Vậy cớ sao ta lại vì 2 cái ông ‘Khổng-Mạnh’ hay vì 2 chữ ‘Nho giáo’ mà làm giảm đi tầm cở của một nữ danh nhân lỗi lạc của Việt Nam?

Trong lịch sử Ai Cập cổ đại (thời kỳ ‘Hy Lạp hóa’), nữ hoàng Ai Cập là Cleopatra VII ít nhất đã có 3 đời chồng vì các mục tiêu chính trị: lấy em trai là Ptolemy XIII (năm 51 TCN), sau đó lấy danh tướng Ceasar (năm 48 TCN), rồi sống chung với chính trị gia Antonius (năm 42 TCN, sau đó chàng bị bại dưới tay Augustus vào năm 31 TCN), nhưng thế giới tư tưởng phương Tây hầu như không hề quy ‘vụ Cleopatra’ là loạn luân hay có tội, mà ngược lại, cho đến nay, nàng luôn được xem như là một danh nhân nổi tiếng trên thế giới. Hơn nữa, đọc lịch sử Tàu, chúng ta cũng biết rằng Võ Tắc Thiên và Từ Hi thái hậu cũng chả tốt lành gì, mà nếu không nhầm, Võ Tắc Thiên thì tàn ác và dâm loạn, còn Từ Hi thái hậu thì cũng tàn ác và là một trong những nguyên nhân làm sụp đổ triều Thanh, nhưng người Tàu lại đề cao 2 nhân vật lịch sử này hơn là moi móc vài khuyết điểm của họ.

Tóm lại, về chuyện tình của Thái hậu Dương Vân Nga, nghe nói bà là ‘Hoàng hậu 2 triều’, thậm chí là ‘Hoàng hậu 3 triều’ (!), mình có cảm giác bà giống như một ‘Cleopatra’ của Việt Nam. Ngoài ra, có 1 blogger đánh giá là Lê Hoàn trước đây đã quỳ dưới chân Dương Vân Nga và tâu là ‘khải bẩm hoàng hậu nương nương’ mà sau này lấy nàng là rất sai trái, xin lỗi, giả sử có 1 blogger nam yêu nữ thủ tướng Thái Lan Shinawatra và phải gọi nàng là ‘xếp’, thì nếu sau này chồng của bà thủ tướng chết đi thì chả ai cấm anh chàng này lấy ‘xếp’ của mình cả (entry 421).
Người nay viết về người xưa, mình lại cảm hoài:
Mùa thu vừa đến chưa qua
Mùa đông đã nhớ biết là làm sao
Trăng nào có dưới trời mưa
Anh cần trăng đến khi vừa buồn thôi
Thả buồn cho gió mây trôi
Thả buồn băng giá, mưa rơi cuối chiều
Lá vàng rơi rụng liêu xiêu
Người xưa đã khuất, tình phiêu cõi nào.

------------ 
Bài viết có liên quan:
-Cái nhìn lịch sử và vụ 'Thái hậu Dương Vân Nga'
http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/08/421-cai-nhin-lich-su-va-vu-thai-hau.html

1 nhận xét:

  1. Lưu:
    Em nấu chảy con tim dâng về anh
    Sáng trưa chiều tối anh để dành
    Anh đem anh ướp nơi góc khuất
    Áp vào tim đau, cảm thấy lành

    Trả lờiXóa