Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

242. Mấy dòng về Trịnh Công Sơn


Thu đến làm gì hỡi thu ơi
Để lụy hồn em rối tơi bời

Tình anh vỗ cánh bay xa khuất
Đau xót lòng em trong chơi vơi
Chiều tà nhìn mây trắng bay bay
Một chiếc thuyền tình bỗng lắc lay

Hoa nắng ngoài kia đang nở rộ
Lạc mất anh rồi, em đi đâu?

(NGLB)

Bài này chỉ là cảm tưởng cá nhân, dựa vào một vài tư liệu, được viết theo trình tự thời gian và các sự kiện dưới đây là có thật. Đồng thời, khi mạn đàm ở các quán cà phê, mình cũng không thích lắm những ca tụng quá đáng về Trịnh Công Sơn (1939-2001), cuộc sống là vô cùng phong phú, nhạc hoặc bất cứ cái gì cũng có chỗ hay của nó nếu đặt đúng nơi, đúng lúc.


Trước và sau năm 1970, ở miền Nam có phong trào ‘Hướng đạo sinh’, ‘Du ca’…, trong đó các fan, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên thường hay hát nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Lam Phương, Vũ Thành An…, nhạc tiền chiến, các bản tình ca bất tử nước ngoài, nhạc thời trang, nhạc phản chiến, nhạc ‘sến’…
Khi học lớp 10, mình thích nhất là bài ‘Mưa hồng’ của Trịnh và có thể đánh đàn Guitar ‘Classic’ bản này (nhưng nay thì botay.com rồi!), cho đến nay, mình thường thích các lời nhạc như:
‘Người nằm xuống nghe tiếng ru
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ’, hay
Người đã đến và người sẽ về bên kia núi
Từng câu nói là từng cánh buồm giong cuối trời. 
Còn lại tiếng cười khóc giữa đời'
Khoảng đầu năm 1974, Khánh Ly có lên Ban Mê Thuột biểu diễn nhạc Trịnh, có sự tham gia của các anh Quang Dũng và Miên Đức Thắng, nay không biết anh Thắng ở đâu, còn sống!
Khoảng năm 1980, có nhạc sĩ Xuân Tiến hay Xuân Hiếu gì đó (không nhớ rõ lắm!) đã đăng đàn diễn thuyết với sinh viên tại Ký túc xá Ngô Gia Tự, Sài Gòn, bảo nhạc Trịnh là ‘nhạc vàng’ và khuyên Trịnh hãy ‘từ bỏ những đứa con của mình’ đi!
Sau giải phóng, nhạc Trịnh vẫn được mở trong các quán cà phê, hát trong gia đình, tại các công trường/nông trường, ở các cuộc họp lớp/họp nhóm, và phong trào nhạc Trịnh bắt đầu khởi sắc hơn vào khoảng những năm 2000, đặc biệt là khi 'anh' có ‘Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới’ vào năm 2004. Đến nay, Trịnh có sáng tác thêm một số bài như ‘Em ở nông trường, em ra biên giới’, ‘Em còn nhớ hay em đã quên’, ‘Huyền thoại mẹ’, ‘Nhớ mùa thu Hà Nội’, ‘Em là hoa hồng nhỏ’… 
Nếu không nhầm thì Trịnh có bà con ở Kon Tum, vì có một hôm lang thang (2007), mình ghé một khu nhà cho thuê nào đó, thấy có hình chụp chung giữa Trịnh (người nhỏ con, ốm, cao khoảng 1,6m, mặc áo jacket, hút thuốc lá…) và một phụ nữ, mà theo chị thì anh là bà con của gia đình chị.
Năm ngoái, có một ‘xếp’ nói là thích bài ‘Lời thiên thu gọi’ với các lời nhạc sau: ‘Lòng ta có khi tựa như vắng ai. Nhiều khi đã vui cười. Nhiều khi đứng riêng ngoài. Nhiều đêm muốn đi về con phố xa. Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà. Giòng sông trước kia tôi về. Bỗng giờ đây đã khô không ngờ. Lòng tôi có khi mơ hồ. Tưởng mình đang là cơn gió…’, đọc kỹ lời của cả bài hát, mình cảm thấy lời nhạc của anh rất là sâu sắc.

(Trịnh Công Sơn và Khánh Ly)

Sau khi Trịnh qua đời, có nhiều tin đồn về các mối tình trong ‘cõi tạm’ của anh với nhiều ‘người đẹp’ như: Khánh Ly, Diễm, Quỳnh Hương, Nguyệt, Bích Khê, Hoàng Lan, Michiko, V.A, Dao Ánh, Hồng Nhung... và vài ba tin đồn 'khác’ không thuộc phạm vi của bài viết này. Vì khi Trịnh Công Sơn yêu sôi nổi thì mình mới chập chững yêu, nên những ‘bút ký’ về việc ‘sa lưới tình’ của anh thì mình dành cho thế giới mạng.

1. Tình yêu giữa ‘Bống’ (Hồng Nhung) và Trịnh:

(Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung)
Mùa thu một góc của riêng em
Con đường lá rụng nắng êm đềm
Cây cao rậm lá che em mát
Mộng bóng hình anh tựa dáng mềm
(NGLB)
‘Lần đầu tiên đứng trước nhau, cả tôi và anh Sơn đều run. Tôi run vì quá trẻ và Sơn run vì anh quá... già!’ hay ‘Và ở giữa hai chúng tôi chắc chắn là có một tình yêu, nhưng tình yêu đó như thế nào thì tôi giữ riêng cho mình’ (Hồng Nhung).
'Người khiến ông hạnh phúc nhất và đàn ông nhất là Hồng Nhung. Có những hôm hai người giận nhau, nhạc sĩ sinh năm 1939 tìm đến nhà Hồng Nhung, thấy cô đi vắng ông buồn bã cả ngày. Dương Minh Long bèn bày kế hẹn Bống đến nhà ăn cơm không nói cho cô biết, Trịnh cũng có mặt ở đó. Bình thường, tác giả ‘Đóa hoa vô thường’ là chúa sai hẹn nhưng hôm đó, mới 9h30, ông đã gọi điện hỏi nhiếp ảnh gia chuẩn bị xong đồ ăn chưa rồi đi taxi đến chờ mấy tiếng đồng hồ. 11h Hồng Nhung đến, hai người vừa gặp nhau đã bắt tay, ôm hôn quên hờn giận. Tình cảm của Trịnh Công Sơn với người con gái bé nhỏ Hà Nội từng được gói gọn trong câu hát ‘Ru em ngồi yên đấy, tôi tìm cuộc tình cho’. Vì thế, sự rời bỏ của Hồng Nhung làm Trịnh Công Sơn vô cùng đau đớn… Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, mẹ nuôi của Bống, người từng có công thông báo với báo giới về chuyện tình Hồng Nhung - Trịnh Công Sơn chia sẻ thêm rằng, sự chia tay này lỗi không phải ở Hồng Nhung hay Trịnh Công Sơn mà là ‘Hồng Nhung không thể không đi lấy chồng vào một lúc nào đó. Ngày Nhung cưới, Sơn ốm nặng không thể đi được...’. Ngày ông mất, Hồng Nhung đang dở hợp đồng biểu diễn tại Australia, bay về đưa tang rồi lại gạt nước mắt mà đi. Khi ấy, Nhung đang làm dở album ‘Thủa Bống làm người’… (Dương Minh Long - nguồn 2)

2.Tình yêu giữa Dao Ánh và Trịnh:

(Trịnh Công Sơn và Dao Ánh)

Một dòng đời chẳng có lần thứ hai 
Có lúc em đi trước và anh đi sau
Có lúc em đi sau và anh đi trước
Có một ngày ta đi ngang đời nhau
Em hiểu không phải mỗi lần sóng vỗ
Là bờ cát mềm trăn trở nức nô 
Hãy để mọi thứ trôi đi anh nhé
Hãy để tình ta như sóng gợn mặt hồ
(NGLB)
Ngô Thị Dao Ánh là em gái ruột của ‘Diễm xưa’ (Ngô Thị Bích Diễm). ‘Trong cuộc đời anh Sơn, một cô gái mà gia đình xác định là tình yêu sâu đậm của anh là người đẹp Dao Ánh. Anh tôi viết ‘Hạ trắng, Mưa hồng, Còn tuổi nào cho em’ xuất phát từ tình cảm đó, nhưng bản thân Dao Ánh chưa bao giờ lên tiếng về điều này. Những tình yêu chân thật không nên phô bày mà cần được nâng niu. Sống trong cuộc sống, theo quan điểm của tôi, im lặng là vàng. Trong cái im lặng đó, mình sẽ hiểu nhau’ (Trịnh Vĩnh Trinh - nguồn 2).

(Trịnh Công Sơn và Trịnh Vĩnh Trinh)
Sau đây là một số thư trích của Trịnh gửi cho Dao Ánh (Nguồn 2):
-‘Ánh ơi, bỗng nhiên anh thấy nhớ Ánh mênh mông… Sao con đường không ngắn hơn để anh có thể quay về đó thường xuyên nhìn thấy Ánh. Nhìn Ánh cười, Ánh buồn, Ánh nói, Ánh đi… Giờ này Huế có mưa không. Mùa đông đã về chưa cho bàn tay Ánh lạnh như một đêm mưa nào anh đã giữ bàn tay Ánh và bảo lạnh vô cùng. Ánh ơi anh còn gọi đến bao giờ như thế. Cầu mong Ánh bình an và thản nhiên như núi rừng, mặt trời và toumesol - hoa hướng dương’ (thư của TCS, ngày 26/10/1964).
-‘Anh vừa viết xong một bản nhạc cho Ánh: Ru mãi ngàn năm, Ru em từng ngón xuân nồng’ (thư của TCS, ngày 26/2/1965).
-‘Bây giờ đã quá khuya… anh cũng phải quyết định một lần cho Ánh lẫn cho anh… Anh cam đành là kẻ bội bạc để mở ra cho Ánh sự ngạt thở bấy lâu trong đó người này hay kẻ kia đã cố gắng đóng cho trọn vai trò của mình. Cho đến phút này anh vẫn cảm thấy chỉ riêng mình anh đã sống thật hồn nhiên trong tình yêu đã qua. Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây. Hãy xem mọi lầm lỗi đều ở anh cả… Cũng đành vậy thôi. Anh đã nhìn tình yêu ở độ cao nhất của thủy triều. Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được…’ (thư chia tay của TCS viết năm 1967).

3. Tình yêu giữa Hoàng Anh và Trịnh:

(Trịnh Công Sơn và Hoàng Anh)
Ai trồng giậu mồng tơi cao
Bên kia ai mộng, bên này ai mơ
 
Chiều tà nắng đã rụng rơi
Bóng đêm lấp ló chân trời xa xa 
Dư âm còn mãi trong ta
Nhói đi, nhói lại, nhói hoài không phai

Ai chờ ai suốt đêm ngày
Lưới tình giăng bẫy, cỏ may bám người

(NGLB)
Hoàng Anh là ‘thiên thần bé nhỏ’ cuối cùng trong ‘cõi tạm’ của Trịnh: ‘Em là nhật nguyệt từ đây. Tuổi mười chín ấy cũng phai phai người’ (TCS), nhưng đó chỉ là tình yêu đơn phương, nàng chưa hề là người tình của Trịnh!.
‘Nhạc sĩ họ Trịnh gặp Hoàng Anh lúc cô mới 14 tuổi, ông thường ghé nhà cô chơi, qua trò chuyện, ông và cô thấy rất hiểu nhau. Có những vấn đề khi bàn đến, Hoàng Anh không hiểu thì ngay lập tức cô sẽ tìm cách để đọc và sau đó đồng cảm cùng ông. Cứ như thế, đến khi Hoàng Anh trở thành một thiếu nữ 17 tuổi, tình cảm ấy thăng hoa và họ thành tri kỉ. Mối tình này khiến cô rất hạnh phúc bởi lẽ cô thấy mình yêu được một người đàn ông quá tài hoa, uyên bác. Cô nói gì ông cũng hiểu và thậm chí chỉ cần Trịnh Công Sơn nói một câu cũng đủ làm cô âm ỉ sung sướng cả ngày. Tình yêu của cô đối với Trịnh Công Sơn được thể hiện qua những quan tâm của cô với ông ấy hàng ngày. Biết ông sống một mình, cô hay gọi điện cho một người bạn hay ca sĩ nào đó qua ăn cơm cùng ông vì cô không thể lúc nào cũng ở bên nhạc sĩ. Nhiều không nhờ được ai, cô điện hỏi thăm, ông nói: ‘Buồn là nghề của tôi rồi’, vậy là Hoàng Anh lại bỏ hết mọi việc để đến bên ông’ (Nguồn 4)
‘Hiện tôi vẫn để ảnh tưởng nhớ Trịnh Công Sơn trong phòng ngủ, nhưng chồng tôi không bao giờ thắc mắc, mà luôn tôn trọng thế giới riêng của tôi (Hoàng Anh).


4. Tình yêu giữa Trịnh Công Sơn và Trần Vân Anh:
'Những năm 90 thế kỉ trước, Trịnh Công Sơn còn có mối sét đánh với Trần Vân Anh, và ông đã có ý định cưới cô làm vợ. Năm 1990, Trịnh Công Sơn được mời làm giám khảo cuộc thi Hoa hậu Tiền Phong, Trần Vân Anh là thí sinh dự thi, đã đoạt giải á hậu. Theo lời nhà thơ Dương Kỳ Anh, Trịnh Công Sơn đã “mê” Vân Anh ngay từ lần gặp đầu: “ngay cái nhìn đầu tiên trong đêm thi hoa hậu, Trịnh Công Sơn đã trầm trồ: Đẹp quá”. Sau cuộc thi, Trịnh Công Sơn và Vân Anh có thời gian mật thiết cùng nhau. Ông đã định cưới cô gái kém mình 30 tuổi, hôn lễ đã chuẩn bị gần xong, nhưng đến phút cuối, ông lại khước từ hạnh phúc gia đình...'


Một số nhận xét về Trịnh Công Sơn (Nguồn 1):
-‘Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ có nhiều người hâm mộ nhất. Đi đến đâu, tôi cũng thấy người ta hát ca khúc của anh. Nhạc Trịnh không chỉ ngự trị khắp mọi xó xỉnh của xứ Việt này mà còn len lỏi đến tận những ngóc ngách sâu thẳm nhất trong cõi tinh thần của người Việt ở Hải ngoại. Dường như ở đâu, Trịnh Công Sơn cũng có người yêu mến (Trần Đăng Khoa).
-‘Nhạc Trịnh Công Sơn là nhạc nói về quê hương, tình yêu và thân phận con người…Tình yêu trong nhạc của anh là những cảm xúc dữ dội như trái phá con tim mù lòa, như nỗi chết cơn đau thật dài, như vết thương mở rộng... Cuộc đời là hư vô chủ nghĩa, con người sống trong cảnh Chúa, Phật bỏ loài người. Cuộc đời còn là đám đông nhưng cũng là quán không. Con người là cát bụi mệt nhoài, bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi... Tất cả nói lên sự muộn phiền, đau đớn... buồn tủi cho thân phận con người nên nhánh cỏ cũng xót xa, phiến đá cũng ưu phiền, và chỉ còn những mưa và mưa để xoa dịu vết thương mở lớn!... Trịnh Công Sơn nói lên nỗi bàng hoàng của con người khi thấy cái chết nằm ngay trong sự sống… Về phần nhạc, toàn thể ca khúc Trịnh Công Sơn không cầu kỳ, rắc rối vì nằm trong một số nhạc điệu đơn giản, rất phù hợp với tiếng thở dài của thời đại... Cả nhạc lẫn lời, cả xác chữ lẫn hồn thơ, nghe bảng lảng, mơ hồ khó phân định…’ (Phạm Duy).
-‘Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người của thơ ca bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ... Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra (Văn Cao).
-‘Nhạc anh Sơn rất đặc biệt. Bài nào cũng chỉ phất phơ có mấy nét thôi, cứ như là nhạc của trẻ con ấy. Nhưng nghe là nhớ ngay. Trịnh Công Sơn đã đạt được đến độ cao nhất của nghệ thuật. Đó là sự giản dị... Người hát hay nhất nhạc Trịnh chính là Trịnh Công Sơn. Sau Trịnh mới đến Khánh Ly. Sau Khánh Ly là không còn ai nữa. Hồng Nhung chỉ hát tàm tạm được một đôi bài... Tôi rất yêu nhạc Trịnh, yêu như một tín đồ của anh ấy. Nhưng cũng phải thành thật mà nói rằng, nhạc Trịnh nghe lẻ từng bài thì hay. Nhưng nghe cả một cuộn băng thì lại thấy mệt vì đơn điệu. Ông Văn Cao của các anh đa dạng hơn nhiều, phong phú hơn nhiều, mặc dù so với Trịnh Công Sơn, ông ấy viết rất ít...’ (Frank Gerke).


Vì đi làm liên miên suốt hơn 15 năm cho đến nay, nên mình ít quan tâm đến nhạc Trịnh, chỉ trừ khi đi hát Karaoke thì có một số người hát nhạc Trịnh. Tuy nhiên đi hát Karaoke mà hát hoài nhạc Trịnh thì chán lắm!, vì cần phải biết thêm nhạc thời trang, và vì sau Trịnh, có rất nhiều bản nhạc mới rất hay nhưng có một số người không biết (nhưng ở hải ngoại lại biết nhiều) như: ‘Vì đâu mình mất nhau’, ‘Đã không yêu thì thôi’, ‘Dằm trong tim’, ‘Sao lại nhắn nhầm máy anh’, ‘Cung đàn có em’, ‘Chiếc khăn gió ấm’, 'Chuông gió', ‘Mười hai giờ’, ‘Bà tôi’...
Với những từ có vẻ ‘mơ hồ’ như: cõi tạm, một cõi đi về, hạ trắng, cơn mưa hồng, thuở hồng hoang, dấu địa đàng, cánh vạc bay, trái phá con tim mù lòa, nỗi chết cơn đau thật dài, cát bụi mệt nhoài, bao nhiêu năm làm kiếp con người, thiên thu là một đường không bến bờ…, sau năm 1975, một số người nói nhạc Trịnh là ‘nhạc vàng’, còn ‘ý tưởng!’ của Trịnh thuộc loại hư vô, siêu thực hay hiện sinh (từ Phật/Thiền, Jean Paul Sartre, Albert Camus...), nhưng vào thời đó, nhận xét này cũng là bình thường thôi.
Trịnh Công Sơn nói: ‘Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo...’, hay ‘Cái chết chẳng qua cũng chỉ là một sự đùa cợt sau cùng của cuộc sống’... 
Không thể nói nhạc Trịnh hoàn toàn là nhạc tình mặc dù anh là ‘người Việt viết tình ca hay nhất thế kỷ’ (Thanh Tùng) hay ‘tình ca Trịnh Công Sơn không hẳn chỉ là một bông hồng dâng tặng - nó chứa đựng tất cả tâm trạng lo âu của con người nhìn ra thế giới hiện đại’ (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Không ít bản nhạc của anh có nhiều nét nói về ‘thân phận con người’: ‘nhạc Trịnh Công Sơn là những bản tình ca không có hạnh phúc, những bài hát cho quê hương đổ vỡ. Cũng là phản ứng của người đau đớn trước hoàn cảnh đất nước, nhưng nó là sự chịu đựng và chết lịm hơn là sự nổi sùng và chửi bới…’ (Nguyễn Đình Toàn). Ngoài ra, anh còn có một số bài hơi ‘phản chiến’ như: ‘Gia tài của mẹ’, ‘Huế - Sài Gòn - Hà Nội’, ‘Dựng lại người dựng lại nhà’, ‘Hát trên những xác người’, ‘Người con gái Việt Nam da vàng’… mà được học sinh/sinh viên trước 1975 hát nhiều.

Mình rất thích các mối tình của Trịnh Công Sơn, mặc dù chúng đều 'dang dở', nhưng dường như với thế giới mà anh sống, trông chúng... phóng khoáng hơn. Và theo mình, khó có thể mà nói Trịnh là một ‘nhà ý niệm’ hay là một ‘tư tưởng gia’. Những lời nhạc nằm rãi rác trong các bài như như ‘Cát bụi’, ‘Dấu chân địa đàng’, ‘Cỏ xót xa đưa’, ‘Mưa hồng’, ‘Lời thiên thu gọi’… của anh xuất phát từ kinh nghiệm sống, từ cảm hứng và tự nhiên, nhẹ nhàng, ‘dễ thương’, nhưng thâm trầm sâu sắc và dễ đi vào lòng người, đặc biệt là Trịnh không hề hoa mỹ hay cố ý nói về một thứ triết lý nào đó…
-------------------------------
Các nguồn tham khảo chính:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét