Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

255. Hạnh phúc có cần triết lý không?


Dạ khúc chiều buông, liễu thoáng gầy
Hoàng lan tỏa nhẹ, thoảng hương bay
Mùa thu nơi ấy ôi xa quá
Lụy dáng hình ai, sao muốn say
Ai ơi, anh có khóc nhiều rồi
Mùa đông chưa đến, sầu lên ngôi
Nước nghe róc rách, lòng tê tái
Mơ tưởng về ai, rung đôi môi
(Sầu lên ngôi - NGLB)
Năm 25 tuổi, LB bị chấn thương ‘não bộ’ mà đáng lẽ từ thời điểm đó, LB không xuất hiện ngoài xã hội nữa, nhưng nếu LB không đi làm thì ai nuôi mình! Nhưng LB vẫn không… chết (xin đọc entry ‘Có lúc mình mơ ước’ và 'Khi nhà gom lá bàng chết', đường dẫn cho ở dưới), LB đã cố gắng vượt qua số phận và vẫn làm việc được tí tí cho đến nay!!!
Có nhiều người hỏi tại sao mình lại là ‘nhà gom lá bàng’?, xin trả lời, thứ nhất: lá bàng rơi rụng đầy đường nên không mang tính ‘cá  nhân’, thứ hai: lá bàng có thể là bất cứ ai nên nói chung là LB chấp nhận quan điểm của mỗi người mà mình tiếp xúc như nhìn một chiếc 'lá bàng', dĩ nhiên là trừ những trường hợp quá cực đoan...
Gần đây, LB có viết 255 entry với mục đích… ‘trăn trối’, hì..hì…, thiết nghĩ LB quan niệm mình là một người đã chết thì việc làm mất lòng vài người trong số 11.299 ‘blogger’ có quan hệ với mình qua blog này - chỉ là vô tình. Vì LB cũng là con người nên có đầy đủ thất tình lục dục, nhưng LB không bao giờ đồng ý việc lấy suy nghĩ cá nhân của mình để áp đặt lên hạnh phúc của người khác, vì thế LB thấy ai vui thì LB vui, và LB luôn đề cao chân lý và khát vọng sống, đặc biệt là tình yêu.
Lâu ngày không thấy dáng duyên duyên
Mưa buồn, mây xám, trời nghiêng nghiêng
Lạc vào đôi mắt mơ màng ấy
Chả chốn đào nguyên cũng cõi thiền
Hoa cúc ngày xưa dáng lạ thường
Năm qua tháng lại có người thương
Người xa xưa ấy giờ không thấy
Dính nợ tình ai, ai tơ vương
(Nợ tình - NGLB)
(Hạnh phúc có gắn liền với triết lý không?)

1. Mình mới gặp một sự kiện hơi kỳ lạ. Đó là mình có gặp và quan sát một người (gọi là X). Nhà X ở Bình Dương, gần khu bệnh viện 512 giường (hay 412 gì đó). X rất ham vui và thích tụ tập bạn bè, như sau:

Có lần X mời mấy người bạn đến nhà ăn tối, có tất cả 4 người ăn. Ông 1 nói thích ăn thịt chó, X bèn mua 4 suất thịt chó; ông 2 nói thích ăn bò kho, X bèn làm 4 suất bò kho; ông 3 nói thích ăn gà hấp chanh, X bèn đặt 1,5kg thịt gà (hơn 4 người ăn); còn ‘ông’ 4 (tức là X) nói thích ăn cá, X bèn làm 2kg cá to (hơn 4 người ăn). Như vậy là 4 người phải ăn hơn 16 suất!, nên khi mọi người ăn xong thì thức ăn còn thừa là 75%, nói chung cuối cùng là phải đi đỗ thùng… rác, hay chờ đến ngày mai để cho ai đó! Mình mới nhận định là X không biết tính toán ‘kết hợp’ các nguồn lực khác nhau cho có hiệu quả.

Có lần X dẫn một nhóm người đi ăn, X nói nhà hàng đó mình đã đi ăn nhiều lần rồi, ngon lắm. Khu trung tâm nhỏ xíu, có mấy con đường chính, thế mà X đi nhầm đến 2-3 lần mới tìm được nhà hàng mà X hay ăn. Mình mới nhận định là X không biết ‘định hướng’ và không tập trung vào mục tiêu chính.

Mỗi lần nghe đâu có cuộc vui là X hớn hở đến tham gia ngay, X nói chuyện huyên thuyên, có lúc quên cả giờ về, mặc kệ, cứ vui là được, dĩ nhiên là những người mà X đến chơi là phải cùng đẳng cấp, ví dụ mấy người nhà giàu, làm lớn…, chứ X ít khi chơi với người nghèo hay người có tài mà … nghèo, mà cái này chỉ là quán tính thôi, chứ X cũng không kỵ người nghèo. Mình mới nhận định là X không hiểu thế nào là nhân tài hay giá trị thực của xã hội!

Tuy nhiên, X cũng có 2 ưu điểm, đó là: Hễ ai mà nghĩ là X sẽ nhờ cậy thì X sẽ đầu tư (qua lại, quà cáp), thậm chí 5 hay 10 năm sau chưa nhờ vả cái gì X cũng đầu tư. X nghiện tham gia hoạt động xã hội, vì thế X hay giúp đỡ người ta mà khi cần thì người ta cũng sẵn lòng giúp X.

('chợ đời' đầy các loại ảo)

2. Với ba nhận định trước mắt ở trên, mình tạm kết luận là X chả làm nên việc lớn, nếu có làm được thì của cải hay sự nghiệp cũng ra đi sớm. Nhưng ai có ngờ đâu:

Thu nhập của X là 50 triệu đến 100 triệu/tháng, thậm chí có lúc hơn nhiều, X như một đại gia!

Dường như X rất hạnh phúc, vì X quan hệ thoải mái với ‘chợ đời’, vui thì X tham gia ngay, X không hề đố kỵ bất cứ hạng người nào (tất nhiên là trừ người mà X cho là... bất tài hay người nghèo, nhưng không luôn là vậy).

Dường như X rất hạnh phúc, mặc dù đã quanh quanh cái tuổi ‘tri thiên mệnh’, nhưng khuôn mặt X thường trông trẻ măng, tươi rói, X chả cần biết thế nào là ‘triết lý’, chả cần biết thế nào là văn, thơ, nhạc, họa…, nói chung là X chả cần quan tâm đến cái gì là ‘tâm hồn’. 

(mặt mày hớn hở)
Mình sống trong đời chủ yếu là làm công tác ‘xóa đói giảm nghèo’, trong đó có phòng chống HIV, hỗ trợ người khuyết tật, hỗ trợ tìm công ăn việc làm cho những người thiếu cơ hội… mà mình không nhắc trực tiếp nhưng luôn bao hàm trong blog này. Nay mình sắp 'rửa tay gác kiếm' (đã đóng hai mươi mấy năm BHXH) nên mình sẽ có thời gian nhiều hơn để suy tư/chơi blog, đó cũng tạm gọi là 'hạnh phúc' rồi.

Mình quan sát kỹ thì thấy X hạnh phúc thật, giàu có, chắc là sống lâu nữa. Vậy thì đó là hạnh phúc à, hạnh phúc có thể loại bỏ hai chữ ‘triết lý’ hay ‘tâm hồn’ được không? Mình đặt giả thiết:

Nếu X là đàn ông, thường thì trên 50% phụ nữ thích cuộc sống yên tĩnh, nhẹ nhàng, liệu rằng một phụ nữ lấy X mà suốt ngày phải tham gia chốn ‘hội chợ phù hoa’ ồn ào - ổng đã vui ngoài xã hội (kể cả sinh hoạt tình dục) thì về nhà thường ‘không vui’ với vợ con, và ổng không cần đến 2 chữ sâu sắc, liệu rằng vợ của ổng có hạnh phúc không?

Nếu X là đàn bà mà chồng của cổ phải thường xuyên đến chỗ đông người - cổ đã vui với xã hội (thậm chí có khả năng ngoại tình, tư tưởng ‘cơi nới’, đi với ai có 15m thì làm bà ‘tám’ hết trên 15 phút…, mình nói có khả năng thôi) thì về nhà thường ‘cằn nhằn’, không hiểu chồng, hay ‘hối’ chồng làm cái này cái nọ, nếu lỡ ổng có chơi blog (hay thơ/văn/nhạc/họa…) thì mấy khi được tĩnh tâm mà chơi, và cổ cần phải sống cho có ‘đẳng cấp’ mà không có nhiều thời gian suy tư, liệu rằng chồng của cổ có hạnh phúc không?

Nếu X làm lớn, tương đương bộ trưởng chẳng hạn, liệu rằng X có đủ tầm nhìn và đủ hiểu nỗi khổ của dân và đem lại hạnh phúc cho dân không?

(có phải X đang hạnh phúc?)

3. Như đã kể ở trên, dù sao X vẫn đã, đang và sẽ hạnh phúc, vấn đề quả là quá nan giải, nó có vẻ nghịch lý với khái niệm ‘triết lý’ và ‘tâm hồn’. Và nghịch lý hơn khi những người có ‘đầu óc’ thường phải ‘khổ’, Hemingway, Jack London hay Mai-a-cốp-xki… phải tự tử vì suy nghĩ quá nhiều về ‘cuộc đời vô nghĩa’ này…, bố ai mà hiểu được!

(một số triết gia tự tử)
Cô bé ơi, hết hờn chưa?
Sáng nay nhớ bé, mưa vừa phủ qua

Vu vơ con gái ấy mà
Tơ lơ mơ vậy thì ra tuyệt vời

Tháng này mưa lắm bé ơi
Ngồi nơi phòng vắng, rụng rời nhớ ai

Ngồi cả ngày, nhớ không phai
Nhớ sao là nhớ, nhớ hai mắt buồn

(Cô bé ơi - NGLB)
Cuối cùng, hình như mỗi người chọn một cách sống phù hợp với mình mà do đó, người đó có ít nhiều hạnh phúc, nói có 'màu sắc hơi hư vô' là cuối cùng ta chết đi cũng không có gì, cuộc đời là vậy, không có gì là không có gì, còn nói theo kiểu hơi tích cực là suy nghĩ chi cho nhiều, hãy thuận theo tự nhiên mà sống và... hãy yêu khi còn có thể!
----------------------
-Entry 153: ‘Có lúc mình mơ ước’: http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/161771/index
-Entry 249: ‘Khi ‘nhà gon lá bàng chết’: http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/1040566

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét