Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

250. Công tử Bạc Liêu và ‘Đóa phù dung khát gió’

Mỗi bước chân em, sen rơi từng đóa
Ta đỡ gót chân, xáo động lòng tà
Hương em rơi xuống, hồn ta rên rỉ
Chẳng biết gì, vội chết cõi thiên thai.
Khi đi ngang Bạc Liêu, mình thường ghé khu nhà hàng ở kế bên nhà ‘Công tử Bạc Liêu’ để ăn uống. Ở đấy, chúng mình nghe đủ thứ truyền thuyết về ‘anh’ như ‘đốt tiền nấu trứng’, chuyện tranh giành ‘người đẹp’ giữa Hắc công tử và Bạch công tử (chuyện ‘Hắc-Bạch công tử’), chuyện một trong những đứa con của anh sau này làm nghề ‘xe ôm’… Nhờ đọc các tư liệu, mình mới biết được ‘Tứ đại mỹ nhân’ Sài Gòn từ đầu thế kỷ 20, họ là ai? Ngoài ra, 'Đóa phù dung khát gió' là nói về ai?
 
Công tử Bạc Liêu tên là Trần Trinh Huy (hay Anh Ba Huy, Hội đồng Ba, Hắc công tử…), sinh năm 1900, mất 1973. Cha anh là Trần Văn Trạch, còn gọi là Hội đồng Trạch, người gốc Triều Châu (bên Tàu), nhờ lấy vợ và làm con rể của ông Phạm Văn Bì - vua lúa gạo Nam Kỳ’ - mà sau đó trở thành một trong 4 đại điền chủ giàu nhất Nam Kỳ, thời đó dân gian có câu ‘Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Trạch’ để chỉ 4 đại điền chủ đó.
Anh có đi học ở Pháp khoảng 3 năm, nhưng ở bên ấy mãi lo ăn chơi nên về nước không có bằng cấp gì (trừ bằng lái máy bay!), mà còn mang theo một ‘vợ Tây’ và một con. 
Anh là người tính tình thoải mái, thường thoáng trong việc đòi nợ nông dân nên ít người ghét, anh coi tiền như rác và có lẽ là người đầu tiên tổ chức hội thi ‘Hoa hậu miệt đồng’ (người đẹp du xuân) ở đồng bằng sông Cửu Long (wikipedia).
Thời đó, các con của các đại điền chủ thường ăn chơi xa hoa trác táng, trong đó có Công tử Bạc Liêu là tay ăn chơi  khét tiếng nhất ở Sài Gòn và miền Tây vào thập niên 1930, 1940. Anh ham ăn nhậu (uống rượu sâm banh rất đắt tiền), mê đánh bạc, có khi anh đánh một cây bài đến 30.000 đồng Đông Dương (tương đương với 500 cây vàng thời đó).
Anh có thú chơi xe, có các xe như Ford Vedette, Peugeot thể thao (vào thời đó chỉ có 2 chiếc, trong đó có 1 chiếc của Bảo Đại), và là người Việt đầu tiên có máy bay để phục vụ cho việc quản lý 145.000 hecta ruộng lúa và hơn 10.000 hecta ruộng muối, máy bay đó giống loại máy bay L19.
Anh nói: ‘Nhà mình có trên trăm ngàn mẫu ruộng, làm ăn suôn sẻ không nói làm gì, rủi gặp thiên tai như sâu rầy, cào cào, châu chấu thì sao? Ở bên Tây khi du học tôi thấy họ dùng máy bay loại nhỏ để xịt thuốc sát trùng giữ lúa vì thế tôi đặt mua một chiếc để xài’. Theo anh Trần Trinh Huy - con của Công tử Bạc Liêu (hiện ở phường 8, quận 3, Sài Gòn) thì chiếc máy bay lúc đó giá là 14.000 đồng (người Pháp gốc Việt được giảm giá 50%), như vậy là ba anh mua với giá là 7.000 đồng, khoảng 1.200 cây vàng thời đó (nguồn: Cô Ba Trà, đường dẫn bên dưới). 
Cũng theo anh Trần Trinh Huy thì ba anh có con với 4 bà, riêng người vợ thứ 4 là một ‘cô gánh nước’ xinh đẹp kém anh đến 50 tuổi!, và đây cũng là mối tình cuối cùng của anh.
Công tử Bạc Liêu mất vào năm 1973 vì bị bệnh suyển (hay bệnh thận) tại căn nhà ở đường Nguyễn Du, Sài Gòn.  

Vào đầu thế kỷ 20, có ‘tứ đại mỹ nhân Sài Gòn' là Kì Nam, Nam Phương và Marianne Nhị và Cô Ba Trà.
-Kì Nam là con gái ông chủ khách sạn Temninus ở Nha Trang, nàng có sắc đẹp ‘hớp hồn’ nam giới, trong đó có Hoàng tử nước Lào (gặp vào năm 1934), mà sau này nàng trở thành phu nhân của Hoàng thân Suphanouvong.
-Nam Phương hoàng hậu hay Mariette Jeanne Lan, lấy Bảo Đại năm 1934, là biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam thời đó, và là một trong 5 bà 'vợ' của Bảo Đại có nhan sắc hoàn mỹ mà đã được báo Tân Hoa Xã, Trung Quốc vừa đăng tải hình ảnh và dành lời ngợi khen (xem entry 'Nam Phương Hoàng hậu', NGLB).
-Marianne Nhị (còn gọi là Tư Nhị) từ Nông Pênh chuyển sang Việt Nam và được Cô Ba Trà nâng đỡ. Là người gốc Khơ-me lai Việt, với vẻ đẹp đậm đà và hoang dại, nàng nhanh chóng thâm nhập vào thế giới thượng lưu ở Sài Gòn thời đó, chẳng bao lâu sau, nàng ‘gom’ được người tình là một tay trùm buôn lậu thuốc phiện khét tiếng ở Đông Dương, và chẳng bao lâu sau, năm 1946, ‘con thiêu thân cái hoang dại và lóng lánh’ này tàn tạ nhan sắc và biến mất vô hình trong một xó xỉnh nào đó ở Sài Gòn!
Cô Ba Trà (tức Trần Ngọc Trà) sinh năm 1906, quê ở Cần Giuộc (tỉnh Long An). Từ  nhỏ, ba nàng nghi mẹ nàng ngoại tình nên không nghĩ nàng là con gái ruột của mình. Sau khi ba nàng mất, nàng bị bà nội và bác hất hủi, sỉ nhục, mẹ thì đánh đập tàn nhẫn. Có lẽ vì thế mà sau này nàng coi đời ‘lạnh như băng’ và lúc nào cũng cần có người yêu, điều đó rất đúng về mặt tâm lý và các nhà thơ hay nhà văn cũng rất đúng khi gọi nàng là ‘Đóa phù dung khát gió’ (Lan Ngọc - nguồn: Cô Ba Trà).
Em thổn thức nhớ ai
Mà có tiếng thở dài
Chiều mưa rơi nhè nhẹ
Bỗng cần một bờ vai 
Sài Gòn trời mưa chiều
Ngồi lặng lẽ buồn thiu
Ước gì có anh đến
Em dâng dáng mỹ miều. 
Nàng là đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn thời ấy - một tuyệt thế giai nhân khuynh quốc khuynh thành và vô cùng thu hút mà 'cánh báo chí, nhà văn tốn biết bao nhiêu giấy mực để miêu tả vẻ đẹp của cô Ba Trà, nào là cô ấy đẹp lắm, đẹp đổ quán xiêu đình, đài các như một bà hoàng, quần áo lụa cùng màu, có quàng khăn voan mỏng, ngồi trên xe mui trần lượn trên đường phố Sài Gòn. Vẻ đẹp đó làm mê hoặc bất cứ người đàn ông nào, bao gồm các tay chơi hào hoa khắp cả Nam Vang, Băng Cốc' (nguồn: Cô Ba Trà).
Sức thu hút đó mạnh đến nỗi mà đàn ông phải ‘xếp hàng’ để được gặp 'nữ hoàng', thậm chí phải ‘xếp gạch’ (theo cách nói miền Bắc thời bao cấp, là 'đặt cục gạch để chiếm chỗ' để mua gạo ở các cửa hàng lương thực, nói nôm na là chưa đủ tư cách để xếp hàng): ‘Những ai được quen biết hay cô hạ cố giao thiệp đều xem đó là một niềm vinh dự để chứng minh đẳng cấp, đủ để hiểu ngoài việc xinh đẹp cô còn là một thương hiệu hiếm có, có lẽ do thông minh và hiểu tâm lý đàn ông…’ (Vương Hồng Sển - ‘Sài Gòn tả pí lù’). 
Nàng được mệnh danh là ‘bà hoàng’ của vũ trường và sòng bài Sài Gòn vào đầu tk20, mà nick của nàng được ghép với tên của một diễn viên điện ảnh Pháp (!) nổi tiếng, đó là ‘Yvette-Trà’, ngoài ra nàng còn được mệnh danh là ‘Étoile de Saigon’ (Ngôi sao Sài Gòn)... 
Nàng có quá nhiều người tình đến nỗi không nhớ xuể, cô chỉ chia cho mỗi người một mảnh tình rách để vắt vai cho đỡ buồn, chứ không dành trọn quả tim cho ai, ví dụ sau đây là các tay có ‘số má’: Công tử Toàn, con trai tỷ phú đất Phan Rang. bác sĩ Trần Ngọc Án, Hắc công tử, Bạch công tử, thương gia trẻ Lâm Kỳ Xuyên, con trai của đại điền chủ Trần Trinh Bạch ở Bạc Liêu, công tử Bích, chủ nhà băng Đông Pháp (chi nhánh Cần Thơ), quan tòa Trần Văn Tỷ, trạng sư Dương Văn Giáo, bác sĩ Lê Quang Trinh, Nguyễn Văn Áng, chủ sòng bạc Paul Ngọ tức Sáu Ngọ… Trong danh sách đó, công tử Toàn là mối tình đầu của cô. Sau này cô nói: ‘Tôi gặp không biết bao nhiêu (người đàn ông) mà đếm, nhưng anh Toàn, tôi còn nhớ mãi không quên’ (nguồn: Cô Ba Trà). 
Ngoài ra, nghe đồn học giả Vương Hồng Sển (1902-1996) cũng yêu thầm nhớ trộm nàng qua bài thơ 'Khen cha chả' như sau:
Khen cha chả! Khuôn trăng đầy đặn
Càng nhìn lâu càng mặn nét hồng
Còn trời, còn biển, còn sông
Còn câu tình ái, còn lòng tương tư.
Nghĩ cũng tệ sao đi không nói?
Để lại chi mấy đọi sầu phiền
Vật đi còn chút tình riêng
Nàng đi nàng để cho nghiêng ngửa lòng
Lửa đã nhúm khó trông dụt tắt
Kể từ đây bặt bặt giấc tiên
Ngày sầu mấy khắc nào yên
Đêm trông canh lụn càng điên đảo lòng! 
Bao nhiêu tiền của mà các đại gia tự nguyện cống hiến, nàng hầu như nướng hết vào sòng bạc, khi thua cháy túi, nàng còn biện hộ ‘tiền của như bụi đất - tình nghĩa mới thiên thu’! Có ‘quái nhân’ họ Lương xây riêng một biệt thự sang trọng để ‘vui vẻ’ với nàng, đặt tên là ‘Nguyệt Tiên Cung’ mà sau này trở thành tụ điểm ‘sung sướng’ và đánh bạc của nàng…
Ngoài ra có giai thoại tội nghiệp nhất là anh chàng triệu phú trẻ - thương gia Lâm Kỳ Xuyên, làm ra bao nhiêu tiền, chàng đều đặt vào tay nàng để rồi dần biến mất vào sòng bạc. Lúc trắng tay, nàng xuống Cần Thơ hỏi mượn Xuyên đến 40.000 đồng (khoảng 660 cây vàng hồi đó), chàng chạy vạy khắp nới để dồn đủ đưa cho nàng. Nhưng ‘ai có ngờ đâu’, vừa trông thấy Bạch công tử, nàng liền chạy theo, bỏ chàng ở lại một mình đến ngỡ ngàng!...  

Cuộc ‘đại chiến’ giữa Hắc công tử và Bạch công tử:
Như đã nói ở trên, Hắc công tử chính là Công tử Bạc Liêu, anh có nước da ngăm đen, người lực lưỡng, cao khoảng 1,7m, mày rậm, và tràn đầy… sinh lực. Còn Bạch công tử có tên là Lê Công Phước hay George Phước, dân Mỹ Tho (Tiền Giang), con trai của Đốc phủ Lê Công Sủng, người ta gọi chàng là Bạch công tử (da trắng) để phân biệt với Hắc công tử (da đen). Hai chàng đều mê Cô Ba Trà như điếu đổ, cạnh tranh nhau tặng quà cho nàng, hễ chàng này tặng món qùa này là chàng kia lập tức tặng món qùa khác đắt hơn. Có các giai thoại như:
-Hai chàng thì nhau đốt tiền nấu sôi nồi chè trước mặt người đẹp, kết quả là Bạch công tử thắng. Tính sơ bộ, số tiền mỗi người bỏ ra đốt để nấu sôi 1kg chè trong 1 tiếng đồng hồ là khoảng 5.000 đồng Đông Dương (hơn 83 cây vàng), nếu tính theo giá lúa thì tương đương với khoảng 300 triệu đồng ngày nay!
-Có một lần Bạch công tử tặng nàng một chiếc nhẫn kim cương trị giá 3.000 đồng (= 50 cây vàng), Hắc công tử tức quá tặng một chiếc nhẫn kim cương khác trị giá gấp đôi, không ngờ nàng không đeo nhẫn của ai cả, mà đem bán rồi ‘lạnh lùng’ ném vào sòng bạc, cả hai chàng đều chịu sầu:
‘Đang lúc cô Ba Trà, một người con gái có sắc đẹp làm xao xuyến tâm hồn Bạch công tử, thua bài sạch túi, ông trưởng giả lớn tuổi chưa kịp cung phụng tiền bạc tiếp để vừa lòng mỹ nhân, Bạch Công tử lù lù lái xe lại nhà cô Ba Trà, rủ xuống Cần Thơ ăn cá cháy và đánh bài gỡ bạc.
Hai người vừa xuống đến quán Bungalows ở Cần Thơ, máy xe chưa nguội thì chiếc Sport tám máy của Hắc Công Tử cũng vừa tới, thắng cái két. Cả hai lâm vào cảnh khó xử, việc chiếm được mỹ nhân chỉ còn cậy vào tài chinh phục của bản thân mình. Cả ba cùng đưa nhau vào khách sạn. Bạch Công tử lột chiếc cà rá hột xoàn trị giá 3.000 đồng vào thời đó để trên bàn trước khi vào phòng tắm. Lúc trở ra, thấy cô Ba Trà đeo thử nó trên tay, Bạch Công tử liền lên tiếng tặng luôn. Sau đó Hắc Công tử đã mua tặng cô Ba Trà một chiếc nhẫn trị giá gấp đôi...’  (Nguyễn Thiện - wikipedia).
  
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở Nam Kỳ vào năm 1932, Bạch công tử lập gánh hát Huỳnh Kỳ và theo đuổi các bóng hình kiều diễm mới, Hắc công tử cũng chán ‘mùi vị’ của nàng mà đi tìm những cảm giác mới lạ, ‘quái nhân’ họ Lương thấy nàng dùng biệt thự của mình để ‘sung sướng’ thì cũng bỏ ra đi, còn sau này, khi thấy nàng lẳng lơ với các người đàn ông khác, Lâm Kỳ Xuyên cũng bỏ về Cần Thơ ‘mút mùa Lệ Thủy’ luôn.
Rồi nàng cũng lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần, trốn qua Xiêm, rồi quay về ẩn náu ở Sài Gòn… Đến năm 1938, người ta bắt gặp nàng, đang làm công cho một tiệm bình dân tồi tàn ở Chơ Lớn. Gặp lại ông Vương Hồng Sển vào năm 1952, nhan sắc ‘nàng’ đã tàn tạ…, rồi sau này không nghe nói gì đến nàng nữa!
Còn cuối cùng, bao nhiêu nhà cửa, ruộng vườn, vàng bạc của 2 chàng Hắc-Bạch đều ‘đội nón’ ra đi,  Bạch công tử chết trước (chết sớm, 1950), Hắc công tử chết sau (1973).
Được hỏi: ‘Sau này, nghe câu hát: 'Nghe danh công tử Bạc Liêu. Đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu', ông suy nghĩ thế nào?'. Con của Công tử Bạc Liêu (Trần Trinh Nhơn) nói rằng: ‘Người ta có quyền nói, có quyền viết về cha tôi, tôi không có ý kiến. Tôi có hỏi cha tôi, lúc ông đã lớn tuổi, ông cười bảo làm gì có chuyện đốt nhiều tiền như vậy. Xung quanh chuyện của cha tôi có rất nhiều giai thoại. Mà giai thoại thì anh biết rồi đấy, có cái đúng có cái chưa đúng, ngay như tôi con cái trong gia đình đôi khi cũng bất ngờ với giai thoại nữa là’. Anh còn nói: ‘...tôi biết thì cha tôi có con với 4 bà khác nhau... Còn lại bao nhiêu người khác nữa tôi không được biết. Nói thật thời đó, người phong lưu, giàu có như cha tôi, chuyện ‘mèo mỡ’ là rất bình thường’ (nguồn: Cô Ba Trà).

Người viết nghĩ là ta chưa ‘tiểu thuyết hóa’ được những câu chuyện ‘nổi tiếng’ ở VN như ‘Thiên long bát bộ’, ‘Trà hoa nữ’, ‘Hội chợ phù hoa’ hay ‘Chiếc chìa khóa’ (của Tanizaki Junichiro)… nên thường muốn đọc các chuyện có liên quan, ta liền nghĩ đến truyện Tàu hay Tây và tưởng rằng nội dung trong các truyện của họ là nhất! ...Thật ra, khi viết bài về Công tử Bạc Liêu, mình lại có ấn tượng về chuyện Cô Ba Trà hơn. Mình đã viết entry về ‘Đoàn Chính Thuần’, nhưng nói về ăn chơi thì Bảo Đại hay Công tử Bạc Liêu có kém gì, cũng như mới vừa viết về nàng ‘Hạ Cơ’ của Tàu, nhưng Cô Ba Trà của VN có nhiều nét đặc dị hơn và ‘văn hóa’ hơn của Tàu: ‘Trong lịch sử ăn chơi Đông Tây kim cổ nước ta , chưa có người nào có thể so sánh với cuộc đời cô Ba Trà’ (nguồn: Cô Ba Trà).
Tóm lại, những việc làm tương tự như 'đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu' của chàng là một trong những thói quen hợm hĩnh nhất của người giàu..., còn hồng nhan ở trên đời thường là hồng nhan đa truân, con đường nàng đã đi là một con đường không bến bờ:
Rêu phong nào, nước chảy dồn
Không nơi nào tụ, lại vòng mắt em
Rêu phong nào, đá đã mềm
Không yên lòng chết, lại thèm môi ai.

----------------
Các nguồn tham khảo chính: 
 -‘Cô Ba Trà’:
http://www.nguoiduatin.vn/tuyen-tap-giai-nhan-sai-thanh-mot-thuo-a2096.html
http://cafevannghe.wordpress.com/2011/06/24/người-tinh-của-hắc-bạch-cong-tử/
http://vtc.vn/2-345301/xa-hoi/cuoc-doi-chim-noi-cua-de-nhat-my-nhan-sai-gon-xua.htm
-‘Trần Trinh Huy’: http://www.vannghechunhat.net/gii-tri-chuyen-mc-40/chuyn-o-ay-chuyen-mc-51/1485-tro-chuyn-vi-con-trai-cong-t-bc-lieu.html 
Và các tài liệu khác có liên quan.

1 nhận xét:

  1. -Có những ước mơ không bao giờ thỏa
    Nhưng sao lòng anh vẫn cứ khát khao
    Em vẫn đẹp mãi mãi, anh làm sao
    Mà xôn xao khi nắng chiều dần tắt
    -Lá rụng ngoài sân, lá rụng nhiều
    Nhớ ai, mây xám, trời cô liêu
    Một mối tình, ai ơi còn nợ
    Để thuyền mơ, cuộn sóng cuối chiều
    Em có còn buồn không em ơi
    Ngoài kia nắng trốn, mây mù trời
    Giá mà gặp em khi trống vắng
    Rực dáng hình thơm, cháy cõi đời.

    Trả lờiXóa