Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

245. Cửu vĩ hồ ly Đắc Kỷ và 'Nhất tiếu khuynh thành' Bao Tự


Lịch sử Trung Quốc bắt đầu từ thời ‘Tam Hoàng Ngũ Đế’, sau đó là nhà Hạ, nhà Thương và nhà Chu, rồi Tần, Hán, Tam Quốc, Tấn, Nam Bắc Triều, Tùy, Đường, rồi Tống-Nguyên-Minh-Thanh… (khó nhớ quá!).
Theo sử gia Tư Mã Thiên thì ‘Tam Hoàng’ là Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhân Hoàng (còn theo Vận Đẩu Xu và Nguyên Mệnh Bảo thì ‘Tam Hoàng’ là Phục Hi, Nữ Oa và Thần Nông). Cũng theo Tư Mã Thiên, Ngũ Đế gồm Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghi và Đế Thuấn.
Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, sự tồn tại của Đế Nghiêu và Đế Thuấn là 50/50 (bán thật bán huyền), còn các vị còn lại chỉ là huyền thoại do các nhà sử học Trung Quốc đặt ra để hệ thống hóa các tư liệu về cổ sử (Wikipedia).
(Ôn Bích Hà trong vai Đắc Kỷ)
Để cho các bạn đọc dễ hình dung, mình xin đưa thêm mối tương quan với lịch sử Việt Nam (xem entry 218): Thời ‘Tam Hoàng Ngũ Đế’ (2852-2205 TCN) cùng thời Kinh Dương Vương đến Hùng Vương thứ 3 (2789-2253 TCN). Còn Trụ Vương (1154-1123 hay 1075-1046 TCN) cùng thời Hùng Vương thứ 11 (1161-1055 TCN), và Chu U Vương (! - 771 TCN) cùng thời Hùng Vương thứ 14 (853-755 TCN).

Theo truyền thuyết, Đắc Kỷ và Bao Tự là những ‘yêu nữ’ vô cùng hấp dẫn và là những tuyệt đại mỹ nhân sánh ngang với ‘Tứ đại mỹ nhân’ là Điêu Thuyền, Vương Chiêu Quân, Dương Quý Phi và Tây Thi, và ‘Giang Nam đệ nhất mỹ nhân’ Trần Viên Viên…

1. Cửu vĩ hồ ly Đắc Kỷ:
Lâu nay không thấy người đâu
Lòng anh mãi mối tình sầu người ơi
Xa rồi xa tít mù khơi
Xa rồi có hỏi ông trời chịu thôi
Hài xưa nay đã khuất rồi
Còn đôi chân mỏi, còn môi nhạt màu
Em tìm một nửa được chưa?
Nửa này đang đứng dưới mưa đợi chờ
(NGLB)
(Trụ Vương và Đắc Kỷ)
Trụ Vương là vị vua cuối cùng của nhà Thương, đam mê tình dục, văn võ toàn tài, có sức khỏe hơn người nhưng rất tàn ác. Truyền thuyết về ông gắn liền với người đẹp Đắc Kỷ.
Theo truyện ‘Phong thần diễn nghĩa’, Trụ Vương do rung động trước vẻ đẹp của thần ‘Nữ Oa’ mà làm thơ xúc phạm đến bà, nên bà đã phái ‘Hồ ly tinh’ Đắc Kỷ và 2 yêu nữ khác xuống trần để quyến rũ ông và giúp Chu Vũ Vương diệt vong nhà Thương (ngoài ra còn có ý kiến cho rằng nàng trả thù cho người yêu là Bá Ấp Khảo bị Trụ Vương giết!).
Trụ Vương vốn rất háo sắc nên bắt Ký Châu hầu Tô Hộ dâng con gái là Tô Đắc Kỷ về cung làm phi tử. Ngờ đâu ‘hồng nhan họa thủy’, Đắc Kỷ vốn là do ‘nguyên thần’ của một con hồ ly tinh 9 đuôi (cửu vĩ hồ ly) nhập xác nên dân gian gọi là yêu nữ, ngoài việc là một tuyệt sắc giai nhân có sức thu hút đàn ông đến kinh hồn - càng giận thì càng dễ thương, càng cãi lại thì càng quyến rũ, nàng còn có tài cầm kỳ thi họa, vì thế nàng đã làm cho Trụ Vương chao đảo thần hồn mà làm nhiều điều ‘thương luân bại lý’ nghịch với đạo trời.
(Phạm Băng Băng trong vai Đắc Kỷ)

‘Tô Đắc Kỷ, 16t, một bông hoa rực rỡ đẹp tuyệt trần. Cơ thể nàng là một sản phẩm không tì vết của tạo hóa. Mắt nàng long lanh như sương mai, da nàng mịn màng tựa như tuyết. Nhìn nàng, người ta không thể tin rằng có một cô gái mà trời phú cho nhiều may mắn, đặc sắc đến thế. Mũi cao thẳng, dang hồng hào, miệng hoa nhỏ, môi đỏ thắm. Dang đi nàng uyển chuyển, giọng nói của nàng trong trẻo, đầy quyến rũ. Gần nàng người ta sợ như thể có một điều gì đó thất thố, không xứng đáng. Nàng là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt hảo mà thượng đế ban cho con người để chiêm ngưỡng. Ở trong gia đình, nàng sống rất vui tươi và hồn nhiên, nhờ sự thoải mái ấy mà nàng càng đẹp hơn ai hết’ (theo blogger ‘Bong bóng mùa hè’).
Đây rồi bóng tím đây rồi
Ái ân khuấy động, bồi hồi ngóng ai
Ai đi ai phải thở dài
Ai đi ai phải nhìn hoài bóng ai
Nghê thường nằm ngủ dưới hoa
Thơm môi, thơm má, thơm tay, thơm người
Lối em đi, nắng rụng rời
Chim buông cánh đảo, lá rơi mặt hồ
(NGLB)
(Vẻ đẹp 'chết người' của Đắc Kỷ)
Trụ Vương đã cho xây Lộc Đài để ‘vui vẻ’ với Đắc Kỷ và tổ chức sinh hoạt tình dục tập thể đến ni không còn biết trời đất là gì! (theo Tư Mã Thiên - Wikipedia). Việc mất nước của ông một phần là do đam mê tửu sắc mà bỏ bê việc triều chính, nhưng phần lớn là do quá ‘tàn bạo’, cuối cùng ông bị thất bại bởi Chu Vũ Vương và Khương Tử Nha ở trận ‘Mục Dã’ nên phải tự thiêu ở lầu Trích Tinh mà chết.

2. 'Nhất tiếu khuynh thành' Bao Tự:

(Chu U Vương)
Chu U Vương là vua thứ 12 và cũng là vị vua cuối cùng của nhà Tây Chu (sau đó là nhà Đông Chu hay thời Xuân Thu Chiến Quốc). Truyền thuyết về Chu U Vương gắn liền với người đẹp Bao Tự. 
(Nụ cười làm nghiêng đổ thành trì của Bao Tự!)
Bao Tự vốn xuất thân là một con ‘rồng cái’: 
'Thời nhà Hạ suy vi, có 2 con rồng thần vào sân đình của vua tự xưng là vua nước Bao. Triều đình bèn tế lễ, rồng thần nhả lại dãi và được lưu vào hộp gỗ.
Từ đời nhà Hạ qua đời nhà Thương không ai dám mở hộp dãi rồng. Đến thời Chu Lệ Vương mở hộp ra xem, nước dãi biến thành con thằn lằn đen chạy vào hậu cung, làm một cung nữ mang thai. Sau đó người cung nữ sinh ra một bé gái, sợ là vật tai dị nên vứt đứa trẻ đi.
Thời Chu Tuyên Vương, có câu đồng dao: ‘Gỗ dâu làm cung, gỗ cơ làm bao, bao đựng tên sẽ diệt nhà Chu’. Một đôi vợ chồng không biết có lệnh cấm bán gỗ dâu và gỗ cơ, mang ra chợ bán liền bị triều đình truy bắt. Họ chạy trốn giữa đường thì gặp đứa trẻ bị bỏ rơi, bèn ôm mang theo đến nước Bao.
Cô bé lớn lên chính là Bao Tự, rất xinh đẹp. Người nước Bao phạm tội với Chu U Vương bèn mang Bao Tự dâng vua để thoát tội’ (Sử ký Tư Mã Thiên - Bao Tự - Wikipedia).
(Trần Hảo trong vai Bao Tự)
Theo truyện ‘Đông Chu liệt quốc’, sau khi chiếm hữu được Bao Tự, Chu U Vương vô cùng say mê nàng, không lo việc triều chính mà suốt ngày đêm ‘vui vẻ’ với nàng ở chốn hậu cung. Tính nàng hay nũng nịu, nàng muốn gì được vua chìu nấy, đặc biệt là nàng không bao giờ cười, điều này làm cho vua ‘đau đầu nhức óc’. Để ‘mua’ được tiếng cười của nàng, vua đã từng sai người xé hàng đống ‘lụa’ trước mặt nàng nhưng không thành công: nàng vẫn không cười!
Lúc ấy, ở kinh thành có ‘Phong hỏa đài Ly Sơn’ là công trình kiến trúc để truyền tin khẩn cấp trong chiến tranh. Khi Phong hỏa đài Ly Sơn nổi lửa thì các phong hỏa đài kế tiếp lần lượt nổi lửa, như thế tin tức được truyền đến các nước chư hầu rất nhanh. Khi nghe vua nói vậy, Bao Tự không tin là việc nổi lửa ‘Phong hỏa đài Ly Sơn’ mà có thể truyền tin được đến các nước chư hầu cách cả… ngàn dặm như vậy! Để lấy lòng người đẹp, vua cho đốt ‘Phong hỏa đài’ làm các nước chư hầu tưởng kinh thành bị tấn công bèn đem quân đến cứu viện, không ngờ khi đến nơi thì họ thấy vua và Bao Tự đang ngồi ‘nhậu’ và cười ngặt nghẽo, nên họ đành hậm hực và tiu nghỉu mà rút quân về.
Em sao nét đẹp như tiên
Khiến anh trông thấy đảo điên cả hồn
Tình yêu biểu diễn song song
Khi nào nó lượn cong cong mới gần
Hương kia thoang thoảng ngoài sân
Gió kia lấp ló: anh cần có em
Em là tia nắng chiều lên
Em là ngọn sóng lênh đênh mát mềm
(NGLB)
(Vẻ đẹp 'chết người' của Bao Tự)
Nhưng sau đó, khi kinh thành bị các bộ tộc là Thân, Tằng, Khuyển và Nhung liên minh tấn công, vua bèn đốt ‘Phong hỏa đài’, nhưng các chư hầu đã bị lừa vài lần rồi, nên họ tưởng đó là trò đùa mà không đưa quân đến cứu viện, vì thế Chu U Vương thất trận và bị giết.
Riêng Bao Tự bị vua Khuyển-Nhung bắt về để mua vui. Sau này bị các chư hầu Tần, Tấn và Trịnh liên minh tấn công, vua Khuyển-Nhung thua bỏ chạy, Đắc Kỷ phải thắt cổ tự vẫn.
(Hồ ly tinh!)
Yêu thì yêu phải say say
Cay nhiều yêu mới thấy hay em à
Trời ơi anh cứ đợi hoài
Đợi đi, đợi lại, cả ngày thấy đâu!
Yêu rồi là hết giận nhau
Yêu rồi tim đỡ khổ đau rất nhiều
Ai ngồi ngóng đợi ai về
Ngoài trời sương trắng, tái tê cõi lòng
(NGLB)

3. Ngày nay người ta nói ‘đẹp như hồ ly tinh’ thì dường như có liên quan đến câu chuyện về Đắc Kỷ!
('Mỹ nhân nhất tiếu hoán thiên kim')
Còn nói về Bao Tự (!), nhà thơ Lý Bạch có câu: 'Mỹ nhân nhất tiếu hoán thiên kim' (Tạm dịch: Người đẹp nở một nụ cười đáng đổi lấy nghìn lạng vàng). Vì thế, ngày nay người ta nói ‘có nụ cười như hoa hàm tiếu’ hay 'nhất tiếu khuynh thành' (một nụ cười làm mất nước/nghiêng đổ thành trì) chắc là xuất phát từ nụ cười của Bao Tự!
Nói chung, thực ra các ông hoàng thời phong kiến có đủ điều kiện để ăn chơi, không đáng trách lắm, nhưng ham tình dục quá mà bỏ bê việc triều chính hay xử oan người khác… là tội rất nặng, đặc biệt là lấy việc quốc gia đại sự ra để làm đẹp lòng mỹ nhân là tội vô cùng nặng.
----------------------------------
Các nguồn tham khảo chính:

-Hùng Vương: http://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%B9ng_V%C6%B0%C6%A1ng (Và các tài liệu khác).

2 nhận xét:

  1. Hóa ra người đẹp xưa nay toàn là yêu quái cả Huynh nhỉ? Chẳng trách các anh hùng khó mà qua cửa ải này!
    Huynh khỏe không? Lâu lâu rồi em cũng lười vào blog.. vào đây gặp huynh và bạn bè, lại thấy ấm lòng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhưng đàn ông thích yêu 'yêu nữ', hehe...
      Thank muội, lâu ngày quá!

      Xóa