Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

251. 'Ngũ đại mỹ nhân' của Việt Nam!



(Người đẹp Việt Nam)

Các bạn thân mến, tránh sự vụ về dấu chấm, dấu phẩy, hạt bụi… khi viết entry, mình dùng phương pháp tiếp cận là ‘cảm tính’ để chọn lọc một số kết quả ‘tối ưu’ từ nhiều trong vô số các tư liệu trên mạng và trong đời sống. Dưới và chỉ dưới giác độ của một blogger, mình sẽ coi trọng ý kiến của các blogger có tham gia ý kiến vào bài viết này và xem đó là một yếu tố cấu-thành-tự-nhiên về kết quả được giới thiệu dưới đây.
Cũng cần nhắc lại, sở dĩ thế giới nói Nữ hoàng Cleopatra là đẹp vì căn cứ vào tính ‘duy lý’ trong một số truyền thuyết và một số tư liệu khảo cổ…, hay Marilyn Monroe/Cũng Lợi là đẹp vì nàng được thế giới thừa nhận do có ‘đẳng cấp’ (tạm gọi là international criteria)…, chính vì thế, ví dụ, khó có thể khẳng định là Hai Bà Trưng hay Bà Triệu là đẹp…
Khái niệm hoa hậu và hoa khôi không hoàn toàn giống nhau: hoa hậu là 'người con gái chiếm giải nhất trong một cuộc thi người đẹp quy mô lớn', còn hoa khôi là 'hoa đẹp nhất trong các thứ hoa; dùng ví người con gái chiếm giải nhất trong một cuộc thi người đẹp hoặc người phụ nữ được coi là đẹp nhất trong một vùng, một lĩnh vực'… Nhà văn Sơn Nam nói 'Hoa hậu hoặc hoa khôi, hoa nào cũng là... hoa của đất. Dĩ nhiên loài hoa đặc biệt này có tâm hồn và biết nói tiếng... Việt' (Nguồn 1). Về một số cuộc thi ‘hoa hậu’ ở Việt Nam trước đây, xin vui lòng xem phần ‘Bổ sung tư liệu' ở dưới.
Bài viết về các ‘đại mỹ nhân’ dưới đây đã được nhắc ít nhiều trong blog này, lưu ý là mật độ người đẹp càng về sau càng nhiều, vì có những người đẹp cách đây cả ngàn năm, ta làm sao mà biết được. Dựa vào kinh nghiệm và có chọn lọc, không phân biệt đẳng cấp, thành phần hay vai trò trong lịch sử, trước mắt ta có các người đẹp 'có thật' chẳng hạn như: Dương Vân Nga, Ỷ Lan phu nhân, Nguyễn Thị Lộ, Huyền Trân công chúa, Ngọc Hân công chúa. Nam Phương hoàng hậu, Lý Lệ Hà, Trần Ngọc Trà (Cô Ba Trà), Trà Giang, Diễm Hương/Khánh Huyền… (các người đẹp gần đây cần phải có thời gian kiểm nghiệm).

Mình chọn ‘Ngũ đại mỹ nhân’ của Việt Nam như sau: 1. Dương Vân Nga, 2. Ỷ Lan phu nhân, 3. Huyền Trân công chúa, 4. Nam Phương hoàng hậu và 5. Trần Ngọc Trà. Sau đây là các giới thiệu ban đầu, các bạn đọc có thể đọc thêm chi tiết trong các entry theo các đường dẫn cho ở dưới.

1- Dương Vân Nga (952-1000) là một trong 5 hoàng hậu của Đinh Bộ Lĩnh, thời đó người ta thường gọi bà là ‘Dương thị’, còn Dương Vân Nga là tên gọi của thời nay, tên ‘Vân Nga’ là từ ghép của hai từ ‘Vân Lung’ và ‘Nga My’ là tên hai thôn của cha mẹ bà, thuộc huyện Gia Viễn và Nho Quan, tỉnh Ninh Bình ngày nay.
(Dương Vân Nga - Hình minh họa)
'Theo các truyền thuyết dân gian, sinh thời Dương Vân Nga rất xinh đẹp. Bà có khuôn mặt bầu bĩnh rất phúc hậu song vẫn có nét thanh tú, cao sang. Nước da của bà hoàng hậu họ Dương trắng hồng và cặp mắt phượng, mày ngài lúc nào cũng long lanh đầy tình tứ. Nhan sắc bà được mô tả trong cuốn ‘Hoàn Vương ca tích’ (tìm thấy ở Hà Nam). Bà không chỉ đẹp mà còn tràn đầy sinh lực:
'Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn
Mắt kia sao mọc cờn cờn
Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân’
Vẻ đẹp của bà quyến rũ đến nỗi mỗi nước đi cũng làm cả vùng thiên nhiên, cây cỏ xao động, bừng sáng:
Ðồi đông điểm ngọc, đồi tây mây vàng
Suối trong tựa ánh nguyệt tràn
Mây ngồi xổm, cá lượn đàn lên mây
Chim kề mỏ, bướm xỏ mày
Bao nhiêu suối chảy thành cây đàn cầm...’
Chắc hẳn chính vẻ đẹp thanh tú, mỹ miều và uyển chuyển của bà đã khiến cho cả vị chúa động Hoa Lư Đinh Bộ Lĩnh và sau này Thập đạo tướng quân Lê Hoàn mê đắm. Đó là lý do bà được làm chính cung ở cả hai triều đại nhà Đinh và nhà Tiền Lê’ (trích Entry 246).
Dáng tiên ngồi ở suối tiên
Nghê thường là đấy, đào nguyên tuyệt vời
Lâu ngày không thấy nét thơ
Thu buồn, thu héo, thu mơ, thu màng
Em ơi nỡ giận sao đành
Anh ‘sương’ em lắm, dỗ dành em cưng
Cưng em, cưng đóa phù dung
Anh say, anh cảm, anh rung, anh sầu.
(Dáng tiên - NGLB)

2- Ỷ Lan (1044!-1117) có tên thật là Lê Thị Yến hay Lê Thị Khiết, thường được dân gian gọi là ‘Yến cô nương’, cha làm quan nhỏ trong kinh thành (Thăng Long), mẹ mất sớm khi nàng mới 12 tuổi, cha lấy vợ kế rồi ít lâu sau qua đời, nàng sống chung với mẹ kế. Nàng là một thôn nữ nghèo, làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm ở làng Sùi (hay làng Thổ Lỗi, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày nay).
(Ỷ Lan phu nhân - Hình minh họa)

Mùa xuân năm 1063, Vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà vẫn chưa có con nối dõi nên đi cầu tự ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Đó là một ngày hội lớn, xa giá vua đi đến đâu thì các quan trên dưới và trăm họ ra nghênh đón đến đấy, chiên trống ầm ỉ, các thanh nam thanh nữ, nhất là trẻ con đều ùa ra xem. 
Đi ngang qua hương Thổ Lỗi, vén rèm ra xem quang cảnh thơ mộng của đồng quê, vua bỗng thấy thấp thoáng trong ngàn dâu xanh mướt có bóng một cô thôn nữ mặc áo trắng trắng, dáng cong cong, nàng không quan tâm đến đoàn người 'hoàng gia' ồn ào này, mà cặp mắt lơ đãng đang nhìn lên trời mây non nước xa xôi. Vua lấy làm lạ, bèn cho lính hầu ngừng kiệu, vời người con gái ‘kiêu căng’ đó đến hỏi chuyện.
Tiếp chuyện với vua, nàng đối đáp thông minh, ăn nói dịu dàng, lễ phép: ‘Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm việc đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng mẹ cha, không dám mong đi xem rước và nhìn mặt rồng…’. Càng nhìn kỹ, vua càng thấy rõ là nàng vô cùng xinh đẹp, dáng ngọc thướt tha, cuốn hút làm mê mẫn lòng người, có phong cách ung dung, thần thái, khác hẳn những cô gái mà vua đã từng gặp - ‘một con phụng hoàng trong loài người’ mà chỉ có vua Lý Thánh Tôn có cặp mặt vô cùng tinh ý mới phát hiện ra được. Từ những giây phút đó, nàng đã chinh phục được trái tim nhà vua…  Rồi vua ‘đưa nàng về dinh’ tức là về kinh thành Thăng Long, sau đó vua càng ngày càng yêu quý nàng và phong làm Ỷ Lan cung phi. Ngoài ra, vua còn cử thầy ‘đào tạo’ và xây riêng cho nàng một cung gọi là cung Ỷ Lan để kỷ niệm ngày gặp nàng đang ‘đứng tựa gốc lan’. Từ đó nhân gian quen gọi nàng là ‘Ỷ Lan phu nhân’.
Phù dung tím rịm ở vườn dâu
Cỏ mướt, hoa bung đủ sắc màu
Mặt ai tươi thế sao tươi thế
Lụy dáng hình ai thích quá mà
Tình bên núi rừng sao vương vướng
Lãng mạn lòng ai cõi yêu đương
Lời yêu hay quá sao hay quá
Nắng rụng hồn ai, nắng lạ thường
(Phù dung tím - NGLB)

3- Huyền Trân công chúa (1287-1340) là con gái của Trần Nhân Tông, năm 1306, nàng được gả cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu là châu Ô và châu Rí (từ đèo Hải Vân tới phía Bắc Quảng Trị ngày nay):
'Huyền Trân ứa lệ tuôn sầu hận,
Xóm bến mưa đêm lả chả rào' (Ngô Thì  Nhậm), hay:


'Xuân thì, xanh mộng chốn lầu son
Một vóc ngà thơm, thân Quế non
Một hồn trong trắng vô tư lự
Đã biết đâu mà nợ nước non
…Non nước ngàn thu có nhớ không
Vì ai thân Quế phải long đong
Vì ai ngọc trắng vùi đất lạ
Son phấn lạt phai mảnh má hồng' (Thanh Nguyên - xunau.org)
Rất ít tư liệu mô tả về vẻ đẹp của Huyền Trân công chúa, sau đây là vài dòng mà mình tìm được:

- ‘Công chúa ngước lên nhìn nhũ mẫu, hai bàn tay ngọc với những ngón thon dài vẫn giữ khư khư trên mặt cuốn sách để ngỏ. Đôi mắt tròn với hàng mi xanh đậm nhướng lên nhìn nhũ mẫu với vẻ nài nỉ - 'Xin nhũ mẫu thư cho một chút, tôi đang đọc đến chỗ hay'.
…Đôi má ửng hồng lên như một trái đào khoe mã, khẽ nhếch cặp môi đỏ mọng như tô son, để lộ ra hai hàm răng nhỏ, trắng muốt như những hạt ngô nếp. Công chúa nói giọng dịu ngọt tựa lời hát ru - 'Lẽ nào nhũ mẫu chẳng thương tôi. Tôi đâu dám sao nhãng đạo nhà để sa vào đám yêu thư. Chẳng qua tôi mê say là mê say với đạo lý của thánh hiền. Bữa trước tôi thức trắng đêm là để nghiền ngẫm cho thấu đáo cuốn 'Vạn Kiếp tông bí truyền thư' của đức Quốc công tiết chế, là bậc thượng phụ của tôi. Còn bữa nay, tôi đang đọc khúc Ly tao của Khuất Nguyên, một áng thơ trác việt, xin nhũ mẫu hiểu giùm cho. Tôi đâu có phải là một đứa trẻ không biết vâng lời người trên' (theo maxreading.com).
- ‘Sau một lần tình cờ đến yết kiến Vua Nhân Tông tại cung điện riêng, Trần Khắc Chung vô tình giáp mặt Huyền Trân công chúa. Sắc đẹp thầm kín, nhu mì, đoan trang của người đẹp cùng diện mạo tuấn tú, khí phách oai dũng của vị võ tướng đã khiến cả hai lập tức xao xuyến, rung động’ (theo khoahoc. baodatviet.vn).
Chuyện tình Trần Khắc Chung - Huyền Trân đã được in thành truyện bằng tranh trước giải phóng và gây ấn tượng với mình cho đến giờ, mình ấn tượng về đoạn Trần Khắc Chung lao vào hỏa trường để cứu Huyền Trân công chúa (!), ấn tượng nhất là đọan nói sau khi cứu công chúa, Trần Khắc Chung đã đi về bằng đường biển (tại Quảng Bình) chứ không về đường bộ... (trích Entry 177). 
Tím yêu anh ở nơi nào
Tím thương anh lắm, biết sao bây giờ
Tím buồn tím viết bài thơ
Tím buồn tím khóc, thẫn thờ nhớ ai
Thề xưa nay đã còn đâu
Để ai ngồi đó, lâu lâu nhớ người
Lấy gì mà nhắn anh ơi
Anh nơi xa đó, gọi trời chả nghe
(Tím buồn - NGLB)

4- Nam Phương hoàng hậu (1914-1963) là hoàng hậu duy nhất được phong khi còn sống dưới triều Nguyễn (1802-1945), là ‘viên kim cương cuối cùng của triều Nguyễn’ và cũng là hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam. 
Bà có tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh ngày 4/12/1914 tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang, xuất thân trong một gia đình Công giáo giàu có nhất nhì ở miền Nam thời bấy giờ.
Nam Phương là tên do Bảo Đại đặt: ‘Tôi đã chọn tên trị vì cho bà Hoàng Hậu mới là Nam Phương. Nam Phương có nghĩa là ‘Hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud)’ và tôi cũng ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng - màu dành riêng cho Hoàng Đế’ (Bảo Đại - Hồi ký ‘Con rồng An Nam’).
Lúc nhỏ nàng học ở Sài Gòn, năm 12 tuổi đi học ở Pháp (mang quốc tịch Pháp, tên là Marie Thérèse Lan, nhũ danh Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào) và tốt nghiệp ‘tú tài toàn phần’ tại đấy.
Nàng còn là người rất xinh đẹp, nghe đồn rằng nàng đã từng 3 năm liền đạt giải hoa hậu Đông Dương (wikipedia), cho đến nay ở Việt Nam chưa có ai đạt kỷ lục này (!). Năm bà 'vợ' của Bảo Đại có nhan sắc hoàn mỹ mà đã được báo Tân Hoa Xã, Trung Quốc vừa đăng tải hình ảnh và dành lời ngợi khen, đó là: Nam Phương, Lê Thị Phi Ánh, Bùi Mộng Điệp, Hoàng Tiểu Lan và Monique Baudot.
Các bức hình chụp lúc 18-19 tuổi cho thấy nàng có dáng người thanh lịch, miệng chúm chím như san hô, môi duyên, mũi dọc dừa, cặp mắt thường nhìn về xa xôi và ẩn chứa trong đó một khát vọng nào đó, khuôn mặt hiền, thanh tú và đủ tươi...
(Nam Phương)
Đám cưới của đôi ‘trai tài gái sắc’ này (Bảo Đại và Nam Phương) diễn ra ngày 20/3/1934, khi đó chàng mới 21 tuổi, còn nàng mới 19 tuổi. Với một vẻ đẹp lộng lẫy, nàng là người đàn bà đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn xuất hiện giữa cung Càn Chánh (trích Entry 273).
Vườn xưa vắng lặng bóng ai qua
Chiều thu trở gió, dáng ai ngà
Tà dương dần khuất sau ngàn núi
Qua đỉnh phù vân, ta thấy ai!
Sương khói lững lờ một giấc mơ
Bóng ai đứng đó mãi đợi chờ
Tháng năm mây gió bay mòn mỏi
Một chữ yêu thôi, hết cả đời
(Vườn xưa - NGLB)

5- Trần Ngọc Trà (Cô Ba Trà) sinh năm 1906, quê Cần Giuộc (tỉnh Long An).
Nàng là đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn thời ấy - một tuyệt thế giai nhân khuynh quốc khuynh thành và vô cùng thu hút mà 'cánh báo chí, nhà văn tốn biết bao nhiêu giấy mực để miêu tả vẻ đẹp của cô Ba Trà, nào là cô ấy đẹp lắm, đẹp đổ quán xiêu đình, đài các như một bà hoàng, quần áo lụa cùng màu, có quàng khăn voan mỏng, ngồi trên xe mui trần lượn trên đường phố Sài Gòn. Vẻ đẹp đó làm mê hoặc bất cứ người đàn ông nào, bao gồm các tay chơi hào hoa khắp cả Nam Vang, Băng Cốc' (theo nguoiduatin).
Sức thu hút đó mạnh đến nỗi mà đàn ông phải ‘xếp hàng’ để được gặp 'nữ hoàng', thậm chí phải ‘xếp gạch’ (theo cách nói miền Bắc thời bao cấp, là 'đặt cục gạch để chiếm chỗ' để mua gạo ở các cửa hàng lương thực, nói nôm na là chưa đủ tư cách để xếp hàng): ‘Những ai được quen biết hay cô hạ cố giao thiệp đều xem đó là một niềm vinh dự để chứng minh đẳng cấp, đủ để hiểu ngoài việc xinh đẹp cô còn là một thương hiệu hiếm có, có lẽ do thông minh và hiểu tâm lý đàn ông…’ (Vương Hồng Sển - ‘Sài Gòn tả pí lù’).
Nàng được mệnh danh là ‘bà hoàng’ của vũ trường và sòng bài Sài Gòn vào đầu tk20, mà nick của nàng được ghép với tên của một diễn viên điện ảnh Pháp (!) nổi tiếng, đó là ‘Yvette-Trà’, ngoài ra nàng còn được mệnh danh là ‘Étoile de Saigon’ (Ngôi sao Sài Gòn)...
Nàng có quá nhiều người tình đến nỗi không nhớ xuể, cô chỉ chia cho mỗi người một mảnh tình rách để vắt vai cho đỡ buồn, chứ không dành trọn quả tim cho ai, ví dụ sau đây là các tay có ‘số má’: Công tử Toàn, con trai tỷ phú đất Phan Rang, bác sĩ Trần Ngọc Án, Hắc công tử, Bạch công tử, thương gia trẻ Lâm Kỳ Xuyên, con trai của đại điền chủ Trần Trinh Bạch ở Bạc Liêu, công tử Bích, chủ nhà băng Đông Pháp (chi nhánh Cần Thơ), quan tòa Trần Văn Tỷ, trạng sư Dương Văn Giáo, bác sĩ Lê Quang Trinh, Nguyễn Văn Áng, chủ sòng bạc Paul Ngọ tức Sáu Ngọ… Trong danh sách đó, công tử Toàn là mối tình đầu của cô. Sau này cô nói: ‘Tôi gặp không biết bao nhiêu (người đàn ông) mà đếm, nhưng anh Toàn, tôi còn nhớ mãi không quên’.
Ngoài ra, nghe đồn học giả Vương Hồng Sển (1902-1996) cũng yêu thầm nhớ trộm nàng:
'Khen cha chả! Khuôn trăng đầy đặn,
Càng nhìn lâu càng mặn nét hồng
Còn trời, còn biển, còn sông,
Còn câu tình ái, còn lòng tương tư.
Nghĩ cũng tệ sao đi không nói?
Để lại chi mấy đọi sầu phiền.
Vật đi còn chút tình riêng,
Nàng đi nàng để cho nghiêng ngửa lòng.
Lửa đã nhúm khó trông dụt tắt
Kể từ đây bặt bặt giấc tiên
Ngày sầu mấy khắc nào yên
Đêm trông canh lụn càng điên đảo lòng!' (trích Entry 250)

Trong 5 'nàng', trừ Huyền Trân thuộc dòng dõi hoàng tộc, Nam Phương là con 'đại gia', còn Dương Vân Nga, Ỷ Lan và Trần Ngọc Trà đều xuất thân là 'thôn nữ' chính hiệu con nai vàng. Để cho vui, mình tạm sắp mối tương quan giữa các ‘đại mỹ nhân Việt Nam’ và thế giới như sau:
-Dương Vân Nga ngang với Clepatra của Hy Lạp hay Võ Tắc Thiên/Từ Hi thái hậu của Tàu,
-Huyền Trần công chúa ngang với Vương Chiêu Quân, Tây Thi hay Điêu Thuyền của Tàu,
-Trần Ngọc Trà ngang với Hạ Cơ/Trần Viên Viên của Tàu hay Monroe của Mỹ, 
-Ỷ Lan phu nhân ngang với Dương Quý Phi hay Từ Hi thái hậu của Tàu (xét về mặt ‘tiến thân’),
-Nam Phương ngang với Marie Waleska của Pháp (nữ bá tước Ba Lan, ‘vợ’ của Napoleon) hay Công nương Diana của Anh.
Đại khái Newton có nói là sỡ dĩ ông làm được một ‘cái gì đó’ là nhờ ổng đứng trên vai những người khổng lồ, NGLB xin trân trọng cám ơn những ‘người khổng lồ về tư liệu trên mạng’ mà mình có dịp sử dụng trong blog này, tuy nhiên theo quan điểm của mình, việc sử dụng tư liệu chỉ dừng lại ở mức độ cần thiết thôi, vì nếu đi quá sâu vào rừng tư liệu thì ta chỉ lầm lạc hơn là sáng suốt!
Cuối cùng, sau khi có sự tham gia của các blogger, mình sẽ chỉnh sửa bổ sung một cách hợp lý và tạm xem như đây là một cuộc 'bình chọn hẹp’ trong thế giới yahoo.blog nhằm mục đích thư giãn, trân trọng.
----------------------------------
1. Bố sung tư liệu:
-Thi hoa hậu 1864: Theo một số thông tin rãi rác mà mình đọc được trong mạng thì cuộc thi hoa hậu VN do người Pháp tổ chức lần đầu tiên vào năm 1864 (đây là một thông tin khá đáng tin cậy): ‘…cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Sài Gòn và cũng là ở Việt Nam được tổ chức vào tháng chạp năm 1864. Một số sĩ quan hải quân Pháp nảy ra ý định mở cuộc thi ấy với sự tham gia của những người đẹp nước ngoài đang sinh sống tại Sài Gòn, với điều lệ là các người đẹp phải ở độ tuổi từ 18 đến 20, chưa lấy chồng và là con cái của những gia đình công chức... Lúc đầu ban tổ chức quy định ngoài áo dài quen thuộc với người Việt, các thí sinh còn phải mặc váy đầm và áo tắm để thể hiện vẻ đẹp của mình qua các trang phục khác nhau. Nhưng về sau do phản ứng bất lợi của công luận nên khoản mặc váy đầm và áo tắm theo kiểu Tây bị hủy bỏ. Bấy giờ: "một thương nhân người Hoa đã chớp lấy cơ hội này để đưa 20 cô gái Trung Quốc đang sống ở Singapore giả làm Hoa kiều để tham gia cuộc thi. Kết quả là trong số đó có một cô đoạt vương miện Hoa hậu. Danh hiệu Á hậu thì thuộc về cô gái con của một phú thương người Hoa sống ở Chợ Lớn. Tên tuổi của các người đẹp lên ngôi không thấy nêu" (Trần Nam Tiến - Nguồn 1).
-Thi hoa hậu 1865: ‘...cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam do người Việt Nam tổ chức vào năm 1865 và mang tên cuộc thi Miss Sài Gòn dành riêng cho các người đẹp Việt Nam. Lần này điều lệ được phổ biến không chỉ ở phạm vi Sài Gòn mà còn lan ra nhiều vùng phụ cận nên sau đó đã có gần 100 cô gái đăng ký dự thi với kết quả người đoạt vương miện Hoa hậu "là cô Ba, con gái của ông Chánh, làm nghề thư ký. Trước vẻ đẹp rực rỡ của cô Ba, nhiều người Pháp đã đề nghị cô chụp ảnh để đăng báo ở chính quốc. Họ rất muốn chụp cô trong trang phục áo tắm nhưng cô không đồng ý. Chân dung cô sau đó được vẽ rồi in thành tem với số lượng phát hành lớn chưa từng có. Một thời gian sau đó, cô Ba lấy chồng Việt Nam bình thường và sống giản dị, bỏ lại đằng sau ánh hào quang phù phiếm và không bị
ảnh hưởng bởi lối sống ngoại lai. Đây là người đẹp Việt Nam đăng quang vương miện hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam" (Trần Nam Tiến - Nguồn 1).
-Thi ‘hoa khôi áo lụa Hà Đông’ 1934 (có tư liệu nói là 1938 hay 1939):  Lý Lệ Hà là hoa khôi (xem Entry 224)
-
Thi hoa hậu 1937: ‘…cuộc thi đầu tiên để chọn người đẹp nhất đăng quang đã diễn ra tại vườn Ông Thượng tức vườn Tao Đàn hiện thuộc địa bàn quận 1, TP.HCM vào năm nói trên. Đứng ra tổ chức cuộc thi (gọi theo tiếng Pháp là Concours élégant Saigon) là một nhóm công chức với sự kết hợp và hỗ trợ của một số nhà kinh doanh lúc bấy giờ đang hoạt động ở Sài Gòn... Tuy mở trên đất "Bến Nghé xưa" song phạm vi "tuyển sinh" lan đến tận những vùng xa hơn, đến các thành phố và nông thôn ngoại vi Sài Gòn, nên đã có 19 cô gái vừa là "dân Bến Nghé" vừa là hoa khôi ở lục tỉnh được chọn để bước vào tầm ngắm của làng đẹp xứ ta. Nói "xứ ta" vì có người bảo rằng đây không những là cuộc thi hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn, của Nam Bộ, mà của cả Việt Nam nữa. Một trong những đặc điểm cuộc thi là thí sinh mặc toàn áo dài Việt Nam do nhà may Phúc Thịnh thiết kế có lẽ theo mẫu mã thời thượng lúc ấy. Vải may áo thì do ông Lê Trương Biểu sản xuất và cung cấp. Có nghĩa là cuộc thi hoa hậu này từ người đẹp đến trang phục đều là nội hóa "rất Việt Nam". Kết quả, người đẹp được nhận danh hiệu hoa hậu đầu tiên vào năm 1937 là cô gái 25 tuổi tên là Nguyễn Thị Liễu, sinh tại Hóc Môn năm 1912. Tiếc rằng đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm ra tấm ảnh chân dung của hoa hậu Nguyễn Thị Liễu, tuy vậy cũng có một số ảnh tư liệu liên quan đến cách ăn mặc của những người đẹp Nam Bộ ngày xưa để tạm tham khảo’ (Lê Trung Hoa - Nguồn 1)
-Thi hoa hậu 1955 (nhân dịp Lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng) được tổ chức ngày 20/2/1955, tại rạp Lido Chợ Lớn, người tham dự là các thí sinh đến từ Sài Gòn và các tỉnh ở miền Nam. Dĩ nhiên là cuộc thi này không có phần thi 'trang phục áo tắm’ vì việc phơi bày ‘đường cong’ là không phù hợp với văn hóa của người VN thời đó, hơn nữa, nhiều thí sinh cũng không dám dự thi…Người đạt chiếc Vương miện Hoa hậu tại cuộc thi đó là cô Công Thị Nghĩa, sinh năm 1932, người miền Bắc di cư vào Nam trước năm 1945. Cô cao 1,61m, nặng 53kg và có các số đo là 86-62-88.
-Thi hoa hậu 1957: ‘...cuộc thi hoa hậu khác mang tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam đã diễn ra vào năm 1957 tại Sài Gòn với sự tham gia của các thí sinh đến từ nhiều nước: Ấn Độ, Hồng Kông, Campuchia, Lào và 48 người đẹp Việt Nam khác. Áo dài truyền thống được chọn làm trang phục để dự thi, không dùng áo tắm và "kết quả chung cuộc: danh hiệu Hoa hậu Việt Nam thuộc về cô Vũ Thị Thu Minh, danh hiệu Hoa hậu quốc tế thuộc về cô Nari - người Campuchia" (Trần Nam Tiến - Nguồn 1).
2. Các nguồn tham khảo chính:
-Entry 250 ‘Công tử Bạc Liêu-Trần Ngọc Trà’  http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/1040672/index
-Entry 223: ‘Nam Phương hoàng hậu’ http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/1009198/index
-Entry 221: ‘Napoleon và Marie Waleska: http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/881106/index
-Entry 177: ‘Những thiên tình sử VN-Huyền Trân công chúa ’http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/161714/category/B%C3%ACnh+lu%E1%BA%ADn+x%C3%A3+h%E1%BB%99i (và các tài liệu có liên quan). 

12 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Ồ, cám ơn Lão Sa, LB đang chuyển sang nhà mới, chưa biết sử dụng blogspot, đang nghiên cứu, tks, chúc chiều vui.

      Xóa
    2. anh Lá ơi em vẫn chưa biết đi về đâu nè

      Xóa
    3. À, Cỏ dại dùng blogspot đi, vì đa số bên yahoo.blog chạy qua đây rồi, thân.

      Xóa
  2. Đọc hay lắm NGLB ôi! Cám ơn "tư liệu" này nhen!
    Tuần mới an lành NGLB nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ù, mới mở blog được Hà Băng vào, rất vui, cám ơn nghen, LB đang nghiên cứu blogspot, híc...

      Xóa
  3. Anh Lá Bàng ui, em sang thăm anh nè, em thích bài này vì VN có những người đẹp tiêu biểu. Em cảm ơn anh đã lặn lội đi thăm em ạ..hjhj..em chúc anh chiều dzui nha anh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, LB còn thiếu HOA HUYNH nữa là đủ Lục đại mỹ nhân, HH có đồng ý để LB đưa vào kg nè, hì..hì..., đùa thôi, chiều vui nghen.

      Xóa
  4. gặp dc anh LB rồi vui thiệt hi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trùi, gặp MPT mừng quá, LB thọ thêm 1 năm nè, hì..hì...

      Xóa
  5. Bài viết quá bổ ích ! Nha Gom La Bang, Nha Gom La Bang. Sẽ nhớ chủ nhà này ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn NCH, hy vọng được gặp bạn trong tương lai gần, chúc ngày mới tốt lành.

      Xóa