Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

243. Người đẹp Việt Nam và cuộc thi Hoa hậu 2012

Bóng tím hồ mơ đến diệu kỳ
Phù dung rộ nở khiến ai si
Cầm tay ai mãi không buông nỗi
Cảm cảm rung rung chả biết gì
(Đóa phù dung - NGLB)

(Hoa hậu Đặng Thu Thảo)

Bài này được viết theo trình tự cảm xúc, gồm:
-Thi Hoa hậu ở trên Thiên đình và ở nước ta.
-Những người đẹp của nước ta.
-Xoay quanh cuộc thi Hoa hậu 2012. 
-Một số bình luận của những ‘nhà uống cà phê học’.

1. Thi Hoa hậu ở trên Thiên đình và ở nước ta:
* Ngày xửa ngày xưa, trên Thiên đình có 3 nữ thần đẹp nhất, đó là: Thiên hậu (hay Hera), nữ thần Athena và nữ thần Venus (hay Aphrodite). Thiên hậu là vợ của Thiên đế (hay thần Jeus), Athena là nữ thần trí tuệ (bảo vệ hòa bình cho thành Troia) là con của Thiên đế, và Venus là nữ thần tình yêu. Trong một bữa tiệc chiêu đãi do Thiên đế tổ chức, có sự tham dự của cả 3 nữ thần, ngoài ra còn có một vị nữ thần là thần ‘Bất hòa’ (vợ của thần Chiến tranh Arex), bà ta đã ném vào trong bữa tiệc một quả táo vàng và nói rằng:
- 'Ai đẹp nhất trong số ba nữ thần sẽ được thưởng quả táo này'.
Thế là cuộc tranh chấp ai là người đẹp nhất Thiên đình xảy ra. Vì trên Thiên đình, không có ai có đủ bản lĩnh để chấm sắc đẹp của các nữ thần, quần thần bèn xuống trần gian để tìm anh chàng Paris (con thứ hai của vua xứ Troia) mà có thiên tư về chấm sắc đẹp một cách vô tư, công bằng và có đầu óc trong sạch (không bị nhiễu loạn vì quyền lực) để phân xử.
Nữ thần Athena hứa với Paris rằng ‘nếu ngươi chấm ta đẹp nhất thì ta sẽ cho người làm bá chủ khu vực (quanh Hy Lạp)’, Thiên hậu hứa với chàng rằng ‘nếu ngươi chấm ta đẹp nhất thì ta sẽ cho người làm bá chủ châu Á’, còn nữ thần Venus hứa với chàng rằng ‘nếu ngươi chấm ta đẹp nhất thì ta sẽ cho người được lấy người đẹp nhất thế gian'. Người đẹp nhất thế gian lúc đó chính là hoàng hậu Helen - vợ vua Hi Lạp (thành Athens).
Sau đó, Paris đã trân trọng trao tặng quả táo vàng cho nữ thần Venus… Từ đó Venus là nữ thần đẹp nhất trong vũ trụ. Và cũng từ đó, ta có nữ thần Venus là nữ thần của tình yêu và sắc đẹp, hay là nữ thần tình dục (xem entry 174 và 215).

(Nữ thần Venus)
* Về việc thi Hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam, trên mạng có rất nhiều ý kiến khác nhau, vốn không phải là nhà nghiên cứu lịch sử, nhưng mình vẫn có ấn tượng về ‘người đẹp’ gắn liền với bản nhạc ‘Áo lụa Hà Đông’:
Năm 1938, Lý Lệ Hà (một trong những người tình của Bảo Đại) đã từng đạt giải ‘Hoa khôi áo lụa Hà Đông’ tổ chức tại Hà Đông, và cũng là cuộc thi ‘hoa khôi’ đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam (!), sau đó nhà thơ Nguyên Sa làm thơ và nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sáng tác nhạc nói về nàng (xem entry 224): 

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng 
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung 
Bay vội vã vào trong hồn mở cửa...
(Lý Lệ Hà)
2. Những người đẹp của nước ta:
Anh nào dám bảo em khô khan
Anh thấy em đôi mắt nồng nàn
Em thơm sao thế sao thơm thế
Mơn trớn làn da chốn địa đàng
(Em thơm - NGLB)
Từ lâu, người Trung Quốc đã thành công khi xây dựng xong hình tượng của 'Tứ đại mỹ nhân' của họ gồm Điêu Thuyền, Dương Quý Phi, Vương Chiêu Quân và Tây Thi (ngoài ra còn có Võ Tắc Thiên, Đại Kiều và Tiểu Kiều, Trần Viên Viên, Từ Hi thái hậu, Tiểu Long Nữ…).
(Phạm Băng Băng trong vai Dương Quý Phi)
Người Hy Lạp, La Mã và Ai Cập đã xây dựng xong hình tượng các Nữ hoàng Cleopatra của họ...
(Nữ hoàng Cleopatra 7)
Người Mỹ đã xây dựng xong hình tượng Marilyn Monroe của họ, người Anh có Juliet của họ, người Pháp có Josephine của họ, v..v…

(Marilyn Monroe)
Ở nước ta, có nhiều phụ nữ ‘nổi tiếng’ như: 'Mỵ Nương', Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Dương Vân Nga, Huyền Trân công chúa, ‘Kiều Nguyệt Nga’, Ỷ Lan phu nhân, Nguyễn Thị Lộ, Đặng Thị Huệ, Ngọc Hân công chúa, Nam Phương…
(Nam Phương hoàng hậu)
Tuy nhiên, rất khó khẳng định Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Dương Vân Nga hay Huyền Trân công chúa là ‘đẹp’ vì không có những bằng chứng về khảo cổ học/nhân trắc học… (Nhân trắc học là môn khoa học nghiên cứu về hình thể của con người và phương pháp đo đạc trên cơ thể con người - Wikipedia).
(Khánh Huyền)
Còn Ỷ Lan phu nhân, Nguyễn Thị Lộ, Đặng Thị Huệ, Ngọc Hân hay Nam Phương thì chắc là ‘đẹp’ vì có ít nhiều bằng chứng: có người là ‘cung nữ’, có người gắn liền với truyền thuyết nhân gian, có người thì mới đây thôi…

(Diễm My ở tuổi 50)
Rất tiếc là hình như ta chưa xây dựng được hình tượng các người đẹp trong lịch sử Việt Nam với công chúng nước ta, không có nhiều tiểu thuyết hay thơ ca nhạc họa nói về các người đẹp đó, đặc biệt là rất ít phim ảnh 'hay' để khán giả quan tâm và do đó hình dung các nàng đẹp đến cỡ nào!

3. Xoay quanh cuộc thi Hoa hậu 2012:
Ta là cổ tích trong nhau
Biển này sóng gợn, mây kia gió đùa
Em như ngủ dưới trời mưa!
Dáng em sống động, nắng vừa lướt qua
Lá vàng rơi rụng điệu đà
Tình theo xao xuyến, tim này đang... run
Lâu ngày mới chạm nét xuân
Hèn chi nắng ấm, hương buông cuối chiều
(Hương buông - NGLB)
(Hoa hậu Đặng Thu Thảo)
Mình ít khi xem truyền hình trực tiếp các cuộc thi Hoa hậu, chỉ có 3 lần mình xem kỹ là cuộc thi Hoa hậu 1992 (Hoa hậu Hà Kiều Anh), 2004 (Nguyễn Thị Huyền), 2012 (Đặng Thu Thảo) và vài lần xem thi Hoa hậu quốc tế/thế giới.
Tối thứ Bảy, ngày 25/8/2012, chúng mình (3 người) đã chờ đợi để xem truyền hình trực tiếp Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012, đặc biệt chú ý vào phần thi trang phục áo dài, trang phục áo tắm, trang phục dạ hội và phần thi ứng xử.
Trong lúc xem, có một cậu sinh viên đã chọn 3 người mà cậu thích trong số 39 thí sinh vào vòng chung kết (trừ Vương Thu Phương bị loại, trông nàng cũng rất xinh, rất tiếc), không ngờ đúng cả 3 đều lọt vào tốp 3: chúng mình ‘chấm’ thi Hoa hậu cũng không đến nỗi tệ!
(Á hậu Dương Tú Anh)
Cũng trong lúc xem, mình có nhắc đến ‘vụ’ Trịnh Công Sơn tham gia chấm thi hoa hậu năm 1990, 1992. Nghe đồn là Trịnh cũng định cưới Á hậu Trần Vân Anh (thi Hoa hậu năm 1990), nhưng sau đó chuyện bất thành. Còn nghe đồn rằng ‘anh’ cũng phải chấm ‘rớt’ người mà anh ưng ý nhất (hình như là thí sinh Mạc Lê Đăng Thanh, người đẹp xứ Quảng, thi Hoa hậu năm 1992) vì nàng không đạt tiêu chí về ‘nhân trắc học’!
Khi xem thi Hoa hậu, phái nam hay quan tâm đến số đo, Hoa hậu Đặng Thu Thảo cao 1m73, có số đo là 83-60-90, lúc xem, chúng mình lấy làm lạ là nếu một người đàn ông cao 1,73m mà nặng chỉ có 49kg thì… ô hô ai tai!, nhưng tạo hóa đã tạo cho khung xương phụ nữ một cấu trúc rất tuyệt vời mà với kích thước đó, nàng vẫn có những đường cong đáng nể phục và đẹp như... tiên nữ giáng trần.
Các câu hỏi trong phần thi ứng xử là không dễ tí nào, ví dụ cảm nhận về vấn đề Trường Sa, về Đoàn viên, về bãi biển (quốc tế) Sơn Trà, về ‘chân, thiện, mỹ’, chúng mình cũng thừa biết là để thi ứng xử, các thí sinh phải có thầy rèn luyện cho các nàng trả lời đủ loại câu ‘tủ’ trong thời gian khá lâu, nhưng với tuổi trẻ cỡ 18-22 mà các nàng trả lời ngay được như trong cuộc thi Hoa hậu 2012 vừa rồi là quá tốt.
Sau đây xin trích câu hỏi và trả lời của Hoa hậu Đặng Thu Thảo:
-Hỏi: Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, theo bạn tại sao hàng tỷ người trên thế giới vẫn quan tâm đến các cuộc thi hoa hậu? 
-Trả lời: Người phụ nữ là hiện thân cho cái đẹp, được gọi là phái đẹp. Con người luôn say mê cái đẹp nên quan tâm đến các cuộc thi nhan sắc. Ở đó, khán giả không chỉ nhìn ngắm các bông hoa đẹp mà còn xem các cô ứng xử, thể hiện thế nào.

4. Một số bình luận của những ‘nhà uống cà phê học’:
Về đây ta gặp tiên cô
Rượu bia một gánh, giang hồ bỗng... quên!
Lặng yên trong cõi thần tiên
Con tim rạo rực trong niềm hoan hân
Cỏ may cạ cạ rất gần
Ta nhéo, ta bứt, ta nâng, ta bồng
Em là biển ái mênh mông
Dáng mềm mềm ấy, men nồng ai say
(Biển ái - NGLB)
(Ngân Khánh)
Nói chuyện ngoài lề một tí, mới gần đây, chiều ngày 2/9/2012, mình nghe một phụ nữ kể về chuyện anh Lê Hoàng có nói về chuyện đại gia và hoa hậu như sau:
Giả sử một đại gia có 100 tỉ, gửi ngân hàng thì mỗi tháng tiền lãi được cỡ 1 tỉ, như vậy tình trung bình là mỗi ngày anh ta được hơn 30 triệu (cũng cần nói thêm rằng ‘hơn 30 triệu’ này thì không thiếu gì người tốt nghiệp đại học hiện nay phải làm cả năm mới ra đó!). Giả sử, giả sử thôi, là qua đêm hay ‘một chuyến’ (!) với một hoa hậu/người mẫu ‘xịn’ nào đó thì có thể mất đến... 8000 đô, hay khoảng 160 triệu, thì đại gia đó chỉ tốn có ‘5 ngày... tiền cơm!’.
Mình thấy cách ví dụ này rất là hóm hỉnh và có… ý nghĩa. Lúc cô ấy kể chuyện này, nhiều người ngồi quanh mình cười to và bình luận là đại gia đó ‘dại gì mà không đi' (!). ‘Thế thì nên đi quá đi chứ! Có gì mà khó, có gì mà ngu! Nhưng khi đại gia gặp phải hoa hậu rởm hoặc người mẫu rởm, mà khốn nỗi, thứ rởm ấy lúc này đầy, nếu không nói rằng chiếm đa số, như thế thì cô Yến Ngọc vẫn đúng, đại gia ngu thật!’ (Lê Hoàng - nguồn 2).


(Minh Hằng)

Có người cho là Hoa hậu của ta khó mà có được nét đẹp của Lưu Diệc Phi (thường được gọi là ‘Thần tiên tỉ tỉ’), Phạm Băng Băng (Á hậu Trung Quốc), Trần Hảo (người đàn bà đẹp nhất Trung Quốc năm 2007), Ôn Bích Hà (trong phim ‘Tiểu Lý phi đao’, ‘Mối hận Kim Bình’…), Marilyn Monroe (người đàn bà đẹp nhất thế kỷ 20!)…Lập luận này chưa phải là chắc chắn lắm, vì các nàng đó được lên phim ảnh ‘vip’ quá nhiều nên tạo cho ta cảm giác như vậy, chứ nếu Đặng Thu Thảo đóng phim Hollywood hay phim chưởng của Kim Dung/Cổ Long thì chưa chắc ‘mèo nào cắn mỉu nào’!



(Diễm Hương)
Thực ra, cái đẹp của phụ nữ VN như vậy thì quá đạt rồi, thiển nghĩ chúng ta không cần quá quan tâm đến giải ‘Hoa hậu thế giới’, mặc dù có càng tốt, vì ở đó người ta chấm theo một tiêu chí khác, ví dụ cao khoảng 1,8m, có sắc đẹp làm hài lòng đa số các giám khảo 'mắt xanh mũi lõ'... mà nếu 'Thần tiên tỉ tỉ' Lưu Diệc Phi dự thi thì rớt ngay từ vòng loại cấp... phường!
(Hoa hậu thế giới 2012 - Wen Xia Yu (Vũ Văn Hà), Trung Quốc)
Cũng bởi lý do này, trong entry viết về ‘Minh Hằng’, mình không nhắc đến Mai Phương Thúy vì cô cao 1,83m, mình có hỏi mấy sinh viên là: ‘Các bạn có yêu một em cao 1,83m không?’, hầu hết mấy anh chàng 9x đó đều lắc đầu, lý do đơn giản là đàn ông VN (hay châu Á) cao 1,7m là chuẩn rồi, thường họ lấy vợ thấp hơn 5-10cm, tức là môt người 'vợ' lý tưởng chỉ cần cao khoảng 1,6m hay 1,7m thôi! Và thú thật, xem các nét đẹp trong các bức họa ‘Maya khỏa thân’ của họa sĩ Goya hay ‘La Gioconda’ của Leonardo da Vinci… thì mình chả có cảm hứng tí nào!

(Hoa hậu Đặng Thu Thảo)
Đợi em, đợi ngã ba đường
Tím đâu không thấy, thấy vương vấn sầu
Vu vơ là vu vơ nào
Tơ lơ mơ ấy, nồng cay buộc ràng
Lặng nghe ai hát ai đàn
Sương chiều mờ ảo, bóng nàng xa khơi
Tìm chi cho khổ ai ơi
Người dưng đang ở một nơi rất… gần!
(Vu vơ - NGLB)

Tóm lại, chúng mình hài lòng với kết quả cuộc thi Hoa hậu 2012, đặc biệt là Đặng Thu Thảo đạt giải Hoa hậu đồng thời đạt giải phụ ‘người có khuôn mặt đẹp nhất’ do khán giả bình chọn. Vì sao, theo chúng mình, người đẹp là người có kiến thức, có ước mơ đẹp, làm việc đẹp (tốt), có tình cảm đẹp, phong cách đẹp và quan hệ xã hội đẹp…, trong đó ngoại hình đẹp cũng không kém phần quan trọng. Vì thế, chúng mình thiết nghĩ rằng, vì Hoa hậu VN là đại diện cho vẻ đẹp của phụ nữ VN, nên không thể chấm một hoa hậu mà sắc đẹp ‘không-hài-lòng-người-xem’.
(Lưu Diệc Phi trong vai Tiểu Long Nữ)
So với các cuộc thi khác thì dường như ‘thi Hoa hậu’ là một sự chuyển thể từ dòng ‘nhạc cổ điển’ sang ‘nhạc thời trang’, hay là một sự chuyển thể từ một thế giới mô phạm/quy tắc sang một thế giới tươi trẻ hơn, phóng khoáng hơn và linh động hơn.
Điều rất quan trọng là cần phải làm rõ ‘hình tượng các người đẹp trong lịch sử Việt Nam’ với công chúng nước ta và trên toàn thế giới, và dường như có thiếu sót lớn nếu ta để cho công chúng, khi nghĩ về ai là đẹp nhất, nhiều người lập tức nghĩ đến mối tình của Tiểu Long Nữ và Dương Quá!
-----------------------
Các nguồn tham khảo chính:
-Nguồn 1: http://vnexpress.net/gl/van-hoa/2012/08/dang-thu-thao-dang-quang-hoa-hau-viet-nam/
-Nguồn 2: http://www.tinmoi.vn/le-hoang-dai-gia-cung-ngu-that-091026935.html
-Entry 230. Minh Hằng: http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/1014788/index
-Entry 224. Bảo Đại: http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/1009327/index
-Entry 215. Thiên đế: http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/363910/index
-Entry 174. Nữ thần tình yêu: http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/252269/index
(Và các tài liệu khác có liên quan).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét