Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

252. Tại sao 'còn hai con mắt khóc người một con'?

(Còn hai con mắt khóc người một con)


Em đừng khép cửa trái tim
Khi anh sầu nhớ, biết tìm em đâu
nào dẫn đến thu sầu
Hoa
nào dẫn đến một màu tái tê
Mưa chiều mấy đợt lê thê
Hoài mà chẳng thấy đi về dáng em
Thu vào lấp ló bên thềm
Mưa vào
ướt áo, dáng mềm ai trao!
(Ai trao dáng mềm - NGLB)

1. Chắc các bạn đọc hẳn nghe câu ‘Còn hai con mắt khóc người một con’ trong một bản nhạc Trịnh, có phải đó là câu của Trịnh? từ đâu mà có? câu này có nghĩa gì?
Trước tiên, mình xin đăng bài thơ ‘Mắt buồn’ của Bùi Giáng (sáng tác năm 1963, trong tập thơ ‘Mưa nguồn’) và lời bài hát ‘Còn một con mắt’ của Trịnh Công Sơn (sáng tác năm 1993):

(Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn là bạn tri kỷ)

Mắt buồn (thơ Bùi Giáng)
‘Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Ầm trang sử lịch thu triền miên trôi
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng với lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con’

Con mắt còn lại (Lời nhạc Trịnh Công Sơn)
‘Còn hai con mắt khóc người một con
Còn hai con mắt một con khóc người
Con mắt còn lại nhìn cuộc đời tôi
Nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp
Con mắt còn lại nhìn cuộc tình phai
Tình trong hai tay một hôm biến mất
Con mắt còn lại là con mắt ai
Con mắt còn lại nhìn tôi thở dài

Còn hai con mắt khóc người một con
Còn hai con mắt một con khóc người
Con mắt còn lại nhìn một thành hai
Nhìn em yêu thương nhìn em thú dữ
Con mắt còn lại ngờ vực tình tôi
Cuồng điên yêu thương cuồng điên nỗi nhớ
Con mắt còn lại nhìn mây trắng bay
Con mắt còn lại nhìn tôi bùi ngùi

Còn hai con mắt khóc người một con
Còn hai con mắt một con khóc người
Con mắt còn lại nhìn đời là không
Nhìn em hư vô nhìn em bóng nắng
Con mắt còn lại nhẹ nhàng từ tâm
Nhìn em ra đi lòng em xa vắng
Con mắt còn lại là đêm tối tăm
Con mắt còn lại là đêm nồng nàn’

Trước khi dẫn vào vấn đề, mình xin nhắc đến một số cuộc thi hoa hậu mà được đăng tải nhiều trên mạng. Theo Wikipedia thì cuộc thi hoa hậu đầu tiên của Việt Nam ('Miss Vietnam', sau giải phóng) được tổ chức vào năm 1988 với hoa hậu là Bùi Bích Phương (Á hậu: Nguyễn Thu Mai).
Khi sưu tầm tư liệu để viết entry, mình thấy có xuất hiện nhiều thông tin rất thú vị, nếu bỏ qua thì tiếc lắm, đặc biệt là những ‘thông tin đó’ có liên quan đến Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn hay Vương Hồng Sển chẳng hạn. Mình chỉ tóm tắt các cuộc thi hoa hậu (các bạn vui lòng xem phần ‘Bổ sung chi tiết’ ở cuối entry 251) vào các năm 1864, 1865, 1955, 1957 và từ 1988 đến nay, trong đó cuộc thi hoa hậu năm 1955 có gắn liền với chủ đề này.

Biển xinh nhớ có em xinh
Biển xinh nhờ có dáng hình của ai
Lén nhìn áo tím xa xa
Bóng kia đi khuất, hồn ta chồng chềnh
Lỡ tim bị vỡ ai đền
Bệnh tương tư đến… ai bên chữa lành!
Lâu ngày không thấy bóng nàng
Hèn chi mưa cứ rộn ràng chiều nay
(Biển xinh - NGLB)



2. Cuộc thi hoa hậu 1955 (nhân dịp Lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng) được tổ chức ngày 20/2/1955, tại rạp Lido Chợ Lớn, người tham dự là các thí sinh đến từ Sài Gòn và các tỉnh ở miền Nam. Dĩ nhiên là cuộc thi này không có phần thi 'trang phục áo tắm’ vì việc phơi bày ‘đường cong’ là không phù hợp với văn hóa của người VN thời đó, hơn nữa, nhiều thí sinh cũng không dám dự thi…
Người đạt chiếc Vương miện Hoa hậu tại cuộc thi đó là cô Công Thị Nghĩa, sinh năm 1932, người miền Bắc di cư vào Nam trước năm 1945. Cô cao 1,61m, nặng 53kg và có các số đo là 86-62-88.

(Hoa hậu 1955 - Công Thị Nghĩa)
Cô thường được giới trí thức/văn nghệ sĩ thời đó biết đến với nick là Thu Trang khi cô viết báo, viết văn và viết sách nghiên cứu, ngoài ra cô có bị bỏ tù do tham gia Việt Minh. Sau khi ra tù, cô học nghề báo chí và làm ký giả ở Sài Gòn. Trong lúc đi lấy tin để viết bài, cô tình cờ bị Ban tổ chức xúi đi dự thi Hoa hậu, không ngờ cô trở thành Hoa hậu thật! Trong các phần thưởng cho cuộc thi đó, có chiếc xe Vespa hiệu Lambretta, vì thế cô còn được gọi là ‘Hoa hậu Lambretta’.

(Cô còn có nick là 'Thu Trang')

Sau khi đạt danh hiệu Hoa hậu, cô được mời đóng một số phim, trong đó có phim ‘Chúng tôi muốn sống’ (đạo diễn: Vĩnh Noãn) và phim ‘Lục Vân Tiên’ (đạo diễn: Tống Ngọc Hạp). Chính vì tham gia đóng phim cho đạo diễn Tống Ngọc Hạp mà xảy ra vụ ‘năm 1957, một năm vinh quang và đau đớn’ mà sẽ được kể chi tiết ở dưới.
Năm 1961, nhân cơ hội được mời sang Pháp tham gia ngành điện ảnh, cô qua định cư tại Pháp, tiếp tục học và trở thành Tiến sĩ sử học. Cô có về VN giảng về lĩnh vực du lịch cho một số trường đại học, và chắc có lý do tế nhị mà nhiều sinh viên không biết cô là Hoa hậu năm 1955.

(Giảng viên Công Thị Nghĩa)
Hôm nay nắng sáng trời trong
Nhưng sao lại có bão lòng diết da
Tiếc gì tình quá tầm tay
Tiếc gì tình ở trời mây vô thường
Bên em có lắm người thương
Một ngày nào đó, sẽ tư tương nhiều
Hạ về ta cứ thầm thi
Thu về ta cứ lâm li chuyện tình
(Em ơi! - NGLB)


3. Về sau, một số nhà nghiên cứu biết được chuyện này là từ cuốn hồi ký ‘Một thời để nhớ’ của Thu Trang, do Nhà xuất bản Văn học in năm 2010 (chỉ có 500 bản nên không được phổ biến rộng rãi).
Trong cuốn hồi ký, cô tự hỏi ‘việc trở thành Hoa hậu của mình là phúc hay là họa’. Năm 1957, trong khi đi với đạo diễn Tống Ngọc Hạp sang Nhật để lồng tiếng cho phim ‘Lục Vân Tiên’ và tham dự Đại hội điện ảnh châu Á, ‘lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy’, cô có quan hệ luyến ái với chàng và có bầu, điều này đã tạo nên scandal lớn vào thời đó (hơn nữa chàng đã có vợ con), nhưng cô vẫn quyết định giữ lại đứa con, được đặt tên là Tống Ngọc Vân Tiên (chắc là ảnh hưởng của việc cô đóng vai là Kiều Nguyệt Nga trong phim ‘Lục Vân Tiên’!). Cô viết:
‘Tới tuổi 25 tôi mới thành đàn bà trong hoàn cảnh bi thảm. Bị du vào những tình huống mà tôi cảm nhận là mình đã không thể tránh. Khi người đàn ông đam mê, nên dễ bị say trong nỗi cuồng điên man dại? Hay chính tôi là một đối tượng có những nét gì khó gần, quá giữ gìn càng gây kích thích trong sự phải chiếm đoạt? Phải chinh phục do tự ái của đàn ông tính, pha lẫn với ít nhiều tưởng tượng là tình yêu?... Ngang trái thay, tôi đã không biết abc gì trên phương diện tình dục. Tôi có thai ngay trong tháng đầu tại Tokyo… Chúng tôi đã sống trong thảm cảnh kế tiếp khi về tới Sài Gòn cuối năm 1957. Thật là cả một cơn giông bão phũ phàng đổ ập xuống tôi khi vừa bắt đầu làm mẹ. Xã hội Việt Nam thời ấy chưa có chút vị tha nào cho những sự kiện như vậy’.

(Còn hai con mắt khóc người một con)


4. Nếu không nhầm, vẻ đẹp của Hoa hậu ‘Thu Trang’ đã làm cho Bùi Giáng say mê và là nguồn cảm hứng để ông sáng tác bài thơ ‘Mắt buồn’. Dưới đây chắc là một bài thơ nữa của Bùi Giáng nói về Thu Trang:
‘Không biết nữa trời tròn hay méo
Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay
Anh ngó lên trời mây gió gửi nhau bay
Trời bên kia - nhan sắc ở bên này’  (Bùi Giáng)
Ngoài ra, Bùi Giáng còn có một bài thơ mang tên hẳn là ‘Thu Trang’ mà bí mật này chỉ có bạn thân của ông là họa sĩ Bửu Ý mới biết được:

(Em 'Trang' của Bùi Giáng)
‘Trang của tờ giấy cũ
Của vầng tóc ban đầu
Trang của hồi vàng tụ
Về mệt mỏi mai sau
Anh nhớ em vô cùng
Đất sầu không xiết kể
Anh kêu gọi mông lung
Trang ồ, Trang rất tệ’ (Bùi Giáng!)
Năm 1961, khi Thu Trang bỏ VN sang Pháp, Bùi Giáng có đến nhà cô tiễn đưa và ‘chôm’ đôi dép của cô về nhà làm kỷ niệm. Cô kể: ‘Tôi hơi ngạc nhiên để ý anh nhìn xuống nền nhà đá hoa. Cả hai im lặng, tôi muốn nói một câu gì đó để cho có chuyện. Chưa kịp thì anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ của tôi đi trong nhà cạnh đó, anh nhặt lên và lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép. Rồi anh đứng lên: Tôi về!’.

(Bùi-Trịnh, đôi bạn vong niên)

5. Cuối cùng, không quan trọng câu ‘còn hai con mắt khóc người một con’ là của ai, 99% bài viết trên mạng khẳng định nó là của Bùi Giáng, hơn nữa Trịnh và Bùi vốn là bạn tri kỷ nên chuyện đó càng không thành vấn đề: ‘Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn là tri kỷ của nhau cả trong đời và trong nghệ thuật. Hai người khi sống đã xem mọi việc thật nhẹ nhàng thì chúng ta cũng không nên đặt nặng làm gì’ (theo nhà thơ Lê Minh Quốc - Nguồn 2). Ví dụ mình có làm nhiều bài thơ ngẫu hứng, trong đó đôi khi mình xuất phát từ một câu văn hay một câu thơ của một blogger nào đó rồi cảm hứng mà làm ra… thơ. Hơn nữa, có nhiều câu/từ đã trở thành thành ngữ, ví dụ ‘một tòa thiên nhiên’, người ta có thể viết một entry với chủ đề trên mà không cần mở ngoặc đơn ghi là ‘Nguyễn Du’!

(Còn hai con mắt khóc người một con)

Có nhiều cách để giải thích câu ‘còn hai con mắt khóc người một con: ‘Nhiều người vẫn hiểu câu thơ này với ý là ‘còn hai con mắt’ nhưng chỉ có một mắt khóc còn một mắt thì không. Tất nhiên, trong văn chương hiểu như thế cũng không có gì sai’ (theo Trần Hoàng Nhân - Nguồn 1). ‘Theo mình nhớ, Bùi Giáng làm câu thơ này những năm cuối đời. Còn hai con mắt khóc người một con là cách Bùi Giáng chơi chữ đầy tinh nghịch. Bùi Giáng từng giải thích đại ý người còn hai con mắt khóc người đẹp có một đứa con, vì gái một con trông mòn con mắt’ (theo nhà thơ Trần Từ Duy - Nguồn 2).

Còn theo NGLB:

Có ba dấu chấm đặt vào đâu
Đặt người trong mộng cho đỡ sầu
Cuộc đời chao đảo, ôi nghiêng ngã
Một chiếc thuyền trôi, chọn hướng nào!,

hai con mắt’ là của Bùi Giáng nhìn, còn ‘khóc người một con’ là khóc, yêu và thương cảm cho nàng vì lỡ có một con mà phải chịu khổ sầu! 
----------------------------------------------------
Các nguồn tham khảo chính:
-Entry 251: Ngũ đại mỹ nhân: http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/1040759/index
-Entry 242: Trịnh Công Sơn: http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/1039728/index
-Entry 232: Bùi Giáng: http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/1015996/index (và các tài liệu khác có liên quan).

13 nhận xét:

  1. rất hay, nhờ vậy mà biết nhìu giai thoại về hai ông Bùi-Trịnh! Cảm ơn NGLB nhe!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ồ, chào giáo làng, chúc mừng blog mới nghen, sẽ gặp nhiều.

      Xóa
  2. Trả lời
    1. Ồ, CT mở được blogspot, giỏi quá ta.
      Còn CT là 'Diệt Tuyệt sư thái' trong thế giới blog, làm gì có ai có KN chỉ giáo thêm cho CT được chiêu nào nữa, hì..hì...

      Xóa
  3. Ồ, CT mở được blogspot, giỏi quá ta.
    Còn CT là 'Diệt Tuyệt sư thái' trong thế giới blog, làm gì có ai có KN chỉ giáo thêm cho CT được chiêu nào nữa, hì..hì...

    Trả lờiXóa
  4. Trả lời
    1. Cám ơn MPT nghen, gặp lại nhau ở nhà mới, mừng quá, tối vui nghen.

      Xóa
  5. Một cảm giác vỡ òa khi hiểu ra. xin chân thành cám ơn tác giả bài viết này. Thật sự bài viết rất hay

    Trả lờiXóa
  6. Một cảm giác vỡ òa khi hiểu ra. Xin cám ơn tác giả bài viết này. Thật sự bài viết rất hay!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Mỹ Huệ xem và có lời bình: vui lắm! Mình tặng bạn mấy câu này cho vui nhé:
      Có ba dấu chấm đặt vào đâu
      Đặt người trong mộng cho đỡ sầu
      Cuộc đời chao đảo, ôi nghiêng ngã
      Một chiếc thuyền trôi, chọn hướng nào!

      Xóa
  7. Trả lời
    1. Cám ơn động viên của bạn mới, chúc xem EURO vui nhé!

      Xóa