Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

378. Những câu hỏi của các blogger

Trong đời, chủ yếu LB có làm một nghề mà không phải nghề, đó là nhận câu hỏi từ các đối tác thuộc các dự án phát triển, có lần cao điểm lên đến 50-100 câu hỏi (mail)/ngày, rồi trả lời cho họ, Trong hơn 15 năm hành nghề, có nhiều câu hỏi thú vị lắm. Trừ các câu hỏi về chính trị, tôn giáo và chuyên môn, mỗi câu hỏi mình trả lời từ 5 dòng đến 2 trang, nói chung là độc giả hài lòng. Khi chơi blog, LB đã thường ngồi dưới gốc bàng, hồi tưởng lại, viết nên những entry mà các bạn đã và đang đọc đó.
Sau này, có nhiều câu hỏi từ các blogger như: Cherry T., Cún Con HN, Cuộc Sống, D.Thủy, DKT, Đóm, GB, H.Nghiệp, Happiness, M.Anh, Mãi nhớ người, MTB, N.Phương, Nazu, Nữ thần mặt trời, RP, Tiến sĩ kỳ lạ, Trăng, T.Diễm, Violet Baby, Violet HN, Y.Ngọc…
Các bạn ấy đã hỏi một số câu như sau: Anh nghĩ gì về: Cách nghe chuyện? Sự cô đơn? Dục vọng? Đàn bà? Hạnh phúc? Mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà? 'Tâm ma'? Tình dục? Tình yêu và tình dục? Sự vĩ đại? Vĩ nhân? Vũ trụ?...
*
1. Anh nghĩ gì về cách nghe chuyện?
Có 4 tư thế nghe chuyện:
Tư thế 1: Lắng nghe người ta nói, xem có điều gì hay không, thỉnh thoảng mỉm cười.
Tư thế 2: Nghe người ta nói, suy nghĩ kỹ, rồi xin có ý kiến khách quan.
Tư thế 3: Nghe người ta nói, có suy nghĩ, rồi nói rằng ý kiến của tôi như thế này thế nọ, nhằm khoe khoang cá nhân mình.
Tư thế 4: Chưa nghe người ta nói xong, không cần suy nghĩ, đã nhảy xổm vào miệng người ta, giống như một người nhậu mà nhảy vào giữa bàn tiệc mà ngồi.
Chắc bạn thừa biết ai nghe chuyện ở tư thế 4 rồi, đó là chuyện thường ngày như cơm bữa. Chắc bạn cũng có thể biết ai nghe chuyện ở tư thế 2, 3 rồi. Nhưng hãy chỉ giùm một người nghe chuyện ở tư thế 1 nhé?
…Tại sao ta không lắng nghe về/xem một cuốn sách từ đầu đến cuối, đọc vài lần, 10 lần hay 100 lần, suy nghĩ kỹ và thấu đáo, rồi hãy bình luận cũng đâu có muộn. Hay là người ta muốn cướp lời nói của người khác, hay là sợ mất phần, hay là muốn lập tức chứng tỏ mình là quan trọng…
*
2. Anh nghĩ gì về sự cô đơn?
Ai nói nghe có lý ghê: ‘nơi lạnh nhất không phải ở nam cực mà ngay trong trái tim của chính mình’.
…Cô đơn, có thể, là một nỗi buồn bất tận, buồn không biết tại sao buồn. Nếu ta đã từng có lần bị thất bại thảm hại, ta sẽ hiểu nỗi ‘cô đơn’ của người bị thất bại ra sao. Nếu có 'thượng đế' bên mình, ta vẫn cô đơn …
…Cứ như vậy, hắn chờ từng 5 phút, rồi từng một phút, không có cái gì thay đổi cả. Rồi hắn thử hình dung ra bên ngoài xã hội, hắn bỗng thèm chảy nước miếng được như thiên hạ. Giờ này thiên hạ đang tham gia hội chợ phù hoa một cách say sưa. Các con thiêu thân đang lao mình vào bóng đèn ảo ảnh một cách cuồng nhiệt. Các cô gái ‘ấy ấy’ đang hau háu mắt trong các cửa hàng shopping hay lao mình vào những điệu ‘nhảy’ điên cuồng. Các bà thì có thể mắt xem ti vi còn miệng đang nói chuyện ‘ba con vịt’ một cách đam mê. Các ông thì đang ‘vểnh dái’ ra nằm xem ti vi hay nói phét văng cả nước miếng ra ngoài. Các đôi tình nhân đang quay cuồng rên rỉ trong các vũ điệu đực cái. Các triết gia, nhà khoa học đang cho ra đời những luận cứ, có thể, vu vơ. Các nhà văn nhà thơ đang tích cực sản xuất ra, có thể, hàng giả. Các tay làm ăn kinh tế đang mai phục để ngay tối nay hay ngày mai, có thể, ‘đớp’ tiền của người khác...
Còn hắn! hắn im lặng và bất lực trước các ánh đèn điện gọi mời trước mắt mà chìm vào bóng tối của sự cô đơn. Cứ như thế, trong 4 tiếng đồng hồ, hắn cam chịu cái cực hình này, rồi hắn úp mặt lên bàn khóc ướt đẫm cả bàn, hay khóc ‘rung giường’ đến nỗi ướt đẫm cả gối.
…Rồi 6 tiếng đồng hồ trôi qua. Hắn là ma đực dĩ nhiên hắn thích ma cái, nhưng rồi tình hình cũng tương tự, không lẽ con ma cái là thơm tho vĩnh viễn! Cô đơn cộng hết năng lượng suy ra lười biếng đến nỗi lết ra khỏi giường lấy cái gì hắn cũng bực mình, nếu mà có con ma cái nào gọi điện thoại đến, hắn cũng không thèm tiếp. Hắn chỉ có một giải pháp, hãy chết đi, nếu lỡ sáng mai còn sống thì lại tiếp tục hiện tượng cô đơn này đêm này qua đêm khác, cho đến khi một cái chết thật sự diễn ra.
Nhưng dù sao, như thế là hắn đã chết rồi đó! 
(hề.. hề..., nay hắn vẫn còn sống nhe răng-NGLB)
3. Anh nghĩ gì về dục vọng?
Ta là một thực thể của dục vọng, làm sao là một con người mà không có dục vọng được? Dục vọng là do ta có trong quá trình sinh ra và lớn lên, thậm chí là di truyền đời đời kiếp kiếp của loài người tiềm ẩn sẵn sàng trong máu trong thịt của ta, hễ mở mắt ra thấy ‘đối tượng’ là dục vọng phát sinh, tự nhiên đến nổi không kiềm chế được!
…Hình như ai ít nhiều cũng có ‘bịnh tâm thần’ mà không biết là mình bị tâm thần. Người ta thường khoe mình tài mình giỏi, tỏ ra mình là làm lớn, mình hiểu biết nhiều, có trình độ/học vị cao, khoe khoang về mình, đề cao về mình, quan trọng hoá chuyện của mình…Ai cũng ham nếu không tiền bạc thì là danh vọng, sĩ diện, giàu có... Người nào cũng muốn thể hiện mình, là hay lắm, hay hơn cái của người khác, thậm chí thể hiện quá xa so với cái mà mình mà mình có! Có người gọi đó là ‘thị dục huyễn ngã’ đấy bạn ạ. Nói tóm lại, kẻ giàu người nghèo, kẻ khôn người ngu, kẻ sang người hèn, kẻ già người trẻ, kẻ học nhiều người học ít, kẻ tu người không tu, kẻ chính phái người tà ma ngoại đạo…, tất cả đều chứa nhiều dục vọng.
Nói là người ta ai cũng có ít nhiều bịnh tâm thần là nói nhẹ đó - không cần biết ai phản đối câu nói này vì đó là sự thật - mà phải nói là có không ít lúc con người bị điên, điên thật. Từ ông xếp, ông chuyên gia, kỹ sư/bác sĩ/thầy giáo…, đến nhân viên, bảo vệ, lái xe, tạp vụ…, lâu lâu đều điên tất, miệng lảm nhảm những điều mà hắn hay cô ấy tin là đúng với thái độ mê tín một cách điên cuồng.
…Con người càng già, dục vọng càng cô đặc lại, có quán tính mạnh hơn, bảo thủ hơn, và đeo bám dai dẳng hơn. Và dù có cảnh tỉnh họ bằng chuyện ‘cái thùng, con khỉ và nắm đậu phụng’ – hãy bỏ nắm đậu phụng ra thì được giải thoát – nhưng họ nào có thức tỉnh đâu…
 4. Anh nghĩ gì về đàn bà?
Hắn đam mê ‘bóng hồng’, là ‘tật’ của hắn, hắn cực khó mới có thể đưa vào ‘triết’ cho vui, vì chuyện đó là rất ‘người’. Tại sao đàn ông thấy đàn bà là đẹp nhỉ!, cái miệng đẹp, cái mũi đẹp, đôi mắt đẹp, dáng đẹp, thơm ngon, tình tình hay, thông minh, khôn lanh, ma mảnh (hiểu theo nghĩa tích cực)…
…Thế nào là một người đẹp nhỉ? Đẹp thì rất tốt rồi, dễ gì có người đẹp! Nhưng người đẹp thì phải có chất về tinh thần và tâm hồn. Bạn nghĩ thế nào nếu bạn phải ở hoài bên cạnh một phụ nữ mà chỉ đam mê tiền bạc hay sĩ diện? Hay nói đến âm nhạc, văn học hay nghệ thuật mà người đó không hiểu? Bạn có cảm giác gì nếu có người phụ nữ nào đó nghiêm trọng hoá chuyện tình dục thành chuyện gì đó rất linh thiêng? Còn nữa, khi phụ nữ đeo nhiều đồ trang sức (đắt tiền) thì thường là chỉ có phụ nữ nhìn thấy chứ đàn ông không nhìn thấy - phụ nữ đeo trang sức là vì đàn bà ư, để xem lại!… Khi rơi vào những tình huống trên, bạn sẽ tồn taị như thế nào!
Có một buổi sáng hắn thức dậy: có điện, hắn đến văn phòng: cúp điện, hắn ngủ trưa dậy: có điện, hắn đến tiệm hớt tóc: cúp điện; hắn chợt giác ngộ là phụ nữ giống như cái Sở Điện lực ở VN, bực mình làm cái gì. Có thể hắn nghĩ đúng, đúng rồi chứ còn gì nữa, phụ nữ sáng nắng chiều mưa, suy nghĩ và hành động thay đổi như ‘con thoi’, biết thế nào mà lần. 
Người ta nói rằng đàn ông có thể trăm trận trăm thắng ở chiến trường, nhưng về nhà thua một người đàn bà; còn có người nói rằng ‘cuối cùng phụ nữ hơn chúng ta’; ngẫm lại cũng không sai lắm. Đối với đàn ông, đàn bà có một sức hút mãnh liệt và kỳ bí và 'bất khả kháng cự', sức mạnh đó dường như vô hình, nhưng có tiềm lực 'nghiêng thành đổ nước'.
…Là đàn ông, bạn có thể xem đàn bà là 'chuyện nhi nữ thường tình' hay ngược lại là 'cái gì đó hấp dẫn ghê gớm' mà chiếm trọn khối óc, tâm hồn và thể xác của bạn, dù như thế nào đi nữa thì đàn bà đối với bạn cũng là vấn đề hữu hạn trong cuộc đời ngắn ngủi này. Nhưng 'đực-cái' là quyền sáng tạo của thượng đế, khi nào bạn còn sống, khi nào bạn còn suy nghĩ, thì đàn bà vẫn tự nhiên xâm nhập vào hệ thần kinh vô cùng nhạy cảm của bạn…
 5. Anh nghĩ gì về hạnh phúc?
Thật là rất khó để định nghĩa thế nào là hạnh phúc vì từ ‘hạnh phúc’ rất là trừu tượng. Nói đến hạnh phúc thì người ta thường liên tưởng đến đau khổ, vì hạnh phúc hàm chứa đau khổ, còn đau khổ lại có khả năng sản sinh ra hạnh phúc. Vì thế, hạnh phúc có thể có tính chất ngắn hạn, nhưng cũng có thể là bản trường ca đầy kịch tính và bi tráng. Khái niệm hạnh phúc không chỉ liên quan đến cá nhân, mà còn liên quan đến một tập thể người, thậm chí của cả dân tộc hay nhân loại…Thế giới vô cùng đa dạng và phức tạp, có nhiều nhiều khái niệm về hạnh phúc lắm:   
Có người nói hạnh phúc là đấu tranh. 
Có người nói là hạnh phúc ở ngay trước cổng nhà ta, không cần phải tìm đâu xa.  
Có người nói thượng đế luôn ở chung quanh ta, hãy mở rộng tấm lòng ra đón nhận Người. 
Có người nói phật tại tâm. 
Có người nói sống là an phận thủ thường.  
Có người nói sống đã lấy gì làm vui, chết đã lấy gì làm khổ. 
Có người trả lời ‘thiền là gì’ bằng một tiếng thổi sáo.
Có người nói hạnh phúc là được ‘thủ thỉ’ bên mỹ nhân. 
Có người nói giả sử ta có 100 đô, nếu ta xài 99 đô, thì đó là hạnh phúc, nếu ta xài 101 đô, kết quả là đau khổ.  
Có người nói ‘em yêu anh, anh thấy vô cùng hạnh phúc’ 
Có người nói ‘xin được việc làm, em thấy hạnh phúc quá’ 
Có người nói ‘nghe Hiền Thục hát bài ‘Vì đâu ta mất nhau’, nghe Thanh Lam hát bài ‘Hoa cỏ mùa xuân’ hay Minh Tuyết hát bài ‘Đã không yêu thì thôi’, tôi thấy rất hạnh phúc.
Có người nói hạnh phúc là ‘Mùa xuân trên những mái nhà. Có con chim hót tên là ái ân’...
…Vậy hạnh phúc là vui, là sướng hay là cái gì cao xa hơn? Từ sướng còn dùng trong thế giới sex, nhưng đó là cảm xúc tự nhiên và rất thực. Chắc tạm thời hiểu hạnh phúc mà con người phát biểu là vui hay sướng có giai đoạn. Còn nói đúng hạnh phúc theo nghĩa ‘lòng đã bình an’ thì còn quá xa mới đạt được; mấy ai đạt được trạng thái ‘vô vi’ hay ‘tự do tự tại’ như là Trang tử hay Lão tử đã nói; thoát khỏi ‘thất tình lục dục’ thì thậm chí là quá ảo tưởng, trên đời này, lỡ dấn thân vào vòng ‘sinh hóa’, có mấy ai diệt được dục, ...
…Nói cho cùng, chân lý thì ở đâu cũng là ‘một’. Hắn cũng biết như thế nào là hạnh phúc ảo tưởng, và do đó cũng cảm nhận được chút chút thế nào là hạnh phúc thật, nhưng dù sao ảo tưởng vẫn là ảo tưởng. Diệt được dục là hạnh phúc ư, coi chừng bạn đang từ một ảo tưởng này sang một ảo tưởng khác, thậm chí còn nguy hiểm hơn.
…Ôi, người có cảm nhận hạnh phúc như thế này thì người khác có thể có cảm nhận hoàn toàn ngược lại.
Ôi, trời đất có nói gì đâu...
6. Anh nghĩ cái gì đàng sau Kim Dung?
Triết lý của Kim Dung là một tập hợp có kết nối các tư tưởng của Lão Tử, Trang Tử, Phật, Hồi giáo, Kinh dịch hay Thiền. Nói đến Kim Dung là nói đến nhân bản tính, lương tri tính, cô đơn tính, phá tính, lãng mạn tính, tự do tính, vô định tính, hư vô tính, tự nhiên tính và cuối cùng là tình yêu tính. Thật rất khó để nói ‘tính’ nào là cốt lõi trong truyện của Kim Dung. Một chọn lựa ‘tự nhiên tính’ hay ‘hư vô tính’ có lẽ là phù hợp, nhưng theo nhà gom lá bàng, cột lõi của truyện của Kim Dung là tình yêu tính.
Theo ông, có tính chất tương đối trong sự khác biệt giữa chính và tà, phải chăng các giới hạn hay sự phân biệt trên là do con người đặt ra phụ thuộc vào nhận thức hay lợi ích của một người hay nhiều người, và trong một chừng mực nào đó, có thể bị lợi dụng làm một công cụ để dựng nên sự tranh giành quyền lực và tiêu diệt lẫn nhau.
…Phải chăng số phận của con người đến từ sự ngẫu nhiên, con người được sinh ra và phát triển trong một thế giới xa lạ mà không phải do mình tự chọn, và do đó bản chất con người cũng là cô đơn. Chính những nhà chính trị khi thành công tột đỉnh thường bị sụp đổ về tâm lý và đi vào sự cô đơn gần như tuyệt đối, như Thành Cát Tư Hãn, Nhậm Ngã Hành, Nhạc Bất Quần hay Tào Tháo. Con người khi cô đơn nhiều khi buộc phải tìm mọi cách để phá cái hạn chế về tinh thần và cái thân phận nhân sinh tuyệt khổ mà thượng đế áp đặt cho họ. Điều này đã được mô tả xuất sắc qua nhân vật Tạ Tốn với tiếng gào ‘Sư tử hống’ làm đau đớn, khủng khiếp, chấn động và chết lặng hồn người, y đã chửi vào cái bất công của thế gian bằng 3 chữ ‘lão tặc thiên’, và vì muốn trở thành ‘người’, y đã đặt hết hoàn toàn tình yêu truyền tính của mình vào con người Vô Kỵ, một thứ tình yêu vô cùng cao quý như là sự đạt được khát vọng của tự do vậy.
…Những triết lý của Kim Dung thường dẫn đến cái vô định tính, với câu hỏi cuối cùng con người là ai, sẽ giải quyết được gì và sẽ đi về đâu, Kim Dung đã và đang im lặng, một sự im lặng mang tính hư vô và đầy ý nghĩa vì bất cứ một sự trả lời nào cũng phá tan ý nghĩa của hai từ im lặng đó. Có phải cuộc đời này giống như một thế cờ 'Trân Lung' mà bất cứ một kỳ thủ tuyệt đỉnh nào cũng không giải được! 
…Có một người hỏi một phụ nữ rằng ‘tại sao cô sinh con?’, trả lời ‘tại vì cha mẹ tôi sinh con, nên đến lượt tôi, tôi cũng sinh con’, một câu trả lời đơn giản nhưng lại thực tại trên cả ‘thiền’. Đúng, con người không loại trừ ai, đang tồn tại bằng tự nhiên tính mà là một thứ cứu cánh gần nhất và thực tế nhất để ngõ hầu đạt cái tự do tự tại trước mắt, mặc dù chân lý cuối cùng của con người là vô định tính mà đối với họ là quá xa xôi.
…Các mối tình trong truyện của Kim Dung rất lãng mạn và xa rời tính phù phiếm của thế tục thường tình, chỉ có lãng mạn như Đoàn Dự mới sử dụng thuần thục được phép 'Lăng ba vi bộ'. Ta sống ở đời này làm gì nếu không có tình yêu. Không đúng hẳn khi Pasteur đã nói con người khác động vật là ở chỗ biết tư duy. Theo Nhà gom lá bàng, con người khác động vật là ở chỗ có tình yêu mà chính thượng đế phải nể phục và nghiêng mình trước sự kỳ diệu của tình yêu mà con người đã thể hiện (bởi lẽ ngài cũng không thể hiểu được tình yêu đó). Con người chứ không ai khác đã tự sản sinh ra tình yêu sau khi ăn trái cấm, mà thượng đế chỉ ban tặng cho họ không khác gì là hai xác thịt chứa đầy rẫy những tình dục, cô đơn và đau khổ. Chính tình yêu làm cho con người vượt qua giới hạn của chính - tà, vượt qua nỗi cô đơn, nhẹ đi đau khổ và đặc biệt tình yêu là liều thuốc thần diệu giúp con người vượt qua nỗi ám ảnh về hai chữ hư vô.  
 7. Anh nghĩ gì về mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà?
-Anh ơi, theo anh thì đàn ông và đàn bà ai khó hiểu hơn?
+Đàn ông khó hiểu khi hết bị thu hút tình dục với người đàn bà mà mình đang quan hệ, điều này cũng đơn giản thôi, vì yếu tố ‘đàn bà’ trong thời gian quan hệ là động lực đối với đàn ông. Còn đàn bà khó hiểu hơn vì khi 2 người vẫn còn hấp lực tình dục với nhau thì phụ nữ có thể cắt đứt quan hệ…
-Đàn ông có những cái xấu cái tốt gì?
+Đàn ông thường thích ‘của lạ’, đó là quy luật của muôn đời, tuy nhiên nếu người nào biết xem đó chỉ là ‘giải quyết tức thời’, biết cân nhắc chuyện ‘ấy’ trong mối quan hệ xã hội, biết dừng đúng lúc và vẫn chăm sóc vợ con như bình thường là đàn ông tốt, còn đàn ông nào mà vì thế mà bỏ bê vợ con là đàn ông xấu...
-Mình nên lấy người mình yêu hay nên lấy người yêu mình?
+Đối với quan niệm về hôn nhân, tình yêu không phải là số một. Tình yêu như ly cà phê, dù có uống lâu như thế nào đi chăng nữa, một hồi rồi sẽ cạn; bữa tiệc nào cũng sẽ có lúc tàn. Tình yêu không phải màu hồng, rất nhiều phụ nữ đau khổ vì bị lệ thuộc và ảo tưởng vào màu hồng của tình yêu.
Nên lấy một người ‘hợp’ với mình và có thể cùng với mình chung tay xây dựng một kế hoạch trong tương lai cho gia đình tốt, và khi đã nói thế thì tiền bạc chỉ là một trong những yếu tố để thực hiện kế hoạch, không nhất thiết phải là yếu tố quan trọng nhất.
-Anh nghĩ như thế nào về một người đàn ông chi tiền rộng rãi trước phụ nữ?
+Người đàn ông number one là biết tiết kiệm tiền và biết sử dụng tiền một cách hợp lý. Một người đàn ông, khi còn bị hấp lực tình dục và vì thế còn đeo đuổi người đàn bà mình thích, thì chuyện y chi tiền để ‘nổ’ và chi càng hào phóng bao nhiêu, thì có khả năng sau đó sẽ là một tay keo kiệt bấy nhiêu khi sở thích ‘kia’ không còn nữa.
-Em có nên lấy một người đàn ông có tính cố chấp và gia trưởng?
+Lấy người đàn ông cố chấp và gia trưởng là rất nguy hiểm vì sau đó, em sẽ trở thành một người đàn bà bất hạnh.
-Nếu em lấy người thương em, quý trọng em, nhưng em hoàn toàn không yêu thương anh ấy, như vậy sẽ không tốt à?
+Lấy một người mà mình hoàn toàn không yêu thương rất là nguy hiểm vì bao không lâu sau đó, gia đình sẽ biến thành một ‘cái tủ lạnh’. Mình ít nhất nên lấy một người mà luôn là bạn thân, bạn tốt và mình có nhiều cảm tình, và không nên xem tình yêu là cơ sở ‘ảo’ như anh đã nói ở trên.
-Trời, như vậy em phải làm sao? Chẳng lẽ em an phận. Em mệt mỏi quá anh à.
+À, thì anh đã nói đến sự khác nhau giữa tình yêu và sự ‘hợp’ nhau rồi đấy, em hãy suy nghĩ thêm và suy nghĩ kỹ nhé. Chuyện đó để khi nào có thời gian rảnh rỗi gặp nhau, anh sẽ nói chuyện chi tiết.
-Cám ơn anh. Chúc anh ngủ ngon.
8. Anh nghĩ gì về 'tâm ma'?
Trong người bạn có con ma. Trong người tôi có con ma. Làm sao mà nghỉ chơi với ma được. Tuy nhiên, hắn cười ngạo với con ma, ta ăn thịt nó hay nó ăn thịt ta? Vì con ma sản sinh ra trong đầu óc ta (hắn nghĩ vậy), nên ta có thể cười ngạo nó, có người thấy ‘con ma’ thì sợ chết, sao mà phải đề cao con ma đến thế, chết là ghê gớm lắm à? Con người sợ chết, dĩ nhiên. Nhưng con người cũng sợ sống, có người tìm đến cái chết vì sợ sống - cuộc sống là một con ma ám! Nhưng ai bảo chết là khổ, ai bảo sống là sướng. Chết là giải thoát, sống mới khổ, hì..hì..
Không phải hắn yêu triết học, hắn chỉ muốn phá cái ‘lồng chim’ thôi, hắn muốn thoát khỏi sự ‘bị không hiểu’. Đôi khi, con người tìm đến triết học/thần thánh để hy vọng kiếm ra một lối thoát, nhưng điên vẫn hoàn điên. Triết học hay tâm lý học có thể là một món thuốc chữa bệnh tinh thần nào đó, có thể thôi, đừng có lệ thuộc vào nó. Người ta ‘điên’ vì quá thiên về một cái gì đấy, vì thế mỗi người có một loại tâm bệnh, có khi tâm bệnh của ta đang tồn tại và oằn oại chưa dứt, thì đã bị truyền nhiễm tâm bệnh của người khác!
Người ta hay bảo người khác là làm thế này thì hay hơn, coi chừng bị stress hay phí thì giờ vô ích, vì đôi người nghe đâu có thèm nghe mà còn nói rằng họ biết cách làm hay rồi! ‘Tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa’, tính toán quá chi cho mệt óc, nhiều khi một phương án tưởng là tốt hơn thì lại đem lại kết quả phức tạp hơn.
…Tâm bệnh thì còn có thể chữa được (hay rất rất khó chữa), chứ tâm ma thì hết thuốc chữa. Với tâm ma, ngay cả ‘vô chiêu’ của Triết học cũng không có khả năng chữa được, nó là một căn bệnh nằm trong gốc rễ, thành xương thành máu và (hình như) có tính truyền kiếp.
9. Anh nghĩ gì về tình dục?
Có thể nói rằng tình dục (đực cái) là một trong những sáng tạo vĩ đại nhất của thượng đế, là quy luật của tự nhiên và là quy luật của muôn đời, đại đa số con người đều ‘lâm’ vào hoàn cảnh này, lẽ nào đàn ông thấy một cô gái đẹp mà không liếc, hay ngược lại lẽ nào một phụ nữ thấy một người đàn ông ‘lịch lãm’ hay ‘tử tế’ nào đó mà lại không ấn tượng.
…Đàn ông lịch sự đàng hoàng ‘có khi’ là sự giả dối bề ngoài, có khi thôi; nếu đàn ông không nói là hắn thích chuyện ấy thì mới là lạ; tại sao đàn ông rung động trước đàn bà: vì một động lực của tự nhiên làm hắn luôn luôn thấy bí ẩn trong cái thân hình nữ nào đó, vì tình dục của phụ nữ làm đàn ông thấy đỡ ‘cô đơn’ hơn trong một cái thế giới mà sự cô đơn luôn luôn rình rập; đối với đàn ông, rất khó chờ đợi, hắn muốn được khoái cảm ngay trong cơn khát, sự khoái cảm đó có cường độ rất cao nhưng cũng mau chóng bị xẹp xuống; vì là giống đực, đàn ông luôn thấy phụ nữ mùi vị có khác, và dĩ nhiên hắn muốn cái cảm giác đó được tồn tại mãi, đừng trách hắn nếu hắn mất hứng vì một lý do nào đó, ví dụ quen quá rồi chán hay do ‘khắc khẩu’, chuyện đó không phải tại hắn,
…Còn đàn bà, họ cũng hiểu đàn ông lắm chứ, họ cũng biết thông cảm và hoà hợp với đàn ông lắm chứ; từ thái độ phòng thủ đầy nữ tính họ dần dần cũng thích được tình tự lắm chứ và họ sẽ tự nguyện tình tự; họ còn biết thế nào là những nghệ thuật đặc biệt làm đàn ông khoái cảm hơn cái mà đàn ông biết được; sự chần chừ của phụ nữ - một món võ âm nhu - là một món thuốc kích thích sự khoái cảm của đàn ông tăng lên; phụ nữ thừa biết giá trị thể xác của họ đối với đàn ông, họ có lúc có khoái cảm hơn đàn ông và không thể tự chủ được; họ cũng biết vật chất là quan trọng, nhưng không phải là luôn luôn phải như vậy, họ thường thích một cái gì vật chất nhưng đôi khi tế nhị hơn; đàn bà nếu có thể biểu hiện tình dục một cách tự nhiên dưới nhiều dạng rất nữ tính, sẽ trở thành một ‘con người’ thật sự, thì rất đáng được tôn trọng.
10. Anh nghĩ gì về mối quan hệ giữa tình yêu và tình dục?
Tình yêu được nhìn rộng hơn bao gồm tình phụ tử, tình mẫu tử, tình yêu nam nữ, tình bạn, tình người, khát vọng sống và khát vọng tự do..., về chiều sâu, không thể nói tình yêu nào là bao la hơn hay cao cả hơn.
...Rất nhiều người biết 2 câu này ‘Hỡi thế gian tình là gì, mà đôi lứa thề nguyền sống chết’, nhất là nó lại được đọc ra từ miệng của Trư Bát Giới. Tình yêu hàm chứa tình dục, hay có thể nói nó xuất phát từ tình dục, tự nhiên thôi, có gì lạ đâu. 
Rất nhiều người trẻ tuổi xem tình yêu như là cái gì thiêng liêng nhất, là tất cả, nhưng trên thực tế, điều này không phải là chân lý. Còn người lớn tuổi thì có thể vẫn còn yêu, thậm chí yêu mãnh liệt hơn thế hệ trẻ!, nhưng cái chất men say ấy hình như không còn ‘nóng chảy’ như khi còn trẻ, vì người lớn chững chạc hơn và cân nhắc hơn!
Khi mình còn là sinh viên, nhiều bạn trẻ đã không đồng ý như vâỵ, các bạn ấy nói tình yêu chỉ đơn thuần là… tình yêu thôi!, hì..hì... Xa hơn, các bạn thử nghĩ xem là 2 người đồng tính yêu nhau vì cái gì? Xa hơn nữa, liệu rằng một đồng tính nam và một đồng tính nữ có thể yêu nhau được không, vấn đề là ở đâu? 
Mình, sau nhiều năm cãi nhau với mình, đã nghĩ rằng tình dục là cơ sở của tình yêu, mình không cần phải chứng minh điều đấy. Một ví dụ, 'khi một người đàn ông thấy người đẹp thì rung động liếc một cái, rồi liếc nhiều cái, rồi sau này quen dài dài mới yêu nhau' (hay ngược lại), nên tình dục là cơ sở của tình yêu, lại có người hỏi mình tình yêu và tình dục, cái nào có trước, ví dụ trên đã là câu trả lời rồi.
Có một hôm chatting, mình vô tình đọc được một đoạn văn sau đây từ một người đẹp gởi tặng, mình thấy có chất lắm bạn ạ: ‘Chúng mình (tình yêu và tình dục) là tương sinh tương hỗ. Tình yêu chết thì tình dục chết theo. Đôi khi tuần tự đảo lại: tình dục nghẻo trước, tình yêu nghẻo liền sau…, tình dục hồi sinh thì tình yêu sẽ bò lóp ngóp trở lại’.
Cuối cùng, tình yêu nam nữ thường rất đẹp hay vô cùng đẹp khi được người ta ‘phim hoá’, ‘nhạc hoá’, hay ‘văn-thơ hoá’, còn tình yêu thật ở đời thì phức tạp hơn rất nhiều. Và, mặc dù biết yêu là đau khổ, 'nhưng thà khổ hơn là lỗ' nên 'thiên thu vạn tải khổ cũng yêu', con người dù chết vẫn cứ yêu, có phải con người giống như con cá hồi, cố gắng cực kỳ để lên ‘thượng nguồn’ để đẻ ra 'cái bất tử' rồi mãn nguyện mà chết - nó đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình!...
11. Anh nghĩ gì về sự vĩ đại?
Dưới giác độ của triết lý khiêm tốn (làm gì có triết lý này) thì thảo dân nào liên quan đến từ vĩ đại thì hình như bị mang một nỗi khổ nhục đắng cay, hì..hì...
…Ôi, loài người đã quá lạm dụng 2 chữ vĩ đại, lạm dụng dưới nhiều hình thức, thủ đoạn, kỹ xảo…, luồn lạch (như con vius trong máy tính ấy) vào chỗ có thể tô bóng cái tôi ‘vĩ đại’ của mình.
…Thị dục huyễn ngã mà. Ai cũng muốn mình được nổi lên trong đám thiêu thân si danh một cách cuồng nộ này, mà không biết là chính mình - để 'trở thành số một' - đã tự giác ký một hợp đồng mà phải trả giá quá đắt với con quỷ 'thị dục huyễn ngã'. 
…Mỗi người thường giành giật 2 chữ vĩ đại này, bất cứ lúc nào có thể, trong ảo tưởng và nơi chót lưỡi đầu vì một động lực không thể nào cưỡng nỗi của 'thị dục huyễn ngã', đến nổi người ấy trở thành lố bịch và thối hoắc.
Bạn biết không, trong đời này chỉ có 2 cái vĩ đại, một là vũ trụ và hai là 'thượng đế'!
…Bạn ơi, vĩ đại là cái gì nhỉ? ‘Ngươi là cát bụi thì ngươi sẽ trở về với cát bụi’, bạn biết ai nói rồi đấy. Nói cho cùng, sau khi ta ra đi, vũ trụ là con số không, có phải không?
…Làm như thế nào để trở thành vĩ đại? Vĩ đại dễ lắm ư? Sao phải tự mang nỗi nhục về mình? Einstein, mơ ước kiếp sau làm một thợ đánh giày (ông ấy còn là bạn thân của Charlie (Sác-lô)), ông thấy ‘con bọ cánh cam’ bay vào phòng mình mà giật mình đấy bạn ạ... Newton nhìn thầy ‘cái vỏ sò lóng lánh’ thì cũng sửng sờ… Shakepeare, mới lỡ lời nói 'những kẻ vĩ đại như chúng ta' là bị thiên hạ phê bình mấy trăm năm đó bạn ạ.
Còn ta, kẻ phàm phu tục tử, có liên quan gì đến sự vĩ đại?
12. Anh nghĩ gì về vĩ nhân?
Nói nôm na, vĩ nhân là người có tác động làm biến đổi to lớn đến lịch sử phát triển hay tư tưởng của nhân loại, trong đó có đem lại hòa bình cho dân tộc/nhân loại, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc và quyền con người cho dân tộc/nhân loại, hay có đưa ra những sản phẩm sáng tạo về khoa học, kỹ thuật hoặc nghệ thuật cho nhân loại hay một bộ phận lớn của nhân loại với một quy mô vượt không gian và thời gian. Cũng cần lưu ý là ‘người khổng lồ’ thì chưa chắc đã là vĩ nhân, danh nhân văn hóa/danh nhân thế giới mặc dù được quốc tế công nhận, nhưng chưa hẳn đã là vĩ nhân. Cũng cần có sự phân biệt giữa nhân tài và thiên tài, thiên tài chưa chắc là vĩ nhân.
…Sau đây, tạm phân tích thêm một số đặc tính có liên quan đến vĩ nhân :
- Một trong những đặc tính của vĩ nhân là khiêm tốn và, đặc biệt là không bao giờ nghĩ mình là vĩ nhân, hay không hề biết mình là vĩ nhân (Einstein), vĩ nhân là do đại đa số của loài người xác định.
- Kẻ tự xưng mình là vĩ nhân thì lại càng không phải là vĩ nhân, vì ai mà không biết chuyện ‘thùng rỗng kêu to’. Kẻ mắc bệnh vĩ cuồng đó, có thể không rỗng, nhưng chắc chắn là y chưa hiểu đến nơi đến chốn nhiều vấn đề mà các vấn đề đó cần phải xét toàn diện nhiều khía cạnh bao hàm trong tính biện chứng của lịch sử.
- Nếu con người tự xưng mình là vĩ nhân do ‘thị dục huyễn ngã’, ‘tính tự tôn’, hay ‘tính duy ngã’ thì nói cho cùng, kẻ đó là quá tầm thường.
- Vĩ nhân cũng không được xét đến là bao nhiêu người chung quanh sùng bái ta, vì số người không sùng bái ta thì rất rất nhiều.
- Cái việc muốn cho mình là minh chủ võ lâm hay anh hùng thiên hạ vô địch, nếu nhìn kỹ thì chỉ là tính duy ngã, tham vọng, tự tôn và nghiện quyền lực mà thôi, chắc chắn quá xa lạ với đặc tính của một vĩ nhân. Nếu không nhầm, Tào Tháo hay ‘Nhậm Ngã Hành’ cũng tự xem mình là vĩ nhân đó.
- ‘Tâm sự/cãi nhau’ với vĩ nhân hay so sánh mình với vĩ nhân, thì chưa chắc là kẻ không tầm thường. Thử đặt câu hỏi là các vĩ nhân tâm sự với ai và thường so sánh mình với ai?
Đâu có cần nói cái gì cũng đụng đến 2 từ ‘vĩ nhân’, ta nói đến vĩ nhân là ta trở thành vĩ nhân sao hay là ta được ‘hưởng’ danh vĩ nhân! Ngược lại, con người, nếu đã có tính cách vĩ nhân rồi sao lại còn phải có nhu cầu muốn nhắc nhiều đến 2 từ vĩ nhân? … 
…Nói cho cùng, xét vĩ nhân là trước tiên là xét đến tinh nhân văn cao cả trong quả tim người đó, người ấy có đồng cảm với nỗi đau/đau khổ của nhân loại hay không, rồi mới xét đến các yếu tố khác (có tác động làm biến đổi to lớn đến lịch sử phát triển hay tư tưởng của nhân loại). Ngoài ra, xét đến vĩ nhân, phải loại trừ triệt để tính duy ngã, tự tôn, ham danh lợi, tính vĩ cuồng…, và cũng loại trừ tính quá-soi-mói từ người bình luận. Đồng thời cũng xét đến sự cải thiện của người đó, vì vĩ nhân không phải là luôn luôn tốt…
13. Anh nghĩ gì về vũ trụ?
…Những gì xảy ra cho con người/loài người không phải tại mấy thứ trên (tiền kiếp, âm dương ngũ hành, chữ duyên…), mà do quy luật ‘trùng trùng duyên khởi’, là kết quả ngẫu nhiên, vô thường và vô thủy vô chung của sự tác động tương hổ trùng trùng điệp điệp trong hàng tỉ năm và của hàng tỉ thứ vật chất trong vũ trụ - một kết cấu vô cùng kỳ lạ và không thể hiểu nỗi, và cũng là một bí mật vĩ đại của thế giới tự nhiên.
...Vũ trụ trước mắt hắn, hắn phản ánh vũ trụ. Con người nhìn thấy vũ trụ, rồi, vũ trụ ở trong lòng mình. Có người tự phụ thuộc vào vũ trụ riêng của mình và thậm chí chết cho cái vũ trụ đó.
…Bạn có thể nói rằng nó vô hạn hay có giới hạn. Nếu giới hạn thì bên kia vũ trụ là cái gi? Sao bạn biết không có cái gì? Ngược lại, nếu có cái gì thì nói đến giới hạn để làm gi?  
‘Em’ hãy ngồi uống cà phê trong một phòng lạnh và yên tĩnh, hãy nhìn lên vũ trụ bao la với vô số các vì sao. Em đã quy nạp cái vũ trụ đó cho riêng mình mà gọi là ‘vũ-trụ-bị-quy-nạp’. Có lúc em đã tự làm hại mình. Có một diễn viên tên ‘A’ nào đó đã yêu một người con gái (có lẽ là diễn viên, ca sĩ hay người mẫu gì đó), vì một vấn đề nào đó quá nghiêm trọng đối với hắn, hắn đã tự tử chết, vũ trụ của hắn là một người đàn bà? Có một cô gái nào đó đã quy nạp vũ trụ vào một người đàn ông cụ thể, và cô ta chỉ thiên duy nhất về người đàn ông đó thôi! Vì nó mà có cô Juliet và anh chàng Romeo đã chết.
…Con người là đứa con của vũ trụ thì cuối cùng phải về với vũ trụ chứ!
*
Những ý tưởng kỳ quặc trên đây là để thư giãn hay tham khảo, người viết không cố ý làm trái ý bạn, để rồi chúng ta có thể sẽ cãi nhau trong khi ‘tình yêu’ của 2 ta chưa có được, hay mới bắt đầu manh mún…

Cuối cùng, mỗi entry mà mình viết là một câu trả lời cho 1 blogger hay 1 ‘nhà uống cà phê học’ nào đó (đã xảy ra, có nghĩa là hiện tại có thể khác), còn nhiều nữa, tuy nhiên, đọc tí cho vui thôi, ta còn phải lo làm việc và lo cho gia đình nữa, các bạn có thể hỏi nữa nghen, chúc ngày mới tốt lành.
---------------- 
Phụ lục: 
Anh nghĩ gì về tình yêu?
+Anh đã từng yêu quên đường về chưa? Anh hôn... nàng khi anh lên mấy? 
-Anh đã từng yêu quên đường về và yêu đến nỗi quên cả cái vũ trụ này ‘nuôn’. Anh hôn lần đầu tiên vào năm… 45 tuổi (được biết thế nào là cái hay của nụ hôn và nhớ suốt đời), nếu so với một người biết hôn vào năm 18 tuổi thì anh hôn trễ 27 năm, nên kể từ đó, anh phải hôn 27 năm nữa để… bù lại.
+Anh đã từng nếm vị chát của tình yêu?, xin diễn tả cái mùi vị ấy
- Như đã nói, vị chát mà anh đã nếm ‘vẫn chưa thật sự là vị chát mà anh đang tìm’ nên anh sẽ không bao giờ dừng bước giang hồ. Và do đó, hình như… ít có ai phải khóc vì anh, nếu có thì có 2-3 người, nhưng những người đó lại ở trong thế giới ảo mà anh chưa được gặp, ví dụ có nàng khóc vì cảm động với những tâm sự về tình yêu khắc khoải của anh và vì… thầm iu anh (!)…
+Trong tình yêu, anh đòi hỏi gì nhiều nhất ở nàng?
-Đối với phụ nữ, anh cũng có… một ít ‘đòi hỏi’. Thứ nhất là anh cần nàng tícn cực tạo điều kiện gần gũi, vì không riêng anh mà những người lớn tuổi sống ở thời đại này không có thời giờ như những người sống ở thế kỷ trước, và không có sức khỏe như những chàng trai 18 tuổi để hoài theo đuổi những cô gái ‘ẹo ẹo’ như thời Khổng tử. Thứ hai, nàng có hấp lực về tình dục cũng như khá ‘tài hoa’ về mặt trí tuệ (do học hỏi từ trường đời hay blog… chứ không nhất thiết phải có trình độ văn hóa cao). Thứ ba, nàng nên có một điều kiện kinh tế tương đối độc lập và ổn định, vì chính anh cũng phải tự tạo ra một môi trường độc lập và thuận lợi cho việc 'nghiên cứu' của mình, và vì ở độ tuổi này, anh không thể lo lắng quá nhiều được nữa. Cả ba ‘đòi hỏi’ trên là không thể thiếu cái nào, nhưng dường như đòi hỏi thứ 2 là mấu chốt (nó là quy luật của muôn đời, anh cũng không phải là ngoại lệ vì anh cũng là con người). Đến đây, chắc có người hỏi, vậy thì anh có thể thỏa mãn những đòi hỏi gì ở nàng, đây lại là một vấn đề khác ngoài các câu hỏi trên.
+Điều gì sẽ giết chết tình yêu?
-Theo anh, điều giết chết tình yêu, trước tiên, là sự thất hứa, dù là lớn hay nhỏ, vì người đàn ông thời nay (hay phụ nữ) không thể mất thời giờ để theo đuổi những điều ‘hư ảo’... Thứ hai là việc ‘giận, rồi giận luôn’, cũng theo anh, hờn giận thì chỉ khoảng 2-3 tiếng đồng hồ hay quá lắm là 2-3 ngày để tạo thêm ‘vị đắng’ cho tình yêu, nhưng ‘nghỉ  chơi’ vĩnh viễn vì những bất đồng không cơ bản hay nhỏ nhặt là một điều không thể chấp nhận được. Thứ ba, trong tình yêu mà nghe nói đụng đến chữ ‘tiền’ là chán lắm. Thứ tư là cái ‘tôi’ quá lớn trong mỗi cá thể (không có mợ thì chợ vẫn đông, không có ‘ông hay bà’ thì vẫn có chân lý), dù là nam hay nữ, đặc biệt (do tính làm chủ bầy đàn!), đàn ông không bao giờ muốn phụ nữ quyết định mình về mặt  tư tưởng hay điều khiển mình trong hành động, và anh tin rằng phụ nữ cũng nghĩ vậy. Thứ năm là thái độ ngần ngừ không dứt khoát của cả hai phía, đặc biệt là của 'phái yếu'. Thứ sáu, ghen quá cũng có thể giết chết tình yêu (ý kiến của VTK). Và còn nhiều vấn đề gia đình/xã hôi quá phức tạp khác…
+Làm sao để chia tay tốt đẹp?
-Chia tay tốt đẹp là một cuộc chia tay tích cực, có gặp nhau và giải thích trực tiếp tại sao chia tay, và có giải pháp và hành động có hiệu quả cho cuộc ‘hậu chia tay’ đó như thế nào. Nhưng thực tiễn cho thấy, đa phần các cuộc chia tay trong tình yêu được thực hiện bằng sự tiêu cực hay im lặng (dần dần ít gặp nhau, gây khó khăn trong quan hệ tình dục (nếu có), thường nói ‘bận’, không trả lời nhắn tin, không bắt máy, không comt qua comt lại trong blog nữa, 'quất ngựa truy phong', rồi bắt bồ mới, nói xấu nhau…)
+Câu nói 'đàn bà là nguồn vui và là hạnh phúc của đàn ông’, nếu nghĩ về vật chất... có quá đáng không?
-Có người nói ‘đàn bà là vưu vật của vũ trụ’, ‘vũ trụ nằm trong đáy mắt của người đàn bà’, ‘cái hoa của đàn bà là kỳ quan của vũ trụ (!)’, ‘được chết dưới gốc cây phù dung là hạnh phúc của đàn ông’, ‘mỹ nhân = giang san’…, điều đó khẳng định giá trị tương đương ‘vũ trụ’ hoặc hơn ‘vũ trụ’ của đàn bà đối với thế giới đàn ông. Tình khúc âm - dương mà người đàn bà kết hợp với người đàn ông là tình khúc tuyệt luân, đàn bà đã đem lại nguồn hạnh phúc thể xác và tinh thần diễm tuyệt cho đàn ông và hạnh phúc đó là không thể nào mô tả bằng bút mực nỗi. Đàn bà không sai khi nghĩ về ‘tiền’, nếu đàn ông cần ‘tình’ thì đàn bà cần ‘tiền’, đó là quy luật cung cầu (không phải anh nói, mà một cô gái đã nói trực tiếp với anh như vậy, nghĩ lại anh thấy rất hay!). Nhưng có một điều có thể xem là chân lý, đó là ‘tiền’ chỉ là một trong những phương tiện hỗ trợ cho tình yêu chứ  không bao giờ là ‘cứu cánh’ của tình yêu, tình yêu mà xây dựng trên cơ sở ‘tiền bạc’ thì cũng giống như xây dựng lâu đài trên cát và chắc chắn không sớm thì muộn, tình yêu đó sẽ bị sụp đỗ.
+Cũng có lúc ngoài chồng ngoài vợ... kẻ có tội là ai?
-Khái niệm ‘ngoại tình’ rất phức tạp, nên việc định ‘tội’ cho kẻ ngoại tình cũng rất phức tạp. Do tồn tại một quy luật nào đó, trên thế giới, đặc biệt là ở phương Đông, đàn ông dường như có ưu thế về mặt ‘ngoại tình’ và… vô tội, người ta thường không quá nghiêm khắc và không lên án đàn ông (trong truyện Thủy hử, Đông chu liệt quốc, Tam quốc chí, Thần thoại Hy Lạp, Ngàn lẻ một đêm, Hội chợ phù hoa, chuyện Đoàn Chính Thuần (Thiên long bát bộ) và trong các nhà nghỉ ‘một giờ’…). Và dường như có một sự bất bình đẳng khi người ta quá lên án phụ nữ (trong truyện ‘Kim bình mai’, scandal ‘Yến Vy’ hay ‘Trần Thúy Liễu’…), trong khi đó, phụ nữ có một khát vọng là muốn mình ‘được là một người đàn bà thực sự’ khi tiến hành phi vụ ngoại tình. Tóm lại, anh chỉ có thể trả lời được nếu căn cứ vào từng tình huống cụ thể.
+Anh có lời khuyên gì cho các nàng khi bắt đầu hẹn hò? Con gái tấn công con trai trước, điều này có làm cho người con trai không thích? vì dù sao Eva cũng chủ động trước... 
-Anh không có ý kiến đối với các nàng trẻ tuổi, vì họ hẹn hò nhanh như chớp, anh không kịp theo dõi. Còn đối với các nàng lớn tuổi, anh nghĩ là không nên ngần ngại, chập chờn hoặc diên trì để gây khó khăn cho các cuộc hẹn hò với nam giới, đại loại như ‘để từ từ mà, anh và em mới quen nhau mà’ (kiểu cổ điển!...), nhưng điều đó dường như không phù hợp vì 1. không phải đàn ông nào cũng có thể kiên nhẫn vô thời hạn, 2. điều đó thường đánh mất ‘cơ hội’ của phụ nữ (để rồi sau đó mãi hát bài ‘dằm trong tim'…), 3. ‘đời người có bao nhiêu cái 10 năm?’, nếu muốn ‘từ từ’ thì có khi gọi điện thoại không thấy bên kia bắt máy, vì có khả năng là một trong hai người đã đi vào thế giới ‘ò í e’ rồi.
+Lessing nói: 'Đàn bà là kiệt tác của vũ trụ’', anh nói không có ý định phân tích về đàn bà nhưng anh quên rằng các đại đế thất bại nguyên nhân vì đàn bà hình như không ít?
-Không thể ‘vơ đũa cả nắm', không thể đỗ hết tội ‘thất bại’ cho đàn bà được, mặc dù trong thực tế có không ít đàn bà đã làm sụp đỗ một quốc gia (gia đình, công ty…), nhưng khi vội đỗ mọi thứ tội lỗi lên đầu 'đàn bà', người ta quên rằng có nhiều hơn những người đàn bà đã xây dựng hay làm thịnh vượng cho nhiều quốc gia hay tập thể.
Cuối cùng:
"Anh sẽ quì gối cầu xin nếu đó là điều em muốn 
Trong mắt em mặt trời sẽ mọc
Xin trở lại để nỗi đau này được giải thoát
Và ta sẽ lại một lần nữa là nhân tình".
Xin cám ơn Eva, xin chân thành cám ơn đàn bà.
Anh tâm sự gì với con?
Con có biết tại sao ba yêu những con cá bơi lội trong hồ, con có biết tại sao trước khi đi công tác, ba thường nói thầm với mấy con cá là ‘ở nhà chơi vui vẻ nghe con, ngoan nhé, đừng buồn nhé’ hay khi về nhà ba nói với mấy con cá là ‘ở nhà có vui không con, đói không con, tha lỗi cho ba nhé’, rồi ba lấy thức ăn bỏ cho cá ăn - đó vì ba nghĩ đến con.
Con có biết tại sao ba hay ngắm mấy cấy hoa, ngắm chúng lớn lên từng ngày, thấy cây héo, ba lo lắng tưới nước, khi cây hoa lớn thêm một tấc, khi cây hoa bò lên tận cái lan can, ba thấy trong lòng hạnh phúc và ấm cúng - đó là vì ba nghĩ đến con.
…Con có biết tại sao ba yêu quê hương mình không, vì nơi đó là nơi hội tụ những tinh hoa của trời đất mà con đã được sinh ra và khôn lớn, vì nơi đó con được chạy nhảy tung tăng trong những rẫy cà phê, ngắm những rừng cao su ngút ngàn, ngắm những mặt hồ gợn sóng, ngắm những đàn ong bay chăm chỉ đi lấy mật, ngắm nhìn những chiếc máy bay lên xuống với ít nhiều hồi hộp, vì nơi đó con được giao tiếp và trò chuyện với những người nông dân vất vả ngày đêm, ...
Ba cũng yêu quê hương mình vì nơi đó có ông nội con trong lòng đất, có bà nội/bà ngoại vất vả của con, vì nơi đó con sẽ có những kỷ niệm không thể nào quên về những cánh đồng cỏ sau nhà, những cậu bé cô bé chơi với con thời thơ ấu và những con chó trung thành luôn luôn chạy ra quấn quýt chào đón khi con đi xa về mà nay đã chết, vì nơi đó đã cho con hoa thơm quả ngọt mà đến nay con vẫn còn được hưởng, vì nơi đó đã sản sinh ra tình yêu của con…, và cuối cùng vì nơi đó đã từng có nước mắt của ba mẹ vì con.
...Ba quan niệm, một con người phải có ít nhất 3 tính chất, đó là ‘khiêm tốn, tiết kiệm và không tha hóa’. Tại sao ba không đề cập đến 2 chữ ‘yêu nước’, vì theo ba yêu nước, ít nhất, là sự đồng cảm trong tim của mình và chụi trách nhiệm với thịnh suy của đất nước và do đó thể hiện bằng hành động chứ không phải bằng lời nói; nói nôm na, làm như người Nhật sắp hàng, không chen lấn, lần lượt chờ tới phiên mình để nhận khẩu phần ngay sau khi bị động đất sóng thần, hay học tốt đối với tuổi các con, là yêu nước vậy. Ba cũng rất it khi nhắc đến từ tha hóa, khái niệm này còn quá xa lạ đối với con, một thanh niên hiện nay, ba cũng như những người cha người mẹ khác, là người chứ không phải là thánh, ba cũng biết thế nào là tha hóa, và ba có lý trí đủ mạnh để dừng lại đúng lúc.
…Ba cũng đôi khi đề cập đến Phật, Chúa, vài đấng khác - đến các vĩ nhân và những người bình thường cả giàu có lẫn nghèo khổ - không phải vì ba có tín ngưỡng, mà vì ba nghĩ là một con người của thời đại phải hiểu, đánh giá và áp dụng tốt những chân lý mà loài người đã tạo ra và phải cảm nhận tốt những gì đang xảy ra chung quanh mình.
Con đã khôn lớn, con cũng có tình yêu của riêng con, ba không ngăn cấm, là một sinh viên, con nên biết học tập là chuyện số một, con lớn rồi nên sẽ biết cân nhắc thế nào là kết hợp hài hòa giữa việc học tập, quan tâm đến gia đình/cha mẹ và tình yêu nam nữ, …
Ba cũng thú thật, ba là con người của tình yêu, ba luôn luôn có khát vọng tình yêu của một chàng thanh niên đầy ngớ ngẩn, ba cũng biết rung động mãnh liệt với những bóng hồng xa xôi, nhiều phụ nữ lắng nghe ba tâm sự trong blog mà có lúc họ thổn thức khóc hay cười tức bụng mà ít nhất ba đã tặng cho cô ấy ‘mười thang thuốc bổ’ đấy con à.
Ba có nói ‘ba không phải là muốn con lúc nào cũng phải học giỏi, mà chỉ muốn con học từ khá đến giỏi thôi’, vì học thì không chỉ học tại trường, học ở trường chỉ một, còn học ở đời phải gấp trăm gấp ngàn lần con à.
Ba cũng thú thật là ba không muốn làm giàu, ba không từ chối là ba cũng cần tiền, nhưng tiền đối với ba được hiểu theo một nghĩa khác, tiền đủ xài cho mình, cho mối quan hệ xã hội và giúp đỡ người khác lúc cần thiết thôi con à, tiền biết thế nào là thỏa mãn? Ba cũng không chê trách những người giàu/những tỉ phú, những người muốn làm giàu hoặc học làm giàu, ok, nhưng nếu họ suy nghĩ được như ông Steve Jobs ‘Cái chết là sáng tạo vĩ đại nhất của cuộc sống’ thì ba cũng mãn nguyện lắm rồi.
Anh nghĩ gì về việc nam nữ đến với nhau?
…Vì các cảm nghĩ dưới đây không nhất thiết phải là đúng, nên các bạn chỉ dùng để tham khảo thôi nhé, và vì đây chỉ là cảm nhận cá nhân… mỗi người có quan điểm riêng của mình về thế nào là chung thủy, thế nào là nghĩa vụ, thế nào là tốt và thế nào là xấu…
…Hắn muốn hỏi các bạn, đời này có bao nhiêu cái 10 năm? Nếu bạn là đàn ông ở tuổi trên dưới 50, thì nghi ngờ là bạn sẽ không còn có cái 10 năm nào nữa, đứng dưới góc độ tình dục, các bạn thử nghĩ xem 10 năm nữa, bạn sẽ ‘làm ăn’ được cái gì? Còn các chị ở tuổi trên dưới 40, thì 10 năm sau cũng hết cái thời xuân sắc rồi và do đó không còn hấp dẫn đàn ông nữa, và liệu rằng 10 năm sau có còn chuyện ‘trúc xinh trúc mọc đầu đình, em xinh em đứng một mình cũng xinh’ hay ‘ngày xưa kẻ đón người đưa’ nữa không? Vì thế, thiết nghĩ khi nào mà ta có thể đem lại sự ấm cúng cho người khác mà không tước đoạt hạnh phúc của ai hay ta không mất cái gì, tại sao ta lại bỏ lỡ cơ hội, để rồi một ngày nào đó trên giường bệnh hay trong cơn hấp hối, trong tâm hồn ta lại xuất hiện những kỷ niệm ân hận khôn nguôi, đó là ‘tại sao hồi đó ta không đến với người đó?’, …
Các bạn, đặc biệt là phụ nữ, thường hay thắc mắc suy nghĩ vòng vo tam quốc về tình yêu là cái gì. Hắn dám đoan chắc là nếu các chị cứ suy nghĩ hoài như thế, cứ cho là tình yêu phải như thế này thế nọ, là A thì phải là A, là B thì chính là B, thì 100 năm trôi qua, có thể các chị sẽ chẳng thấy tình yêu là cái gì bền vững cả. Mọi thứ trên đời đều có giá trị hữu hạn huống gì là giá trị do cá nhân xác lập nên. Người ta đã không trả lời được ‘tình yêu là cái gì’ trong mấy ngàn năm rồi các chị ạ. Vậy chúng ta hãy cho tình yêu một chỗ đứng thực tế hơn và khả thi hơn. Đó là, nếu đàn ông có một bạn gái mà mình thương như một người em gái iu, có thể tâm sự ngày đêm không chán, có thể chia vui sẽ buồn, có thể hỗ trợ lẫn nhau về tinh thần hay vật chất khả dĩ trong cuộc sống thì, theo nghĩa của khái niệm ‘em gái iu’ này, điều này có thể, có thể thôi, xem là tình yêu đó. Ngược lại, khái niệm ‘anh trai iu’ đối với đàn bà cũng tương tự như vậy.
Hắn dám đoan chắc rằng nếu ai đó đang có người yêu thì chưa chắc bạn đã có thể tâm sự hay ‘chia sẻ’ hết tất cả những nỗi niềm của mình. Cái tình yêu mà bạn đang có đó, theo quy luật của tự nhiên, nó không phải là duy nhất và là cuối cùng. Hơn nữa, hắn đã có một lần khẳng định, vì tình yêu đã có sinh nên chắc chắn một ngày nào đó tình yêu cũng phải tử. Vì, đặc biệt là một số chị, hay xem tình yêu là cái gì đó thần thánh hay ghê gớm lắm, thì hậu quả là đau khổ, rồi trách đàn ông bạc tình, rồi đưa vào những entry này nọ, … Các chị biết không, quan hệ xác thịt thì ban đầu bao giờ cũng có mật độ cao, rồi mật độ giảm dần, chỉ trừ khi không có mâu thuẫn tâm lý thì cái ‘mật độ thấp’ đó mới duy trì được, ngược lại nếu có mâu thuẫn tâm lý thì một trong hai người hay cả hai người sẽ mất hứng và mối quan hệ sẽ chấm dứt, lúc đó không thể đỗ lỗi là hoàn toàn do đàn ông.
Chúng ta đang sống vào năm 2011, là cái thời đại mà con người có cái nhìn thoáng hơn nhiều, nhất là không phải bị bắt buộc phải lý luận hay nói chuyện gò bó trong một phạm vi hẹp, không phải quan niệm tình yêu hay tình dục là bắt buộc phải duy nhất cho một đối tượng. Vì sao, nếu đã nghĩ tình yêu như khái niệm ‘em gái iu’ hay ‘anh trai iu’ ở trên, thì nó làm cho quả tim hay tâm hồn con người xứng đáng với tên gọi là ‘phong phú và đa dạng’.
Anh yêu những cái giề?
...Hãy yêu sự đau khổ, hãy yêu sự thất bại và hãy yêu sự khốn nạn. Các bạn ạ, chắc không có sự đồng nhất trong các từ này, nhưng tạm xem khốn nạn có nhiều thứ, trong đó đau khổ cùng cực, thất bại thê thảm, cô đơn tột cùng hay tuyệt vọng chính là một số trong những thứ khốn nạn đó. Dám mạnh dạn nói rằng hạnh phúc được sinh ra từ đau khổ, hay nói cách khác đau khổ là mẹ đẻ của hạnh phúc, hãy xem câu này nhé 'cuộc sống nếu chưa nếm trải khổ đau thì ta chẳng bao giờ biết đến giá trị của hạnh phúc'…
…Hoa sen đã nở ra trong trắng và thơm phức từ bùn ‘nhơ’ đấy bạn ạ.
Đàn bà phải chịu mang nặng 9 tháng 10 ngày, phải chịu đẻ vô cùng đau, để cuối cùng mới sản sinh ra được đứa con của hạnh phúc, nói thật đó, có đứa con thì thật sự là hạnh phúc, hạnh phúc vô cùng, dù bất cứ chuyện gì đi nữa, đứa con vẫn là ‘thượng đế’ của bậc làm cha làm mẹ nào đó.
Sự đau khổ, thất bại hay khốn nạn có nhiều khả năng làm ta ‘được’ tốt hơn lên. Hãy xem kẻ mà làm bạn đau khổ chính là ‘thầy của bạn’, vì chính y đã ‘dạy’ cho bạn biết thế nào là sự đau khổ, y đã gián tiếp ‘dạy’ cho bạn có lòng kiên nhẫn và cách vượt qua đau khổ.
Hãy yêu lấy cái chết, vì cái chết dạy cho bạn giá trị của cuộc sống. Hay nói cách là không có cái chết, bạn sẽ không hiểu được giá trị của cuốc sống.
…Có người nói, người thân nhất của bạn có khả năng chính là kẻ thù nguy hiểm nhất của bạn, vì người thân của ta là kẻ có thể tiếp cận ta dễ nhất và là kẻ biết rõ hơn hết nhược điểm của ta, có mấy ai mà chưa thấm thía điều này.
…Cuối cùng, hãy yêu và 'lợi dụng' chúng - đau khổ, thất bại, khốn nạn, kẻ thù, cái chết - vì chúng là bạn bè đồng hành suốt cuộc đời của bạn, trong khi những người bạn khác như hạnh phúc, thành công, người yêu, bạn thân, …, dường như ít ‘trung thành’ với bạn hơn.
--------------
Các Entry có liên quan:
-Các loại triết: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/04/197-tra-loi-cac-blogger-ve-triet.html
-Tình yêu: (http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/05/207b-blogger-va-cac-cau-hoi-ve-tinh-yeu_31.html)

23 nhận xét:

  1. -Nếu em lấy người thương em, quý trọng em, nhưng em hoàn toàn không yêu thương anh ấy, như vậy sẽ không tốt à?
    +Lấy một người mà mình hoàn toàn không yêu thương rất là nguy hiểm vì bao không lâu sau đó, gia đình sẽ biến thành một ‘cái tủ lạnh’. Mình ít nhất nên lấy một người mà luôn là bạn thân, bạn tốt và mình có nhiều cảm tình, và không nên xem tình yêu là cơ sở ‘ảo’...

    Trả lờiXóa
  2. Chưa nghe người ta nói xong, không cần suy nghĩ, đã nhảy xổm vào miệng người ta, giống như một người nhậu mà nhảy vào giữa bàn tiệc mà ngồi.
    Một tư thế không thể chấp nhận phải không ban?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hề.. hề..., lắng nghe sướng hơn nói khoác, vì ta được nhiều cái lợi:
      thứ nhất là được người ta... tôn trọng
      thứ hai là đỡ tốn hơi
      thứ ba là về nhà viết được 1 entry
      => Dùng nội lực của người để bổ sung nội lực cho ta: 'người không vì mình, trời tru đất diệt' là như vậy đóa.
      Csm ơn bạn TT nhé, tuần mới tốt lành.

      Xóa
  3. Bài viết của anh thật phong phú, triết lý và cũng rất thực.
    hihi, mà cái cm trên của anh cũng rất đúng nhưng làm đúng thế thì chẳng dễ. Vì li do nào đó, người ta buông tay chấp nhận...và đi tiếp trên đường đời và người ta gọi: đó là số phận.
    Chúc anh LB luôn đầy nhiệt huyết và có thêm nhiều bài hay nha.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Uh, nhiều PN khổ vì cái comment đầu tiên đóa.
      Đôi khi lấy người mình yêu/yêu mình thì cũng khổ, vì sau đó là... hết yêu, vì 'đời là bể khổ, qua được bể khổ là... qua đời', hì.. hì...
      Chúc nhà thơ BM vui nhìu nghen.

      Xóa
    2. Nha Gom La Bang VN 15:27 Ngày 11 tháng 6 năm 2013
      Thường, trong tâm hồn PN có cái gì đó đồng cảm với người khác hơn nam giới.
      Một cây nến có thể là hạnh phúc, chứ không phải là sự vĩ đại nào đó.
      Lá bàng sang cửa nhà thơ
      Chúc nàng một buổi chiều mơ ngọt ngào.

      Xóa
  4. Mình nghĩ nghe chuyện hay đọc chuyện thì cũng gần giống như nhau. ta cần chăm chú lắng nghe hay kiên nhẫn đọc hết câu chuyện một cách kỹ lưỡng thì ta mới có những nhận thức đúng về câu chuyện đó. Lúc đó những lời nói của mình về chuyện đã nghe chắc sẽ có giá trị hơn nhiều và... chắc sẽ có nhiều người cho ta nghe thêm nhiều chuyện khác nữa mỗi khi cần chia sẻ...
    Không biết XK nghĩ vậy có đúng không? và thực tế thì có được bao nhiêu người đủ kiên nhẫn như vậy phải không LB? Chắc là ít lắm vì thời buổi hiện nay thời gian là vàng bạc nên họ tiết kiệm thời gian, ta chả trách gì họ được....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    2. Xin lỗi, đa số người thường thiếu tư duy toán học (khác với học toán giỏi), chẳng hạn có 1 chiếc ô-tô trước mặt, đang chạy về phía bên phải của ta, thì có 2 cách xử lý:
      1.ta không nhường nhịn, rẽ về phía bên phải, tức là phải chạy thêm 2m (vì chạy cùng chiều với xe) và có thể nghe một cái 'rầm', ô hô ai tai!
      2.ta nhường nhịn, rẽ về phái bên trái, tức là phải chạy thêm 0,5m (vì chạy ngược chiều với xe).
      Mình quan sát thấy, trong số 100 người, có 99 người chọn cách 1, híc.. híc...
      Việc nghe chuyện cũng tương tự. Cám ơn bạn NXK nghen, ngày mới tốt lành.

      Xóa
  5. Em sang đọc bài anh và ...suy ngẫm anh à -
    Chiều an lành anh nhé -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, Lb đăng cho vui ấy mà, vì đang bận chuẩn bị mấy bài thơ, cám ơn nhé, chúc chiều vui.

      Xóa
  6. Lưu comt Nguyễn Thu:
    'Em quay lưng đi - mình hai phương trời'
    Em quay lưng đi - tim anh chơi vơi
    Em quay lưng đi - chiều trời nhòa nhạt
    Em quay lưng đi - khao khát suốt đời.

    Trả lờiXóa
  7. (Bình Địa Mộc)
    “Anh viết như đang chơi một thứ chữ có màu đen của tang tóc để mặc niệm cho một mối tình đã chết, có màu xanh của một niềm hi vọng sau hành trình dằng dặc đi tìm bản ngã của con người, có màu vàng của li bôi, sầu ai oán ... anh viết như đang chuyện vãn với bạn bè. Nhẹ nhàng, sâu sắc, dí dỏm, tinh tế từ các bài về đề tài khoa học phổ thông, đến nhân sĩ trí thức, sang lãnh vực triết lí nhân sinh, thi thoảng vài câu thơ lãng mạn, vài đoạn văn sát sướt điểm xuyết như một hiện hữu tất yếu trong con người nghệ sĩ blog đáng trân trọng" ...
    (Những hằng nga lúng liếng môi cười: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/12/179-nhung-hang-nga-lung-lieng-moi-cuoi.html)

    Trả lờiXóa
  8. hỏi rằng phải Lá Bàng không
    phải trăm năm viết đàn ông thật tình
    hỏi rằng đêm có giật mình
    có nghe phía cuối cùng thinh lặng gào ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. hỏi rằng phải Lá Bàng không
      phải trăm năm viết đàn ông thật tình
      hỏi rằng đêm có giật mình
      có nghe phía cuối cùng thinh lặng gào ...
      "Mình nghe sóng dậy rào rào
      Hồ ly ẩn hiện, cào cào sướt vai
      Mình nghe tim nhói đau đau
      Bóng hồng uốn lượn, lay lay cháy người”
      Hì..., tí mình ghé bác Mộc xem văn, chiều vui nhé.

      Xóa
  9. Hãy yêu lấy cái chết, vì cái chết dạy cho bạn giá trị của cuộc sống. Hay nói cách là không có cái chết, bạn sẽ không hiểu được giá trị của cuốc sống.
    …Có người nói, người thân nhất của bạn có khả năng chính là kẻ thù nguy hiểm nhất của bạn, vì người thân của ta là kẻ có thể tiếp cận ta dễ nhất và là kẻ biết rõ hơn hết nhược điểm của ta, có mấy ai mà chưa thấm thía điều này.
    …Cuối cùng, hãy yêu và 'lợi dụng' chúng - đau khổ, thất bại, khốn nạn, kẻ thù, cái chết - vì chúng là bạn bè đồng hành suốt cuộc đời của bạn, trong khi những người bạn khác như hạnh phúc, thành công, người yêu, bạn thân, …, dường như ít ‘trung thành’ với bạn hơn.
    ....
    thoạt nghe có vẻ vô lý, nhưng đọc đi đọc lại, ngẫm đi ngẫm lại lại thấy không hề vô lý tí nào LB à.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chu choa ơi, MTV trở thành chiết gia hồi nào vậy ta, hèn chi làm thơ hay wá, hì...
      Cám ơn em đã đọc kỹ và phát hiện ra mấy câu... hết ý nuôn, hè.. hè... Tối vui nghen sư muội.

      Xóa
  10. "Mình, sau nhiều năm cãi nhau với mình, đã nghĩ rằng tình dục là cơ sở của tình yêu, mình không cần phải chứng minh điều đấy"
    1. cs có suy nghĩ khác với aLB, theo cs "tình dục là đỉnh cao của tình yêu, có tình yêu chắc chắn rồi sẽ dẫn đến tình dục, nhưng có tình dục chưa chắc đã có tình yêu".
    2. Nếu aLB ko đồng ý với (1) thì nói để cs đưa ví dụ chứng minh.
    3. Chúc chủ nhà tối vui vui, ngủ ngon.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trùi, sư thái đọc rất kỹ, Quá nhi rất lấy làm cảm động.
      -Oxy là cơ sở của sự sống, nhưng kg phải là sự sống. Cuộc Sống là cơ sở của gia đình (hề.. hề...), nhưng không phải là gia đình. Blog là cơ sở của Lá Bàng để giao lưu với Cuộc Sống, nhưng không phải là anh Lá Bàng... Tức là nếu không có cơ sở đó thì đứt đuôi con nòng nọc nuôn!
      -À, LB đã có lời kết luận cho entry này như sau, để LB bôi đỏ lên nghen: "Những ý tưởng kỳ quặc trên đây là để thư giãn hay tham khảo, người viết không cố ý làm trái ý bạn, để rồi chúng ta có thể sẽ cãi nhau trong khi ‘tình yêu’ của 2 ta chưa có được, hay mới bắt đầu manh mún…", hề.. hề...

      Xóa
    2. Hì hì...
      Rứa thì cs khoải đưa ví dụ aLB hè, thiệt ra cs rất thích nghe mấy thầy giảng về triết nhưng ko bao giờ dám bàn về triết, là vì cs có biết cái chi mô mờ bàn, đọc để coai cái chi đúng cái chi ko rồi bỏ trong bụng cho biết thôi.
      Tối vui vui aLB nhé.

      Xóa
    3. Bản thân cuộc sống là triết học rồi, học kỹ về cuộc sống thì sẽ hiểu... bí ẩn của nó, khi đó ta sẽ bye bye triết học, ôi, em triết học yêu vấu ơi, còn gì nữa đâu mà khóc với sầu, híc.. híc...

      Xóa
  11. "Nói đến Kim Dung là nói đến nhân bản tính, lương tri tính, cô đơn tính, phá tính, lãng mạn tính, tự do tính, vô định tính, hư vô tính, tự nhiên tính và cuối cùng là tình yêu tính"
    Vang,rat dung anh LB ạ!Voi rieng Yen thi Kim Dung noi bat nhat,dang nho nhat la:
    "Các mối tình trong truyện của Kim Dung rất lãng mạn và xa rời tính phù phiếm của thế tục thường tình"hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, LB nhớ là trả lời cho YP rồi, biến đâu mất, sorry nghen.
      Thường, tình yêu đối với một số người chỉ là một ước mơ, ông KD có thầm yêu một nàng giống hệt như Tiểu Long Nữ mà ông đã mô tả... Còn LB chỉ yêu người trong tranh thôi, hình như cả đời chưa được uống cà phê với người ẹp nào, híc...
      Tối bên 'í' ngọt ngào nghen.

      Xóa