Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

309. Người VN xài sang nhất thế giới!


Đến nay mình đã viết khá nhiều bài (hì…), thực ra không có bài nào là dễ viết cả, viết rất tốn năng lượng thần kinh. Và thực ra, mình thích viết về chuyện ‘sa lưới tình’, nhưng mình lại rất yêu thực tế, thôi, để hôm nay viết thư giãn mấy ngày Tết vậy. Về vấn đề xài tiền, nếu đọc xong bài này mà có bạn bình ‘đắt tiền là chất lượng’, ‘tiền nào của nấy’ hay 'tôi luôn luôn đúng'... thì không có gì để bình... Thông qua một số ví dụ có thật, ta hãy xem ông cha ta hay người nước ngoài quan niệm về xài tiền như thế nào?
Về cá cảnh, có các loại cá rất đắt tiền như cá rồng (Platium, huyết long, kim long...), cá tai tượng, quái ngư (La Hán/mặt quỷ, hồng két, đuối, phối châu Phi, kiếm ma, thủy bao nhãn, răng dao, ranchu Nhật, thủy tinh, khủng long 6 sừng)... Loại cá La Hán khi bị bệnh thì rất khó trị, cá long nhãn (hay tương đương) là loại cá ‘nhõng nhẽo’ và dễ chết…, ngoài ra, mua thì đắt với giá đến vài ‘chai’/con, nhưng khi bán thì bán rẻ, có năn nỉ cho cố thì chỉ được vài trăm ngàn/con (trừ trường hợp nhượng lại cho người thân)…. Thực ra, trừ việc ‘khoe’ cá cảnh ở công ty/khách sạn hay ở nhà to cửa rộng, ta nuôi cá là để có ‘bạn’ trong nhà chứ có phải là để khoe khoang với ai đâu!
Về bóng đèn, những hệ thống đèn ngoại (cả bộ com-lê) thường có dây ‘mát’ (phít cắm 3 chấu), khi xài ở VN thường có hiện tượng nóng lên, bị nổ/cháy bốc khói khét lẹt và phát ra tia hồng ngoại rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với nhà có la-phông bằng nhựa hay nhà gỗ, ngoài ra, các loại bóng ‘đèn lon’ có thời gian sống rất ngắn… Qua kinh nghiệm ở nhà đẹp, mình thấy bóng đèn VN có gía mềm, phù hợp nhất và thọ nhất.
Về điện thoại di động, có loại trên dưới 1 triệu, vài triệu, mười mấy triệu, chưa nói đến loại giá cao hơn rất nhiều. Thực ra, đa số blogger xài điện thoại chủ yếu là để gọi, nhắn tin (hay nghe nhạc), có một số ít dùng để truy cập internet (blog), để đọc truyện hay xem phim… Có người chỉ gọi và nhắn tin nhưng mua cái điện thoại gần 20 triệu, rồi không thấy ai ‘trầm trồ’ nên chán, vì hiện nay mấy loại điện thoại đó người ta đã ‘thấy rồi, khổ quá, khoe mãi!’.
Về xe máy, ngoài các xe thông dụng và giá vừa phải của Nhật hay Hàn quốc, có loại giá cao hơn như Air Blade, Exciter, SH (hay tương đương), rồi xe đua (vài trăm triệu), thực ra xe đắt tiền nhưng nặng/kềnh càng mà chạy ở chỗ đông người/kẹt xe thì bất tiện hơn. Có người mua một chiếc Exciter giá 60 triệu, nhưng chỉ có một mình chủ xe chạy chứ người khác không chạy được vì nó là xe có ‘côn’, cần số chỉ có một nửa (dùng đầu ngón chân dích lên), khó chạy hơn xe Win hay Attila/Leed/Vespa rất nhiều. Kinh nghiệm cho thấy loại xe máy trên dưới 30 triệu là xài quá tốt rồi.
Về ô-tô, có loại giá dưới 1 tỉ (khoảng 40.000 đô/chiếc, trọn bộ) có loại đến trên dưới 2 tỉ, chưa nói đến các loại cực đắt khác. Trừ mục tiêu kinh doanh, xài ô-tô thì mỗi năm lỗ trên 100 triệu (thuê lái xe, xăng, bảo hiểm/kiểm định, sửa chữa/thay phụ tùng rất đắt tiền, và giá xuống do mốt mới xuất hiện), trong lúc lương bình quân hiện nay của 2 vợ chồng (nếu may mắn) thì mỗi năm được hơn 100 triệu, đủ bù lỗ cho chiếc ô-tô chứ chưa nói đến các chuyện khác!
Về nhà cửa, nhà có 2 vợ chồng và 1-2 con thì chỉ cần có 1 lầu là được, nhưng có người vì ‘sĩ diện’ mà làm nhà 4-5 tấm/mê (trừ trường hợp để kinh doanh). Một căn nhà 1 lầu thì điện nước và sửa chữa khoảng 1-2 triệu/tháng. Vừa rồi, mình nghe nói có căn nhà 34 phòng của một đại gia, chỉ làm lại hệ thống đường nước nóng mà nghe đồn là tốn đến trên 3 tỉ đó… Nhà nhiều tầng thì điện nước và bảo hành phức tạp hơn rất nhiều chứ không đơn giản là phải chổng mông lau mấy cái cầu thang như ta tưởng!
Về cà phê, trong xóm thì giá 10-20.000đ/ly, ra đường mặt tiền thì 30-40.000/ly, ra đường Nguyễn Huệ/Hàm Nghi (Sài Gòn) thì 80.000/ly, chưa nói đến chuyện đi uống cà phê thư giãn ở Hà Nội hay ở sân thượng của tòa nhà Huyn-dai Sài Gòn… Nhưng cà phê nào cũng là cà phê, cà phê vườn ở Ban Mê giá khoảng 15-20.000/ly nhưng lại ngon nhất và trữ tình nhất!
Về bia-rượu, có các loại bia từ bia Sài-Gòn đến bia Ken, bia Ken Pháp ở nhà hàng đến 30.000đ/chai (nghe nói ở VN, trung bình mỗi người uống 25 lít bia/năm hay 75 chai bia x 90 triệu người, và Tết này cả nước uống khoảng 5 triệu lít bia hay 15 triệu chai bia!), chưa nói đến các loại rượu ngoại ‘đểu’ giá 2-3 triệu/chai hay hơn… Ôi, vào sàn nhảy mà uống một chai rượu đểu giá 2 triệu, vào nhà hàng mà làm vài chục chai ‘ken Pháp’, hay gọi một em cẳng dài nào đó với giá 3-8.000đô/đêm… có phải là 'ném tiền qua của sổ' không, trong khi đó rút tiền cho cha hay mẹ vài trăm ngàn đồng thì kêu trời như bộng!...
 
Quay lại chuyện ông Nguyễn Trãi, nhà ông có vách là những thanh tre đón gió lộng (theo truyện ‘Sao khuê lấp lánh’). Ỷ Lan phu nhân vì không ham xài tiền nên được dân gọi là ‘bồ tát’. Ông Nguyễn Bình Khiêm (là nhà triết học của Việt Nam!), rồi ông Nguyễn Khuyến/Nguyễn Du cũng không khác gì mấy... Đó là những danh nhân sống cao khiết mà các thế hệ con cháu nên học hỏi.
Quay lại chuyện người nước ngoài.
Mình có làm việc với một chuyên gia người Anh. Các bạn biết là năm 1998, ở VN có xuất hiện cái điện thoại Nokia/Ericsson/Motorola to như cục gạch. Đến năm 2004, người VN ai cũng thay điện thoại đời mới, nhưng cái ông người Anh này (lương cở 15.000 đô/tháng) vẫn xài cái ‘cục gạch’ mà mặt tỉnh queo!
Mình có làm việc với một chuyên gia Hà Lan. Anh ta có một cái quần xài vài năm rồi, cái lai quần bị rách. Anh ta mới gọi chị tạp vụ lại, mình tưởng đâu anh nhờ chị ta mua quần mới, ngờ đâu anh ta nhờ ‘tìm một miếng vải như vải quần cũ, rồi may ‘bạ’ lên cái lai quần đã rách!’. Khi nghe ở VN người ta mua xe trung bình là 40.000 đô, anh ta trố mắt lên và bảo ‘tôi mới mua một chiếc ô-tô có 3.000 đô à!’, anh ta lại thích sống ở nhà cấp 4 (nhà cổ), trong khi đó lương của anh ta cũng chẳng kém gì ông nói trên và có một biệt thự rất to ở trung tâm thủ đô Amsterdam!
Mình có nhậu với một đại gia Malaysia (Anh, Thụy Điển) ở Kuala Lumpua, mỗi lần nhậu, họ chỉ uống có 1 chai bia/người, cao lắm là 2 chai. Ông ta kể ‘mới hồi nảy, có một nhóm người VN vào uống đến mấy thùng bia, đến nỗi chủ nhà hàng phải cho xe đến siêu thị chở về mới thỏa mãn mấy ông trời đó!’…
 
Có phải ông cha ta ‘keo kiệt’ không?, không, ông cha ta sống rất gương mẫu và có nền tảng triết lý của dân tộc Việt. Có phải người nước ngoài ‘keo kiệt’ không?, không, mình có hỏi họ, họ chỉ trả lời đơn giản là ‘chúng tôi đã được học về lối sống tiết kiệm từ năm lớp 3’. Tóm lại, 'chín người thì mười ý', mình chỉ viết cho vui, ta có nên phát triển tính cách 'tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc; tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn' (Nguyễn Công Trứ) hay ‘người VN nghèo nhưng lại xài sang nhất thế giới’ không? Đây là một câu hỏi mở thôi nhé, hì... 
...À, bổ sung tí, mình hổng có thích... Tết, tất nhiên Tết là cơ hội để xum họp gia đình (kết hợp với nghỉ phép). Hôm qua, anh bạn già của mình nói có vẻ gượng gạo 'Tết ấy mà', vợ ông ta ở xa gọi điện về bảo mua sắm bàn ghế đủ thứ, ông ta trả lời 'No'. Ông 'Tiến sĩ kỳ lạ' lương có hơn 4 triệu/tháng, phải về quê ăn Tết, mà đi lại và ăn uống trên đường đã hết cở 4 triệu rồi! Cô Ô-xin bảo 'chỉ có bọn con nít là thích Tết, chủ yếu là được lì xì'. Còn mình thì nhức hết cơ bắp tay, bắp chân, đi lại sắp ngã mấy lần vì dọn dẹp trong nhà và ngoài vườn, không có tiền đi mát-xa, híc..híc...

19 nhận xét:

  1. Chào Lá Bàng .
    Sống để rồi chết chứ chẳng có chi ...
    Do vậy tiêu xài phung phí hay keo kiệt bủn xỉn , hà tiện cũng vậy mà thôi .
    Nhân sinh dĩ thích chí , ai muốn sao cũng được .
    Nói về kinh tế đất nước không bởi tiết kiệm hay hà tiện mà giàu có thêm . Mà cần có năng lực làm giàu đất nước bằng trí tuệ .
    Lạm bàn cho vui cuối năm .
    Chúc anh vui vẻ an lạc .
    Thân mến

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Uh, thì mình cũng tâm sự mấy ngày Tết cho vui.
      Đây là mình ghi lại câu chuyện kể ở quán cà phê (với một 'học sinh trường Miền Nam', đã gần 70 tuổi), kinh nghiệm của ông, mình rất thích, cám ơn bạn HĐ nhé, ngày mới tốt lành.

      Xóa
    2. À, trong bài này mình có nhiều câu 'trừ trường hợp vì mục tiêu kinh doanh', hì...

      Xóa
  2. Đất nước Việt Nam mình còn nghèo và rất nghèo ...nhưng nói về lãng phí thì chắc đứng thứ nhất nhì thế giới anh ạ < đấy là theo em nghĩ vậy>

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiết kiệm là quốc sách, là đức tính tiền đề của mỗi người, dù ta có giàu nhất thế gưới cũng phải tiết kiệm... Cám ơn DNT nghen, chiều ngọt ngào.

      Xóa
  3. hơ hơ , đọc bài nì xong cũng thấy mình lạ ,chỉnh lại chăng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đùa tí Tết í mà, ở đời có vô số chuyện, NH chỉnh cái gì? Bật mí đi, hì...

      Xóa
  4. Viết nhanh quá thầy ơi ! Từ từ có thời gian mới oánh vần được á thầy ! Dưng em thích đề tài này thầy à , đúng là nhiều người xài tiền rất ... lạ niếu như mần từ thiện hay biếu ông bà cha mẹ thì nhảy cồ cồ lên á .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi, vừa làm việc, vừa viết, có khách liên miên, lại phải có cảm hứng nữa, hì...hì..., cám ơn PT nghen, tối vui nhé.

      Xóa
  5. Ghét thầy quá : "Nhận xét của bạn sẽ hiển thị sau khi được phê duyệt" Phù Thủy cưỡi chủi dìa đây Lá Bàng ngồi đó mà duyệt , phê , chấm đỉm nhá !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ từ tí mà...
      Ghét thì ghét, thương thì thương, anh sai đường..., hì..hì...

      Xóa
  6. Anh biết vì sao người VN lại xài sang nhất thế giới không?
    Xài sang, vì họ không hiểu được giá trị của đồng tiền nên ném tiền không thương tiếc.
    Vì không hiểu được giá trị của đồng tiền nên họ cũng không hiểu được giá trị của lao động.
    Vì không hiểu được giá trị của lao động nên họ không biết quý trọng đồng tiền.
    Vì không biết quý trọng đồng tiền nên họ ném tiền qua cửa sổ.
    Vì họ thấy ném tiền qua cửa sổ có nhiều người ngưỡng mộ nên càng ném nhiều hơn, dù biết rằng cứ ném thế có ngày sẽ hết.
    Biết có ngày sẽ hết nhưng họ cũng biết phải làm cách nào để tiền lại đẻ ra tiền.
    Muốn tiền đẻ ra tiền, không có cách nào nhanh hơn là tìm hiểu xem nó đến từ đâu dễ dàng nhất.
    Muốn biết xem tiền đến dễ dàng nhất từ đâu....hihi. Cần phải hỏi NGLB.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trời ơi trời,
      1. Muốn biết xem tiền đến dễ dàng nhất từ đâu....hihi. Cần phải hỏi NGLB.
      2. Muốn hỏi NGLB thì phải hỏi nhà thông thái Lộc Vừng, hì...hì...
      Lời bình tuyệt vời, cám ơn LV nhìu nghen.

      Xóa
  7. Trong cuốn Dạy con làm giàu hay Cha giàu cha nghèo của Robert.Kiyosaki và Sharon L.Lechter cũng nói đến Tiêu sản và Động sản. Hiền một nỗi, mình toàn bỏ tiền vào Tiêu sản.....hu hu nên lúc nào cũng nghèo muôn kiếp nghèo LB ơi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À ra thế, chắc người ta bỏ tiền vào tiêu sản: 'Vì họ thấy ném tiền qua cửa sổ có nhiều người ngưỡng mộ nên càng ném nhiều hơn, dù biết rằng cứ ném thế có ngày sẽ hết (Lộc Vừng).
      MTV bình hay quá, cám ơn nhìu nhìu nghen.

      Xóa
  8. Đọc bài của anh mới biết rằng Người Việt mình tiêu xài sang anh nhỉ? Mà chắc anh ở SG còn xài sang hơn nữa ấy chứ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghe nói càng xa vắng, càng xài... nhiều cho đỡ buồn, hì..., đùa thôi, chiều vui nghen.

      Xóa
  9. Hãy cận thận với những chi phí nhỏ, một lỗ rò bé có thể làm đắm cả con tàu (B. Farklin)
    Cổ nhân có dạy đó huynh, nhưng chắc do người Việt mình còn nghèo nhiều nên có thuyền đâu mà đắm nên tới bến luôn... hihi!
    Chúc huynh năm mới có thuyền và luôn khắc ghi mấy lời của cổ nhân nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì..hì..., BLT cũng vui tính quá ta, cám ơn nhiều nghen, tối ngọt ngào.

      Xóa