Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

270. Những cuốn phim ấn tượng trong đời tôi


Trong đời, ngoài việc xem phim ở nhà thời trẻ, sau này mình còn đi làm xa nhà 15 năm, thường ngủ ở khách sạn nên mua một cái đầu Video gửi khách sạn, cứ ăn cơm tối xong là mình xem phim bộ cho đến khi buồn ngủ mới thôi, trong đó kể cả xem Ti-vi, mình đã xem một số phim chính theo trình tự thời gian như sau:

-‘Lý Tiểu Long’ (đủ loại), Mùa thu lá bay, Romeo và Juliet, Cleopatra, một số phim cao bồi...
-Người cá, Giải phóng châu Âu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Ván bài lật ngửa/X30 phá lưới, Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân, Chiến tranh và hòa bình, Hàm cá mập, Napoleon, Kim Dung và Cổ Long (đủ loại), Giang san mỹ nhân...
-Tây du ký, Người giàu cũng khóc, Sác-lô/Mr. Bean (đủ loại), Mối hận Kim Bình, Võ Tắc Thiên, Tây Thi, Điêu Thuyền, Từ Hi thái hậu, Hán-Sở tranh hùng, Người không mang họ...
-Cảnh sát hình sự, Hồ sơ trinh sát, Hoàng Phi Hồng, Tinh võ môn, The Karatedo Kid, Lý Tiểu Long truyền kỳ, Thủy hử/Tam quốc chí, Ngôi nhà hạnh phúc, Kiều nữ và đại gia, Vật chứng mong manh, Khang Hi vi hành...
Tím là cô bé đôi mươi
Tím hay buồn bã lên đồi hái sim
Tím đâu xát muối trái tim
Tím mơ tím ước đêm đêm nồng nàn
Tím ngồi suy nghĩ miên man
Tím rung tím khóc long lanh giọt sầu
Tím cần có một vòng tay
Tím say tím đắm cho bay dỗi hờn
(Tím buồn-NGLB)
Mình gọi là các phim mà mình xem là có ‘ấn tượng’ với một hay nhiều ý sau đây:
-mình có áp dụng một số nội dung trong phim, hay
-có tác động ít nhiều đến tâm sinh lý của mình, hay
-mình thường kể cho bạn bè hay các cháu nghe, và đặc biệt là, 
-nếu bây giờ nếu phim đó có chiếu lại, mình sẽ dừng lại để xem (mà không chuyển sang kênh khác).
Mình sẽ chọn ra 7 phim/bộ phim tiêu biểu có ấn tượng với mình nhất mà có thể các blogger biết một vài phim hay biết hết (ngoài ra, có một số phim dù rất hay nhưng coi hoài cũng chán như Tây Du Ký hay Bao Thanh Thiên nên mình không kể ra ở đây), chúng gồm:
1. Thiên long bát bộ
2. Khang Hi vi hành
3. Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân
4. The President (Tổng thống Mỹ)
5. ‘Lý Tiểu Long’ hay ‘Lý Tiểu Long truyền kỳ’
6. Mối hận Kim Bình
7. Có em anh thấy màu hồng (!)
Tóm tắt nội dung và 'ấn tượng' của 7 phim này như sau:

1. Thiên long bát bộ
(Tiêu Phong không bao giờ ăn hiếp kẻ yếu thế)
Mình sẽ không đánh giá phim ‘Thiên Long bát bộ’ như các đánh giá trước đây trong blog này, và mình cũng không quên những Trương Vô Kỵ-Triệu Minh, Dương Quá-Tiểu Long Nữ, Lệnh Hồ Xung-Doanh Doanh, hay Sở Lưu Hương, Lục Tiểu Phụng, Lý Tòng Hoan...
Trong đời này, trừ mấy bậc thánh (không phải là người!) thì mình nể nhất là Tiêu Phong vì y có một tính cách độc nhất vô nhị trong xã hội loài người như:
-vô cùng chung thủy với bạn bè và người tình,
-thấy đàn bà đẹp thì không liếc, dù nàng có ăn mặc hở hang cũng không si-nhê gì với anh (tuy nhiên anh cũng không đến nỗi quá nghiêm khắc với người đẹp như nhân vật Liễu Hạ Huệ thời Xuân Thu),
-‘phật’ cũng tôn anh là phật: ‘thí chủ quả là có trái tim bồ tát’, một cao tăng vô danh đắc đạo tại chùa Thiếu Lâm nói như vậy, 
-không bao giờ nói dối hay mị dân, nói cái gì thì thực hiện cái đó,
-rất phóng khoáng, không ham tiền bạc, địa vị, chức vụ hay danh vọng, 
-rất thông minh, mưu trí và dũng cảm, 
-có cuộc đời rất bi tráng, rất ‘người’, không ăn hiếp kẻ yếu thế, sống như ‘phó thường dân’ và rất thông cảm/chia sẻ với họ mặc dù anh là một bậc anh hùng cái thế và được thiên hạ phong là ‘Nam Mộ Dung, Bắc Kiều Phong’...
Chính vì lẽ đó mà hình tượng của anh ngày nay được cả tỉ người Tàu sùng bái. Nếu mình hội đủ điều kiện, có khả năng (có khả năng thôi) mình sẽ trở thành Napoleon, Khang Hi hay Nguyễn Du!, nhưng dù có cho mình bất cứ điều kiện gì thì giữa mình và anh cũng có một cái 'ngưỡng' mà mình không thể nào với tới được: anh quá hoàn hảo! (Cũng có người chê anh ta là ‘quân tử Tàu’, nhưng anh là người Tàu cơ mà, không lẽ anh có tính cách giống một blogger người Việt nào đó!).

2. Khang Hi vi hành
(Khang Hi vô tình gặp một 'hiệp nữ' giống người vợ đã chết của chàng như đúc)
Em giấu nỗi buồn trong mắt trong
Tình si day dứt ở trong lòng
Em trút giọt buồn cho cơn gió
Gió mừng, gió đến ẵm mây cong
Đừng hỏi em ơi, em đừng hỏi
Cành lá buông lơi, đã nói lời
Đừng khóc em ơi, em đừng khóc
Nước mắt vừa rơi, đã rụng rời
(Anh đã yêu-NGLB)
Trong phim 'Khang Hi vi hành' nhiều tập, mình thích nhất là tập ‘Kim tiêu ký’. Chuyện kể rằng sau khi vợ ông là Nghi Phi bị trúng tên chết, Khang Hi ngày đêm nhung nhớ buồn bã khôn nguôi. Một hôm, Khang Hi giả dân vi hành với tên là Hoàng Tam, 'chàng' gặp một hiệp nữ giang hồ, đúng lúc đó có một cơn gió vô tình bay thổi khăn che mặt làm lộ ra khuôn mặt nàng giống mặt Nghi Phi như đúc, rồi nhìn theo từ sau, nàng có thân hình và dáng đi giống hệt như hình dáng người tình đã khuất núi của chàng.
Từ đó, Khang Hi luôn bám riết theo nàng. Có một lần, trong một quán ăn, chàng được đứng đối diện nàng, quả tim chàng đã rực lên cơn lửa yêu đương rung cảm rụng rời, sau đó 2 cận vệ của ông là Tam Đức Tử và Pháp Ấn đều nhìn nàng đến sững sờ ứa lệ, còn tì nữ Tiểu Đào Hồng nhìn nàng mà nước mắt ràn rụa.
Sau này, Khang Hi âm mưu sắp xếp để được đi bảo tiêu với nàng, kề cận nàng ngày đêm, và vừa giúp nàng trả thù nhà vừa tán tỉnh nàng. Hai người đã cùng vai sát cánh chống bọn ‘mặc áo quan là quan, cởi áo quan là cướp’, tình yêu dần dần hình thành, Khang Hi rước nàng về cung làm vợ để thay thế cho dáng hình diễm tuyệt của Nghi Phi.
Chuyện rất cảm động, tạo hóa quả thật là kỳ lạ nhưng không luôn bỏ rơi con người, nếu con người nếu có lòng thành và quyết tâm tìm tình yêu thì tình yêu sẽ đến!

3. Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân
Phim này được đóng theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yulian Semyonov, với sự tham gia của 600 chuyên gia Liên Xô, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ...
Bối cảnh phim này xảy ra vào Đệ nhị thế chiến (1939-1945), nói về một điệp viên Nga tên là Isaev, được chỉ thị mật của Stalin là giả dạng gia nhập vào hàng ngũ tình báo SS của Đức với cái tên là Stirlitz. Anh toàn ‘chơi’ (đánh bi da, cờ bạc, nhậu nhẹt, nhảy đầm...) và chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là trả lời cho Stalin câu hỏi: ‘Có nên tấn công vào Berlin hay không?’.
Thoạt nghe thì nhiệm vụ của anh có vẻ đơn giản, nhưng không phải vậy. Việc tổng hợp tình quân sự thế giới, sức mạnh quân sự của Hitler và tình hình Berlin để trả lời là ‘Yes’ hay ‘No’ lại cực kỳ quan trọng đối với quân đội Liên Xô thời đó. Anh là một nhân vật có thật và sau này người ta đánh giá anh là ‘một tình báo quan trọng bằng mấy sư đoàn’...
Tất nhiên mình cũng nhớ là Hitler có người yêu rất đẹp, cuối phim, y run run bỏ viên thuốc độc vào miệng người yêu trước rồi mới tới y… Nhưng có một điều mình rất ấn tượng là trong 17 ngày đêm trước khi quân đội Liên Xô và đồng minh tấn công Berlin vào năm 1945, có những ngày anh di chuyển trực chỉ và khẩn cấp mấy trăm cây số về Berlin, anh cứ chạy xe một tiếng đồng hồ rồi ngừng lại ‘ngủ’ 15 phút, nhờ thế mà anh có thể chạy 24/24 và chạy hết ngày này qua ngày nọ trên đường đi. 
(Vừa đi, vừa ngủ, Stirlitz vừa làm việc có hiệu quả)
Mình đã học hỏi được từ anh điều này’, đó là muốn làm việc lâu dài và có hiệu quả cao thì:
-phải từ từ,
-chia công việc lớn ra thành từng phần việc nhỏ, 
-phải biết nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng trong từng phần nhỏ đó...
Sau này có một triết gia (khuyết danh) nói là: ‘Người có tài là người bận trong khi rảnh và rảnh trong khi bận’, anh là một người ‘biết rảnh trong khi bận' nên anh quả là một người có tài.

4. The President (Tổng thống Mỹ)
Phim này có chiếu trên một kênh SCTV nào đó cách đây 2 năm. Phim nói về một tổng thống Mỹ, vợ chết. Ông ủng hộ chương trình ‘bảo vệ tầng ô-zôn’ (hay bảo vệ môi trường), có nhiều người trong Tòa nhà trắng chống lại ông, trong đó có một người đẹp làm ở một Cơ quan môi trường.
Là một tổng thống Mỹ, ông có đặc điểm là chấp nhận tất cả các ý kiến chống đối, thậm chí có thể yêu người chống lại mình, đó là người đẹp nói trên. Ngưỡng mộ chính kiến trái ý nhưng khác lạ của nàng, 'chàng' đã dành nhiều thời gian của tổng thống để rủ nàng đi ăn, bất thần xuống xe mua hoa hồng tặng nàng mà không sợ bị ám sát, thậm chí còn đặt mua món Hamberger từ nước ngoài về để tặng nàng…
Nhưng điều đó đã khiến cho một ứng cử viên tổng thống đối lập tìm cách moi móc đời tư của ‘người đẹp’, nói xấu rằng cô ta là một nhân viên tầm thường, không phải là người Mỹ! và chống lại nước Mỹ! (trong một cuộc biểu tình chống lại một chính sách gì đó trước đây mà cô ta không sai), và việc chàng yêu một người đẹp ‘tầm thường’ như thế làm nghèo đi hình ảnh của nước Mỹ!
Chàng đã dùng chiến lược im lặng mà không giải thích cho dân chúng Mỹ về tình yêu của chàng trên truyền hình, vì thế uy tín của chàng ngày càng giảm sút, từ mức ủng hộ cao hạ xuống còn dưới 50%.
(Nàng giận tổng thống, bỏ đi)
Nàng quá giận, sĩ nhục chàng rồi bỏ đi. Trên đường đi, bỗng nàng thấy Tổng thống xuất hiện trên màn hình công bố tình yêu của chàng với nàng, chàng nói một cách vô cùng cảm động trước toàn dân Mỹ rằng: ‘tôi yêu nàng và bằng bất cứ giá nào tôi cũng tìm cho được nàng’, cô cảm động quay lại và sau đó chàng... thắng cuộc bầu cử tổng thống này vì được dân chúng Mỹ ủng hộ mối tình của chàng!
Bằng phim này, người Mỹ ngầm công bố rằng: ‘người không có tình yêu nam nữ mãnh liệt thì không phải là tổng thống Mỹ’ (!).

5. ‘Lý Tiểu Long’ hay ‘Lý Tiểu Long truyền kỳ’
Mình không thể nói là phim nào hay hơn giữa các phim do Lý Tiểu Long đóng với phim ‘Lý Tiểu Long truyền kỳ’ do chuyên gia 38 nước kết hợp đóng. Tất nhiên về mặt võ thuật thì các phim mà Lý Tiểu Long đóng là hấp dẫn hơn và gay cấn hơn.
Nhưng theo phim ‘Lý Tiểu Long truyền kỳ’ thì mình biết là anh học đại học tổng hợp Triết. Không như các Chưởng môn khác trong lịch sử, có một điều kỳ lạ là Lý Tiểu Long biết kết hợp Triết học vào võ của mình. Là kẻ ‘vô địch thiên hạ’, anh đã sáng lập ra ‘Triệt quyền đạo’ bằng cách khiêm tốn học hỏi và kết hợp tinh hoa của nhiều môn võ khác đến từ Nhật, Hàn quốc, Philippines, Thái Lan… Ngoài ra, 'chàng' còn được một người vợ Mỹ hết lòng ủng hộ sự nghiệp của chàng mặc dù trải qua bao sóng gió.
(Lý Tiểu Long luôn coi trọng 'võ đạo')
'Tâm' của võ thuật là võ đạo, tâm bất chánh thì võ cũng bất nhân, triết lý của Lý Tiểu Long còn có ý nghĩa rộng hơn, nó hàm chứa một nền tảng ‘khiêm tốn’ và tôn trọng quyền tự do của các võ phái/dân tộc khác mà trong đó, mọi tập thể dù lớn hay nhỏ đều bình đẳng, và triết lý này hoàn toàn xa lạ với thứ tư tưởng ‘ỷ mạnh’ mà một tập thể lớn mạnh lại đi ‘hiếp đáp’ một tập thể khác nhỏ yếu hơn!

6. Mối hận Kim Bình
‘Mối hận Kim Bình’ là một phim ‘cấp 3’ mà mình có dịp xem ở Hà Nội, nhưng cấp gì không quan trọng, vì các bạn có thể xem chuyện ‘Võ Tòng-Tây Môn Khánh-Phan Kim Liên’ trong các loại phim Thủy hử, Võ Tòng đả hổ, hay Túy quyền Võ Tòng...
Nhưng mình chỉ ngạc nhiên là tại sao dân tộc Tàu lại sản sinh ra một Ôn Bích Hà (vai Phan Kim Liên) đẹp hoàn hảo như vậy, mũi đẹp, mắt đẹp, miệng đẹp, tất cả con người của nàng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, cái gì cũng đẹp, không có chỗ nào chê được, và mặc dù năm nay nàng đã 50 tuổi nhưng vẫn còn đẹp mê hồn.
(Nàng đẹp toàn diện)

Vì sao nàng không biết
Tiên nữ sa bụi trần
Vì sao nàng lao mãi
Đêm vào chốn thiêu thân
Dâm thần bỗng muốn ái ân
Lỡ chân vấp ngã xuống tầng Diêm cung 

(Khoảng lặng đêm-NGLB)
Ngoài việc tham gia đóng vai chính trong các phim như Mối hận Kim Bình, Tiểu Lý phi đao, Liêu trai chí dị…, mới đây là nàng còn đóng vai Nghi Phi trong phim Khang Hi vi hành (phần 5, thay cho nữ diễn viên Đặng Tiệp) mà trong đó nàng là người đẹp được được Khang Hi sủng ái nhất và đã đem lại cho chàng một điệp khúc yêu đương trần thế tuyệt vời hơn cả nhưng gì mà chàng có được dưới cương vị của một hoàng đế!

7- ‘Có em anh thấy màu hồng’ (!)
Mình không nhớ tên phim này, mình kể ra dưới đây, các blogger giúp mình nhé. Phim này là phim Tàu (Trung Quốc, Hồng Kông hay Singapore) chiếu trên một kênh truyền hình SCTV nào đó.
Có một chàng trai nghèo, làm nghề vũ sư nhưng có một đặc điểm là từ khi sinh ra đời, chàng chỉ thấy được 2 màu, đó là ‘đen’ và ‘trắng’.
Có một hôm chàng đang dạy múa thì có một người đẹp bị một đám người rượt bắt nên nàng phải chạy trốn vào phòng dạy vũ của chàng, rồi từ giây phút đó, chàng bỗng nhiên thấy thế giới này có màu ‘hồng’…
(Bỗng nhiên chàng thấy bầu trời có màu hồng rực sáng)
Nhờ giỏi võ mà chàng giải cứu được nàng và sau đó được người đẹp thuê làm vệ sĩ… Với thời gian gần gũi, vui đùa dần qua, hai người hợp tính hợp nết, nàng rất có cảm tình với chàng và 2 người yêu nhau. Không ngờ, cô gái đó là con một tỉ phú Nhật và đám người rượt theo nói trên chính là cận vệ của nhà nàng. Một hôm, ba/mẹ nàng sang Tàu và bắt nàng phải về Nhật để tổ chức đám cưới.
Khi nàng ra đi, chàng vô cùng đau khổ và không còn thấy thế giới này có màu ‘hồng’ nữa.  Suy nghĩ vô cùng, sau đó nhờ một người bạn khuyến khích, chàng đáp máy bay sang Nhật tìm nàng, không ngờ chàng đến nơi trong lúc nàng đang đám cưới.
Chàng rất sầu khổ và tiếp tục lang thang vô định trong cuộc đời chỉ với 2 màu đen và trắng. Nhưng anh trai của nàng đã rượt theo chàng và báo cho chàng biết rằng đó chỉ là đám cưới giả để giải quyết một chuyện ‘thừa kế’ tài sản lớn của dòng họ/công ty, sau khi mọi việc ổn thỏa, một tuần sau người chồng sẽ li dị nàng.
Thế là chàng lại đến với nàng, và có tình yêu của nàng, chàng sẽ thấy được màu ‘hồng’ trên thế gian này… mãi mãi.
(Có em anh thấy màu 'hồng')
Tóm lại, đã nói là phim có ấn tượng, dù là phim gì đi chăng nữa, trong đa số các phim, người ta vẫn bộc lộ được cái triết lý cao cả của con người và lấy tình yêu làm cơ sở mà như chàng đã cảm nhận được rằng ‘người không có tình yêu nam nữ mãnh liệt thì không phải là hoàng đế’, rằng ‘nàng đã đem lại cho chàng một điệp khúc yêu đương trần thế tuyệt vời hơn cả nhưng gì mà chàng có được dưới cương vị của một hoàng đế!, và rằng ‘có tình yêu của nàng, chàng sẽ thấy được màu hồng trên thế gian này’.

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

269. Chùm thơ ‘Tím khóc’


Chùm thơ 'Tím khóc' (tặng các blogger) này gồm:

1. Ai nhớ ai?
2. Gái liêu trai
3. Làm sao có em
4. Người hay buồn
5, Nhớ em
6, Phai nhạt 
7, Thiên thần bé nhỏ
8. Tím 'hóc'

1. Ai nhớ ai?
Thu sắp tàn rồi, anh ở đâu
Phù vân biển động, sóng bạc đầu
Ánh trăng lấp láy trong dòng nước
Ẩn bóng hình anh, ai khóc ai?
Thu sắp tàn rồi, em có hay
Mùa đông mưa lạnh, liễu chau mày
Bóng ai thấp thoáng bên bờ biển
Hiện bóng hình em, ai nhớ ai?

2. Gái liêu trai
'Sao giống chuyện tình gái liêu trai’
Đêm đêm khêu gợi cẳng ai dài
Hồ ly đó thiên tài quyến rũ
Dưới trăng ngà, sáo dụ hồn trai
Gợi nhớ một thời ta đã yêu
Cô em thon gọn dáng yêu kiều
Thơm thơm, em níu vào mê đắm
Vị đắng đào nguyên, sóng dập dìu

3. Làm sao có em
Anh sang thăm nàng thơ
Gió ghen mây, hững hờ
Lá hờn mưa, ủ rũ
Cá chê rêu, lượn lờ
Mùa thu nỡ vội tàn
Mùa đông lại sắp sang
Chăn mềm, đêm trăn trở

Làm sao có dáng nàng

4. Người hay buồn
Vô tình sao lại làm thơ
Có tình sao lại ngẩn ngơ suốt ngày
Tiếng đàn xao động hồn ai
Tà chiều rơi xuống, sầu lai láng sầu

Sầu riêng đang ở miền Tây
Cà phê đang ở xứ này héo hon

Mùa thu buồn réo mùa đông
Hữu tình trăng ở ngoài song cũng buồn

5. Nhớ em
Trắng gì trắng quá trời ơi
Trắng gì trắng mọng, chiều rơi, nhớ người

Nhớ em gió ẵm mây trời
Nhớ em biển ẵm thuyền bơi dập dình
Nhớ em môi hé xinh xinh
Nhớ em nhớ mãi dáng hình thanh thanh

Nhớ em mắt sáng long lanh
Nhớ em áo hở, thiên đàng tuyệt luân

6. Phai nhạt
Năm chờ tháng đợi đọa đày
Ai xa, ai lánh, ai phai nhạt tình

Vắng em, vắng dáng vắng hình
Đau lòng đau dạ, đau tim sáng chiều
Thoáng mây, thoáng bóng mỹ miều
Thoáng sương, thoáng gió, thoáng kiều trong mơ

Quên quên nhớ nhớ một đời
Quên thời quên một, nhớ thời nhớ trăm

7. Thiên thần bé nhỏ
Vẩn vơ cô bé dỗi hờn
Vẩn vơ mưa nắng dập dờn khúc ru
Bóng ai tim tím đội dù
Mắt ai trong vắt, hồ thu khó lường
Miệng ai trông thật dễ thương
Môi ai ươn ướt, thiên đường dậy yêu
Dáng ai trông thật mị kiều
Da ai trăng trắng, tà chiều ngát hương
Anh đau ở chốn vô thường
Bé ơi! có động lòng thương cứ vào

8. Tím ‘hóc’
Sáng mưa mịt mờ
Chiều mưa vu vơ
Tím hờn tím ‘hóc’
Dáng ngọc
thẩn thờ

Mùa thu lá rụng
Mây xám trùng trùng
Tím buồn tím mếu
Dáng kiều mông lung

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

268. Kim Cương - một trong ‘Ngũ đại kỳ nữ Sài Gòn’


LTS: Vào lúc 10h16, ngày 26/10/2012, blogger Chuồn chuồn ớt nói: "Anh LB ơi! Hum nào anh viết riêng 1 entry về cô Kim Cương đi! Em ngưỡng mộ cô ấy lắm lắm!”. Vì thế, chuyện đã xảy ra dưới đây.
Em biết vì sao anh nhớ em?
Hoa tím buồn ghen, ngã cánh mềm

Làm sao tim được bình yên
Em đi, em đứng, dáng thiền khó quên
Em biết vì sao anh thích em?
Chiều tím vu vơ, nắng vắng tênh
Làm sao lòng khỏi chông chênh
Em mưa, em nắng, nàng tiên dễ hờn

(Em biết vì sao-NGLB)

1. Trước đây, mình có viết entry về ‘Ngũ đại mỹ nhân của Việt Nam’ (entry 251), trong đó, việc chọn ai đẹp nhất vào thế kỷ 20 quả thật rất khó. Lúc đó, mình có nghĩ đến ‘Ngũ đại kỳ nữ Sài Gòn’ là Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Thanh Nga, Kim Cương và Mộng Tuyền, đồng thời mình cũng nghĩ thêm về Lý Lệ Hà (Hà Tây) và một tuyệt sắc giai nhân khác từ Hà Nội vào định cư tại Sài Gòn (tiếc thay mình quên mất tên người và tên tờ báo mà mình mới đọc cách đây vài tháng).
Về Lý Lệ Hà (Hoa khôi cuộc thi 'Áo lụa Hà Đông' năm 1938!), các bạn có thể xem entry về Bảo Đại trong blog này (entry 224).
Về Kiều Chinh, hồi nhỏ mình có xem sơ qua phim ‘Chiều tím’ do Kiều Chinh đóng vai chính, quả thật, nàng có thân hình tuyệt mỹ chả khác nào thân hình của Chương Tử Di.
Về Thanh Nga với vụ án chấn động sau giải phóng, các bạn có thể dễ dàng đọc trên mạng hay một số bài báo (mới đăng gần đây) và hình đăng tải trên mạng để thấy nàng quả thật là một tuyệt sắc giai nhân.
Về Thanh Tuyền, hồi nhỏ hình như mình có xem nàng hát trên ti-vi (trắng đen) và hình của nàng trên các bản nhạc to (cỡ giấy A4) hay trên các băng cát-xét, nhưng mình không có ấn tượng bằng nữ nghệ sĩ cải lương Lệ Thủy!
Về Thẩm Thúy Hằng, khi chọn đại mỹ nhân, ngoài Nam Phương ra (entry 223), mình có so sánh giữa Thẩm Thúy Hằng và Cô Ba Trà. Tiếc thay, ngay vào lúc mình đang lưỡng lự, thì trên Google xuất hiện tấm hình của Thẩm Thúy Hằng với mặt bị biến dạng mà đã làm cho mình bị tác động tâm lý, vì hình của nghệ sĩ Trà Giang về già vẫn còn nét đẹp, hay Ôn Bích Hà đến tuổi 50 vẫn còn đẹp mê hồn.
(Cô Ba Trà - 'Đóa phù dung khát gió')
Như vậy vinh dự thuộc về Cô Ba Trà (Trần Ngọc Trà), nàng đã được học giả Vương Hồng Sển dành cả đời để tôn vinh vẻ đẹp của nàng, hơn nữa, việc tiêu tan sự nghiệp và cái chết của Bạch công tử và Hắc công tử (Công tử Bạc Liêu) có liên quan rất lớn đến nàng lại càng tô đậm vẻ đẹp của Cô Ba (xem entry 250).

2. Về nữ nghệ sĩ Kim Cương:
(Kim Cương thời trẻ)
Là cây cổ thụ trong làng kịch và cải lương, Kim Cương sinh năm 1938, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Kim Cương. Theo một vài thông tin trên mạng thì ‘tuổi thơ của nghệ sĩ Kim Cương là những chuỗi ngày cô đơn và thiếu tình thương của gia đình’. Lúc còn là thiếu niên, cô đã nổi tiếng là ‘thần đồng’ trong các vở cải lương như ‘Na Tra lóc thịt’, ‘Mẫu tử tình thâm’…
Sau đó cô tham gia biểu diễn cho đoàn ‘Năm Phỉ- Kim Cương’ khi 16 tuổi. Năm 18 tuổi, cô diễn vai chính trong vở ‘Giai nhân và ác quỷ’ mà sắc đẹp của cô đã làm xao động giới ‘võ lâm’ thời đó và được phong là ‘Kỳ nữ Kim Cương’ (do Nguyễn An Ca, báo ‘Tiếng Dội’ đặt) và được đóng vai Điêu Thuyền bên cạnh 'anh hùng' Lã Bố...
Từ năm 22 tuổi, tức là từ năm 1950 đến 1975, cô không những nỗi tiếng trên sân khấu mà còn trên màn ảnh. Là ngôi sao trẻ tham gia đóng phim nhiều nhất và cát-xê cao nhất, cô đã tham gia các vai thành công trong nhiều vở kịch/phim và là tác giả của trên 50 vở kịch như: Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Trà hoa nữ, Tôi làm mẹ, Vực thẳm chiều cao, Bông hồng cài áo… mà nhiều người xem vẫn còn nhớ: ‘Em thích Kim Cương đóng mấy vai trong 2 tuồng kịch này nhất: tuồng Lá Sầu Riêng với tuồng Dưới Hai Màu Áo' (blogger Mùa Thu Buồn) và sau này cô còn được phong là ‘Nữ hoàng kịch nói’ (GS Trần Văn Khê).
(Kim Cương là tác giả của nhiều vở kịch nói)
Sau giải phóng, vì bận rộn với ‘Đoàn kịch nói Kim Cương’, đến năm 1982!, Kim Cương tái xuất giang hồ với các vở kịch nói như: Lá sầu riêng, Nhân danh công lý, ‘Tania’ (kịch Nga), Lôi Vũ, Người tình trễ xe… Nay, Kim Cương vẫn còn đó, đầu tháng 8/2012, cô có tổ chức 3 đêm liveshow để 'tri ân khán giả' với sự tham gia của các nghệ sĩ như Hữu Châu, Thành Lộc, Minh Nhí, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Quang Dũng, đạo diễn Vũ Minh...
(Kim Cương vẫn còn đó)

3. Sau là câu chuyện tình đơn phương của ‘thi sĩ đười ươi’ Bùi Giáng với Kim Cương:
Khi ‘kỳ nữ’ Kim Cương mới 19 tuổi, chàng Bùi Giáng lớn hơn nàng đến mười mấy tuổi, sau khi bị ‘hớp hồn’ tại một đám cưới, chàng bèn ăn mặc tề chỉnh, tìm đến tận nhà nàng, lấy xe đạp chở nàng đi chơi và… tỏ tình. Kim Cương không yêu chàng vì thấy chàng ‘kỳ kỳ sao ấy’, còn chàng thì xem nàng là ‘thiên hạ đệ nhất mỹ nhân’, chàng yêu nàng đơn phương, yêu hoài, yêu mãi, yêu nhất vũ trụ.
(Kim Cương với 'Khúc hát thanh xuân')
…Bùi Giáng thở dài nói:
- Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô, vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé. Nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi.
Kim Cương ngần ngừ:
- Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng tính....
Ý nàng muốn hoãn binh. Nhưng Bùi Giáng đã đùng đùng dắt cháu tới. Trời ơi, hóa ra đó là thằng nhỏ mới... 8 tuổi. Kim Cương hết hồn, thôi rồi ổng đúng là không bình thường!
Nàng trở nên có quyền lực vô hạn đối với chàng, đến nỗi chàng không sợ công an giao thông mà ‘mềm nhủn như con chi chi’ khi nghe nhắc đến tên ‘Kim Cương’! Chàng 'sa lưới tình' và theo nàng suốt 40 năm!, có nhiều lần đến ‘huậy’ trước cửa nhà nàng: ‘la hét, đập cửa, chửi um sùm, ném đá nữa, khiến hàng xóm náo động' (theo Kim Cương), dẫu thế, nàng vẫn trân trọng tình cảm của chàng và cả gia đình vẫn luôn quan tâm chăm sóc chàng khi chàng trở nên ‘điên điên’, gặp rắc rối hay ốm đau...
(Có phải Bùi Giáng đang say!)
Sau đây là một trong những bài thơ của anh chàng ‘điên điên’ tặng ‘thiên hạ đệ nhất mỹ nhân’ Kim Cương:
Kính thưa nương tử Kim Cương
Tấm lòng rộng mở phi thường bấy nay
Ngàn năm điêu đứng đọa đày
Thiên thu sử lịch cau mày về sau
Thưa em đời mộng dạt dào
Tình yêu vô tận yêu đào vô biên
Kể từ tao ngộ đầu tiên
Kim Cương vô tận, thuyền quyên vô cùng
Bốn mươi năm đã lẫy lừng
Âm thầm tưởng niệm lạ lùng giai nhân
Trái tim thiết thạch vô ngần
Từ tam thu tới tử phần hôm nay
Kể từ sử lịch xa xuôi
Bất ngờ một bận bùi ngùi yêu em
Lang thang vạn dặm độc hành
Cẩm nang bỏ cuộc đời miǹh trao em. (
xem entry 232)

4. Hạnh phúc là cái gì đó có vẻ xa xôi nhưng lại rất gần gũi, nhưng dường như hạnh phúc đã không làm bạn với Kim Cương trên cuộc đời này, có phải vì thế mà sở trường của cô là đóng vai buồn! Có lần, hơn một tiếng đồng hồ, cô đã hóa thân thành Mỵ Nương và thực sự chảy rất nhiều nước mắt vào cái chén ngọc trong phim ‘Trương Chi và Mỵ Nương’. Và thực tế đã chỉ ra rằng ánh hào quang rực rỡ của sân khấu vốn không phải là bản chất của hạnh phúc, cô nói:
‘Tiếng vỗ tay hoan nghênh tỏa rộng với những giả dối ở đời giết chết… Tôi chết dần theo năm tháng. Chết dần theo mỗi lần thành công… Niềm tuyệt vọng cứ lớn dần, lớn dần đưa tôi đến chỗ mất thăng bằng. Có những lúc tôi điên lên trong nước mắt, trong tiếng thét thất thanh cầu cứu…’.
Tình yêu của 'nàng' quá lớn đối với 'chàng' đến nỗi nó cũng không kết bạn với nàng, nó đến, đi nhanh và… rồi tan biến vào hư vô. Y hệt như tình yêu của nhà văn An-đéc-xen mà ‘đã yêu ai thì đến sợi tóc rụng của nàng cũng yêu’, cô nói:
‘Kim chết lên chết xuống vì yêu. Nếu không yêu thì thôi nhưng đã yêu thì Kim yêu qua từng hơi thở, từng phút, từng giờ…’.
('Ta viết cho chiều, nắng ấm rụng trong tim')

Ta hát cho chiều - tiếng vĩ cầm xưa vọng lại
Ta gửi cho chiều - những khắc khoải chờ mong
Ta tặng cho chiều - mối tình còn lắng đọng
Ta viết cho chiều - nắng ấm rụng trong tim
(Ta hát cho chiều-NGLB)
…Và cuối cùng, vâng, phải thừa nhận là cô rất xinh đẹp, Lá Bàng rất ngưỡng mộ. Híc..híc…, theo Lá Bàng, mặc dù cô đã được Bùi Giáng tôn là ‘đệ nhất mỹ nhân’ trong suốt 40 năm, nhưng như thế chưa đủ yếu tố cần thiết để Lá Bàng chọn cô là một trong ‘Ngũ đại mỹ nhân của Việt Nam’ qua các thời đại, cô đừng vì thế mà buồn trách Lá Bàng nghen!
-------------------------------------
Các nguồn tham khảo chính:

-Entry 251: Ngũ đại mỹ nhân của Việt Nam: http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/1040759/index  
-Entry 223: Nam Phương: http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/1009198/index  
-Entry 250: Công tử Bạc Liêu và Cô Ba Trà: http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/1040672/index
-Entry 232: Bùi Giáng-Kim Cương: http://blog.yahoo.com/_VK3XEFNCEAJXIT7JWNJSV3RXYQ/articles/1015996/index  (Và các nguồn có liên quan)

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

267. Mấy đứa em của mình ‘học văn’ như thế nào?


Viết cho ai, mùa mai sắp nở
Viết cho ai, bở ngỡ cuộc tình
Viết cho ai, bóng hình ẩn hiện
Viết cho ai, hồn quyện núi mờ
Viết cho ai, bài thơ lưu luyến
Viết cho ai, dậy tiếng tơ lòng
Viết cho ai, chờ mong năm tháng
Viết cho ai, đăng đắng giọt buồn
(Viết cho ai-NGLB)
Mình nói chuyện ‘ngày xưa học văn’, có nghĩa là ngày xưa học văn là có vấn đề, có thể ngày nay tiến bộ hơn! Chuyện đã lâu lắm rồi, có một số chi tiết dưới đây mà Lá Bàng chỉ nhớ bằng ấn tượng.

1. Cách đây khoảng 20 năm, mình có dịp đi chơi Quảng Nam vài ngày, vòng vòng vùng sông Vu Gia, bằng xe Honda 67, ban đầu ghé qua Ngã Ba Huế ăn Mì Quảng và thăm võ sư Trương Khả, rồi ghé qua Thanh Quýt thăm nhà anh Trỗi, rồi Túy Loan, Gò Cà, rồi Ái Nghĩa, rồi Đại Hiệp...
Mình cũng có dịp tháp tùng với một số người đi mua cá con về làm mắm cái (cá ve (hay cá de), cá nục, cá cơm, cá giò…), đi bằng xe đạp theo hướng ngược lại, đó là từ Đại Hiệp đi Hội An. Lúc đó, trên cái yên sau của chiếc xe đạp, chúng mình buộc hai thanh tre ngang, rồi buộc hai bên với 2 cái thùng gánh nước.
Đến bãi biển Cửa Đợi, chúng mình mua cá ve (mỗi người chở được 40kg). Về đến Đại Hiệp, mấy người phụ nữ sẽ bỏ hết cá + muối vào một cái ‘ảng’ to (bằng đất sét nung, ngoài Bắc gọi là cái lu). Khoảng vài tháng sau, ta sẽ có món ‘mắm cái’ - đặc sản nổi tiếng của xứ Quảng. Khác với mắm nem, mắm cái có những con cá còn đỏ hỏn, vì thế người ta dùng từ ‘mắm cái' để phân biệt với mắm nước.
(Thế này mới gọi là 'mắm cái')
Cũng tại đây, sau khi ăn tối, các em hay người lớn, kể cả các bà già, thường tụ tập đến nhà mình ngồi quanh cái giếng to của làng để nghe mình kể chuyện Kim Dung hay Tây du ký. Mình nhớ lúc mình kể đến đoạn ‘Tam Tạng’ lúc 18 tuổi quay trở về thành Trường An, đi tìm bà nội, thấy bà bị mù mắt và đang ăn xin ở chợ, chàng bèn quỳ xuống niệm Phật rồi liếm vào mắt bà, mắt bà liền sáng trở lại, kể đến đây, mấy bà già đều khóc.
(Đường tăng khi đi thỉnh kinh và khi còn trẻ)
Trên tuyến đường đi, mình có ghé thăm mấy đứa em bà con của mình (và bạn của chúng) là người địa phương, có một số ít ‘lai’ Thái Bình, Hà Nội, Nghệ An/Hà Tĩnh… (vì ba hay mẹ chúng đi tập kết và lập gia đình ở miền Bắc, rồi chuyển gia đình vào đây). Đa số các em học hết lớp 12 thì đi học trung cấp sư phạm ở gần nhà, chỉ trừ một số ít thi đậu đại học (tài chính, bách khoa, kinh tế...) thì đi học ở thành phố.

2. Mình xin kể lại một số câu chuyện mà các em của mình học Văn (hay Sử, Triết...) như sau:

a. Nhiều em không biết ông Ăng-ghen (1820-1895):
Thời trẻ, mình có thói quen là hay cắt một số hình đăng trong báo Nhân dân/Quân đội rồi dán lên tường, như hình của ông Ăng-ghen, Đắc-Uyn, Nguyên soái Giu-cốp, Páp-lốp… Một tối nọ, có 2 cô giáo đến thăm mình (dĩ nhiên lúc đó mình chưa có vợ, hì.. hì…), một cô người địa phương và một cô người gốc Thái Bình. Trong khi nói chuyện, mình chỉ vào tấm hình ông Ăng-ghen và hỏi:
- Đố các em, đây là hình ông nào?
Cô người Thái Bình cắn móng tay có vẻ e lệ một chút rồi trả lời:
- Đây là hình của ông ‘Lê-lin’.
Còn cô người Quảng trả lời:
- Anh treo hình của ông chi mô rứa? (chi mô rứa = nào vậy)
Lúc đó mình mới nghĩ thầm trong đầu ‘ối trời ơi!’.

b. Người giảng bài thi rớt môn mà mình làm 'thầy':
Rồi ngày hôm sau mình gặp một thầy giáo khác, em ấy kể rằng ở huyện này có một ông cán bộ lớn, ổng luôn đeo túi ‘xích-cót’ (một loại túi bằng da, có dây đeo qua vai) và chuyên đi nói chuyện chính trị ở các hội trường ở các trường học hay nông trường/công trường. Nhưng ổng lại chưa có bằng cấp 3, nên ổng nộp đơn thi môn Văn (Khối D). Đề thi hôm đó là bình luận về câu ‘Không có gì quý hơn độc lập, tự do’, và kết quả là ổng thi… rớt!

c. Người chuyên Sử thi rớt môn Sử:
Rồi có thầy khác kể chuyện ở trường của em ấy có lớp Sử (thuộc khoa Sử), năm thứ nhất có học một học phần là môn Lịch sử. Sau khi thi, các bạn mà từ lớp 12 đậu thẳng vào đại học đều đạt, chỉ trừ có 7 ‘bạn’ bộ đội (đã học môn này nhiều lần trước khi vào trường) là… thi rớt, phải thi lại lần hai hay lần ba!

d. Nguyễn Du thuộc thành phần nào:
(Nguyễn Du, 1765-1820, làm quan Tứ phẩm/'Cần chánh điện học sĩ' dưới thời Nguyễn Ánh)
Mình còn nghe các thầy cô kể chuyện về vấn đề giai cấp của Nguyễn Du. Có người nói ông Nguyễn Du là đại quan của triều đình dưới thời Nguyễn Ánh, nên ổng thuộc loại ‘địa chủ phong kiến’! Có người nói vì ổng thông cảm với Thúy Kiều và những người cùng khổ khác nên ổng thuộc loại… ‘bần cố nông’!... (lúc đó mình lại ‘ối trời ơi!’ tiếp).

e. Rất ít người biết về Doxtoevxki:
Có một lần, mình có hỏi các thầy cô là:
- Các em có biết nhà văn Đốt-tôi-ép-xki không?
Mấy em ngồi quanh bàn đều trả lời là ‘không’, chỉ trừ có một cô trả lời là:
- Dạ, em có nghe mang máng (!)
(Một tác phẩm của Doxtoevxki, sinh 1821-1881)
Anh buồn anh cũng cố cười tươi
Da trắng trời ơi muốn vị mùi
Thu sắp tàn em đi chưa ghé lại
Năm tháng phôi phai nhớ dáng người
Hạnh phúc khi nào có nụ thơm
Vỗ về khi ai chớm dỗi hờn
Mắt ai chớp chớp lòng xao xuyến
Hồn quyện nơi nao có dáng tròn
Hương gió bay bay thổi ngạt ngào
Ai ngồi, tim động sóng lao xao
Gió đâu hãy đến và ve vuốt
Mơn trớn làn da, tim bớt đau

(Hương gió-NGLB)

f. Văn học của Nhật vào thế kỷ XX là 'kỳ quặc':
Lại có thầy cô phê bình văn học về truyện ‘Chiếc chìa khóa’ của nhà văn vĩ đại người Nhật là Tanizaki (chuyện nói về một ông trí thức mê 'thân xác' vợ của ổng mà chết sớm, mình sẽ giới thiệu chi tiết trong một entry sau). Có người phê bình rằng vì hồi đó người ta còn bị ràng buộc bởi tư tưởng phong kiến nên bị ‘ức chế’ mà sinh ra hư đốn về mặt tình dục! Có người phê bình rằng đó là thứ văn học ‘kỳ quặc’ (!)...
(Một cảnh trong phim 'Chiếc chìa khóa', truyện của nhà văn Tanizaki, sinh 1886-1964)

g. Nói thích nhưng không biết là thích hay không thích cái gì:
Rồi thầy đó nói tiếp:
- Có một số nhà phê bình ca tụng ‘lên mây’ nào Bùi Giáng, nào Trịnh Công Sơn, nào Phạm Công Thiện, nào Phạm Duy…, thậm chí có ông còn nói thẳng là ‘tôi thích Phạm Công Thiện’, nhưng chả có ông nào giải thích rõ là chỗ nào thích hay không thích, mấy người đó có gì sai không, bây giờ chúng ta nên/không nên học cái gì từ họ…!

h. Truyện Kim Dung là truyện viết bậy bạ!:
(Một tác phẩm của Kim Dung mà tất cả học sinh cấp 3 ở bên Tàu/Singapore đều phải học)
Lại có thầy cô kể, có một nhà văn được hỏi:
- Truyện kiếm hiệp của Kim Dung có giá trị gì đối với nền văn học Trung Quốc hay thế giới không?
Ông ấy (nhà văn V.H.) trả lời:
- Trong sách Kim Dung có một câu ‘đêm 30 trăng sáng vằng vặc’ nên truyện Kim Dung là truyện viết bậy bạ, chả có giá trị gì cả (!)

i. Thầy không biết các loại Triết khác:
Lại có cô hỏi thầy dạy Triết (đi học ở Liên Xô 7 năm về) là:
- Triết lý Phật giáo có giá trị gì không?
Ổng cười ngất và trả lời:
- Tôi đọc sách Phật (!) thấy nói ông Phật sinh ra từ cái hông, nên Phật học là duy tâm, mê tín dị đoan (!)

j. Thầy viết chính tả sai trầm trọng:
Lại có ‘thầy’ viết báo cáo như sau:
- “Hầu hết những người nông dân là biếc đọc biếc viếc

k. Giới thiệu phim hay sách thì không bao giờ nói rõ ràng:
Sau này, có thầy cô nói là trên mạng có vô số bài bình về truyện ‘Chiếc chìa khóa’, ‘Người cá’, ‘Khang Hi vi hành’, ‘Truyền thuyết một vì vua’, 'Đêm hội Long Trì', 'Đông Gioăng'… Có thầy nói:
- Gớm, chỉ thấy toàn là khen hay chỗ này, dở chỗ nọ, mấy ông phê binh văn học làm như ai đọc bài viết của các ổng cũng đọc hết mấy chuyện trên rồi!
Chả có bài viết nào chịu giới thiệu chi tiết (chỉ cần một trang thôi!) là nội dung các câu chuyện đó bắt đầu từ đâu? diễn biến như thế nào? có những tình tiết quan trọng gì? kết thúc ra sao?... mà chỉ toàn là ca tụng tác giả (vĩ đại!), ca tụng phim hay đạo diễn…, biết đàng nào mà lần!

l. Thầy khoe thầy biết hết:
Cách đây nhiều năm, ở Gia Lai, mình có hỏi một 'thầy' là:
- Bạn có biết về thơ Tagore không?
Bạn ấy lập tức căng cứng mặt lên và trả lời ngay:
- Có, có chứ, tôi biết nhiều lắm, tôi đọc Tagore từ hồi nhỏ mà… (???)

m. Canh gà Thọ Xương là một món súp!:
Có một ông thầy bảo học sinh dịch sang tiếng Anh câu:
'Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương'
Cậu ấy dịch như sau:
'Ring ring Thiên Mụ, Thọ Xương chicken soup', hì.. hì...

3. Tất nhiên là trong số các em mà mình gặp, sau này có nhiều em rất giỏi, có người trở thành giám đốc doanh nghiệp tư nhân thành đạt, có người trở thành tổng giám đốc về dịch vụ tư vấn, bảo hiểm, có người làm lãnh đạo Viện này Viện nọ, có người làm ở các sở ban ngành, có người là thầy cô ‘giỏi’ ở nhiều trường trong nước, thậm chí có người trở thành lãnh đạo cấp cao…
(Hình chỉ minh họa: Một nữ doanh nhân thành đạt)

Viết bài này, mình rất nhớ các em, mình chỉ muốn nói với các em là: Hỡi các em, nếu các em biết cái gì thì hãy biết tận nguồn tận gốc, không biết thì nói không biết, biết ít thì nói ít, biết nhiều thì nói nhiều. Nhưng tốt nhất là các em nên tiết kiệm lời nói vì: một là, sự hiểu biết của các em phải được kiểm nghiệm qua thực tiễn: ‘thực tiễn là cơ sở của nhận thức và là tiêu chuẩn của chân lý’, hai là, không phải các em đang đối diện trước Văn (hay Triết), mà chính ra, các em đang đối diện trước khoa học. Và khoa học là vô cùng vô tận, mà sự khiêm tốn mới đích thị là ‘hồng nhan tri kỷ’ của khoa học.

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

266. Chùm thơ ‘Sa lưới tình’


LTS: Các bạn có thể dễ dàng tìm thấy các câu thơ mà mình tặng, có liên quan đến nicklog hay nội dung entry của các bạn nghen. Chùm thơ này gồm:
1-Cưng em
2-Đau tim
3-Hải Vân
4-Lơ anh
5-Mắt ướt
6-Mơ

7-Nàng đến
8-Nếu ngày mai
9-Ngọt xớt
10-Níu anh
11-Xa em rồi
12-Vỗ về tím

1. Cưng em
Đam mê đôi mắt hồ thu
Bướm vàng bay lượn dập dìu bên song
Hạ kia sao cứ phập phồng
Thu kia quyến rũ, phiêu bồng dáng ngon

Cho tôi một đóa hoa hồng
Tôi ngắm, tôi nghía, tôi bồng, tôi cưng

Xuân kia chưa đến vội mừng
Dáng kia chưa đến, đã bừng men say

2. Đau tim
Anh đang thấy đau đau
Chiều nay sao hoang vắng
Trái tim anh nằng nặng
Hình bóng em chỗ nào?
Tình yêu là ngây ngất
Ấp vòng tay ai trao
Tình yêu ngỡ chiêm bao
Suốt đêm dài ảo mộng
Cỏ may ơi ngoan nhé
Nằm he hé mượt mà

Cà cạ mùi hoa dại
Tim đau sẽ chóng lành
3. Hải Vân
Hải Vân gần biển Lăng Cô
Có mực tươi rói, có sò huyết ngon
Có cà phê, có bóng hồng
Không bia không rượu, sao lòng bỗng say

Đứng nhìn núi chảy mây bay
Nhìn rừng dương đẹp, nhìn day dứt lòng
Sóng ơi chưa đến đã mong
Em ơi chưa đến, tình đong cát mềm

4. Lơ anh
Giờ anh đang thiếu hương lan
Dáng cong chả có, bóng nàng cũng không

Giọt buồn lơ đãng bên sông
Khiến thương, khiến nhớ, khiến trông, khiến chờ

Én bay vào đảo mộng mơ
Én đùa, én lượn, mịt mờ biển khơi
Xa xa bát ngát mây trời
Tình ơi mòn mỏi, cả đời thấy đâu

Lặng nhìn sóng cuộn bạc đầu
Lặng nhìn cát trắng, âu sầu mắt ai

5. Mắt ướt
Mít nào mít ướt vậy ta
Mắt nào ươn ướt hồn sa lưới tình

Mắt nào trong vắt xinh xinh
Mắt nào sang sáng, lung linh điệp trùng

Đàn bà như đóa phù dung
Đàn ông được... nghiện mới sung sướng đời

Dáng ai sao cứ gọi mời

Dáng ai cong quá, mềm ơi là mềm

6. Mơ
Có một thời em là của riêng anh
Có màu xanh, cơn sóng vỗ hiền lành
Có dáng tiên nhẹ nằm trên miền cát
Có ai mềm thu hút mắt mê man
Anh mơ thấy màu xanh biển đậm đà
Anh mơ thấy bóng trăng ngà tươi mát

Anh mơ thấy ngào ngạt dáng em thơm
Anh mơ thấy ôm em - miền hoan lạc

7. Nàng đến
Đừng tu em nhé, anh 'chin'
Em tu anh viết thơ tình cho ai!

Nắng vào trước cửa ban mai
Hạ đi ai nhớ, thu vào ai thương

Em vào lấp lánh tinh sương
Em ra dậy khúc yêu đương chiều tà

Hôm nay mới thấy dáng ngà
Hèn chi cỏ dại trước nhà động rung

Cùng em đi dạo quanh rừng
Nhưng sao tim lại hừng hừng nở hoa

8. Nếu ngày mai
Trả nợ cho anh, trả nợ liền liền
Trả nợ cho chàng, trả dáng thần tiên
Trả nợ cho ai, trả phiền trả muộn
Trả nợ cho người, trả khuôn mặt duyên
Nếu ngày mai anh không yêu em nữa
Dòng tháng ngày cứ lần lữa qua đi
Đợi lâu quá hết đời hoa còn gì
Bye anh nhé, đường em, em cứ bước

9. Ngọt xớt
Cho tôi ngồi quán cà phê
Cho môi chạm chạm, cho tê tê hồn

Mai vàng chuẩn bị trổ bông
Thúy nhìn, đôi mắt mênh mông mây trời
Lê còn trên nhánh buông lơi
Biến thành ngọt xớt khi rơi trúng chàng

Ai cười đôi mắt rỡ ràng
Thi nhân rung động, địa đàng nẩy sinh

10. Níu anh
Chi lạ rứa, chiều nay ta muốn dạo
Bước lên đồi, hao háo mắt ai nghiêng
Thấy thương liền, gió núi vẫn làm duyên
Thích muộn phiền, cỏ may níu níu lại
Rồi có một ngày nào em với anh
Sóng cuộn mơn man nhẹ vỗ dáng mềm
Gió thổi thì thầm ru ngủ bóng đêm
  Âu yếm sưởi tình anh, em ấm lạ!

11. Xa em rồi
Ngón tay em chỉ vào môi
Ai ơi sẽ thấy nhú chồi tím sim
Ngón tay em chỉ vào tim
Ai ơi sẽ thấy ngày đêm mất hồn
Mây đùa gió giỡn trời trong
Em xa, em vắng, khiến lòng chơi vơi

Em bỏ anh, giữa chợ đời
Hoa lưu ly đó cũng rơi giọt buồn

Tuyết kia rơi giữa mùa xuân
Phương nào nồng ấm ái ân hỡi người!

12. Vỗ về tím
Tím ngồi, tím ngắm rừng thu
Tím buồn, tím quyện, mịt mù chất mê

Bóng tím ngồi, trên đồng quê
Tím khóc, tím mếu, vỗ về chả vơi

Không về thì cứ ở chơi
Mười lăm phút nữa anh mời măm măm

Trời ơi, cô ấy băn khoăn
Bỗng nhiên môi đến gần gần thích ghê!