Cuối một
buổi chiều nọ, vì chưa rõ ai đã nói ‘nền văn hoá Việt Nam có tính thái âm’, nên
hắn đã vào Google và vô tình search ra được ‘Bài thuyết trình của ĐLNV’. Trước
hết, hắn không phải là đọc hiểu từng câu, từng chữ hay từng ý của tác giả, hắn
lại càng không phải là nhà lý luận hay nhà phê bình văn học, hắn chỉ nói ra sự
cảm nhận khi đọc bài phát biểu của tác giả, ghi chép một số ý (bạn đọc có thể
đọc toàn bộ bài thuyết trình trên trong Google), không có mục đích tranh luận
và chỉ tự đặt câu hỏi với chính mình mà thôi. Mọi sự việc đều có tính chất tương
đối, những suy nghĩ dưới đây cũng giống như những gì người ta có thể mạn đàm ở
quán cà phê mà không có ý đề cao, đả kích hay phê phán bất kỳ ai.
Hắn thường
xuyên băn khoăn ‘sao ta không có triết học VN?’, ‘sao ta không có rõ ràng một
hệ thống ý niệm VN (về nhiều mặt)?’ hay ‘tính duy ngã của người VN!’, … Điều
hắn băn khoăn cũng không đến nỗi quá xa lạ.
Đọc ‘Bài
thuyết trình của ĐLNV’, hắn có ấn tượng và có một số điểm tâm đắc đối với tác
giả. Theo hắn, một cách tổng quát, bài phát biểu hàm chứa chất nghiên cứu, lập
luận có lô-gíc, các minh hoạ tương đối có nguồn gốc và bài bản, người phát biểu
có phong cách độc lập, và đặc biệt là có một số chính kiến 'đặc dị'.
Điều quan
trọng nhất là tác giả đề xuất là phải ‘xây dựng một hệ thống triết lý Việt Nam’
hay ‘có được một hệ thống triết lý cho khát vọng Đại Việt’. Hắn đồng ý với tác
giả vì chính hắn cũng không ít khi băn khoăn là, có hay không, một nền triết
học VN được xây dựng trên cở sở một hệ thống ý niệm VN thực sự, độc lập, cơ bản
và rõ ràng?
Tác giả
cũng chỉ ra rằng là ta đã và đang có một nền văn hoá có tính chất ‘thái âm’ do
‘những đặc tính cố hữu của nền văn hoá dựa trên nền tảng kinh tế nông nghiệp
lúa nước’ cộng thêm ‘những đặc tính văn hoá ngoại lai’, ... Tác giả cũng đề cập
đến ‘những rào cản về văn hoá’ gây nên những nghịch lý VN (‘yêu hoà bình nhưng
luôn bị chiến tranh’, ‘có điều kiện để phát triển kinh tế đầy đủ nhưng luôn
sống trong cảnh khó nghèo và chưa bao giờ thực sự giàu mạnh’) và chỉ ra những
nguyên nhân của các nghịch lý đó. Đặc biệt, tác giả rất hay khi đề cập đến việc
là VN ‘tiếp thu văn hoá một cách cưỡng ép từ bên ngoài’ như Nho, Lão, Phật giáo
đại thừa,…, mà dẫn đến tư tưởng ‘dĩ hoà vi quý’ hay văn hóa Pháp và văn hoá Mỹ
trước đây đã ‘mang lại sự chia rẽ sâu sắc trong lòng dân tộc Việt’, …
Hơn nữa,
tác giả còn giới thiệu 5 tính cách chính của người VN, đó là tính tổng hợp,
tính cộng đồng, tính linh hoạt, tính hài hoà và tính thiên về âm tính, và đã
chỉ ra mặt tích cực và tiêu cực của mỗi tính cách (hệ quả và hậu quả), ...
Trong bài
thuyết trình có một số lời phát biểu có tính chất đặc dị, xin được trích ra ở
đây:
- ‘Chính do
chúng ta không ý thức được hoặc ý thức chưa đầy đủ sự cam go và khốc liệt ở những
cuộc chiến thời “bình” để rồi cũng chưa có được một tinh thần, một quyết sách
giữ nước đúng đắn và lâu bền nên chúng ta luôn luôn phải đổ máu trong những
cuộc chiến tranh giữ nước’
- ‘Nếu
chúng ta không chiến thắng trong cuộc chiến này (cuộc chiến thời bình) thì bắt
buộc chúng ta và con cháu chúng ta sẽ lại phải đổ máu để chiến đấu trong cuộc
chiến quân sự’
- ‘Chúng ta
nhìn tất cả các vấn đề trên ở mặt tích cực để có thể tận dụng mâu thuẫn giữa
các cường quốc mà tạo ra một chỗ đứng, một con đường thích hợp cho chúng ta;
chúng ta có thể đứng trên vai những người khổng lồ và từ đó cũng có thể trở
thành một người không lồ’
- ‘Có đặc
tính cần phải sửa nhiều như đặc tính thiên về âm tính (xem bài thuyết trình)’
- ‘Chúng ta
… tiếp tục cụ thể văn hóa đó thành văn hóa kinh doanh, văn hóa ứng xử, thành
hoài bão, mục tiêu, thành lý tưởng sống cho giới trẻ’
- ‘Sao cho
mỗi người Việt Nam chúng ta khi đứng trước các dân tộc khác trên thế giới đều
có thể tự hào mà nói rằng “Tôi là người Việt Nam ”, ...
…Tất nhiên đây
chỉ là một số ghi nhận trước mắt của hắn về bài phát biểu này (vào năm 2005),
hắn cần phải có nhiều thời gian để suy nghĩ sâu hơn và đây sẽ là một ‘long
story’. Hắn tự đặt ra cho mình một số thắc mắc:
- Có phải
đây là một đề xuất ‘chỉ với tính cách là đề xuất’, nếu đề xuất thì đề xuất cho
ai, đặc biệt là đề xuất này có từ năm 2005, vậy cho đến nay đã thay đổi được
gì, tại sao? Liệu rằng một đề xuất như vậy có hiệu lực sớm không hay phải chờ
đợi, và nếu chờ đợi thì phải chờ đợi đến khi nào? Một ví dụ, không hàm ý phê
phán, là ngày xưa, chúng ta đã có sự kiện Chu Ăn An, Nguyễn Trường Tộ, …, nếu các
ông ấy đã đề xuất được thì không còn là sự kiện lịch sử nữa. Vả lại, các giải pháp
và việc thực hiện cho các đề xuất có lý nào đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những
điều kiện lịch sử-xã hội mà quá phức tạp, có quá nhiều ràng buộc và vượt xa ngưỡng
của ý niệm cá nhân, nếu thực hiện được thì người ta đã làm rồi, nên không phải
bất cứ đề xuất nào đúng thì cũng sẽ được giải quyết trong một thời gian
ngắn.
- Tính chất
‘thái âm’ của nền văn hóa VN, theo tác giả, là do quá tự nhiên trình lịch sử mà
ra, thật ra là một tính chất cội rễ mang tính truyền thống, liệu rằng việc cải
tạo tính chất này có khả thi hay không, hay liệu rằng, vì trong âm có dương,
một giải pháp ‘sống chung với lũ’ nhiều khi lại có tính tích cực?
- Nói đến
‘giáo dục và đào tạo’, giả sử, giả sử thôi, nếu tồn tại một nền giáo dục nào đó
mang nặng tính hình thức, ‘hàn lâm’ và kém chất lượng/chưa đạt chuẩn quốc tế
thì liệu rằng nền giáo dục đó có kham nổi một giải pháp và hành động để vượt
qua ‘những điểm yếu (về văn hoá) cần phải cải sửa’ hay ‘các kiến thức về lịch
sử và văn hóa dân tộc phải luôn có trong công tác giáo dục’ hay ‘chuyển tải
được các tinh hoa của dân tộc kết hợp hài hòa với các tinh hoa của thời đại,
của thế giới’ không?
- ‘Dân tộc
Việt ngàn đời nay thiếu một khát vọng Đại Việt mạnh mẽ’(!!). Khi nào ‘dân tộc
Việt trở nên giàu mạnh và vĩnh viễn thoát khỏi chiến tranh, thoát khỏi nghèo
đói’?
- Tương tự,
‘dân tộc Việt ngàn đời nay thiếu một khát vọng Đại Việt mạnh mẽ’ (!!)
- ‘McNamara
đã phải công nhận rằng sở dĩ Hoa Kỳ thua VN là vì thua nền văn hóa dân tộc
Việt’ (!!).
Ông ta đã
chỉ ra 11 sai lầm cơ bản của Mỹ là: ‘1. Chúng ta (Mỹ) đã đánh giá sai khi đó
(và từ đó đến nay) những chủ đích địa chính trị của các đối thủ... và chúng ta
đã phóng đại những mối nguy hại từ hành động của họ đối với nước Mỹ. 2. Chúng
ta xem xét nhân dân và lãnh đạo của miền Nam Việt Nam chỉ bằng trải
nghiệm của chúng ta... Chúng ta đánh giá sai hoàn toàn những lực lượng chính
trị trong đất nước đó. 3. Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần dân tộc
có thể huy động nhân dân đấu tranh và hy sinh vì đức tin và giá trị của họ. 4.
Cách nhìn nhận của chúng ta về bạn và thù phản ánh sự dốt nát sâu sắc của chúng
ta về lịch sử, văn hoá và chính trị của nhân dân Việt Nam , cũng như về
nhân cách và tập quán của các nhà lãnh đạo của họ. 5. Chúng ta đã thất bại khi
đó (và từ đó đến nay) trong việc nhận ra những hạn chế của khí tài,
lực lượng và học thuyết quân sự công nghệ cao, hiện đại... Chúng ta cũng thất
bại trong việc điều chỉnh chiến thuật quân sự của chúng ta cho phù hợp với
nhiệm vụ thu phục nhân tâm của người dân thuộc một nền văn hoá hoàn toàn khác
biệt. 6. Chúng ta đã thất bại trong việc lôi kéo Quốc hội và nhân dân Mỹ vào
cuộc thảo luận toàn diện và cởi mở, tranh luận những điều nên và không nên xung
quanh việc đưa quân đội tham chiến trên diện rộng... trước khi chúng ta lên kế
hoạch hành động. 7. Sau khi sự việc diễn ra và những sự kiện không như dự đoán
khiến chúng ta đi chệch đường lối đã hoạch định... thì chúng ta đã không giải
thích đầy đủ những điều đang diễn ra và tại sao chúng ta lại phải làm như đã
làm. 8. Chúng ta không chịu thừa nhận rằng kể cả nhân dân lẫn lãnh đạo của
chúng ta đều không thông suốt mọi sự. Đánh giá của chúng ta về cái gì là lợi
ích tốt nhất của đất nước và dân tộc khác cần phải được đưa ra sát
hạch thông qua bàn luận cởi mở tại những diễn đàn quốc tế. Chúng ta không được
Thượng đế ban phát quyền nhào nặn mỗi dân tộc theo hình ảnh của chúng ta hay
theo cách mà chúng ta lựa chọn. 9. Chúng ta không tuân thủ nguyên tắc về việc
hành động quân sự của Mỹ, chỉ nên được thực thi trong sự phối hợp với lực lượng
đa quốc gia được cộng đồng quốc tế ủng hộ hoàn toàn (về thực chất, chứ không
chỉ nhìn từ bên ngoài). 10. Chúng ta đã không chịu thừa nhận rằng trong các vấn
đề quốc tế, cũng như trong các lĩnh vực khác của đời sống, có thể có những vấn
đề không tìm được giải pháp tức thời... Đôi khi chúng ta phải sống trong một
thế giới không hoàn hảo, không ngăn nắp. 11. Những sai sót căn bản trên khiến
chúng ta không tổ chức được bộ máy chóp bu của chính quyền hành pháp trong việc
xử lý hữu hiệu tổng thể những vấn đề chính trị và quân sự bất thường. (theo tuyensinh.dantri.com.vn).
- ‘Chưa
bao giờ các cá nhân lại có quyền tự do để phát triển như bây giờ’ (!!)
- ‘Xây dựng
một nền văn hóa mới dựa trên khát vọng Đại Việt làm nền tảng cho sự phát triển
giàu mạnh và lâu bền cho dân tộc về mọi mặt, đủ làm cho các thế lực khác phải kiêng
dè’ (!!)
- Ta thường
lây văn hóa Tàu cái chữ ‘đại’, tiền thì gọi là ‘đại tệ’, áo thì gọi là ‘đại
cán’, súng ống thì gọi là ‘đại liên’ hay đại bác’, tín thì gọi là ‘đại tín’,
cầu thủ bóng đá nổi tiếng thề giới thì gọi là ‘cầu thỉ vĩ đại’, … Thật ra, ‘Đại
Việt’ là một quốc hiệu có tính lịch sử và chắc chắn là xứng đáng được nhân dân
tôn thờ. (Đại Cồ Việt là quốc hiệu do Đinh Tiên Hoàng đặt năm 968 và vua Lý
Thánh Tông đổi tên là Đại Việt năm 1054 (tồn tại đến 1804, gián đoạn 7 năm thời
nhà Hồ). Tên ‘Việt Nam’ có thể có từ cuối thế kỷ 14. Đến 1804, vua Gia Long
đặt tên nước ta là Việt Nam). Nhưng vào thời buổi mà ta đang phấn đấu để
có ‘đẳng cấp quốc tế’ hiện nay, thiển nghĩ, thì sử dụng chữ ‘đại’ thái quá thì
có khả năng làm cho thế hệ trẻ mơ hồ về ‘tầm cỡ’ của chữ ‘đại’. Thiết nghĩ, câu
‘xây dựng một vền văn hóa VN đậm đà bản sắc dân tộc’ cũng đầy đủ ý nghĩa rồi!
…Đã có một
nền văn minh ‘Hy Lạp - La Mã’ đầy tinh hoa, đã có một nền văn hóa ‘Nguyên Mông’
suýt thống trị gần hết thế giới, đã có một nền văn hóa ‘Mãn Thanh’ đáng khâm
phục, nhưng Vương quốc Hy Lạp đi về đâu, Đế quốc La Mã đi về đâu, Đế quốc Mông
Cổ đi về đâu, triều đại Mãn Thanh với ‘Vị hoàng đế cuối cùng’ đi về đâu?,
...
…Tiêu Phong
(trong truyện ‘Thiên long bát bộ), một hình tượng 'cao cả' do Kim Dung xây
dựng, một con người ‘bình thường’ và thường xuyên có có khả năng đề ra những giải
pháp và hành động thực tế, nhưng khi đứng trước một thế giới đa cực và đầy rẫy
những mâu thuẫn, cuối cùng ông ta cũng phải bị bế tắc và tự xử để đạt được ‘khát
vọng của tự do’, cách giải quyết vấn đề mang tính lịch sử và cá nhân của Tiêu
Phong hiện nay chưa có bút mực nào lột tả hết.
Phải chăng xưa nay, lịch sử có cách
giải quyết vấn đề riêng của nó mà không phụ thuộc vào ý thức của con người (xin
xem tiếp bài 'Con người và vĩ nhân'), và do đó không giống như những gì mà con
người tưởng tượng nó sẽ là!
(9g11, tối ngày 31/8/2011)