Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

309. Người VN xài sang nhất thế giới!


Đến nay mình đã viết khá nhiều bài (hì…), thực ra không có bài nào là dễ viết cả, viết rất tốn năng lượng thần kinh. Và thực ra, mình thích viết về chuyện ‘sa lưới tình’, nhưng mình lại rất yêu thực tế, thôi, để hôm nay viết thư giãn mấy ngày Tết vậy. Về vấn đề xài tiền, nếu đọc xong bài này mà có bạn bình ‘đắt tiền là chất lượng’, ‘tiền nào của nấy’ hay 'tôi luôn luôn đúng'... thì không có gì để bình... Thông qua một số ví dụ có thật, ta hãy xem ông cha ta hay người nước ngoài quan niệm về xài tiền như thế nào?
Về cá cảnh, có các loại cá rất đắt tiền như cá rồng (Platium, huyết long, kim long...), cá tai tượng, quái ngư (La Hán/mặt quỷ, hồng két, đuối, phối châu Phi, kiếm ma, thủy bao nhãn, răng dao, ranchu Nhật, thủy tinh, khủng long 6 sừng)... Loại cá La Hán khi bị bệnh thì rất khó trị, cá long nhãn (hay tương đương) là loại cá ‘nhõng nhẽo’ và dễ chết…, ngoài ra, mua thì đắt với giá đến vài ‘chai’/con, nhưng khi bán thì bán rẻ, có năn nỉ cho cố thì chỉ được vài trăm ngàn/con (trừ trường hợp nhượng lại cho người thân)…. Thực ra, trừ việc ‘khoe’ cá cảnh ở công ty/khách sạn hay ở nhà to cửa rộng, ta nuôi cá là để có ‘bạn’ trong nhà chứ có phải là để khoe khoang với ai đâu!
Về bóng đèn, những hệ thống đèn ngoại (cả bộ com-lê) thường có dây ‘mát’ (phít cắm 3 chấu), khi xài ở VN thường có hiện tượng nóng lên, bị nổ/cháy bốc khói khét lẹt và phát ra tia hồng ngoại rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với nhà có la-phông bằng nhựa hay nhà gỗ, ngoài ra, các loại bóng ‘đèn lon’ có thời gian sống rất ngắn… Qua kinh nghiệm ở nhà đẹp, mình thấy bóng đèn VN có gía mềm, phù hợp nhất và thọ nhất.
Về điện thoại di động, có loại trên dưới 1 triệu, vài triệu, mười mấy triệu, chưa nói đến loại giá cao hơn rất nhiều. Thực ra, đa số blogger xài điện thoại chủ yếu là để gọi, nhắn tin (hay nghe nhạc), có một số ít dùng để truy cập internet (blog), để đọc truyện hay xem phim… Có người chỉ gọi và nhắn tin nhưng mua cái điện thoại gần 20 triệu, rồi không thấy ai ‘trầm trồ’ nên chán, vì hiện nay mấy loại điện thoại đó người ta đã ‘thấy rồi, khổ quá, khoe mãi!’.
Về xe máy, ngoài các xe thông dụng và giá vừa phải của Nhật hay Hàn quốc, có loại giá cao hơn như Air Blade, Exciter, SH (hay tương đương), rồi xe đua (vài trăm triệu), thực ra xe đắt tiền nhưng nặng/kềnh càng mà chạy ở chỗ đông người/kẹt xe thì bất tiện hơn. Có người mua một chiếc Exciter giá 60 triệu, nhưng chỉ có một mình chủ xe chạy chứ người khác không chạy được vì nó là xe có ‘côn’, cần số chỉ có một nửa (dùng đầu ngón chân dích lên), khó chạy hơn xe Win hay Attila/Leed/Vespa rất nhiều. Kinh nghiệm cho thấy loại xe máy trên dưới 30 triệu là xài quá tốt rồi.
Về ô-tô, có loại giá dưới 1 tỉ (khoảng 40.000 đô/chiếc, trọn bộ) có loại đến trên dưới 2 tỉ, chưa nói đến các loại cực đắt khác. Trừ mục tiêu kinh doanh, xài ô-tô thì mỗi năm lỗ trên 100 triệu (thuê lái xe, xăng, bảo hiểm/kiểm định, sửa chữa/thay phụ tùng rất đắt tiền, và giá xuống do mốt mới xuất hiện), trong lúc lương bình quân hiện nay của 2 vợ chồng (nếu may mắn) thì mỗi năm được hơn 100 triệu, đủ bù lỗ cho chiếc ô-tô chứ chưa nói đến các chuyện khác!
Về nhà cửa, nhà có 2 vợ chồng và 1-2 con thì chỉ cần có 1 lầu là được, nhưng có người vì ‘sĩ diện’ mà làm nhà 4-5 tấm/mê (trừ trường hợp để kinh doanh). Một căn nhà 1 lầu thì điện nước và sửa chữa khoảng 1-2 triệu/tháng. Vừa rồi, mình nghe nói có căn nhà 34 phòng của một đại gia, chỉ làm lại hệ thống đường nước nóng mà nghe đồn là tốn đến trên 3 tỉ đó… Nhà nhiều tầng thì điện nước và bảo hành phức tạp hơn rất nhiều chứ không đơn giản là phải chổng mông lau mấy cái cầu thang như ta tưởng!
Về cà phê, trong xóm thì giá 10-20.000đ/ly, ra đường mặt tiền thì 30-40.000/ly, ra đường Nguyễn Huệ/Hàm Nghi (Sài Gòn) thì 80.000/ly, chưa nói đến chuyện đi uống cà phê thư giãn ở Hà Nội hay ở sân thượng của tòa nhà Huyn-dai Sài Gòn… Nhưng cà phê nào cũng là cà phê, cà phê vườn ở Ban Mê giá khoảng 15-20.000/ly nhưng lại ngon nhất và trữ tình nhất!
Về bia-rượu, có các loại bia từ bia Sài-Gòn đến bia Ken, bia Ken Pháp ở nhà hàng đến 30.000đ/chai (nghe nói ở VN, trung bình mỗi người uống 25 lít bia/năm hay 75 chai bia x 90 triệu người, và Tết này cả nước uống khoảng 5 triệu lít bia hay 15 triệu chai bia!), chưa nói đến các loại rượu ngoại ‘đểu’ giá 2-3 triệu/chai hay hơn… Ôi, vào sàn nhảy mà uống một chai rượu đểu giá 2 triệu, vào nhà hàng mà làm vài chục chai ‘ken Pháp’, hay gọi một em cẳng dài nào đó với giá 3-8.000đô/đêm… có phải là 'ném tiền qua của sổ' không, trong khi đó rút tiền cho cha hay mẹ vài trăm ngàn đồng thì kêu trời như bộng!...
 
Quay lại chuyện ông Nguyễn Trãi, nhà ông có vách là những thanh tre đón gió lộng (theo truyện ‘Sao khuê lấp lánh’). Ỷ Lan phu nhân vì không ham xài tiền nên được dân gọi là ‘bồ tát’. Ông Nguyễn Bình Khiêm (là nhà triết học của Việt Nam!), rồi ông Nguyễn Khuyến/Nguyễn Du cũng không khác gì mấy... Đó là những danh nhân sống cao khiết mà các thế hệ con cháu nên học hỏi.
Quay lại chuyện người nước ngoài.
Mình có làm việc với một chuyên gia người Anh. Các bạn biết là năm 1998, ở VN có xuất hiện cái điện thoại Nokia/Ericsson/Motorola to như cục gạch. Đến năm 2004, người VN ai cũng thay điện thoại đời mới, nhưng cái ông người Anh này (lương cở 15.000 đô/tháng) vẫn xài cái ‘cục gạch’ mà mặt tỉnh queo!
Mình có làm việc với một chuyên gia Hà Lan. Anh ta có một cái quần xài vài năm rồi, cái lai quần bị rách. Anh ta mới gọi chị tạp vụ lại, mình tưởng đâu anh nhờ chị ta mua quần mới, ngờ đâu anh ta nhờ ‘tìm một miếng vải như vải quần cũ, rồi may ‘bạ’ lên cái lai quần đã rách!’. Khi nghe ở VN người ta mua xe trung bình là 40.000 đô, anh ta trố mắt lên và bảo ‘tôi mới mua một chiếc ô-tô có 3.000 đô à!’, anh ta lại thích sống ở nhà cấp 4 (nhà cổ), trong khi đó lương của anh ta cũng chẳng kém gì ông nói trên và có một biệt thự rất to ở trung tâm thủ đô Amsterdam!
Mình có nhậu với một đại gia Malaysia (Anh, Thụy Điển) ở Kuala Lumpua, mỗi lần nhậu, họ chỉ uống có 1 chai bia/người, cao lắm là 2 chai. Ông ta kể ‘mới hồi nảy, có một nhóm người VN vào uống đến mấy thùng bia, đến nỗi chủ nhà hàng phải cho xe đến siêu thị chở về mới thỏa mãn mấy ông trời đó!’…
 
Có phải ông cha ta ‘keo kiệt’ không?, không, ông cha ta sống rất gương mẫu và có nền tảng triết lý của dân tộc Việt. Có phải người nước ngoài ‘keo kiệt’ không?, không, mình có hỏi họ, họ chỉ trả lời đơn giản là ‘chúng tôi đã được học về lối sống tiết kiệm từ năm lớp 3’. Tóm lại, 'chín người thì mười ý', mình chỉ viết cho vui, ta có nên phát triển tính cách 'tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc; tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn' (Nguyễn Công Trứ) hay ‘người VN nghèo nhưng lại xài sang nhất thế giới’ không? Đây là một câu hỏi mở thôi nhé, hì... 
...À, bổ sung tí, mình hổng có thích... Tết, tất nhiên Tết là cơ hội để xum họp gia đình (kết hợp với nghỉ phép). Hôm qua, anh bạn già của mình nói có vẻ gượng gạo 'Tết ấy mà', vợ ông ta ở xa gọi điện về bảo mua sắm bàn ghế đủ thứ, ông ta trả lời 'No'. Ông 'Tiến sĩ kỳ lạ' lương có hơn 4 triệu/tháng, phải về quê ăn Tết, mà đi lại và ăn uống trên đường đã hết cở 4 triệu rồi! Cô Ô-xin bảo 'chỉ có bọn con nít là thích Tết, chủ yếu là được lì xì'. Còn mình thì nhức hết cơ bắp tay, bắp chân, đi lại sắp ngã mấy lần vì dọn dẹp trong nhà và ngoài vườn, không có tiền đi mát-xa, híc..híc...

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

308. Các thiên thần bé nhỏ về Ban Mê chơi nhé!

Có khi tôi ngắm chiều tà
Tôi ôm gọn tím mượt mà dại hoang
Có khi tôi thoáng mơ màng
'Tôi ôm gọn tím mơn man cả đời'
Tím làm tôi - lúc chơi vơi
Tím làm tôi - lúc tuyệt vời trần gian
Tím làm tôi - lúc ngỡ ngàng
Tím làm tôi - lúc lang thang đợi chờ
(Chiều tím-NGLB)

Trời Sài Gòn hôm qua rực nắng, buổi trưa hơi nóng một tí, chiều mát dần… Sài Gòn tháng này diễn ra với hàng loạt đám cưới với các bản nhạc chiếm ưu thế như ‘Lâu đài tình ái’, ‘Khúc hát ân tình’, ‘Lý ngựa ô’, ‘Ngày tân hôn’, ‘More than I can say’… làm mắt mình nhướng lên, người rạo rực tình yêu, bia vào làm mình hơi lảo đảo, chân nhịp liên tục… Ôi, hôm nay mình mới thò tay vào viết, kể từ bài ‘Phong nhũ phì đồn’. Đây là bài ‘Chuyến bay về Ban Mê Thuột’ (phần 2).
 
Chiếc máy bay Air Mekong (loại đời mới, của Canada) cũng kỳ thiệt, nó bay cực nhanh, với khoảng cách đường chim bay khoảng 200km, bay cái rẹt với vận tốc đến 800km/h ở độ cao hơn 9000m. Chưa kịp uống 3 ngụm nước khoáng và cho cơ thể thư giãn theo 3 đường kinh lạc (phương pháp của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng), phi công đã báo hạ cánh, đến nỗi người nhà của mình bị hố mà ra sân bay đón trễ 15 phút!
Sân bay Ban Mê Thuột đã được nâng cấp, đường đi lại trước và sau dãy nhà của sân bay đã được láng mới tinh nổi lên những vạch trắng rất rõ rệt, đường vào sân bay rất rộng với hai hàng cây to trải dài ra hai bên, gió thổi mát rượi, nhìn sướng mắt. Ôi, Ban Mê dạo này lạnh quá, mới 6g chiều mà đã tối thui, nhiệt độ dưới 220C kèm theo gió lộng, nếu mình không kịp mang theo cái áo ấm từ Sài Gòn thì chắc nổi hết da gà mà ‘tử’ ngày tại sân bay, lạnh quá, hì…, nhưng không lạnh bằng Tết ở Hải Phòng năm đó (có lúc xuống dưới 100C).
 
Người ta nói Ban Mê ‘có cái nắng, có cái gió, có nỗi nhớ không mang tên người ơi’ (Còn thương nhau thì về Ban Mê Thuột - Nguyễn Cường), Tết năm nay bổ sung là ‘có cái nắng, có cái gió, có cái rét, có nỗi nhớ không mang tên người ơi’.
Người ta nói ‘Phố núi cao phố núi trời gần. Phố xá không xa nên phố tình thân. Đi dăm phút đã về chốn cũ. Một buổi chiều nào lòng vẫn bâng khuâng… Còn một chút gì để nhớ để quên’ (Còn một chút gì để nhớ - Phạm Duy), điều này có thể làm cho một thi nhân nào đó rung động khi lạc bước vào Tây Nguyên.
Người ta nói ‘Tôi như con chim lạc bay trên trời cao. Tôi như con thú hoang lang thang trong rừng sâu’ (Đi tìm lời ru mặt trời - Y Phôn K'sor) mà làm ta nhớ lại anh Y Moan thời trẻ - mỗi lần gặp bạn bè ở một vùng núi đồi hoang dại gió mát nào đó - thường bốc lên hát khe khẽ, hay anh Quang Dũng vừa nói chuyện vừa vớ tay cầm lấy cây đàn Guitar với hai mắt lim dim bấm phím đàn chạy hàng loạt nốt nhạc.
Người ta nói ‘Ở nơi ấy tôi đã thấy trên ngọn núi cao. Có hai người, chỉ có hai người yêu nhau. Họ đã sống không mùa đông, không mùa nắng mưa. Có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau.’ (Giấc mơ Chapi - Trần Tiến’, rồi ‘Trời chiều người em gái vẫn đi trên thảo nguyên xanh. Gùi từng bầu nước mát tới chàng trai yêu. Em vui như chim hót, trên cao nguyên bao la. Em như con suối xanh trong, ồ lêu ồ lêu’ (Chuyện tình thảo nguyên - Trần Tiến) mà làm cho ai đó dễ 'sa lưới tình'!…
 
Ban Mê, ra khỏi trung tâm chừng 2-3km, thường sau những ngôi nhà mặt tiền là những vườn rau nhỏ, vườn hoa, ao cá, vườn cây ăn trái (chuối, chôm chôm, xoài, sầu riêng), rẫy cà phê, sắn, thơm…, có khi lại tiếp cận với rừng mà thỉnh thoảng nghe tiếng ‘tắc kè.. tắc kè… tắc kè…’ inh ỏi, thấy những chú sóc từ những cành cây cổ thụ gần đó dòm qua cửa sổ ghẹo mình!
Ở Ban Mê, vùng ngoại ô, dần mọc lên nhiều quán cà phê, chủ yếu là quán cà phê gia đình, rãi rác là các quán cà phê vườn, có những quán nằm dọc 2 bên bờ suối, nấp dưới bóng cây rừng, rất là thơ mộng.
Ở Ban Mê, người ta thường nuôi cá rô phi, cá chép và cá cảnh. Cá chép có ngũ sắc: màu đen, màu đỏ, màu trắng, màu gạch và màu sữa, chúng sống rất khỏe trong môi trường ao cá cảnh nhỏ và dưới thời tiết lạnh, còn cá cảnh có vẻ không thích hợp lắm, lâu lâu có một chú lại ‘bye bye’ mình, híc... Sáng nay mình lại rước về nhà một đống cá cảnh nữa, mình yêu cá lắm, khi chúng quen với môi trường và khi thấy bóng người là chúng xúm lại, giơ cái mõm to ra, đớp thức ăn ‘oạp oạp’ như heo đó.
Ở Ban Mê, không biết các tỉnh khác như thế nào, trong các bể cá/ao cá cảnh, người ta thường chưng tượng cậu bé đứng tè, mục đồng thổi sáo, nữ thần Venus, Chí Phèo-Thị Nở… Mình bỗng nhớ 2 con rùa đá đang bỏ lang thang ở Sài Gòn, chắc bây giờ chúng đang đói lắm. 
Ở Ban Mê, đánh xe ra khỏi trung tâm cở 40km, về phía Tây, ta sẽ ghé qua Buôn Đôn rồi vào thăm Đôi Tâm Linh trữ tình, kêu một bàn nhậu thịt rừng/thịt gà ta chấm muối tiêu, cá nướng, nhâm nhi vài chai bia hay rượu A Ma Công, ngồi bên lửa trại để lắng nghe những bản tình ca Tây Nguyên, thật là tuyệt!
Ngoài ra, ở Ban Mê, còn có phong trào đánh ‘phỏm’ (dĩ nhiên là bạn không nên tham gia): ‘...Vào đến Ban Mê, có một hôm nhà mình sửa ống nước, mình mới tâm sự với anh thợ là ‘mình đang nghỉ phép chả biết làm gì, ở ngoài Bắc có đánh phỏm, nay mình vào miền Nam thì thất nghiệp!’, không ngờ anh ta nói ‘vouloir c’est pouvoir’ (muốn là có ngay), lập tức sau đó, anh ta dẫn mình đến nơi, ô là là, ở đây có nhiều tụ điểm đánh phỏm nhỏ lớn đủ cở’ (entry 166 - Đánh phỏm).
Và ở Ban Mê, người ta sống ở vùng núi đồi gió lộng nên tình yêu của người Ban Mê cũng lộng gió:
Ta hát cho chiều - tiếng vĩ cầm xưa vọng lại
Ta gửi cho chiều - những khắc khoải chờ mong
Ta tặng cho chiều - mối tình còn lắng đọng
Ta viết cho chiều - nắng ấm rụng trong tim
(Ta hát cho chiều-NGLB)...
 
Mình cũng không viết nhiều, 'lý thuyết thì màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi', mình bỗng nhiên quên mất Khổng/Lão/Trang hay Phật/Chúa, híc..., mình chỉ thấy nắng vàng rực rỡ, cây đậu Tây (cô-ve) trĩu trái đầy cành, cá bơi đẹp như nàng tiên nữ, những cây cải đắng mọc xanh ngít chờ buổi ăn tối, 'cảm' trà Bắc Thái thấm cổ họng 'ngọt xớt' và nghe các bản nhạc tình Tây Nguyên đầy rạo rực..., ôi, mừng quá, ta đã có một ngày không sầu, không biết ngày nào ta sẽ không thấy, cảm hay nghe nữa... 
Với ly cà phê kế bên cái laptop, ngồi dưới ánh mặt trời sáng rực cộng cái se lạnh, gió thổi lất phất cành lá chuối, nghe tiếng nước chảy róc rách…, à, bật mí tí nhé, mình có một quán cà phê rộng nấp dưới bóng những cây điều và Tết này làm một con heo rừng 20-25kg, mình đang nghe vang vọng câu hát ‘còn yêu nhau thì về Ban Mê Thuột', mời các blogger và đặc biệt là các thiên thần bé nhỏ về Ban Mê chơi nhé, hì..hì… Hết.
-----------------------------------------
Các bạn tham khảo thêm bài ‘Chuyến bay về Ban Mê Thuột’ (phần 1, entry 67) nhé:
"Hắn đang ở trên một bầu trời đầy mây trắng. Hắn có cảm giác là chưa bao giờ bầu trời lại có nhiều mây như thế. Chiếc máy bay hơi rung lắc lúc mạnh lúc nhẹ khi chui vào những đám mây. Hắn cũng nhớ lại chuyện những đám mây khi hắn viết về ‘Kỷ niệm Hà Nội’. Những đám mây trôi bàng bạc lơ lửng như đang thể hiện cuộc nhân sinh. Có vô số phân tử hơi nước trong những đám mây kia. Hắn thừa biết một ngày nào đó không xa, mình sẽ tan biến thành mây khói và một mai điều đó xảy ra thì hắn chắc chắn không thể xác định mình sẽ là một phân tử vô danh trong đám mây nào nữa.

Hôm nay hắn bỗng nhiên có nhiều rung cảm. Nhìn thấy bầu trời Ban Mê, thấy những núi đồi chập chùng với màu xanh của ao hồ sông nước, thấy những rừng cao su ẩn hiện đó đây, thấy những ô cà phê ngăn nắp có nhiều hàng cây tràm chạy song song với hoa vàng nở rộ, hắn lắng nghe chính mình bỗng thấy quả tim mình rung động từng hồi nhè nhẹ, một tí xúc cảm ươn ướt nơi khóe mắt, một cái cảm giác hạnh phúc mơ hồ mà hắn không thể nào mô tả nổi, hắn sắp về đến Ban Mê Thuột!
Hắn nhớ những lần bước khỏi máy bay, thấy bầu trời rộng mở với gió mát lồng lộng, lồng ngực hắn tự nhiên nở rộng ra, hắn hít vào một làn hơi, ôi vô cùng mát! Những cái vất vả, mệt nhọc và căng thẳng khi hắn phải tha phương làm ăn ở chốn bụi trần nơi xứ người như rũ áo bay khi hắn đặt chân lên đất Ban Mê, hắn làm như đây là chốn thần tiên thì phải! Có những lúc xuống máy bay gặp trời mưa, trời lạnh hay se lạnh, lấy cái áo khoác hay cái cặp vi tính che lên đầu, hắn cũng có được cảm giác mát lạnh ở Ban Mê và lồng ngực hắn cũng nở ra như vậy. Sân bay BMT luôn đọng lại trong tim hắn nhiều kỷ niệm đón đưa, ở sân bay nào lại không có kỷ niệm đón đưa, nhưng ở đây đối với hắn có nhiều kỷ niệm của những chuyến ra đi hành sự để trở về với yên bình.

Không còn được gọi là xứ rừng thiêng nước độc nữa, Ban Mê Thuột dần dần có khí hậu mát mẻ, không nóng lắm mà cũng không lạnh lắm, về khuya có lạnh nhưng mà mát lạnh. Ban Mê nay có đường phố rộng thênh thang tha hồ cho những cặp tình nhân cùng một xe hay hai xe song song tình tự xa phố về đêm. Nó cũng dẫn bạn đến Hồ Lắk trải dài với nhiều sương khói ban mai, đến Bản Đôn với những đàn voi có lúc như diễu hành trong núi rừng nguyên thủy và những cây si đượm buồn vướng vít dòng sông, đến thác Đray Sáp có những điểm hay riêng mà không có một thác nào trên thế giới có điểm trùng hợp, …
Hình như không có nơi nào mà uống cà phê ngon như ở Ban Mê, Hà Nội hay Sài Gòn ồn ào quá nói làm gì, hắn đã từng uống cà phê ở Gia Lai hay Kon Tum cũng thấy không bằng uống cà phê ở đây. Trong những khu vườn thật sự, ban ngày hay dưới bóng đêm yên tĩnh, dưới gốc cây sầu riêng hay bên cạnh những cây cà phê, bên cạnh những dòng suối tự nhiên chảy róc rách, đặc biệt vào buổi sáng có bầu trời xanh với tiếng chim hót và làn gió nhẹ, nếu rảnh rỗi bạn có thể ngồi nhâm nhi cà phê cả buổi để cảm nhận được thật sự cái lãng mạn khi uống cà phê ở Ban Mê. Ở đây, ngày càng mọc lên những quán cà phê ‘hiện đại’ uống để bàn ‘chính sự’ với lượng khách rất đông, nhưng ngồi trong những quán cà phê sinh thái hay những quán cà phê ‘thiên nhiên’ ở ngoại ô, cảm nhận mùi hoa cỏ, thưởng thức sự yên tĩnh và an bình, có lẽ mới làm bạn cảm thấy cái ngon thực sự, cái thi vị và cảm giác sáng tạo khi uống cà phê Ban Mê Thuột.
Ngồi nhậu ở Ban Mê cũng không thiếu nét đặc trưng của núi rừng, chất rượu địa phương ‘ngòn ngọt’ có khả năng làm bạn say bí tỉ dài ngày, có nhiều món thịt rừng làm cho người vùng biển ngưỡng mộ, có thể ngồi với những bộ bàn ghế gỗ làm từ những gốc cây rừng, có thể cảm thấy mùi hoa cà phê phảng phất đâu đây, nơi đây như một hợp chủng quốc mà nhiều người nam trung bắc về đây tụ hội.
Những chàng ‘công tử Ban Mê Thuột’ hay những 'cô gái xứ cà phê’, trong những chuyến du hành làm ăn hay học hành ở xa, hoặc ở lại sinh sống ở xứ người, hoặc đã, đang và sẽ mang về những chàng trai hay những cô gái là từ những tỉnh khác có thể là xa xôi, rồi sản sinh ra những ‘đại sứ thiện chí’ làm giàu cho cho tính cách của người Ban Mê Thuột.
Có lúc, hắn nói với người ta là ở Ban Mê Thuột là sướng nhất. Hắn không cường điệu đâu, mà chính miệng mấy ông thầy - trong một chuyến bay từ Hà Nội vào - cũng thú nhận như vậy, … Ban Mê có tính chất trữ tình riêng của nó, không trữ tình như một cô gái đẹp e lệ của Đà Lạt, mà trữ tình như một chàng trai hoang dã đôi khi dịu dàng và hơi đượm nét u buồn. Ban Mê đã không mưa thì thôi, đã mưa thì có thể rất lâu, mưa dầm đó, khi đó đất đỏ thì lưu luyến bám chân người, có khi nó níu bạn xuống đấy. Đúng là BMT vẫn còn ‘đi năm phút đã về chốn cũ’ - không phải đi bộ mà là đi bằng xe máy hay ôtô đấy bạn ạ - nhưng nó có thể tặng cho lãng tử một nỗi buồn nào đó, người ta có nói Ban Mê Thuột là ‘buồn muôn thuở’ hay ‘buồn mà thương’, dù nói như thế nào cũng có chữ buồn, thật thế, khi ngồi trầm tư một mình, bạn có thể cảm nhận một nỗi buồn lén lén mà không hiểu vì sao lại buồn.
 
Sao người ta lại chọn ‘cái bất tử’ trên xứ sở này. Nơi đây có nhiều người đã ra đi, ba hắn cũng vậy, vì nhiều nguyên nhân lắm, có những lúc hắn nghe thông tin về căn bệnh ung thư quái ác, ..., làm hắn chỉ nghe ông ấy/bà ấy đi rồi mà không kịp để hắn nói lời từ biệt, ... Cái xứ đất đỏ này quá lưu luyến với con người hay con người quá lưu luyến với nó! Sao ‘ngươi’ nở chọn vào lòng đất những con người mà đối với hắn vẫn còn đậm những kỷ niệm khắc khoải và ân hận không thể nào quên.
Ôi, Ban Mê Thuột có gì mà hắn yêu đến vậy. Có phải Ban Mê là nơi có ‘con thú hoang lang thang trong rừng vắng’ mà con người khi bước đi trên những đồi núi chập chùng bất tận thấy được tự do không bờ bến. Có phải Ban Mê là nơi ‘có cái nắng, có cái gió, có nỗi nhớ không mang tên’ mà làm cho tình yêu nối liền từ ‘kiếp’ này sang kiếp nọ. Có phải những người yêu nhau thì phải về Ban Mê Thuột mới thấy được tình yêu thực thụ."