Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

548. Địa ngục và ác quỷ ở đâu?

Bài này LB viết hoàn toàn thực tế, không có lý thuyết, vì nếu ai đó đã nói lý thuyết thì người đó quan tâm đến hai chữ 'giác ngộ' để làm gì!
Về địa ngục, chắc các bạn đọc đã đọc truyện hay xem phim ‘Tây du ký’ rồi, địa ngục ở trong đó đã rõ: có Thập Điện Diêm Vương, Thôi Giác Phán Quan, có sổ sinh tử, có phán xét tội lỗi của con người đã làm trên trần thế, có vạc dầu, lửa thiêu đốt (luyện hỏa ngục), có người bị cưa đứt từng khúc, đầu rơi máu chảy, chết đi sống lại hàng ngàn lần, có các oan hồn uẩn tử cứ thấy bóng ai thì xúm lại xâu xé níu kéo đòi mạng…
Về ác quỷ (ma quỷ) cũng vậy, có Ngưu ma vương, Hỏa ma tà thần, Quỷ sa-tăng, Quỷ Atula, Quỷ vô thường/Hắc Bạch vô thường, Quỷ dọa xoa, Quỷ hút máu người (Dracula), Bạch Cốt Tinh, Bà La Sát, Hồ ly tinh, Nhện tinh, Xà tinh, Ngưu đầu mã diện, Ma sói, Ma le, Ma da, Ma xó, Ma trơi…
Nói chung, ta có thể tha hồ tưởng tượng tốt hơn bằng cách mô tả cái địa ngục và ác quỷ dài vài ngàn trang và đăng tải trên… Facebook, vì nó… không có thật, mà chỉ có thật hoàn toàn như mình đã từng thấy ở đời, như dưới đây.
Mình có gặp một bà vợ, bả nói với mình là mỗi khi ông chồng bả nói chuyện với bả thì hai mắt ‘long lên sòng sọc’ như muốn ăn tươi nuốt sống bả, như muốn giết bả cho hả dạ, muốn bả chết càng sớm càng tốt cho rảnh chuyện, bả không phải là con người, là đồ con chó, là đồ con heo, là đồ ngu, là đồ không biết gì, là đồ ăn hại, là đồ chậm chạp làm cái gì cũng hư… Rồi bả chết vô cùng tức tưởi, hai mắt trợn ngược lên như đến 1000 năm sau cũng không hề khép lại!

Hỡi người phụ nữ mà tôi quen biết, tôi muốn hỏi bà: Bà sinh ra trên đời này để làm gì? Bà được cái gì? Bà có chồng có sướng không? Có ai trong số loài người này thông cảm cho bà không? Khi bà còn sống, có đấng nào cứu khổ cứu nạn cho bà không, hay là ngài hứa đợi đến kiếp sau sẽ cứu???

Vâng, đối với bà, bà đã sống trong địa ngục và sống chung với... ác quỷ!
Mình có gặp một ông chồng là kỹ sư rất có tài và có kiến thức sâu rộng về cuộc sống, nhưng vì không muốn tranh chấp với đời, nên lương thấp, còn bà vợ là giám đốc hái ra tiền, mà đều là bạn của mình. Sau 12 năm không gặp, hôm đó mình và một người bạn nữa đến thăm vợ chồng ổng, bà vợ tiếp 2 đứa mình trong phòng khách, còn ông chồng thì ở dưới bếp để lo nấu nước pha trà tiếp khách!, chắc mới trước khi chúng mình đến, bà vợ đang quá nóng giận không kiềm chế được, và do 'thù' chồng vì có ít tiền..., mà từ trên phòng khách, bả chửi xéo ông chồng bả là ngu, là không biết gì, là đồ ích kỷ, là đồ hư hỏng, là đồ lười biếng, là đồ vô cảm, là đồ ăn hại, là đồ làm không ra tiền, ăn uống làm gì cho tốn của, chết phức xó nào đó cho rồi, là đồ chó, bả chưa bao giờ thấy một người đàn ông nào tệ hại hơn chồng bả, thua cả thằng... xe thồ, thua cả thằng ăn mày, thua cả thằng đầu đường xó chợ, và mọi người đàn ông trên thế giới này đều hơn chồng bả… gấp triệu lần!

Hỡi người đàn ông tội nghiệp kia, khi tôi đến mà ông không xấu hổ, không sĩ diện, ăn mặc giản dị, chỉ lo nghiên cứu..., xuống bếp nấu nước pha trà thay cho vợ, điều đó chứng tỏ chữ ‘nhẫn’ của ông, sự khiêm tốn của ông, mà người trí thức càng khiêm tốn thì chứng tỏ sự kiến ngộ của ông càng sâu. Vậy thì tôi muốn hỏi ông? Chắc ông biết ác quỷ và địa ngục ở đâu rồi chứ?

Vâng, ông đang sống ở địa ngục và con ác quỷ hay... ác phụ đang ở bên cạnh ông và đang suốt ngày hành hạ, phanh thây, lột da, xẻ thịt ông đó, ông cần gì phải xuống địa ngục mới biết!, ông sống để làm gì?, tôi biết rằng mặc dù ông còn đứng đó, còn nhìn tôi, còn thở, nhưng tâm hồn ông đã chết từ vạn kiếp rồi!
Mình có một người bạn rất là thông tuệ, thấy sách là đọc ngay, mà đọc sách gì cũng nhớ và hiểu rất tốt, ‘mồm thì ăn nói liến thoắng’, giọng nói rất hấp dẫn và rất có sức thuyết phục, rồi anh ta trở thành thầy giáo, rồi không hiểu tại sao anh ta lại mộ đạo phật hay mộ thiền gì đó, hầu như suốt ngày ngồi thiền, và không hiểu tại sao anh ta lại quen các nhà sư ở nhiều nơi và thường ngủ lại được ở các chùa, đến nỗi có lúc bị địa phương theo dõi, nhưng anh ta chỉ lang thang tìm hiểu ‘thiền’ chứ chả có làm điều gì bậy bạ cả.

Hai mươi năm sau, mình gặp anh ta, tưởng anh ta đã… giác ngộ rồi, té ra anh ta vẫn ‘mồm thì ăn nói liến thoắng’ như xưa, thậm chí anh ta còn biết rất nhiều điều thâm cung bí sử của các thầy cô giáo trong trường mà đem ra khoe vanh vách, chê khen chỗ này, nói xấu chỗ nọ, phê bình chỗ kia, mà dường như đối với anh ta, chả có ai… tốt, và chả có ai… tài giỏi hơn anh ta!, hihi...

Ôi, hỡi con người siêu tuệ của ta ơi, sau 20 năm, ta tưởng ngươi tiến bộ lên nhiều lắm, ngờ đâu ngươi lại tệ hơn xưa, ngươi làm ta thất vọng quá!

Anh ta còn kể chuyện thiền, là có một hôm, anh ta hỏi một đại sư, rằng: thiền là gì? Đại sư đang cầm cây ‘can’ (bằng gỗ, có tay cầm cong, dùng cho các ông bà già lụm khụm) trên tay, không trả lời, mà lấy cây gậy đó gõ vô cái tượng con kỳ lân bằng đá ở sân chùa, kêu cái ‘cạch’. Kể xong, mắt anh ta sáng rỡ, miệng cười tươi rói, mặt có vẻ thỏa mãn, nghếch lên và nghệch ra như ngỗng ỉa: anh ta có vẻ tự hào là mình đã gặp được một thiền sư - là kẻ giác ngộ, là phật, và anh ta hiểu… thiền, nên anh ta cũng là… phật!

Nam mô a di thò phò, thiện tai, xin thứ lỗi cho bần tăng muốn nghe mà không lọt lỗ tai!

Các bạn biết chuyện gì đã xảy ra không? Số là trong cuốn sách ‘Góp nhặt cát đá’, thiền sư Muju (ở Nhật, thế kỷ 13) có kể một câu chuyện là: ‘có một thiền sinh ra rời kinh thành, lên núi học thiền, 30 năm sau, ông giác ngộ, nghe tiếng, nhà vua bèn mời ông ta đến hoàng cung và hỏi ‘thiền là gì?’, thiền sư bèn rút ra trong tay áo một cái ống sáo, thổi một tiếng, rồi cúi đầu đảnh lễ nhà vua và đi ra, hết’.

Đại sư đã cầm cây ‘can’ mà gõ một cái ‘cạch’ vì anh ta đã làm phiền sự tĩnh tâm của ông, chứ không phải ông ta đang thực hành thiền cho anh chàng láu táu, hậu đậu, và lúc nào cũng bám theo ông khoe ‘tôi biết cái này, tôi biết cái khác’ này!

…Rồi người thân mà anh ta yêu quý nhất trên vũ trụ này đã…  chết, và anh không còn xuất hiện ngoài đời nữa: tâm hồn của anh đã chết!
Hỡi những ai đang có vợ, có chồng, có tham vọng khoe khoang, làm sao các người có tự do để viếng thăm bến bờ giác ngộ!

Và thỉnh thoảng, mình có nhớ lại về bà vợ tội nghiệp đó, về ông chồng tội nghiệp đó, và về cái anh chàng tưởng là mình đã giác ngộ đó, mình biết là họ đã ngộ nhận rất nhiều, họ cứ tưởng là để một tấm hình hay một bức tượng nào đó trên bàn thờ, rồi hàng ngày niệm này niệm nọ, rồi sẽ được… một thứ hạnh phúc nào đó!, ngờ đâu cái mà họ nhận được chính là ác quỷ và địa ngục sờ sờ ngay trong cuộc đời này, mà mình đã kể cho các bạn nghe rồi đó… 

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

547. 'Bỗng rộn hồn tôi' và thơ Thích Tánh Tuệ

1. Năm ngoái, LB có nghe trên mạng rộn lên về vụ nhà thơ thần thiền gì đó, đến giờ, vấn đề này đối với mình vẫn chưa được rõ lắm! nên chưa có kết luận gì...
Cũng như nhiều độc giả khác, mình thích thơ Hàn Mặc Tử, ngưỡng mộ thơ Bùi Giáng, đánh giá cao thơ Phạm Thiên Thư..., và mới đây, mình 'tuyệt' thích bài thơ 'Rót cho nhau' của thầy (!) Thích Tánh Tuệ, mà một số blogger đã bình như sau: ‘một bài thơ rất hay’ (Trần Minh Châu), ‘bài thơ này của Thầy quá hay! Thầy đã rót vào đời một tiếng chuông cảnh tỉnh, một bài kinh, và ngọn đèn trí tuệ phật pháp… cùng những yêu thương nhân loại' (Trần Thuận Thảo), 'mình thấy là một trong những bài thơ hay nhất mà mình đã từng đọc trong đời!' (NGLB)... vì nó có thiền tính rất cao:  
RÓT CHO NHAU 
Rót tặng đêm dài một ánh trăng
Cho người lạc lối hết băn khoăn
Tay sen xin chắp dâng lời nguyện
Hạnh phúc, an bình cho thế nhân...
*
Rót xuống bờ môi những nụ cười
Cho hồn sa mạc chợt xanh tươi
Em cười, thế giới cười trao lại
Nhưng khóc, riêng mình em khóc thôi!
*
Xin rót cho Lời tiếng dễ thương
Vỗ về, xoa dịu những đau buồn
Một câu, xa lạ thành tri kỷ
Một lời, vực thẳm cách hai phương.
*
Rót tặng trong chiều những tiếng Kinh
Để dừng chân bước giữa phiêu linh
Để bừng mắt thấy trần gian mộng
Mà khổ vì đâu ? mấy chữ tình…
*
Xin thắp vào tim một ngọn đèn
Xua lòng u tối đã nhiều phen
Xua tan tâm niệm hoài nghi kỵ
Thói cũ đi, về... trong nhỏ nhen...
*
Xin rót vào tai những tiếng chuông
Vườn tâm hoa nở Hiểu và Thương
Nghe chuông... thông thấu nguồn chân thật
Thôi kiếp đi hoang, kiếp đoạn trường.
*
Tà dương, lại nối tà dương mộng
Về vén sương mù, tỉnh giấc say
Rót tách trà sen mời bạn lữ
Ngồi trong thực tại ngắm mây bay...
2. Cách đây mấy tháng, mình có đọc một số bài thơ của Phạm Thiên Thư, mà LB đánh giá nó là 'thơ thiền', có lời thơ nhẹ nhàng, thanh khiết, ý nhị, trầm lắng... mà sinh ra lòng ngưỡng mộ:
-Ngày xưa anh đón em
Nơi gác chuông chùa nọ
Con chim nào qua đó
Còn để dấu chân in
Anh một mình gọi nhỏ
Chim ơi biết đâu tìm... (Vết chim bay)
-Sang đông em lễ chùa này
Ngoài sân có mưa bụi bay
Hắt hiu trong cành gió bấc
Vườn chùa rụng cánh lan gầy
Cuối đông đưa em tới đây
Trong lòng áo quan gỗ trắng
Tóc em tợ óng làn mây
Cội hoa tưởng ai trầm lặng... (Em lễ chùa này)
-Em vừa nằm xuống đất này
Vườn trong có bông đào nở
Con bướm chập chờn hương bay
Quơ sợi râu vàng bỡ ngỡ
Nắm đất nào vừa lấp mộ
Có con chim hót đầu cành
Tiếng tan trên giòng suối xanh
Nước ơi sao buồn nức nở... (Em lễ chùa này)...

3. Là một kẻ cô đơn độc hành trong... vũ trụ đại ngàn, buồn nhiều, vui ít và vui bất chợt, ý thức được nỗi đau của con người và bản thân, mình phải sống trong... tình yêu, nên luôn ca tụng tình yêu, luôn làm thơ tình. Mình nhận thức được rằng tình yêu nam nữ cũng chỉ là... tạm bợ, nhưng cũng đồng thời hiểu rằng tình dục là 'tự nhiên', là một phần của tương tác âm dương có tính quy luật trong vũ trụ, và mình còn hiểu rằng 'tình khúc âm dương' là vĩnh cữu không những đối với con người, mà còn đối với thế giới tự nhiên nói chung. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà mình thích những bài hát như 'Chiều tà', 'Dòng sông xanh', 'Uyên ương mộng hồ điệp', 'Mưa hồng', 'Khoảnh khắc', 'Giọt nắng bên thềm'..., và có những dòng thơ trộn ít chất thiền (hihi...) như sau:
-Ngoài kia con chim nhỏ
Nhảy chíu chít trên cành
Anh nhớ em, mơ màng
Nắng đã rụng ngoài sân (Nàng dung tục)
-Dáng ai huyền ảo, mờ sương khói
Làm cánh thiên nga lảo đảo hồn
Chiều buồn gọi bóng hoàng hôn
Hương đêm thầm kín gọi hồn trăng mơ (Huyền ảo)
-'Vắng em thu tàn lối bơ vơ'
Rừng thu xao xác bóng ai chờ
Cây thu hoang lạnh dài vươn cổ
Lá thu hờ hững rơi trong mơ (Vắng em)
-Em mắt xa xôi, đứng tần ngần
Giông bão trườn qua đỉnh phù vân
Tim em xao xuyến về bên ấy
Trong chốn mờ sương, em... thấy anh (Em nhớ anh)
-Rêu phong nào, nước chảy dồn
Không nơi nào tụ, lại vòng mắt em
Rêu phong nào, đá đã mềm
Không yên lòng chết, lại thèm môi ai (Bóng hồng xót xa)
-Sao nàng đẹp mãi?
Vì nàng ở trong thế giới ảo
Tôi đã từng nghe nói, cái gì còn đẹp khi bạn còn mong muốn
Và vì thế, tình yêu mãi mãi đẹp trong tôi
Tôi ngại, vì tôi đã từng biết, cái gì đã được chiếm hữu, nó không còn mãi đẹp trong ta
Không có thân hình nào là vĩnh viễn thơm ngon. 
Nó cũng là thể xác, nên bỗng chốc hóa vô thường (Nàng vô thường)...

4. Mình 'thường' bị các bóng hồng làm 'bỗng rộn hồn tôi ' lắm, mà đối diện với 'nàng', mình thấy vũ trụ bỗng nhiên rực rỡ đẹp vô cùng vô tận đến nỗi 'lá vàng rụng xuống cũng... bừng lên lửa ngọn'hihi..., nên mình có mô tả như sau:
Ngày ấy tôi qua đỉnh vu sơn
Chiều ngát tà dương, ngạt nắng vờn
Thấy em áo trắng tươi cười gió
Bỗng rộn hồn tôi, nắng giận hờn (Cảm ai?)
hay:
Mỗi bước chân em, sen rơi từng đóa
Ta đỡ gót chân, xáo động lòng tà
Hương em rơi xuống, hồn ta rên rỉ
Chẳng biết gì, vội chết cõi thiên thai (Chết cõi thiên thai)
5. Khoảng 2 năm nay, trên mạng có rộn về chuyện Mạc Ngôn, Nick Vujicic, Bà Tưng, nhà thơ thần thiền, 'vụ Nguyễn Ánh 9', Huyền Chíp, Phương Mỹ Chi, máy bay Malaisia bị mất tích, 'bức thư của cô gái Nhật'... mà LB thiết nghĩ là mình không thể quan tâm chi tiết để vô tình 'làm con rối cho cuộc đời giật dây', vì ta sống là phải có mục tiêu... Về Triết lý âm-dương của Việt tộc (được thể hiện trong kho tàng 'Lĩnh Nam chích quái'), Lão-Trang, Khổng-Mạnh, Thiền-Phật-Chúa, Trần Nhân Tông, Dostoieveski, Nietzsche, Krishnamurti, Hemingway, Kim Dung, Steve Jobs, Dalai Lama (Đạt Lai Lạt Ma)..., rất khó để mà hiểu cho thông thấu, nhưng mình thiết nghĩ rằng thơ/văn 'hay' là khắc họa được khát vọng về chân-thiện-mỹ/thế giới tâm linh không những của của người Việt mà còn của loài người nói chung... 
Viết đến dây, mình bỗng chạnh lòng khi nghĩ... con người chỉ là một hạt bụi không nhìn thấy trong vũ trụ, mà cảm bài thơ này, có một bạn đã viết: 'rót cho nhau những yêu thương/để cùng qua những đoạn đường chông gai/rót cho nhau tình bạn đầy/rồi mai xa cách tình này không vơi', và hình như ông trời muốn mình sống để làm thơ... tình cho ổng đọc để đỡ buồn trên thiên giới:
Lối nay tôi ngắm cây rừng
Cây im im bóng tôi ngần ngại tôi
Ve kêu hè đến đây rồi
Tiếng ve rụng xuống kêu sầu giữa khuya...
Hi.. hi...

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

546. Bình về bài viết của 'cô gái Nhật!'

(LTS: LB viết cho vui thôi và đây không phải là một entry chính thức của LB)

Khoảng năm 2002, LB có đi du lịch Hạ Long, vô tình quen và kết bạn với với một cô gái Nhật trong 2 ngày, mà nếu không nhầm, phụ nữ Nhật thường khiêm tốn và ít nói, đặc biệt là không bao giờ khoe ‘tôi hay cái này, bạn dở cái kia’, và đó cũng là văn hóa Nhật.

Có những lời trong bài ‘Việt Nam - nhà giàu và những đứa con chưa ngoan’ (đường dẫn cho ở dưới) như:
-‘Tôi tự hào vì đất nước tôi được thử thách nhiều hơn bất kỳ ai. Khi thảm họa động đất sóng thần kép diễn ra, cả thế giới gần như “chấn động”. Chấn động vì giữa hoang tàn, đổ nát, đói khổ và biệt lập, người ta chỉ nhìn thấy từng dòng người kiên nhẫn xếp hàng nhận cứu trợ và cúi đầu từ tốn cảm ơn. Không có cảnh hôi của, lên giá, cướp bóc, bạo lực nào diễn ra giữa sự cùng khổ. Chỉ chưa đầy một năm sau khi hàng loạt thành phố bị xóa sổ hoàn toàn, sự sống lại bắt đầu hồi sinh như chưa từng có biến cố nào đã xảy ra. Thế đấy, không có những thành tích to lớn để nói về nước Nhật nhưng thương hiệu “made in Japan”, là thương hiệu uy tín vượt trên mọi khuôn khổ, tiêu chuẩn khắt khe, được toàn cầu tôn trọng nhất mà tôi từng biết’ (không phải văn hóa Nhật)
-‘Thật đáng tự hào nếu bạn được lớn lên ở một đất nước được thiên nhiên ưu đãi với rừng vàng biển bạc. Đáng xấu hổ nếu xem đó là khoản thừa kế kếch xù, không bao giờ cạn. Thật tiếc đó lại là những gì tôi thấy. Tại các thành phố, chỉ cần nhà mình sạch sẽ là được, ngoài phạm vi ngôi nhà, bẩn đến đâu, không ai quan tâm. Ở các nhà máy, nếu không biết dồn rác thải ở đâu, họ sẽ cho chúng ra ngoài đường, sông suối, biển cả vì đó là “tài sản quốc gia” - đã có quốc gia lo, không phải việc của mỗi người dân’ (không phải văn hóa Nhật)
-‘Tại một đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư vì ăn gì cũng độc, không ít thì nhiều, không thể khác. Vì sao nên nỗi?’ (không phải văn hóa Nhật)…

Những gì mà cô này nói, mặc dù có phần thực, nhưng là để… chém gió, bạn ‘heoconluv’ viết: ‘Các bạn ngồi ở đây gõ bàn phím mấy câu "nhục, người Việt bao giờ mới bằng người Nhật..." thì thay vì ngồi than thở, các bạn hãy tự sửa bản thân mình lại đi’, hơn nữa, văn phong trong bức thư này là ‘hoàn toàn’ Việt, ví dụ: ‘Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng… mà xuất phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang mấy hồi…’ - cụm từ ‘giàu sang mấy hồi’ là ‘chôm’ lời bài hát trước 1975: ‘Triệu phú đến nơi. Năm, mười đồng thôi. Mua lấy xe nhà. Giàu sang mấy hồi ’…
...LB thường nghĩ là trước đây Nhật cũng chả tốt lành gì khi họ đã chiếm một nửa Trung Quốc năm 1937 và gọi dân Tàu là ‘Đông Á bệnh phu’, họ đã làm cho cả triệu người Việt bị chết đói năm 1945, họ đã tấn công Trân Châu Cảng và đã muốn làm bá chủ thế giới năm 1945 (nếu họ không bị thả bom nguyên tử thì ô hô ai tai cho nhân loại, và nếu họ sản xuất được bom nguyên tử thì họ đã ‘xài’ trước Mỹ rồi)…

Trong phạm vi blog, LB thấy rằng đa số các các blogger đều hướng đến cái chân thiện mỹ: khao khát tình yêu trong sáng, muốn hiểu văn học/văn hóa ngước ngoài hay triết lý Đông-Tây, muốn rèn luyện để viết thơ/văn hay hơn, muốn có kiến thức sâu và rộng hơn, muốn có cuộc sống gia đình đầm ấm hơn, muốn con học ngoan hơn, muốn mình trở thành người tốt hơn, muốn khỏe mạnh hơn, muốn sống lâu hơn, muốn hướng đến một thế giới tâm linh bền vững hơn… mà không hoàn toàn xấu như ‘cô gái Nhật’ đã nói.

Cuối cùng, trong một chừng mực nào đó, những thông tin nói trên cũng phản ánh môt thực trạng rất rất rất đáng quan tâm, nhưng ta đã được đọc nhiều trên báo/mạng rồi: ‘biết rồi, khổ quá, nói mãi’… Quan trọng nhất, cách tiếp cận ‘lịch sử’ của vấn đề không phải là ‘tôi hay, anh dở’ mà là giải pháp như thế nào, và LB còn nghĩ rằng đây là một người Việt giả mạo người Nhật …
-------------------
http://kenh14.vn/doi-song/buc-tam-thu-ban-ve-van-hoa-viet-cua-du-hoc-sinh-nhat-gay-tranh-cai-20140325030229102.chn

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

545. Hạt bụi trong vũ trụ

Sáng nay, mới bước chân vào quán cà phê, tôi bỗng thấy 'nàng' với cái quần jean mặc hơi trễ làm hơ hở cái thiên đường trăng trắng hấp dẫn, nhưng không hiểu tại sao tôi không quá lay động tâm hồn mà lại đi thẳng vào trong quán, uống cà phê và nghĩ ra bài viết này.

Thỉnh thoảng tôi có hẹn bạn bè đi uống cà phê, chủ yếu là bạn trai, híc..., mà ra đó thì toàn là đấu trí về... 'triết' không à, và để khỏi mất thì giờ vì phải nói 'tôi thế này, anh thế nọ', tôi đã hóa giải mọi cái 'tôi' thị phi của họ bằng những câu chuyện có thật.

Trước đây, lần một, có một anh bạn đến nhà tôi để nói chuyện phiếm vào lúc mà tôi đang nấu cơm trưa, ảnh có vẻ nóng ruột ngồi chờ, bỗng dầu sôi bắn vào bụng tôi, tôi kêu lên: 'oái', thế mà ảnh chả quan tâm. Lần hai, ảnh đễn nhà tôi vào buổi tối muộn, con tôi bảo là: 'ba đi ngủ rồi', thế là ảnh lập tức bỏ ra về khiến tôi đang thiu thiu ngủ trên lầu phải chạy xuống giữ anh ta lại để... chém gió! Lần khác, tôi xa nhà cả tháng, tôi mới gọi cho con tôi, hỏi:
-Mấy hôm nay chú có đến nhà chơi không con?
-'Không', con tôi trả lời...
Tôi kể lại 3 mẩu chuyện nhỏ này có ý, mà đọc đoạn có thực này, các bạn sẽ thấy rằng anh ấy đến để... khoe những phát hiện mới của anh ấy về cuộc sống, ha.. ha..., sorry.

Dĩ nhiên là hầu như không ai chịu nói mình là sai cả, ít nhất là ông Dale Carnegie đã nói vậy trong cuốn 'Đắc nhân tâm'. Nhưng tôi muốn nói với bạn là, chấm một bài toán, nếu không có đúng-sai thì bạn lấy gì mà chấm! Không lẽ sinh viên nào cũng làm bài 10 điểm! Cho nên cái 'đúng' mà ta đang có là phần còn lại sau khi trừ đi điểm 'sai' của ta, phải hôn?

Lần uống cà phê với anh ta hôm đó, tôi có nói:
-Bạn muốn đến đây để nói 'tôi mới phát hiện ra điều này hay lắm', và nhiều nhiều nữa, nhưng tôi đến quán cà phê này là không phải để nói về bạn, mà chỉ nói lên cái chung của cuộc sống với nhiều ví dụ khác nhau, dĩ nhiên không ai phủ định 'cái tôi', nhưng...
Rồi tôi có chỉ xuống đất và hỏi:
-Bạn có thấy hạt bụi dưới đất không?
Anh ta dòm hoài và chả thấy gì cả.
Tôi lại nói tiếp:
-Ta cũng chỉ là một hạt bụi 'không nhìn thấy' trong vũ trụ...

Sáng nay, từ quán cà phê, tôi nhìn ra ngoài đường, ôi, đàng sau tôi là một cánh rừng với tiếng ve sầu kêu inh ỏi, trước mắt tôi là hàng đàn bướm vàng đang bay lượn nhởn nhơ, tôi bỗng nhớ lại là trong blog, người ta đăng hình nào bướm ơi là bướm, đẹp ơi là đẹp, thích ơi là thích, mà người ta lại ghê rợn con sâu, sâu dơ sâu bẩn, thì con bướm chính là con... sâu đó chớ đâu!

Rồi tôi được nghe lời bài hát 'Đi qua vùng cỏ non' (Trần Long Ẩn): 'Đi qua vùng cỏ non, ngỡ mùa xuân đang đến. Bâng khuâng chiều ba mươi, tóc em xanh màu trời... Như chuyện đã viết xong mà lòng mình còn muốn nói thêm. Những giọt nước mắt ai lăn trên môi vừa cười. Và những được mất riêng của mình, đời người ai cũng có. Hãy cho nhau tình yêu!', tôi thấy lời bài hát rất có ý nghĩa, và tôi thích nhất là ý: ta không chỉ sống vì những 'được mất riêng của mình'...

À, nhà tôi ở gần một cánh rừng, sau nhà có một cây cổ thụ rất to, có mấy chú sóc thường chuyền qua chuyền lại trên cành, có hôm 'bọn nó' còn dòm qua cửa sổ xem tôi làm thơ nữa chứ, hi..., chưa nhắc đến chuyện chú mèo hàng ngày vẫn thường hay nhảy vào vờ cắn yêu chân tôi để đòi... ăn, và khuya hôm qua tôi đã vui khi: 'nghe tiếng động, tưởng có ai làm gì trong bếp, té ra là có một chú ve lọt vào nhà, kêu 'rọt rọt rọt', ... mà khi tôi đang viết bài này, nó vẫn còn sống và mới kêu lên hồi nảy, hi....
Và tôi có làm... thơ cho một sinh vật nhỏ do 'thượng đế' cử đến làm bạn với tôi:
Lối nay tôi ngắm cây rừng
Cây im im bóng tôi ngần ngại tôi
Ve kêu hè đến đây rồi
Tiếng ve rụng xuống kêu sầu giữa khuya.
Cuối cùng, tôi nhớ lại một lời bình của blogger Ái Nữ cho bài 'Kẻ cướp quyền tạo hóa' như sau:
-Anh có quyền hưởng sự nồng nhiệt, êm ái và cái đẹp cho bản thân mình trước nhất chứ!,
tôi mới trả lời là:
-Dĩ nhiên là ta có... quyền rồi, nhưng ở đời còn có 'ngoại lực' nữa, rất rất khó để triệt tiêu chúng, ai mà tránh được nỗi sầu nhân thế...
Nhưng tôi sẽ không ngừng điều chỉnh nội tâm để có thể sống và chết một cách an vui, dù biết rằng mình chỉ là một hạt bụi không nhìn thấy trong vũ trụ... 

544. Chùm thơ ‘Tháng tư chưa đến’

Tháng tư chưa đến
Gom nắng sáng nay, trời không nắng!
Gió lành lạnh thổi, muốn đi đâu
Thôi để chiều nay trời ấm lại
Ta phố vòng quanh, em biết sao!
*
Tôi đếm tình em trong tiếng xưa
Còn thoáng trong tôi một bóng kiều
Đường cong, cầu dốc tôi còn nhớ
Bỗng thấy chiều nay trong cô liêu
*
Dáng cong ai đó thiên thần gợi
Màu tím thiên thai trộn ráng trời
Thi nhân ngơ ngẩn hồn chao đảo
Chim tuốt trời mây, ai ngẩn ngơ!
*
Tháng tư chưa đến, mơ em đến
Em nói rằng 'anh, quả đất tròn'
Bờ Tây xa lắc anh còn ngóng
Bờ Đông gió lộng, tim bỗng đau.

Các bài thơ khác:
Dòng sông sao nỡ
Gom mây, gom núi, gom rừng
Gom thiên thai đó, anh từng mộng mơ
Mơ ai đôi mắt thẩn thờ
Sương loang thoang tháng, hồn bơ vơ hồn
Dòng sông sao nỡ cuộn vòng
Nỡ đưa anh xuống, nỡ bồng anh lên
Nỡ lao đao, nỡ bập bềnh
Nỡ hồi hộp thở, nỡ mênh mang trời.
Em buồn
Em đứng làm gì đó
Giữa cánh đồng cỏ may
Cong cong thu dáng nhỏ
Tim buồn lại nhói đau
Cánh hoa hồng rơi, tội!
Trên đám cỏ hoang mềm
Trắng sông xa huyền ảo
Trời với em, ai vui!
Huyền ảo
Nắng chiều tà xuyên qua cây cỏ
Lá rụng vàng như tỏ sầu vương
Bóng cây ngã xuống bên đường
Sương xa lưu luyến, bóng nường ở đâu!
Dáng ai huyền ảo, mờ sương khói
Làm cánh thiên nga lảo đảo hồn
Chiều buồn gọi bóng hoàng hôn
Hương đêm thầm kín gọi hồn trăng mơ.
Kêu sầu giữa khuya
Lối xưa tôi bước trên đường
Rừng thông xanh ngát vấn vương khách nhìn
Hồ xanh tỏa mát đêm đêm
Dáng xưa còn đó, người quên sao đành!
Lối nay tôi ngắm cây rừng
Cây im im bóng tôi ngần ngại tôi
Ve kêu hè đến đây rồi
Tiếng ve rụng xuống kêu sầu giữa khuya.
Lặng lẽ
Cỏ kia lặng lẽ bên tường
Thế mà lại có người thương nhớ hoài
Chiều xuân em đến chỗ nào
Em lên triền núi cỏ may bám người
Gió làm anh nghĩ, anh mơ
Gió mơn man mát, nàng thơ bỗng... tròn
Chiều tà in bóng cô đơn
Mây lang thang gió, trời vờn xa xa
Sóng ngàn gợn nước xôn xao
Đời vô định xứ, người sa cõi sầu!
Một trời dáng em
Chàng ngồi bãi biển uống cà
Sóng tình đưa đẩy nàng ra ngồi cùng
Vào ra chuyện thế mông lung
Chàng không nghe thấy, chỉ rung động thầm
Thiên đường rụng xuống trần gian
Nước xanh, trong vắt để nàng nhúng chân
Đàn chim bay lượn xa gần
Dã tràng nho nhỏ làm thân với nàng
Hai người mơ giữa mây ngàn
Say mê quên hát nên đàn ngẩn ngơ
Bão giông mặc lướt qua đời
Trong tim anh vẫn một trời dáng em.
Nàng chợt đến
Em vẫn đi trên con đường vắng vẻ
Cây vươn dài thầm lặng ngóng dáng ai
Bãi cỏ xanh mong có bóng hai người
Trời xa xôi mây ngàn đang cảm nhẹ
*
Ta muốn hát khi nhìn em nho nhỏ
Giống con... mèo, anh cảm thấy bình minh
Chiều dần xuống, hoa lá rừng tung gió
Nắng lại về, anh muốn nói... ôi xinh
*
Đừng đến nhé, em ơi, em đừng đến
Đến rồi đi, em để lại dáng hình
Chiều anh kiếm, em xinh không còn nữa
Giấc mộng này, anh tâm sự với ai!
*
Chiều trên cao sao lá vàng rụng xuống
Chốn đông người đang có bóng người mơ
Thế gian ơi, ta đang sống ơ thờ
Nàng chợt đến, lá bừng lên... lửa ngọn.
Ban Mê say
Đến Ban Mê, say dầm dề
Chiều đi lảo đảo, tối phê phê buồn
Bóng hồng bay lượn không trung
Hồng treo lơ lửng, hồng rung phím đàn
Bản Đôn ai thấm rượu cần
Ai say vị đắng, ai nâng gót ngà
Ai, cầu, nhịp bước lung lay
Ai đi duyên dáng, ai sa lưới tình.

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

543. Kẻ cướp quyền tạo hóa...

Em đứng làm gì đó.
Giữa cánh đồng cỏ may.
Cong cong thu dáng nhỏ.
Tim buồn lại nhói đau.
Cánh hoa hồng rơi, tội!
Trên đám cỏ hoang mềm.
Trắng sông xa huyền ảo.
Trời với em, ai vui!
LB tâm sự cho vui nghen. Số là trên mạng, mọi người đều dùng cụm từ ‘đoạt giải Nobel’, nhưng mình liên tưởng đến các từ như: cưỡng đoạt, chiếm đoạt, tước đoạt… mà nghĩ rằng từ ‘đoạt’ ở đây là dùng sức mạnh, giành giật, hay dùng ý chí cá nhân (duy ý chí)… mà có được, vì thế, mình dùng cụm từ ‘đạt giải Nobel’ với ý nghĩa là cái mà làm được hay xứng đáng được hưởng. Về cụm từ ‘kẻ dám đoạt quyền tạo hóa’, công lớn thuộc về... ‘triết gia’ Đỗ Long Vân trước 1975 (xem đường dẫn bên dưới), trong đó, ông dùng nhiều ví dụ từ truyện kiếm hiệp của Kim Dung và một số tác phẩm phương Tây.

Ngày 25/3/2014, trong bài ‘Phải mất đến 10 năm’ (xem đường dẫn bên dưới), ý thì đã tỏ, nhưng chưa lộ, đó là việc tôi chỉ làm ‘trong’ công việc, còn cái gì ‘ngoài’ công việc mà trong một số trường hợp cụ thể có liên quan đến nguyện vọng ngoài lề của cá nhân khác thì tôi không quan tâm. Cách làm việc của tôi rất có… khoa học, nhưng khoa học quá mà làm người khác ‘tủi thân’ thì, dù sao đi nữa, là tôi đã sai, tức là tôi đã bỏ qua nguyện vọng của cá thể - một sinh vật với đầy khát vọng của tạo hóa, hay suy cho cùng là tôi đã ‘không thuận theo tự nhiên’ nên tôi phải mất 10 năm để suy nghĩ rồi… ân hận.
Quay lại chuyện ‘kẻ cướp quyền tạo hóa’, không tiện nhắc lại chuyện Tề Thiên Đại Thánh bị trời phật đè 500 năm dưới Ngũ Hành Sơn, tôi sẽ nhắc lại một số nhân vật nổi tiếng trong Kim Dung (xem đường dẫn bên dưới), đó là: Âu Dương Phong (trong truyện ‘Thần điêu đại hiệp’), Tạ Tốn (trong truyện ‘Ỷ thiên đồ long ký’), Cưu Ma Trí, Mộ Dung Bác, Tiêu Viễn Sơn (trong truyện 'Thiên long bát bộ'), Nhậm Ngã Hành, Đông Phương Bất Bại, Lâm Bình Chi, Nhạc Bất Quần (trong truyện ‘Tiếu ngạo giang hồ’)...
Các nhân vật trên đều bị ám ảnh bởi khát vọng vô địch thiên hạ, bá chủ võ lâm, trả thù báo oán, mưu đồ vương bá…,  mà bị mắc bệnh vĩ cuồng, bệnh tâm thần hoang tưởng, lâm vào trạng thái điên loạn, hay ‘điên mà tưởng mình là tỉnh’…
Trong số này, có 4 nhân vật khá đặc biệt:
-Tạ Tốn vì cực ham báo thù trả hận với Thành Khôn nên luyện ‘Thất thương quyền’ làm kinh mạch bị đả thương mà, trong vòng mấy mươi năm, thỉnh thoảng nổi cơn điên mà hành động có thú tính, nhất là việc giết người bừa bãi.
-Nhậm Ngã Hành vì muốn ‘Thiên thu trường trị, thống nhất giang hồ’ mà luyện ‘Hấp tinh đại pháp’ đến nỗi bị tổn thương kinh mạch mà ngã lăn đùng ra chết không bao lâu sau khi mới tái ngồi lên cương vị Giáo chủ Ma giáo.
-Đông Phương Bất Bại vì muốn độc chiếm Ma giáo mà bị Nhậm Ngã Hành lừa cho luyện môn ‘Quỳ hoa bảo điển’, kết quả là y phải tự thiến mình và trở thành kẻ đồng tính, sống một cuộc đời hư ảo, người chả ra người, rồi cuối cùng cũng bị chết thảm.
-Đặc biệt là Nhạc Bất Quần vì tham vọng làm bá chủ võ lâm nên phải luyện ‘Tịch tà kiếm phổ’ mà y phải trả một giá quá đắt: tự thiến mình, vợ chết, con chết, chúng đệ tử chết, và cuối cùng y cũng bị… chết thảm, mà là kẻ ‘đã điên’, y hoàn toàn không nhận thức được điều đó, và vì là một kẻ luôn nói những lời tốt đẹp bên ngoài, nhưng bên trong tâm hồn lại chứa chất đầy thủ đoạn mị dân, lạnh lùng, tàn nhẫn, gian manh, xảo quyệt… nên người ta mới gọi y là ‘Ngụy quân tử’ mà đã và đang trở thành ‘thành ngữ’ của… loài người.

Quay lại chuyện về Hemingway, Nietzsche, Kim Dung và Dostoievski…
Có thể nói Nietzsche là một trong những triết gia ‘vĩ đại’ nhất của nhân loại, nhưng ông cũng muốn ‘cướp quyền thượng đế’, muốn ngang tầm thượng đế, muốn trở thành vị ‘thần rượu vang Dionysus’ sáng xỉn chiều say để đạt được tự do cá nhân tuyệt đối trên đỉnh Olympus bằng cách ‘giết chết thượng đế’!, ha.. ha.. ha… Tất nhiên là người ta… sùng bái tư tưởng của ông với tính cách là nói lên một khát vọng… cao nhất của con người, nhưng ông và cái mặt trời, ai to hơn?, cuối cùng thì ông cũng bị rơi vào điên loạn mà cuối đời, trước khi chết, ông chỉ thốt nên một lời nói nho nhỏ là ‘Ariane, ta yêu em’ mà thôi.
Có thể nói Dostoievski là một trong những nhà văn ‘vĩ đại’ nhất của nhân loại, các bạn có muốn biết bí mật của cuộc đời của ông không: hồi trẻ, ông là chuyện gia về rượu chè, bài bạc, trai gái, và chủ yếu là viết văn hối hả để trả… nợ, ha.. ha.. ha… Là một người bị bệnh động kinh kinh niên, cái ‘quy hồi vĩnh cửu’ của ông là dành cho Thượng đế mà Ngài cũng đã… tặng lại cho ông - thiên thần bé nhỏ là Anna, và đây là cái hạnh phúc nho nhỏ, tuyệt vời và rất may mắn của kẻ được gọi là ‘vĩ nhân’ trước khi… chết.
Kim Dung cũng không kém - một viên ngọc quý của văn học phương Đông và thế giới, mà ông đã cung cấp cho nhân loại đủ mọi thứ triết lý từ… A tới Z, ông đã đưa độc giả vào thế giới diễm tuyệt của hư vô tính, tình yêu tính hay phiêu diêu tính, tính nào cũng được, chả phải là không mấy ai mà không biết ‘Chuyện tình Dương Quá và Tiểu Long Nữ’ đấy sao! Triết lý của ông đã đạt đến ngưỡng ‘tầng thứ bảy của Càn khôn đại na di tâm pháp’, ông đã đưa ta vào thế giới của hư vô tính mà vô tình nó lại dùng ‘hư vô chưởng’ đả thương ông - con trai trưởng của ông chết vào năm 1976: ông đi tu và trở về với cái hư vô mà ông đã… miệt mài viết ra.
Nhưng tội nghiệp nhất là Hemingway, theo tôi, với nghĩa là so với 3 ông nói trên, ông là kẻ bất hạnh nhất: là kẻ có sự nghiệp vĩ đại, nhưng bị cao huyết áp, nghiện rượu và viêm gan, ông dần dần bị mất trí nhớ và rơi vào chứng bệnh ‘trầm cảm lưỡng cực’, mà cuối đời ông, tình yêu cũng không (lấy vợ 4 lần), hạnh phúc cũng không, bạn bè cũng… không, tâm sự cũng… không, chỉ có cái duy nhất mà ông ‘có’ là tiếng súng săn nổ một cái ‘đoàng’, tất cả đều biến thành hư vô.

…Và Bùi, Phạm, Trịnh… của ta cũng không ngoại lệ. Bùi Giáng thì được gọi là ‘thi sĩ đười ươi’ hay ‘bang chủ Cái Bang’, Phạm Công Thiện thì nói như… khùng ‘Bây giờ nếu có Phật Thích Ca hay Chúa Giê Su hiện ra đứng giảng trước mặt tao, tao cũng không nghe theo nữa. Tao là học trò của tao và chỉ có tao làm thầy cho tao…’; Trịnh Công Sơn thì quá u hoài ‘Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo...; nhưng Trịnh thì may mắn hơn vì ông tỉnh táo hơn.

…Sáng nay, đi uống cà phê, tôi đã nghe tiếng ve sầu vang dội khắp nơi: dấu hiệu của mùa hè đã đến. Ta đã từng bước qua bản tình khúc mùa hạ, đã từng làm thơ ca tụng nàng thu, đã từng sưởi ấm qua mùa đông lạnh cóng, đã từng tận hưởng vui buồn với mùa xuân:
Hạ về nắng lượn trước sân
Thu về hoa lá dập dành dưới mưa
Đông về băng giá có thừa
Xuân về một thoáng tiếng xưa rụng rời.
Bây giờ ta gặp lại bản tình khúc mùa hạ, và tháng tư chưa đến:
Tháng tư chưa đến, mơ em đến
Em nói rằng 'anh, quả đất tròn'
Bờ Tây xa lắc anh còn ngóng
Bờ Đông gió lộng, tim bỗng đau.
Viết đến đây, tôi xúc động thì thầm với thượng đế là: tôi sẽ ‘không cướp quyền tạo hóa’, tôi sẽ 'không tự bỏ tù mình mà không có ngày mãn hạn',

tôi sẽ uống ly cà phê bình thường mà mỗi sáng thiên thần bé nhỏ pha cho tôi, tôi sẽ ăn ổ bánh mì thịt đơn giản mà mỗi sáng cô hàng xóm làm cho tôi, tôi sẽ vui với chú mèo mà mỗi giờ vẫn thường cà cạ mềm mại vào bàn chân tôi, tôi sẽ nhìn cuộc đời vô thường mà mỗi ngày diễn ra trước mắt tôi để làm… thơ, và bây giờ, tôi sẽ tận hưởng tiếng ve sầu vào đầu mùa hạ…
------------
Các entry có liên quan:
-Đỗ Long Vân: http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/05/366-mot-trong-nhung-bo-oc-xuat-sac-nhat.html
-Phải đến 10 năm: http://nhagomlabang.blogspot.com/2014/03/542-phai-mat-en-10-nam.html?showComment=1395770377671#comment-c8914848612187181522
-Kim Dung: http://nhagomlabang.blogspot.com/2012/09/248-phi-kim-dung-va-tinh-yeu.html

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

542. Phải mất đến 10 năm...

Tôi viết bài này với nỗi ân hận thật lòng.
Tôi cũng xin nói là, nếu những bậc phụ huynh nào biết tôn trọng thầy cô, biết trân trọng khoa học hay sách vở, biết dẫn con mình đi giao tiếp với thầy cô/các bạn học giỏi, thì thường con mình sẽ học giỏi:
Muốn sang thì bắt Cầu Kiều
Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy.
Và tôi cũng xin nói là, ta thường xem ông bộ trưởng hiển nhiên là ‘thầy’ của mọi người!, mà nếu có ai đó nói mình là thầy của… bộ trưởng thì sẽ bị người ta nói là ‘xí! tự cao!’, nhưng tôi cho đó là một quan niệm khá truyền thống và lạc hậu ở nước ta, vì ‘hoàng đế cũng phải có thầy’.
Trong quan hệ quốc tế, tôi biết là chủ tịch tỉnh có ‘hàm’ ngang với bộ trưởng, mà khi viết thư, đầu thư người ta phải viết là ‘Your excellency’, tức là ‘Kính thưa Ngài’...
Tôi còn nhớ là, vào một buổi sáng nọ, tôi có vào thăm cơ quan cũ là Uỷ ban (của một tỉnh nọ), vô tình tôi đi ngang qua phòng họp, thấy ông Chủ tịch đang ngồi chủ trì cuộc họp. Vừa thấy tôi, ông lập tức bước ra, bắt tay tôi rất nhiệt tình và nói:
-Chào thầy, thầy có khỏe không?...
Ở một thành phố nọ, vào một ngày lễ lớn, công tác an ninh được siết chặt, ông Chủ tịch thành phố cũng phải giả dạng thường dân và đứng loanh quanh đâu đó ở quãng trường. Tối hôm đó, tôi có đi coi bắn pháo bông, thấy tôi, ông Chủ tịch liền xuất hiện, tay bắt mặt mừng, nói ‘chào thầy’ và hỏi thăm đủ thứ chuyện, tôi còn nhớ là vào ngày 20/11 năm đó, ông có chở tôi đi chơi ban đêm và cho tôi mượn cái áo veston để mặc cho đỡ lạnh, hihi...
Cách đây khoảng 2 năm, tôi có nhận được một cú điện thoại của một Lãnh đạo cao cấp từ Hà Nội, ông ấy hỏi thăm sức khỏe của tôi và gia đình, đồng thời nói là sau khi về hưu, gia đình ông ấy sẽ chuyển vào sống ở Sài Gòn, vì hai đứa con của ông đang học đại học ở đó...
Các mẩu chuyện này thường được tôi kể lại con tôi nghe. Tôi nói rằng:
-Ba rất có ấn tượng với các chủ tịch/bộ trưởng nói trên, họ rất tôn trọng thầy nên chắc chắn họ là người tốt. Còn việc họ hay các thầy cô có làm điều gì vi phạm pháp luật hay không là chuyện ở một phạm trù khác, con à.
Và câu chuyện sau đây có liên quan đến một ngài chủ tịch tỉnh, nhưng không phải chuyện của ngài, mà là chuyện của tôi.
Số là tôi bị trời hành hay sao ấy mà vô tình lại rất có... năng khiếu về tổ chức. Tôi đã sắp xếp cho ông Chủ tịch (của một tỉnh nào đó) gặp một Lãnh đạo cao cấp của Liên Minh Châu Âu.
Tối hôm đó, 'xếp' đến muộn, mà tôi đã ăn cơm tối xong lâu rồi, nên tôi bảo anh thông dịch viên dẫn ổng đi ăn một mình: Tôi đã đúng hay đã sai?
Tại văn phòng Ủy ban, ông Chủ tịch tỉnh nói chuyện rất hoạt bát và có cách xử lý rất thoáng, 30 phút sau, ông đã ký một cái chữ ký tươi rói vào cái ‘Biên bản ghi nhớ’ (Memorandum) của tôi, thế là tôi đã hành thành nhiệm vụ… xuất sắc, hihi...
Mà đã hoàn thành nhiệm vụ thì tôi lập tức… biến, tôi rời Ủy ban và lên xe về lại cơ quan ở một tỉnh khác mà không sắp xếp thời gian để mời ông ta đi uống cà phê, một lần nữa: Tôi đã đúng hay đã sai?
Bỗng có một chiếc xe đuổi theo tôi, vượt phải, tên lái xe thò đầu ra nói với:
-Xếp muốn chuyện với anh!
Tôi buộc lòng phải cho dừng xe lại, kiếm một quán cà phê thoáng ở vệ đường, rồi ngồi trao đổi công việc với ông ta, ông nói cám ơn và khen tôi, lúc đó tôi trông thấy ông cũng chả có vẻ gì là khó chịu cho lắm. Nhưng khi về đến Hà Nội, ông gửi thư vào phê bình anh lái xe của tôi là để xe bị ‘trầy’, tôi hiểu: 'ông ta giận tôi vì ổng vào miền Nam mà tôi không thèm… tiếp ổng'.
Mãi sau này, có dịp đi Điện Biên, trên đường về, tôi và anh lái xe có ôn lại kỷ niệm này, anh ta phê bình tôi:
-Anh làm như thế là không đúng, anh phải tiếp… xếp.
Lúc đó tôi, thật, rất bực mình và định nói:
-‘Ổng có hẹn đi ăn tối hay uống cà phê với tôi đâu. Chả lẽ vì nó là Tây mà tôi phải tiếp nó à, ai cũng hay xun xoe với mấy thằng Tây, tôi không thích vậy’,
nhưng tôi lại kiềm chế và không nói ra câu đó.

Phải mất đến 10 năm, mới đây, khi viết entry về ‘vô thường’ và ‘thượng đế’, về sự khác biệt giữa mỗi con người…, tôi chợt nhận ra là tôi đã sai, và tôi cảm thấy rất ân hận.
Vì sao?
Vì ta không những thỏa mãn nhu cầu về hiệu quả của công việc mà còn phải thỏa mãn nhu cầu về tâm lý của con người có liên quan nữa.
Vì cái mà ta làm tốt, nhưng những sơ sót về ngoại giao có thể làm cho công lao của ta trở thành vô hiệu lực.
Vì cái mà ta cho là ta làm đúng, dĩ nhiên rồi, ta không làm điều gì có lỗi với ai, nhưng ta đã không sáng tạo ra cách để quan tâm đến người khác, nên nói cho cùng là ta đã sai.
Vì người nào cũng muốn được người khác tôn trọng.
Vì người nào cũng muốn được người khác quan tâm.
Và nếu không ngoại lệ, ai cũng vui khi thấy con chó vẫy đuôi quấn quít chào đón ta, thấy con mèo êm ái cà cạ vào người của ta, đặc biệt là thấy hưng phấn khi được gặp mỹ nhân…, vâng, ai cũng thích sự nồng nhiệt, êm ái và cái đẹp, dù bạn có là ai, thậm chí là hoàng đế…

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

541. Thượng đế trong đời thường

Nhưng lớn lên, anh lại nghĩ xa hơn.
Cuộc sống đã chỉ cho anh.
Mọi triết lý đều có các điểm riêng,
hãy tưởng tượng, đó là vỏ quả cà phê, hay vỏ củ hành,
nhưng mọi triết lý lại đều có một điểm chung,
đó là nhân của chúng.
Cuộc sống dường như, anh thiết nghĩ.
Đại để là từ ‘trong chốn mờ sương, em… thấy anh’
cho đến ‘ta hãy yêu cả những giọt nước mắt,
vì nó là... kết tinh của tình yêu,
theo mọi nghĩa’.
(Nàng dung tục, NGLB)
Đáng lẽ bài này tôi định viết với tiêu đề ‘Thượng đế là gì?’, nhưng như vậy sẽ làm cho chính tôi… giật mình! Trong đời thường, từ ‘thượng đế’ thường được dùng tương đương như: tạo hóa, thế giới tự nhiên, vũ trụ, đặc biệt là ‘ông trời’ mà nằm trong thế giới tâm linh - khát vọng về chân, thiện, mỹ thầm kín trong mỗi con người, và nó có thể có ‘thần’ hay không có ‘thần’.

Tôi vốn khá khách quan khi nói về mặt lý thuyết.
Chẳng hạn về chính trị, tự hỏi:
-Tôi có ghét Mỹ không?,
không, tôi hay nghĩ về Monroe, Hemingway, Bill Gates, Obama… và mấy anh hai lúa hay chơi với tôi còn khen là Mỹ ‘sòng phẳng’ nữa!, nhưng tôi cũng có thành kiến chút chút, ví dụ như vụ ‘cấm bán phá giá hàng Việt xuất khẩu sang Mỹ’ (hay EU), tôi nghĩ là một người nông dân Việt với thu nhập bình quân là trên dưới 1.000 usd/năm sẽ, dĩ nhiên, sản xuất ra một sản phẩm rẻ hơn rất nhiều lần so với một người nông dân Mỹ với thu nhập bình quân là gần 46.000 usd/năm..., hay tự hỏi:
-Tôi có ghét Tàu không?’,
không hẳn, tôi hay nghĩ về Trang Tử, Kim Dung, Tiểu Long Nữ và các mỹ nhân trong các phim dã sử hay phim ‘chưởng’ mà ai cũng thích…, nhưng tôi lại có thành kiến nhiều chút chút, ít nhất là hình ảnh về Biển Đông, hàng hóa nhập nội của Tàu và các thương lái Tàu… là không đẹp trước mắt tôi.
Về tôn giáo, tôi đã từng đứng suy nghĩ tại Đồi Lai San (Ban Mê), Tòa thánh (Tây Ninh), Nhà thờ gỗ (Kon Tum), Thánh địa La Vang (Quảng Trị), chùa Bái Đính (Ninh Bình), các khu tâm linh của người Chàm ở miền Nam hay của người theo đạo Hồi ở Malaysia…, không sao, tôi hiểu và tôi tôn trọng...

Tôi cảm thấy có chút … khổ tâm khi nghĩ lại việc học thời còn trẻ.
Số là khi lớn lên, người ta đã dạy sẵn cho tôi: triết là gì?, văn là gì?, thơ là gì?, nhạc là gì?, lịch sử là gì?... Tôi vẫn còn nhớ các câu/cụm từ như: ‘tổng hòa các mối quan hệ xã hội’, ‘mình về mình có nhớ ta, mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng’, ‘chú ơi chú, bao giờ, bao giờ, cho em hái dưa, hái dừa, hái xoài, đào khoai, gửi sang Đông Đức, mời bạn của em’…, mà tôi đã thường nghĩ là triết, văn, thơ, nhạc này đã và đang làm cho các cháu quanh tôi 'ngơ ngác' khi được hỏi:
-Cháu có hiểu gì không?’,
và theo tôi, ‘triết, văn, thơ, nhạc, sử’ không phải chỉ có vậy mà nó phong phú, đa dạng và vô cùng vô tận.

Ngày xưa, khi ở khu Kim Ngưu (Hà Nội), tôi nằm mơ thấy một đống đinh, vốn không bao giờ chơi số đề, nhưng sang hôm sau, tôi cũng vì tò mò mà đã bỏ ra 100.000đ (tương đương với ¼ chỉ vàng) để đánh số 11. Khi uống cà phê sáng, tôi có kể lại cho một người bạn nghe, anh này nói:
-Vậy anh đánh giùm cho tôi 100.000đ nhé.
Tối hôm đó, anh ta có đi ngang qua và hỏi:
-Có trúng không?’,
-‘Không’, tôi trả lời,
thế là anh ta lẳng lặng bỏ đi mất! Tôi cũng thừa biết là nếu hôm đó mà tôi trúng 7.000.000đ thì anh ta sẽ nhào vô lấy ngay, sẽ ôm tôi thắm thiết và sẽ… nịnh tôi đủ thứ!... Tôi cũng xin khẳng định là người nào mà không sòng phẳng về tiền bạc thì chắc chắn là người xấu...
Cách đây mấy tháng, tôi có tham gia đánh bài giải khuây, có cô X thiếu tôi một trăm ngàn, ngày hôm sau cô ấy… lặng ngắt!, rồi lần sau, cô ấy lại thiếu một trăm ngàn, cổ biến đi đâu mất mấy ngày liên tiếp: tiền của tôi về với… hư vô, rồi tới phiên tôi thiếu một trăm ngàn, tôi hỏi mượn cổ, cổ né!
Viết đến đây, tôi nhớ có một blogger nữ trong Facebook có viết một cụm từ có 9 chữ 't' là ‘thật thà, trung hậu, thẳng thắn, thường thiệt thòi’ và trong Cổ học tinh hoa có nói ‘cứu vật vật trả ân, cứu nhân nhân trả oán’, mà trong một số trường hợp cụ thể nào đó, cô ấy nói có phần đúng, các bạn hãy… cẩn thận nghen: có khi (có khi thôi) ta giúp người nhưng khi ta gặp khó thì tìm cả bầu trời chả có ai giúp, buồn chịu!, hi.. hi…
Cách đây khoảng 5 năm, tôi có gặp 2 vợ chồng sắp li dị, cô vợ thì chửi ông chồng là:
-Đồ giữ tiền riêng, theo dõi từng đồng chi tiêu, đồ keo kiệt  bủn xỉn nhất thế gian…
Còn ông chồng chửi bà vợ là:
-Đồ đi chơi từ sáng sớm đến tối mịt mới về, đồ đi với trai, đồ con đĩ…
Sau này tôi có kiểm tra lại là ông chồng làm kinh doanh nên ổng… quản lý tiền mà ổng làm ra và khi vợ có nhu cầu mà ổng nhất trí thì ổng mới chi (như ở các nước phương Tây), còn tính bà vợ thì chỉ ham vui thôi chứ không ngoại tình gì cả, nhưng ‘mối thù’ của họ đã trở thành khắc cốt ghi tâm và không đội trời chung mà kết quả là họ đã li dị, sau này ông chồng tù ti tú tí với một cô giáo dạy Anh văn, còn bà vợ thì vẫn tiếp tục đi... chơi cả ngày!

Hôm qua, tôi có đăng tải bài ‘vô thường’, bỗng nhiên tôi sững sờ khi phát hiện ra mọi thứ trên đời đều bất thường, biến hóa khôn lường, vô cùng phong phú, muôn hình muôn vẻ, thậm chí là, trong rất nhiều trường hợp, là hoàn toàn ngược lại với cái mà hằng mong muốn, chẳng hạn có ai muốn bị đánh bài thua, bị ốm đau, bị tai nạn giao thông, bị mất của, hay bị bồ đá… đâu mà vẫn bị đều đều!
Tôi có nhớ lại (trên mạng) rằng: Trên mộ của Dương Khang có khắc câu di chúc để lại cho con là Dương Quá, là:
-‘Con ơi, ở trên đời có 10 điều thì có đến 7 điều là bất thường, 3 điều là bình thường, nên bất thường mới là bình thường, còn bình thường mới là bất thường, con ạ’.
Cụ thể và rõ ràng nhất là trong thế giới blog, các blogger đăng tải đủ thứ loại hình khác nhau: thơ văn cũng có, nhạc cũng có, hình ảnh cũng có, tâm sự ngắn cũng có, ‘ném đá’ nhau cũng có, và… sex cũng có - mà tôi thiết nghĩ, chẳng hạn, sex hay cãi nhau là chuyện riêng tư, chả có ai cấm, nhưng hình thức này trên thế giới blog là không nên!

Suy nghĩ mông lung, tôi mới thấy rằng cái mà người ta suy nghĩ hay hành động khác với cái mà ta tưởng, vì họ là họ, thế giới tự nhiên đã sinh ra họ như thế nên họ làm như thế, không phụ thuộc vào ‘định kiến’ của ta đâu.
Hãy hình dung nôm na, tôi đang ăn… một ổ bánh mì, tôi cần có: chả lụa, muối, tiêu, ớt, hành…, muối thì có cái ‘xấu’ vì nó mặn, tiêu/ớt thì có cái xấu vì nó cay, hành thì có cái xấu vì nó làm hôi miệng, nhưng có phải muối, tiêu, ớt, hành… là xấu không?, không, còn lâu nó mới… xấu, xấu hay không tùy cách ta sử dụng nó, hay nói rộng hơn, tùy vào mỗi hoàn cảnh cụ thể.
Ui, con người, ta cũng không ngoại lệ, thường có sẵn trong đầu những định kiến ‘thị phi’ ghê lắm, nó trở thành một thứ quán tính gắn chặt vào đầu ta suốt đời: nào là đúng sai, nào là thiện ác, tốt xấu, nào là âm dương, chính tà…, nhưng chắc chắn rằng việc cho 'cái này là đúng, cái kia là sai' của chúng ta đã và đang làm khổ thân cho chính ta mà thôi, hãy để người khác, sự vật khác được vận động như chính nó, vì sao, vì quy luật của thượng đế hay của thế giới tự nhiên chính là vô thường, là biến đổi, hay chính xác hơn, là sự khác biệt…

Cuối cùng, tôi lại tưởng tượng… phong phú hơn, có một nàng rất xinh đẹp mà mấy bạn gái của cô ấy ‘lười’ gọi điện thoại để kêu cổ đến chơi, nhưng tôi lại… ước gì có số điện thoại của nàng, tôi cần có... nàng, tôi không muốn:

Sáng dần lên mặt trời còn lấp ló
Hoa lá buồn than thở điệu rung rung
Cà phê sáng, mấy nàng đều nói 'bận'
Một mình ta an phận chốn vô cùng,

mà tôi muốn:
Đừng tuyệt vọng bởi em còn đâu đó
Chốn hồng trần, chả biết có hay không
Lỡ hôm nao, tôi đang đứng tần ngần
Nàng bỗng gọi: 'Anh ơi, em đã đến', 

nên tôi đã tha thứ cho những ai đã làm khác với suy nghĩ của tôi, trong đời tôi, và vì 'nàng' đối với tôi vốn là sự khác biệt...