Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

563. Chùm thơ ‘Ta đã… tu rồi’

Ta đã… tu rồi!
Bên sông có những chàng câu cá
Quán nhậu lai rai đỡ đỡ buồn
Đêm đêm ca hát, sương tràn xuống
Mở mắt buồn ra, đã sáng rồi!
*
Bỗng nhiên ta muốn rời nhân thế
Những áng mây chiều trả biển xưa
Ai làm đến nỗi đau lòng sóng
Ôi chốn chợ đời đen thế sao!
*
Ta chả… còn yêu, nhưng vẫn mơ
Mơ thấy cong cong dáng một người
Chợt sáng hôm nay đầy mộng mị
Ôi, đã... tu rồi sao vẫn si !

Các bài thơ khác

Đêm trắng mơ hồ
Cây dài vươn cổ, sa tình ái
Gặp bóng hồng xinh, đang ngắm mây
Gió im phăng phắc, hồi hộp dáng
Nắng chiều nhè nhẹ, buông trên cây
*
Biết làm gì đây, đến ngồi bên
Thủ thỉ nhỏ to chuyện cuộc đời
Em ơi sao mắt em buồn thế
Đi uống cà phê với anh nghen!
*
Thời gian… qua mãi, người không đến
Chùm lá thông kia ủ rủ mềm
Cỏ xanh ray rức, đau trời nắng
Màu tím xa kia bỗng nhuộm buồn
*
Người đã xa rồi phải không em!
Dòng sông vẫn khát dáng ai mềm
Sương chiều quanh anh mờ nhạt nắng
Đêm trắng mơ hồ, anh bỗng... rên

Ngủ bờ vai em
Em hôn chiếc lá trong vườn
Thế mà anh tưởng hôn nhầm môi... ai
Chiều về sương khói nhạt phai
Buồn trong: khói thuốc, buồn ngoài: khói mây
Ngày về tím hiện trên hoa
Đêm về tím ẩn, sương sa… mắt chàng 
Bóng em hút cả trăng vàng
Dáng em hút cả ngỡ ngàng tối nay
Sao trời nhấp nháy trên cao
Mắt anh rụng xuống, ngủ bờ vai em
Chìm trong một giấc mơ tiên
Ngủ luôn để khỏi ưu phiền thế nhân...

Thiên đàng gọi yêu
Quê mình nhớ dáng em xinh
Nhớ bờ tre rậm dẫn đường ra sông
Ngước nhìn núi chảy song song
Mây quần trắng xóa, tiếng lòng mãi mê
Lá vàng trước gió liêu xiêu
Hồng hoa rạo rực, nắng chiều chói chan
Bỗng đâu thấp thoáng bóng nàng
Mặt tươi cười nụ, thiên đàng gọi yêu…


Thiên đường rất xa
Con đường nay vắng bóng em
Chùm cher-ry ấy anh đem để dành
Trải dài năm tháng loanh quanh
Tiếng cười năm ấy lung linh dáng huyền
Tưởng nàng cái dáng nghiêng nghiêng
Ta nghiêng quên hết bài thiền: hư không
Hai tay ôm lấy ảo hồng
Ngờ đâu ảo khiến đau lòng ngẩn ngơ
Phố đêm một ánh đèn mờ
Đường không một bóng, đường bơ vơ đường
Cây buồn thả bóng thê lương
Người đâu chả thấy, thiên đường rất xa...

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

562. Chuyện con rùa và ‘tứ thư ngũ kinh’

Chú rùa sống ở trong một căn nhà nọ, lúc thì trong buồng tắm, lúc thì ông chủ cho nó ra ngoài tắm nắng dưới một cái giếng trời. Nền nhà lát bằng gạch bông ngoại hay một thứ đá hoa cương nào đó mà trơn ơi là trơn, nhưng chú không sợ…
Trước khi có các tâm sự dưới đây, chú xin kể một câu chuyện riêng mà có lẽ là có tính quyết định trong cuộc đời của chú. Đó là trong giấc mơ, chú thấy mình gặp một ông thầy bói, ổng mới đưa cho chú bốc 5 lá bài bất kỳ, chú xóc bài và bốc được… 1 bích, 2 bích, 3 bích, 4 bích và 5 bích, toàn là con bích, đó là chú có một cái số phận đen nhất trong… loài người. Nhưng, chú không tin, nên tự tiến hành kiểm tra số phận của mình. Vào một lần khác, trong khi đánh ‘phỏm’, chú lại được bốc con bài ‘cá’, thì trong 10 lần, đến 8-9 lần là chú bốc trúng con 1 bích - con bài nhỏ nhất trong 52 lá bài, mọi người đều nhìn thấy và công nhận như vậy, và cũng ngay khi đó, đối thủ của chú lại được chia đúng 4 con xì, tức là khi chú xui nhất thì, hoàn toàn ngược lại, đối thủ của chú lại hên cực đại - thành công gấp 36 lần (theo luật đánh phỏm): chú đã hiểu được cái số phận bất-khả-tri đã dành riêng cho chú, nên chú chả bao giờ thiết sống để làm cái quái gì, hihi…
*
Vâng, đúng vậy, chú đang sống thong dong và tự do ở trong rừng sâu thì bị đấng-bất-khả-tri... chiếu tướng và chú bị bắt, người ta khoan vào mai chú một cái lỗ, xích chú lại, và đem ra chợ bán. May thay, chú gặp được một… triết gia khá hiền lành, đem chú về nuôi chung với một cô rùa cái, bỏ chúng gần một cái ao cá, nhưng cô ta không hề có tính tư tưởng nên hành hạ và mắng chửi chú suốt ngày: số phận cô đơn của chú vẫn hoàn cô đơn, thậm chí còn tệ hại hơn cô đơn rất nhiều, chỉ trừ chút may mắn là đôi khi chú được ông chủ nhìn và mĩm cười một cách dịu dàng với chú.
Sáng hôm nọ, thấy một bó rau muống toát ra mùi thơm ơi là thơm, chú cố gắng rướn người về phía trước, bỗng nghe cái 'cạch...', té ra là chân trái của chú bị… liệt (!). Vì thân hình rất nặng, nhất là về phần đầu, nên khi di chuyển, chú khởi động bằng cách dùng lực ở một trong hai chân trước, rồi hai chân sau mới tựa thế mà giúp chú tiến lên, nay một chân trước đã bị liệt nên cứ mỗi lần bước lên, cả người chú lại qụy xuống nền nghe một cái ‘cạch’, đến mấy chục lần luôn, chú mới thầm nghĩ rằng:
-Ủa, ta thường sống ở nơi ẩm thấp, nên làm gì có chuyện bị bệnh ‘thấp khớp’!
Chú bèn tư vấn ý kiến của ông chủ, ổng nói:
-Đó là vì bên trái ngươi mang nặng ‘tứ thư ngũ kinh’, bên phải ngươi mang nặng ‘triết học phương Tây’, nên ngươi không bị qụy xuống mới là lạ...
*
Chú bèn ngồi nghĩ lại nền giáo dục xưa nay mà chú bị… thụ hưởng, nào là ở trường, chú được học ‘Cổ học tinh hoa’, ‘Nhị thập tứ hiếu’, rồi thơ/văn của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Shakepeare, Tagore, Balzac, Victor Hugo, Aitmatov; nào là ở tủ sách (trong nhà) chú được đọc ‘Đạo đức kinh’, ‘Nam hoa kinh’, ‘Kinh Dịch’, ‘Lục tử tài thư’; nào là ở thư viện (hay trường đời) chú được truyền bá triết lý của Bồ Đề Đạt Ma, Muju (thiền sư, cuốn 'Góp nhặt cát đá'), Newton/Einstein, Nietzsche, Marx, Krishnamurti, Kim Dung…
Chú nhớ mang máng là trong ‘Cổ học tinh hoa’ có chuyện ‘Khổng Tử gặp một cô gái đánh mất một một cái trâm cài tóc bằng cỏ mà khóc cả… buổi’,  chuyện ‘Kỷ Sảnh luyện gà đá cho Tề Tuyên Vương’; trong ‘Nhị thập tứ hiếu’ có chuyện ‘một anh nông dân vì cứu mẹ mà dũng cảm cầm đòn xóc để đánh lại một con cọp’; trong ‘Đạo đức kinh’ có câu ‘Đạo mà nói được thì không phải là đạo, danh mà xưng được thì không phải là danh’ hay ‘ta không thể lấy cái hữu hạn của mình để theo đuổi cái vô hạn của trời đất’; trong ‘Nam hoa kinh’ có nói ‘thoắt lặng không hình, biến hóa không thường’, ‘nếu ta là con gà trống thì ta sẽ gáy canh, nếu ta là con chim thì ta sẽ hót’; trong ‘Kinh Dịch’ có ‘thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật’; trong ‘Góp nhặt cát đá’ có chuyện ‘một thiền sinh hỏi sư phụ: thiền là gì?, ổng nói: hãy đi pha trà đi’ hay ‘hoàng đế Nhật hỏi một thiền sư: thiền là gì?, ổng chỉ trả lời bằng cách thổi lên một tiếng sáo, rồi cáo từ ra đi'; rồi có ‘tôi tư duy, do đó tôi tồn tại’ hay ‘con người là cây sậy biết tư duy’ gì gì đó, rồi nó còn nghe người ta suốt ngày chém gió về trận Mã Lăng (Tôn Tẫn-Bàng Quyên, Đông Chu liệt quốc), trận Cai Hạ (Hán Sở tranh hùng), trận Xích Bích (Tam quốc chí), trận Waterloo (Chiến tranh và hòa bình/Hội chợ phù hoa), trận ‘đại náo Thiên cung’ (Tây du ký), rồi chuyện tình Romeo-Juliet, Dương Quá-Tiểu Long Nữ, Napoleon-Betsy, Kenedy-Monroe, Hứa Văn Cường-Trình Trình…
Nói chung là chú đã được trang bị tư tưởng của Tây-Tàu hơi bị nhiều, còn tư tưởng Việt mà chú được đào tạo thì hầu như chả có bao nhiêu!
*
Chú liên tưởng đến khái niệm ‘Dịch’ mà người phương Tây đã đơn giản dùng chữ ‘change’ (= biến đổi). Chú nghĩ là Pháp-Anh-Mỹ có vận dụng ‘Kinh Dịch’ đâu mà chế ra máy bay Boeing hay Airbus bay đầy trời đó, ông Steve Jobs/Bill Gates có vận dụng ‘Kinh Dịch’ đâu mà chế tạo ra các loại máy tính với các tính năng hiện đại sản hồn luôn, Mỹ có vận dụng 'Trận đồ Bát Quái' như Khổng Minh (vây khổn Lục Tốn) đâu mà đánh... thắng Afghanistan hay Iraq đó, còn mới đây, ông Obama không cần vận dụng ‘Kinh Dịch’ mà đã hô rầm lên là cần phải ‘change’ nước Mỹ đó, có sao đâu. Tất nhiên là chú hiểu, ‘Kinh Dịch’ có một nền tảng một triết lý và là một khoa học rất hữu ích, nhưng không phải mọi người cần phải có ‘Kinh Dịch’ mới… sống được, hihi…
Chú cũng liên tưởng đến khái niệm ‘Thiền’ mà người phương Tây đã đơn giản dùng chữ ‘meditation’ (= trầm tư mặc tưởng). Chú biết rằng họ chả ngồi thiền mà sống lâu đến 80-90 tuổi, còn ta thì ‘chửa qua 49, đã đến 53’, mà mới có trong tháng Tư này, chú đã có có 2 người bạn chết vì bị ung thư, còn một người bạn chết vì bị xơ gan (do uống nhiều rượu), cả 3 người này tuổi đều chưa đến 53, híc.. híc… Tất nhiên là nó hiểu, khái niệm ‘Thiền’ có một nền tảng triết lý và đặc biệt là rất hữu hiệu trong lĩnh vực y học/rèn luyện sức khỏe tinh thần cũng như vật chất, nhưng không phải mọi người phải ngồi thiền mới… sống lâu được, ít nhất là ở nước nào đó, người ta đã uống 3 tỉ lít bia/năm, thì ‘thiền’ không có chỗ để tạm trú, hihi…
Chú nghĩ rằng nói về chữ thiền, chữ tiêu dao, chữ hiếu, chữ tình… thì ở ta có đầy, như ‘thiền’ của Trần Nhân Tông/Thích Nhất Hạnh (nhà tâm linh có ảnh hưởng đứng hàng thứ tư trên thế giới), ‘tiêu dao’ của Nguyễn Bỉnh Khiêm/Nguyễn Công Trứ, ‘hiếu’ của Lục Vân Tiên, ‘tình’ của Trần Khắc Chung và Huyền Trân, Phạm Thái và Trương Quỳnh Như, Nguyễn Huệ và Ngọc Hân, Lan và Điệp…
*
Quay trở lại chuyện chú rùa, khi chú đang… đau khổ vì cái mai ‘tứ thư ngũ kinh’ vô cùng nặng nề của mình, chú bỗng thấy một bạn mèo phóng một cái vèo từ đầu phòng khách đến cuối bếp, chú ngạc nhiên hỏi:
-Ủa, tạo sao bạn phóng đi nhẹ nhàng và nhanh đến như vậy?
Chú mèo mới trả lời rằng:
-Tôi là tôi, tôi không phụ thuộc vào tư tưởng của những người đi trước, nên tôi thấy đầu óc rất nhẹ nhàng và có thể phóng đi một cái vèo đến bất cứ bến bờ tư tưởng nào, hi..hi… Ngoài ra, tôi hay quan sát ở đời và gom được nhiều thứ lắm, ví dụ như:
“Rót xuống bờ môi những nụ cười
Cho hồn sa mạc chợt xanh tươi
Em cười, thế giới cười trao lại
Nhưng khóc, riêng mình em khóc thôi!” (Thích Tánh Tuệ)
"Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ!
Ta cứ ngỡ xuống trần chỉ một chốc 
Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay!” (Con Đường Niết Bàn)
“Không có cái gì là tuyệt đối, chỉ trừ cái tuyệt đối.
Không có cái gì là không biến đổi, chỉ trừ cái biến đổi.
Không có cái gì là bất tử, chỉ trừ cái chết.
Không có ai là không đau khổ, chỉ trừ người chết” (NGLB)
“Nếu như có phép lạ
Tôi xin được ngủ yên
Không bao giờ dậy nữa…
Nếu như có phép lạ
Biến tôi thành người câm
Để không bao giờ nói
Lời thương thành sương khói
Dễ làm buồn lòng ai.
Nếu như có phép lạ
Cho tôi thành kẻ mù
Để không nhìn thấy được
Những buồn vui cuộc đời
Để khóc cũng như cười
Không thấy đời ngang trái...” (trích blog Bút Chì)
“Vắng em thu tàn lối bơ vơ
Rừng thu xao xác bóng ai chờ
Cây thu hoang lạnh dài vươn cổ
Lá thu hờ hững rơi trong mơ” (NGLB)…
Nó lại tâm sự tiếp:
-Ở ta đã có khá đầy đủ các loại tư tưởng, thiền có, vô thường có, vô vi có, thân phận con người/đau khổ có, tình yêu có…, nhưng rất nhiều người do ‘vô minh’ mà nghiện tư tưởng Tây-Tàu, lúc thì trích dẫn Lão Tử/Trang Tử/Khổng Tử nói rằng, lúc thì trích dẫn Lý Bạch/Tagore/Khalil Gibran có câu thơ rằng…, đúng như bạn Hùng John đã nói ‘Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là người đi theo chứ không phải người tiên phong’, hi..hi…
*
Sau khi nghe bạn mèo nói, chú rùa mới thấm hiểu, chú gật gù và nghĩ: tại sao người ta cứ nhồi nhét các loại tư tưởng ngoại nhập vào đầu óc của thế hệ trẻ thế nhỉ, bởi vì ta không có!, hay vì người ta không hiểu (!), nên họ luôn thần thánh hóa nó và cho nó là… vĩ đại!
Và bây giờ chú rùa đã… già rồi, chú thấy rằng các tư tưởng trong mấy câu chuyện của Tây-Tàu nói trên rất là quen thuộc, vì chúng đã có đầy ở trong đời thực, mà nói như Hoài Linh đã đóng trong một clip quảng cáo là:
-Thường thôi
Ha.. ha.. ha...

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

561. Chùm thơ ‘Đêm tím mơ hồ’

Đêm tím mơ hồ
Cô đơn, cây ngóng dài vươn cổ
Chờ mãi… người kia đến uống cà!
Mịt mờ nước lao vào hố thẳm
Trùng mây bay ngắm cũng thương đau!
*
Nhắm mắt mơ hoang thấy bóng hồng
Tách cà phê đắng hãy còn trông
Khói thuốc bay cao, lòng còn lạnh
Băng giá khi nào, băng mới tan!
*
Đêm tím mơ hồ, em ảo xinh
Một cánh tay hoang kiếm chị hằng
Đôi môi mấp máy chờ hương lạ 
Một đóa hoa hồng rơi vai em... 

Các bài thơ khác
Đêm xây bóng nàng…
Cầu treo lơ lửng giữa trời
Em treo khao khát giữa đời mơ hoa
Xuân sao đến được - em xa
Hạ sao đến được - em tà tà mây
Thu sao đến được - em cao
Đông sao đến được - em đùa đùa ta…
Mơ gì mắt dõi xa xa
Mơ gì mơ dưới chiều tà đảo điên
Mơ gì chim lả dáng huyền
Mơ gì sóng nước lim dim ngắm nàng
Đời là một cõi lang thang
Là hai mắt nhắm, mơ hoang nhọc nhằn
Vô tình lấy cát xây thành
Thường đêm, xây mãi bóng nàng chẳng xong...
Mơ tưởng
Nàng áo đỏ, dáng xinh xinh
Cỏ xanh hoang dại rập rình... dáng em
Cây cao bồng dáng em lên 
Nắng chiều thả nhẹ sợi mềm trên môi...
Trời xa, xuyên trắng mây mờ
Vàng hoa tán gió, thả hờ nụ yêu
Nắng vàng rụng dưới tà chiều
Bóng cây thấp thoáng tưởng kiều đến thăm.
Rụng đáy hồ thu
Môi nàng, ai ngắm... mộng mơ
Dáng nàng, ai vẽ câu thơ… diệu kỳ
Áo nàng, ẩn giấu men say
Mắt nàng, rụng đáy hồ thu... là chàng
Cho hồn sa áo em cong
Cho môi khao khát chạm vòng môi xinh
Cho chìm trong mắt long lanh
Cho hương thơm phức ngự gần vai em...

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

560. Câu chuyện về thiền sư Vô Nghĩa

Nàng áo đỏ, dáng xinh xinh
Cỏ xanh hoang dại rập rình... dáng em
Cây cao bồng dáng em lên 
Nắng chiều thả nhẹ sợi mềm trên môi...
Trời xa, xuyên trắng mây mơ
Nàng hoa tán gió, thả hờ nụ yêu
Nắng vàng rụng dưới tà chiều
Bóng cây thấp thoáng tưởng kiều đến thăm!

Ông đội một cái nón lá, mặc một cái áo tơi làm bằng rơm, tay cầm một cái cây giống như một cái cần câu ngắn, mà nhìn ông, người ta có thể liên tưởng đến hình ảnh của lão Bang chủ Cái Bang Hồng Thất Công trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung, như một lão thiền sư Nhật ngày xưa thường cưỡi một chiếc thuyền nan đi ngao du bốn bể, hay như một lão nông dân Việt xưa nay vẫn thường đi kiểm tra ruộng lúa sau cơn mưa…
Tên hiệu của ông là Vô Nghĩa, không biết cái tên này có tự bao giờ, có thể nó do một số bạn thân của ông trước đây thường đùa với ông, do cái bóng của ông hàng ngày thường tâm sự với ông, hay do chính bản thân cuộc đời này tự phản ánh với ông một sự thật như vậy!

Vừa đi, ông vừa lẩm bẩm cười thầm:
-Ngày xưa, Bồ Đề Đạt Ma thường hay nói vô minh, vô minh, vô minh… mà ta cũng chả hiểu, rất nhiều người khác cũng chả hiểu, té ra ‘vô’ là không, ‘minh’ là sáng, tức là những điều không rõ ràng, nói một cách khoa học, đó là những phản ánh hư ảo trong đầu óc của con người đối với thế giới tự nhiên, hay nói ngắn gọn, đó là hư ảo, ha.. ha.. ha…

Như một kẻ lang thang, đang lầm lũi bước đi trên một con đường dài vô tận mà nó có thể dẫn đến thiên đường hay địa ngục, ai nào biết!, ông nhớ lại các câu chuyện ngày xưa nói về Lưu-Nguyễn, Từ Thức… được lên cõi tiên, ở trên đó ngày đêm chỉ toàn là vui chơi, làm thơ-văn, đọc sách, ngâm thơ, ngắm hoa thưởng nguyệt, ngồi nhâm nhi rượu và đàn ca hát xướng cùng các tiên nữ đang uốn lượn trong các vũ khúc nghê thường… mà không hề có có chút lo lắng trần thế nào cả, nên ở trên thiên đường một thời gian thì mấy ông… chán quá nên nằng nặc xin quay trở lại trần gian đau khổ nhưng đầy tính người. Ông lại cười thầm và nghĩ:
-Ở đâu mà chỉ có toàn là hạnh phúc thì hạnh phúc đó sẽ trở thành vô nghĩa, chính vì vậy mà các vị thần tiên trên thiên giới cũng không thể nào… sống nỗi mà đòi xuống trần gian, giả sử ta mà suốt ngày chỉ toàn là vui chơi không thôi thì chán vô cùng, phải chăng chỉ có nơi nào có đau khổ thì hạnh phúc mới có nghĩa... Và mấy ngàn năm nay chả có ai chứng minh được một hạt bụi nào về thiên giới cả, phải chăng nó là điều hư ảo nhất trong số những điều hư ảo!

Ông lại nhớ lại mấy câu chuyện của Kim Dung, nào là Dương Quá - Tiểu Long Nữ, nào là Trương Vô Kỵ - Triệu Minh, nào là Lệnh Hồ Xung - Doanh Doanh… mà sau khi thỏa mãn về tình yêu đã tìm cách… chuồn khỏi thế nhân, rồi chuyện của Shakespeare cũng đã đưa Romeo và Juliet vào cái chết cổ điển không lối thoát. Ông nghĩ:
-Ông Kim Dung cũng không thể đưa ra lời giải đáp cho cuộc sống, ông Shakespeare cũng chả khác gì mấy, dĩ nhiên rồi, vì mấy ngàn năm nay, chả có triết gia hay ‘vĩ nhân’ nào làm được điều đó (trừ những điều nói trong kinh sách), nói chung là muốn… hạnh phúc thì con đường tối hậu là họ ẩn vào trong… tình yêu, nhưng tình yêu cũng không dẫn đến lối thoát cho cái cuộc sống nhân sinh đầy khổ đau và phức tạp này, nên họ phải chui vào Cổ Mộ, phải ẩn trong tình khúc hư ảo ‘Tiếu ngạo giang hồ’, phải cùng… chết, nói cho cùng, mọi thứ đều dẫn đến cái chết, chết là hết, chết là giải thoát, phải chăng chết mới là bất tử, là... hạnh phúc, và phải chăng hạnh phúc là mặt trái của khổ đau:
-Hạnh phúc
Là manh chiếu rách
Kéo bên này, sẽ lỗi hẹn với bên kia
Hạnh phúc
Là nụ cười gượng
Tươi ngoài đời, lại héo tít trong sau
Phải chăng
Hạnh phúc là khổ đau
Cứ đớn đau, mới thấy còn… hạnh phúc (Mùa thu vàng)
-Cuộc sống bao giờ cũng có hai mặt
Đến trái tim cũng đâu hoàn toàn máu đỏ
Một nửa đã là máu đen rồi (Đặng Thùy Trâm, trích từ Facebook)

Và mặc dù ai đó có bảo vệ cho cái hạnh phúc ngắn ngủi trên trần thế này, rằng:
Hạnh phúc là
Hài lòng với những điều mình có
Kể cả khi bữa đói bữa no
Và cả những đêm lạnh lẽo nằm co
Hạnh phúc của em... giản đơn vậy đó (Chân Tình)
-Ta cứ ngỡ trần gian là cõi tạm
Nhưng nào ngờ tất bật đến hôm nay (trích blog Con Đường Niết Bàn),
nhưng nhiều người hơn đã nói:
-Đời mang nặng lắm những đau thương
Là muôn vạn nẻo... há tỏ tường
Vô vi con tạo sao khéo vẽ
Thường nhân cam chịu khuất mọi đường (ĐomĐóm)
-Nhìn mọi người nhiều lần con ước
Sẽ có ngày hạnh phúc vây quanh
Nhưng chờ mãi đến giờ vẫn thế
Hạnh phúc ơi! Sao quá mỏng manh (Chiều Tím)
-Đến với đời khúc bi ca
Khát dòng sữa mẹ, lại là...
Viễn vông
Giọt sầu nhốt chặt cõi lòng
Lắc lay, chấp chới nửa vòng... tử- sinh (Biển Xưa)…
Vâng, ông biết, ông tự khẳng định lại và nhắc lại với lòng mình rằng:
-Ông bà ta nói ‘sinh dữ, tử lành’, tức là sinh ra (hay sống trên cõi đời này) là điều ‘dữ’ mà chỉ có cái chết mới là điều ‘lành' (hay là hạnh phúc). Các bậc giáo chủ đều nói ‘đời là cát bụi’ hay ‘đời là bể khổ’ chứ chả có ai nói ‘đời là bể sướng’ cả!

Trong một bữa nhậu, có một… bạn nhậu nhắc lại với ông rằng ‘không có cái gì là bất tử, mà chỉ có cái chết mới là bất tử, vì chỉ có cái chết là không bao giờ chết’, nó làm ông nhớ lại một đoản thơ mà ông làm cách đây không lâu:
Không có cái gì là tuyệt đối, chỉ trừ cái tuyệt đối.
Không có cái gì là không biến đổi, chỉ trừ cái biến đổi.
Không có cái gì là bất tử, chỉ trừ cái chết.
Không có ai là không đau khổ, chỉ trừ người chết.
Cũng trong bữa nhậu đó, ông có buộc miệng nói ra rằng:
-Tuyệt đại đa số con người đều có lòng ‘tham’ mà có thể nói là vô đáy, ‘con người có một thì muốn hai’, không bao giờ ngưng nghỉ. Vậy những con người đã trên tuổi ‘tri-thiên-mệnh’ nghĩ sao, các bạn còn ôm tham-sân-si để làm gì, còn chạy theo chữ ‘t’ tức là tiền bạc + đất đai + nhà cửa + gái đẹp/đại gia… để làm gì, vì 'bạn có thể ra đi bất cứ lúc nào vào ngày mai' như các vị Lạt Ma Tây Tạng đã nói, nhà vĩnh biệt đang chờ đón bạn như các tín đồ đạo Chúa thường nói, 'hỉ lạc sầu bi đều trở về với cát bụi' như trong kinh Ko-ran đã nói, hay 'cuối cùng thì bạn cũng chỉ được có 2m đất' như Lev Tolstoi đã nói…

Nói chung là con người do bị ám ảnh bới thế giới vô minh - một thế giới hư ảo, mà họ đang làm điều vô nghĩa, đặc biệt là cái hạt-bụi-con-người trước cái thế giới vô cùng vô tận này.
Vâng, ông biết: cái vĩ đại nằm trong cái tầm thường, ông bỗng chạnh lòng khi nhớ lại ngày xưa ông đã ham cái vĩ đại hư ảo mà bỏ qua cái… tầm thường:
Nhớ em nhớ về con sông nhỏ
Nhớ mấy hàng cau, mấy gốc dừa
Bao năm xa cách, nghe nàng chết
Để lại tình tôi, những giọt mưa
Và ông cũng biết là ông sẽ ra đi vô nghĩa như một chiếc lá mùa thu rụng, nhưng ông cũng nghĩ là ta nên vui lên trong cõi tạm này khi có thể:
Đêm tím mơ hồ, em ảo xinh
Một cánh tay hoang kiếm chị hằng
Đôi môi mấp máy chờ hương lạ 
Một đóa hoa hồng rơi vai em... 

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

559. Hạnh phúc - bài toán không có lời giải

Ngồi ngắm biển, thương nhớ về quê cũ
Suốt đời này, chỉ lận đận ngược xuôi
Bản nhạc đời chỉ còn là lời cuối
Tạo hóa ơi, ta xin... vĩnh biệt người!
Mấy hôm nay, mình có vào blog của bạn Biển Xưa, mình rất thích những tâm sự của bạn ấy vì nó rất ‘thật’: ta là ta, có gì đâu mà phải nói dối hay nói theo, đau thì nói là đau, buồn thì nói là buồn, khổ thì nói là khổ, vì ta đúng là như vậy rồi, bởi vậy trong Phật học người ta mới có từ ‘như thị’… Mình đồng cảm với bạn ấy và đã bình như sau:
'Những cuốn sách nằm rãi rác trên mặt đất.
Chúng nói gì?
Không biết, ta đã quên... chúng từ lâu.
Và cuộc đời cũng không khác gì mấy.
Ta muốn quên, nhưng nó lại nã vào đầu ta những viên đạn, vô cùng đau đớn.
Ta... không chống lại được,
nên ta thường im lặng và mĩm cười... khổ đau'.
*
Mình rất thích thơ Nguyên Sa (nhạc Hoàng Thanh Tâm) với các câu:
Mình dựa vào nhau cho thuyền ghé bến.
Sưởi ấm đời nhau bằng những môi hôn.
Mình cầm tay nhau nghe tình dâng sóng nổi.
Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn...
Mình cũng thích một phát biểu của một người tham gia một trò chơi (quên tên) trên VTV mới đây:
Hãy sống như ngày mai ta không còn sống nữa.
Hãy yêu như ngày mai ta không còn được yêu nữa.
*
Nhưng, mình dị ứng nhất là những ai nói kiểu ‘cuộc đời vẫn đẹp sao’ như: tôi lạc quan, tôi phơi phới yêu đời, tôi hạnh phúc viên mãn, tôi sống tức là tôi bất tử…, các bạn nghĩ thử xem, mọi thứ người đó đều nói đến ‘tôi’ mà chả quan tâm gì đến ‘kiếp nhân sinh’ của người khác, nên nói như vậy thì, một cách vô tình, chả khác gì là… giết người.
Về cái được gọi là… cao siêu, chẳng hạn có một nữ tu sĩ đã nói:
Chỗ tôi đầy nắng, đầy hoa
Chỗ anh đầy tiếng ve sầu bi thương,
các bạn nghĩ thử xem, cô ấy còn phân biệt thị phi, nàng không những chưa ‘ngộ đời’ mà còn có khoảng cách rất xa với hiện thực, thế thì ‘thiền tính’ của nàng nằm ở đâu?
Tất nhiên mình cũng hiểu được rằng: đã là con người thì ai cũng muốn thể hiện mình như 'tôi là nhất', 'tôi là số một', 'tôi là giỏi', 'tôi là hay' về cái này cái nọ, thậm chí là người ta còn ‘dìm’ người khác xuống để… nâng mình lên, nhưng lúc đó, mình tự hỏi:
-trong số những người muốn thể hiện cái tôi, thì ai là hơn nhỉ?, và câu trả lời là:
-không có ai hơn cả.
Và mình cũng biết rằng số người mà ‘kiềm chế được cái tôi của mình’ là rất hiếm, nên chỉ ai mà biết kiềm chế mình thì người đó... hơn - điều này không phụ thuộc vào việc ai đó có nhiều tiền hoặc làm lớn hay không…
*
Cách đây khoảng 20 năm, mình có nghe một phụ nữ nói là:
-Nếu ta làm cái gì mà thành công nhanh quá, thì khi bị thất bại, nó sẽ xảy ra dây chuyền, giống như một chiếc xe xuống dốc mà không thể nào thắng lại được.
Lúc mới nghe, mình cũng hơi ngờ ngợ. Nay mình thấy chị ta nói… đúng. Mình xin kể ra dưới đây một câu chuyện có thật nhé:
Có một đại gia nọ vì làm ăn lớn nên có vài ngàn tỉ đồng, và có một anh nông dân vì tầm-nhìn-ngắn (!) nên chỉ loay hoay với vài triệu đồng/tháng, ta thử đặt câu hỏi là:
-Ai hạnh phúc hơn?
Dĩ nhiên là tuyệt đại đa số người sẽ cho (hoặc trong thâm thâm họ đã cố định) rằng người có nhiều tiền thì… hạnh phúc hơn, thậm chí có nhiều người có học vấn cao cũng nghĩ vậy, ai mà cãi nổi!
Nhưng hạnh phúc phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố hay phải thỏa rất nhiều tiêu chí, và những gì xảy ra trong cuộc sống không giống như ta thường tưởng. Chính đại gia nói trên đã làm đến chức Chủ tịch của một địa phương nọ, vì thế các con của ông đều được cử đi làm ở Đại sứ quán ở nhiều nước, và người ta đồn rằng:
-Đây là một gia đình danh gia vọng tộc, hơn chúng tôi đến 100 lần và có nằm mơ chúng tôi cũng không mơ nỗi.
Thế mà, một thời gian sau, không hiểu vì một lý do nào đó mà ông bị thất thế về chính trị mà cả nhà ông phải chuyển đi mưu sinh ở một xứ xa lạ khác. Và kể từ đó, cũng không hiểu vì lý do gì mà sự nghiệp cả nhà ông xuống dốc, xuống đến tận... đáy của xã hội, đến nổi người ta đồn rằng nhà ông bị ‘quỷ ám’, và đến nổi người con của ông hét to lên với ông trời rằng:
-Tôi đã thuộc mọi đường đi lối bước trong địa ngục rồi, nên đối với tôi, luyện hỏa ngục chả là cái gì cả, vì không có nơi nào khổ hơn cái địa ngục trần gian này.
Và nếu ai đó đang… hạnh phúc thì chớ chủ quan mà hãy ghi nhận lời nói thật của người con nói trên nhé: ‘không có nơi nào khổ hơn cái địa ngục trần gian này’.
Vâng, mình cũng xin ghi nhận phát biểu này...
*
Hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng và luôn luôn có hai mặt: được cái này thì mất cái kia, trong cái may có ẩn tàng cái rủi mà ta thường nghe qua câu chuyện ‘Tái ông mất ngựa’ trong cuốn sách Cổ học tinh hoa đó.
Hạnh phúc mà ta có được bởi vì ta đã từng trải qua (nhiều) đau khổ, có nghĩa là nếu ta không biết đau khổ thì cái mà ta gọi là hạnh phúc sẽ trở nên vô nghĩa, nói nôm na là nếu không có bóng tối thì ta sẽ không biết sáng là gì, hay nếu không có đêm thì chắc chắc là sẽ không có ngày. Và tại sao người ta thường nói là ‘hạnh phúc ngắn ngủi’ hay ‘hạnh phúc mong manh' nhỉ?
Đúng, một hạt sương đẹp long lanh rồi nó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, con người cũng vậy, chưa biết là bạn đau khổ hay hạnh phúc, nhưng có thể có một kẻ được gọi là hạnh phúc nào đó, nếu người ấy lỡ leo lên mái tôn dưới trời mưa với các đường dây điện bị hở nối, lỡ để một khối lượng lớn thuốc nổ - để làm cảnh cháy nổ nơi phim trường - ở trong nhà, lỡ ngồi trên chiếc máy bay Boeing MH370 của Malaysia hay trên chiếc phà SEWOL của Hàn quốc… thì chắc chắn là sẽ tiêu diêu miền cực lạc sớm.
Người ta hay nói ‘vô thường’ (= impermanent) rất khó hiểu, thì ta hãy nói: vô thường là tính tạm thời/không bền vững, bất ngờ, hay không đoán trước được... của mọi sự vật/hiện tượng. Mọi thứ đều có thể xảy ra, hạnh phúc có thể ra đi một cách bất chợt, ngược lại, đau khổ cũng có thể đến trong vòng một sát na, mà ta không thể nào ngờ được.
Trong sách Cổ văn có câu:
-‘Thương hải biến vi tang điền’ hay
-‘Nền cũ lâu đài bóng tịch dương’,
biển xanh còn có thể biến thành ruộng dâu, một tòa lâu đài nguy nga của vua chúa còn có thể biến thành cái… nền cũ, huống chi là cái sinh mạng vô cùng hữu hạn của chúng ta trong cái thế giới vô cùng vô tận này…

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

558. Chùm thơ ‘Hổ và em’

Hổ và em
Dòng sông êm ả trôi lờ lửng
Mây trời xanh thẳm, cánh rừng xa
Tưởng nàng xinh xắn cười tươi nụ
Hổ đứng mơ màng, tim bỗng đau!

*
Chàng cảm thấy buồn, đi lang thang
Gặp phải nàng tiên... trắng ngỡ ngàng
Hổ sa lưới tình nên mắt lụy
Ôi, tím vì sao cong quá cong!

*
Nàng xinh đến nỗi yên lòng hổ
Đôi mắt hồ thu tưởng nhớ ai
Rừng xanh ta sẽ tha hồ rống
Nhưng cạnh bóng hồng, ta… ngẩn ngơ.


Các bài thơ khác

Chiều tà gọi yêu
Đóa hoa rừng, ô, trông thú vị
Thế gian này kỳ mị làm sao!
Mới qua một giấc chiêm bao
Bình minh đã hết, chiều tà gọi… yêu
Dòng sông nước chảy về xa biển
Đụng phải dáng mềm nước cuộn quanh
Em cong, làm khổ tình anh
Bỗng sanh tà niệm, bỗng nằm mơ tiên
Bóng hồng quyến rũ, mùi hư mộng
Những đám mây đen, chốn chợ đời!
Hoa... tình sao nở nụ mơ!
Nhớ người day dứt, mây… hờ hững trôi.

Người đi
Người đi trời tối âm u 
Người đi đèn cũng mịt mù dưới sương
Người đi mưa ướt phố buồn
Người đi đường rọi bóng chàng cô đơn
Người đi mang cả dáng tròn
Người đi mang cả mùi thơm của đời
Người đi để lại cơn mơ
Người đi để lại nửa đời còn... đau.

Sẽ có một ngày…
Em trở về đây, không thấy ai
Đường xa hun hút, chả nơi dừng
Phù vân trôi mãi, đời hư ảo
Sẽ có một ngày, em có… anh
*
Em buồn đôi mắt âm u nhỏ
Cỏ úa màu khô, khóc giùm em
Lá cây xanh xám, như sầu khổ
Hoàng tử rồi đây đến... dỗ dành!

Ta đã xa ta
Hoa tím trên đồi, ôi tím xinh!
Trời xa xa ảo, thoáng sương mù
Sáng buồn, thơ thẩn vòng phố núi
Về nhà, bỗng rộn nhớ đường cong
*
Chiều về hoang vắng, nắng vờn sông
Mặt nước long lanh, hiện bóng hồng
Thuyền nan đậu bến, mềm sương khói
Cây si hoang dại, thả lá buồn
*
À... dường như ta đã xa ta
Yêu đương chi lắm cõi đời này
Thoắt rồi mai kia không còn nữa
Ai luyến lưu mình, ta biết sao!

Xin... vĩnh biệt người
Đôi mắt nàng, ôi sao đầy nữ tính
Nhớ thương nàng, mây trắng quyện chung quanh
Nửa vầng trăng, vẫn chìm trong kỷ niệm
Mất… em rồi, nhưng nhớ mãi không quên
*
Cuộc đời ta như cơn sóng vô hình
Vỗ dồn dập vào bãi cát vô minh
Ngẫm lại mình, không còn gì để mất
Một chút tình, ta ước, rồi... lặng thinh
*
Ngồi ngắm biển, thương nhớ về quê cũ
Suốt đời này, chỉ lận đận ngược xuôi
Bản nhạc đời chỉ còn là lời cuối
Tạo hóa ơi, ta xin... vĩnh biệt người!

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

557. Con kiến và ảo tuệ

Con kiến đi thang thang cả đời, và nó đã đi được khá nhiều rồi, trong đó nó có ‘duyên’ mà được gặp một số… ‘thiền sư’ - với ý nghĩa là những người ‘ngộ đạo’ hay nói cho dễ hiểu, đó là kẻ ‘khiêm tốn’. Việc nó đi nhiều nơi và gặp được nhiều ‘cao thủ’ như thế, âu cũng là số phận.
Nó tâm sự ở đây để chỉ ra rằng: có nhiều người tưởng mình đã ‘giác ngộ’ hay tưởng mình là ‘cao thủ’ thực ra là họ đã sai lầm lớn, nó… biết được điều này vì nó có cái máy ‘đo’ của nó. À, nó sẽ kể ra một số cuộc ‘giao duyên’ dưới đây mà không ám chỉ cụ thể là ai: nó chỉ mượn một ‘chiếc là bàng’ để dẫn đến một suy nghiệm nào đó mà nó muốn tâm sự, chứ ông A hay B chả có… bà con gì với nó hết.
*
Có con kiến A, ‘ông ta’ có tới 3-4 cái sim điện thoại lận, mà đôi khi nó có cảm giác là chả biết mình nên lưu chính thức số nào của ổng!… Hôm đó, ổng nhắn tin cho nó, nó đang ngủ, nên mới đáp lễ lại là:
-Cám ơn bạn, lúc nào rảnh tôi sẽ gọi cho bạn.
Nhưng đời là ‘sắc sắc không không’, vì ổng 'không' mở máy, nên ngày mai làm gì 'có' !
Ban đầu, nó nghĩ vì ổng là ‘giáo sư tiến sĩ’ nên tắt máy để khỏi làm ồn tại các cuộc hội thảo quốc tế nào đó, hay ổng là một ‘thiền sư’ đang bận ngồi thiền trong một tịnh thất nào đó: nó hiểu và thông cảm! Nhưng, là kẻ đã lăn lộn nhiều trên giang hồ, nó thầm nghĩ là hiện tượng này giống như có một người tốt bụng hay một nhân viên an ninh mạng nào đó đang… theo dõi nó, mà nó chỉ là một con kiến… tầm thường thôi, hihi…
Rồi nó nhận được thông tin từ ông ta lần hai, lần ba, lần tư…, và nó có nhắn tin trả lời, nhưng sau khi trả lời, chờ lâu ơi là lâu, thì Viettel có báo là:
-Tin nhắn của bạn chưa được gửi đến người nhận.
Ôi, đời là sắc sắc không không, ‘có’ đi nhưng ‘không’ có lại !...
*
Nó thường đi uống cà phê, thấy cây điều thì tả cây điều, thấy cây trứng cá thì tả cây trứng cá, thấy con ve thì tả con ve, thấy con bướm thì tả con bướm…, và nó nghĩ đó là những bức tranh ‘thiền’ mà thực và sống động hơn bất cứ một loại lý thuyết thiền… hoang tưởng nào.
Nó nghĩ rằng con kiến A đã đăng tải lời bình (hay thơ/văn) của mình lên thế giới blog, tức là đã hình thành nên một giao diện: những người đọc đều biết nó, và nó đã ‘nói chuyện’ với họ thì họ có quyền nói chuyện với nó, có gì đâu mà phải ‘ẩn’? Chả lẽ suy nghĩ hay cách sống của nó là ‘cao’ hơn các blogger khác? Hơn nữa, việc trao đổi với nhau giữa ‘người và người’ hay sự tương tác giữa ‘hai cá thể’ vốn là một quy luật của thế giới tự nhiên, có gì đâu mà phải tránh? Chả lẽ nó là một 'động vật' không tự nhiên, hay tóm lại, là kẻ cố chấp?...
*
Nó đã từng nghĩ:
-thiền sư là những người ngộ đạo hay nói cho dễ hiểu, trước tiên phải là kẻ ‘khiêm tốn’,
đúng… rồi chứ còn gì nữa, chả lẽ kẻ không khiêm tốn mà là kẻ ngộ đạo! Thường, nếu ai đó trong lòng không khiêm tốn, thì mặc dầu bên ngoài trông thái độ của y có vẻ khiêm cung, nhưng nói chuyện với y một lúc thì sẽ lòi cái đuôi không khiêm tốn ra liền à, ha.. ha…
Nhưng người đời là người đời, làm sao mà ta nghĩ rằng họ… phải khiêm tốn được! Đúng là ai đó có thể do… quá say mê trình bày ý tưởng của mình, mà có thể bộc lộ ra cái ‘nói dai, nói dài, rồi nói dại’, nhưng nếu kẻ đó biết dừng lại đúng lúc và xin lỗi:
-Xin bạn quan tâm đến ‘ý’ mà tôi nói’ chứ không phải ‘lời’, vì khi tôi đang cảm hứng thì lời nói có thể hơi quá xa, nên có gì bạn bỏ quá cho nhé, và sau đó, tất cả rồi sẽ ra đi, tôi sẽ không còn là tôi nữa...
Và nếu không nhầm, đây là một trong những tính cách của người có… ngộ tính cao.
Vậy thì cái gì là ‘ảo tuệ’, dưới góc nhìn của nó? Đó là trạng thái của kẻ mà cho rằng mình là một cao thủ, là siêu nhân có… siêu tuệ, làm sao mà biết được?, đơn giản bởi vì kẻ đó nghĩ rằng người khác không có trí tuệ bằng y - kẻ đang tự sướng hay đang thủ dâm về tinh thần!; đó là kẻ mà tự cho mình là là thiền sư, là thánh nhân…, làm sao mà biết được?, đơn giản bởi vì kẻ đó nghĩ rằng ‘ta đã giác ngộ’, còn… lão bá tánh không ‘ngộ’ được như ta, và chính các quan điểm này làm ‘ngài’ bị hạ thấp hơn thường nhân, tối thiểu là một bậc!...
*
Viết đến đây, con kiến bỗng thấy mình bị một cơn gió vô minh, thổi nó bay lạc vào một thế giới trùng trùng duyên khởi, mà ở đó, nó gặp thánh Peter, ổng hỏi bằng tiếng... Anh:
-What do you think about meditation? (Bạn nghĩ gì về thiền?), nó mới trả lời như sau:
Hoa tím trên đồi, ôi tím sao!
Trời xa mờ ảo, thoáng sương mù
Sáng ra, thơ thẩn vòng phố núi
Về nhà, bỗng rộn nhớ đường cong...,
và nó nói tiếp:
-có con kiến chúa mới có tôi, nên việc tôi thích... 'nàng' là tự nhiên, và tất cả cái gì diễn ra trong thế giới tự nhiên đều là đúng, chỉ có suy nghĩ của tôi là… sai mà thôi,
nghe xong, thánh Peter cười một cách sảng khoái, ngài nói ‘hay quá, ta thưởng ngươi vài chén trà Ô Long nhé’, và con kiến vui vẻ gật đầu…

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

556. Con bọ ngựa... siêu tuệ!

Sáng nay, có một con bướm vàng, không hiểu sao nó lại chọn một cái cành điều, đậu cánh ở đấy, và quan sát các hoạt động của con người. Nó ngẫm nghĩ mà cười thầm, đó là khi nó… viết bài, có người tưởng là nó theo đạo, không đâu, đơn giản là nó gặp cái gì thì suy nghĩ về cái đó thôi, mà đã có lúc nó trả lời một bạn gái rằng ‘chân lý đã có sẵn trong thực tại, ta... chịu khó tìm hiểu tí vậy’… Và ở đấy, nó gặp môt anh chàng bọ ngựa, nó mới tâm sự rằng mình cũng biết cô đơn, đau khổ như ai, và suốt đời, nó vẫn cứ rung động, rung động mãi, rung động hoài, cho dù tình yêu có thể là… ảo mộng:
Đôi mắt nàng long lanh chiều sương khói
Những hàng cây lặng dõi bóng vô thường
Dấu yêu xưa, nay còn hay đã mất
Giấc mộng nào ta ảo mãi không nguôi…
Còn con bọ ngựa - vốn là một tu sĩ đang tu trong núi Himalaya, 'chàng' nói đủa như vậy - thì có nhiều lần tỏ vẻ ủng hộ cái khát vọng ‘yêu’ của con bướm, chàng ngâm thơ rất hay, đến nỗi mấy con bướm khác phải năn nỉ, rồi chàng cất tiếng ngâm ngân nga, rất có hồn, và nghe rất là rung cảm:
Em cứ đứng âu sầu nghe sóng biển 
Gió lạnh về gợi nhớ chuyện đôi ta
Chuyện mình sao lại xót xa
Chuyện mình sao lại chỉ là đớn đau...,
nhưng con bướm nghĩ rằng những kẻ không đau khổ thì làm sao mà hiểu được cái… đau khổ tuyệt vời của tình yêu, làm sao mà hiểu được câu ‘hỡi thế gian tình là gì, mà đôi lứa thề nguyền sống chết’, chẳng hạn như ông Bao Thanh Thiên mà còn không hiểu được, huống gì một con bọ ngựa chưa trải qua tình trường...
Rồi, chính con bọ ngựa cũng không thể hiểu được là tại sao nó lại tham gia vào thế giới blog, từ chỗ ‘vô tình’ thì ít, đến chỗ ‘cố tình’ thì nhiều, từ chỗ ‘gia’ thì ít, đến chỗ ‘tham’ thì nhiều, rồi ngọn lửa ‘háo danh’ có sẵn trong lòng nó ngày càng bốc lên ngùn ngụt không thể nào kiềm hãm nỗi, nó lại sợ người ta biết mình mà nói này nói nọ, nên thay đổi nick xoành xoạch, nhưng trong thâm tâm, nó vô cùng ham muốn người ta biết đến ‘tài hoa’ của mình, ha.. ha…
Thừa biết các cái ‘nick’ mập mờ kia là của con bọ ngựa, con bướm mới hỏi:
-Có phải là bạn đấy không?
Con bọ ngựa chối đây đẩy ‘đâu có phải tôi’, con bướm bèn nói:
-Kẻ mà lừa dối mọi người thì sẽ bị đày xuống địa ngục đó!
Anh ta giật mình quay lại hỏi ‘thật à!’, rồi ra về. Và ‘kẻ ẩn danh’ này chỉ được có 2 lần đầu là nói năng có chút thông thái như: đời là muôn hình muôn vẻ, đời có màu đen và có màu trắng… (mà chú bướm nghĩ rằng đây mới một trong những dấu hiệu của… trí tuệ), nhưng đến lần thứ ba, anh ta bị ‘lộ tẩy’ khi hùng hổ tuyên bố rằng cuộc đời của anh ta là tràn ngập hoa và nắng, rồi nào là lạc quan, nào là phơi phới yêu đời, nào là hạnh phúc viên mãn…
Vâng, cuộc đời này theo con bọ ngựa thì toàn là một màu... xanh dương, con bướm chỉ im lặng không nói gì nhưng nó thừa biết là cái anh chàng này không điên mới là lạ, mà nếu anh ta không điên thì Nguyễn Du phải… điên vì ông dám phát biểu là ‘người buồn cảnh đó vui đâu bao giờ’, ha.. ha…
Con bướm lại suy nghĩ miên man liên quan đến cái anh chàng bọ ngựa này… Sống ở đời dễ gì mà không thành thật, người ta có ngu đâu, họ biết ‘tỏn’ đi chứ!, nên nếu ai đó có lần không thành thật, thì kẻ ấy muốn che đậy cái tôi cố chấp hay dối trá của mình; có không ít blogger hiểu biết rộng chả kém ai, nên nếu ai đó tưởng mình là kẻ siêu tuệ hay là một ‘cao thủ’, thì kẻ ấy nhầm lớn; đã nói đến ‘phật’ là nói đến vô chấp, nên nếu ai đó cho mình là ‘kẻ giác ngộ’ rồi coi thường kẻ-không-giác-ngộ, thì kẻ ấy đang sống trong một thế giới vô minh với đầy vọng tưởng; đã nói đến ‘phật’ là nói đến vô ngã, nên nếu ai đó nói rằng ‘tôi là phật’ (hay kẻ giác ngộ), thì kẻ ấy đã mặc nhiên giết phật; và nếu ai đó cố tình bằng cách ‘nửa kín nửa hở’ để tự xưng mình là ‘kẻ giác ngộ’, thì kẻ đó quả thật là đáng… tởm; nhưng đó cũng là những chuyện thường tình…
Nhưng có một chuyện không thường tình chút nào, như câu chuyện xảy ra sau đây:
Chiều hôm nay, nghe nhà hàng xóm có tiếng khóc, một con bọ ngựa cái không nén nỗi tò mò, chạy ra trước cổng và hỏi một cô ‘ô-xin’:
-Nhà ấy có chuyện gì thế?,
rồi cô ta rướn người về phía trước, cái mông cong lại, hai mắt dáo dác, hai tai vểnh lên… làm như nếu không biết chuyện của nhà hàng xóm thì cô ta có thể… chết ngay đi được!
Như vậy, nói cho cùng thì về bản chất, giữa ông bọ ngựa ‘siêu tuệ’ nói trên và bà bọ ngựa ‘tò mò’ này là chả có khác gì nhau lắm: họ đều ‘hậu đậu’ như nhau, hihi…
Rồi nó thầm nghĩ, phải chăng trí tuệ là những cái gì nằm đàng sau những lời nói màu ‘xanh’, màu 'hồng', hay đàng sau ánh hào quang ảo của sự hiểu biết!
Nghĩ đến đây, con bướm chợt đọc được một lời thoại hay nhất của Ophelia trong vở kịch ‘Hamlet’ của Shakespeare: ‘Ngủ đi tức là chấm dứt mọi đau khổ của cõi lòng và muôn vàn vết tử thương mà hình hài phải chịu đựng, kết liễu cuộc đời như thế, chẳng đáng mong muốn sao?’: ông ta cứ mạnh mẽ nói về cái chết, về đau khổ, và lời phát biểu của ông trở thành ‘bất tử’ đến mấy trăm năm rồi, vâng, đau khổ làm sản sinh ra của hạnh phúc, vì thế có biết bao người không quan tâm đến cái gì là… siêu tuệ, mà đã ca ngợi sự cô đơn và tình yêu như là hai nỗi đau tuyệt thú trên trần thế:
Lá đâu rơi xuống bên thềm
Cô đơn rơi xuống chạm nền hư vô
Mắt nhòa tưởng bóng em vào
Tưởng trăng mềm mại, tưởng sao... rụng rời.

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

555. Chuyện ngụ ngôn về cây điều và cây trứng cá

Cây điều sống ở bên kia đường, trong một vùng đất thấp chạy xuôi xuống một con suối nhỏ với những con cá lạ, có dáng dẹp dẹp, trông giống như con cá lau kính trong bể cá vậy, mà người ta ít ăn vì mùi vị không ngon.
Nó sống chung với nhiều bạn khác. Chúng có cành lá xum xuê từ gần gốc cho đến ngọn, vì quay mặt về hướng Tây, nên vào buổi sáng, một thi nhân nhìn vào và cảm thấy dưới chúng đầy vẻ... u tối, may lắm là buổi trưa, chàng mới thấy được những mảng sáng xuyên qua chòm lá và bao quanh những cái bóng đen thui của chúng, và cuối chiều, khi mặt trời sắp sửa vào ẩn sau ngọn núi xa, chàng mới thấy được vài khoảng trắng nho nhỏ và mờ ảo nằm ở cuối mỗi hàng điều.
Chả biết tại sao mà loài người chả đoái hoài đến, nên chúng là những cây điều hoang dại, mà có những đứa con màu đỏ giống như một quả đu đủ nhỏ bằng đầu ngón chân cái, rụng xuống và nằm ngửa ra trên mặt đất, mà trước đó đã bị sóc hay côn trùng gặm, ngoài ra, một trong những đứa con tội nghiệp này có thể bị một anh chàng nào đó ngẫu nhiên qua đường, ghé lại ‘tè’, và vô tình giẫm lên...
Cũng bên kia đường, có nhiều chú ve sinh sống ở một khu rẫy hoang gần đó. Có một 'nàng' ve buồn buồn thế nào ấy mà bay lạc sang, đậu trên cánh tay cây điều này và sống chung với nó, mà cứ gần trưa là nàng hát lên những đoản khúc:
-Rét.. rét.. rét…, hay tấu lên bản giao hưởng dài như bất tận:
-Ve.. ve.. ve.. ve.. ve…
Với nàng ca sĩ tài tử ‘tự nhiên’ đó, nó cảm thấy có một niềm hạnh phúc nho nhỏ, lạ kỳ và khó mô tả, vì thế, nó rất trân trọng nàng và nghĩ rằng nàng là một ‘thiền sư’... Ngày ngày, nó lắng nghe tâm sự của nàng, và làm thơ vì nàng:
Lối nay tôi ngắm cây rừng
Cây im im bóng tôi ngần ngại tôi
Ve kêu hè đến đây rồi
Tiếng ve rụng xuống kêu sầu giữa khuya...
Cây trứng cá sống ở trước sân của quán cà phê đối diện với vườn điều, nó ngự trị ngay ở phần đầu của một mảnh đất cao chạy dài đến một cái vườn cây ăn trái. Vì có thể đem lại bóng mát cho mấy chiếc xe máy và cái xe bán nước mía, nên khách yêu nó và cô chủ nhỏ cưng nó lắm.
Trước mắt nó, có từng đàn bướm vàng bay lượn, và sau lưng nó, có tiếng ve sầu rả rich suốt canh trưa, nó cũng ngắm những đàn bướm thường bay dạo quanh nó rồi tản sang vườn điều vì có nhiều cây đang trổ hoa…
Cô chủ người có dáng mi-nhon khá dễ thương, đặc biệt là phía sau rất cong. Ban đầu, cô tỉa hết mấy cành dưới của cây trứng cá, chỉ để lại mấy cành trên cùng theo mặt phẳng nằm ngang song song với mặt đất, nó đau đớn lớn, nhưng cũng nén lòng chịu ‘giải phẩu’ để có một thân hình hấp dẫn hơn...
Vì được cô chủ nhỏ cưng, hay đại để là được ông trời... cưng, cây trứng cá không phải bận tâm lo lắng gì về 'nỗi sầu nhân thế' mà mọi sinh linh đều phải oằn vai gánh chịu, nó giống như một viên chức tháng nào cũng có sẵn lương mà hàng ngày thường lên xuống cầu thang và hát nghêu ngao những bản tình ca vô tư lự... Mỗi khi có gió mạnh, nó rướn người theo làn gió, vui đùa lã lơi, và nghĩ rằng:
-Ta đang ở trên cao, ở bên ta tràn đầy nắng và hoa, ta thanh cao, ta là… thiền sư, tội nghiệp thay cho mấy cây điều ở dưới nơi ẩm thấp, tối tăm, và tội nghiệp thay cho chú ve cô đơn suốt ngày than khóc một mình…

...Rồi khoảng một tháng sau, vào một buổi sáng hôm nọ, chàng lãng tử lại có dịp đi bộ đến thăm quán cà phê xưa, chàng rất ngạc nhiên khi thấy chiếc bảng hiệu ghi là ‘Quan tài Vạn Phúc’, chàng mới hỏi thăm, té ra cô chủ có ‘vấn đề’ với chồng, nên đã nghỉ bán cà phê, bỏ về nhà ngoại, sang lại quán cho một ông nọ ở trên phố, và vì vướng chỗ để chiếc xe tải chở quan tài ra vào, nên ổng đã hạ lệnh:
-Chặt cái cây trứng cá này đi…
Vâng, vị 'thiền sư trứng cá' mà những tưởng mình là hạnh phúc - đã chết, nhưng ở bên kia đường, cây điều vẫn sống bình thường và tiếp tục làm thơ ca tụng ‘nàng ve sầu cô đơn’ của nó:
Chiều hoang mắt dõi xa xôi
Ráng chiều nhuộm đỏ mây trời - mông mênh
Ô hay, em hát một mình!
Rừng cây im lặng, sông rình dáng em…