Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

675. ‘Chủ nghĩa duy tiền’ và tôi muốn nghe em hát mãi

  
Có khi tôi ngắm chiều tà
Tôi ôm gọn tím mượt mà dại hoang
Có khi tôi thoáng mơ màng
Tôi ôm gọn tím mơn man cả đời’
Tím làm tôi - lúc chơi vơi
Tím làm tôi - lúc tuyệt vời trần gian
Tím làm tôi - lúc ngỡ ngàng
Tím làm tôi - lúc lang thang đợi chờ...

Từ hôm qua đến nay, tôi mãi suy nghĩ về bí mật của cái mà đa số người Việt gọi là ‘vĩ nhân’… Nhớ lại, tôi có trả lời anh nguyenchunhac như sau: ‘Mãi gần đây tôi mới biết được... bí mật của các Hugo, Hemingway, Nietzsche, Kim Dung, Mạc Ngôn..., té ra là họ có cách xây dựng (các) 'bức tranh lớn', mà nhiều người Việt ta vì hay tôn sùng 'vĩ đại', vì nói theo/bắt chước..., nên gần như bị mất luôn tính sáng tạo, anh à’ (entry ‘Những chặng đường Phật, Chúa’, xem đường dẫn bên dưới). Tôi có kể lại những suy nghĩ này cho nàng nghe, và nói:
-Thường, cái gì của nước ngoài ta cũng cho là to lớn, vĩ đại, nhưng ta lại hay làm ‘chuyện nhỏ như con thỏ’, 
sau đó, tôi có ‘chém gió’ thêm một số chuyện dưới đây, và kết luận rằng:
-Tuy thế, tôi lại càng thấy yêu người Việt của mình hơn!,
và nàng ‘cừ’ quá trời!

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

674. Những chặng đường Phật, Chúa...

 
Tôi ngắm bờ sông có gió tây
Thầm thì gió thổi tới bên này
Lời gió nhẹ nhàng như nắng mỏng
Đêm tối nằm mơ, tôi sang sông

Về nguồn, trưa mộng, nước mắt rơi
Tỉnh mơ, chiều xuống, dạ rối bời
Người bên kia núi, ta còn cảm!
Lịch sử nốt trầm, ta vẫn mơ!
---------
Có nhiều chuyện để viết lắm bạn ạ. Từ cuối buổi chiều hôm qua đến giờ, tôi cứ suy nghĩ về các đề tài như: Mọi giá trị đều bị đảo lộn, Có nên tổ chức ‘ngày 30/4’ lớn không?’ (cười), Tại sao ta phải ‘ẹo ẹo’ khi có ai đó nói ta là triết gia?, Nếu tôi không muốn tranh luận trên mạng, thì...? Chắc các bạn, nếu đọc kỹ các đề tài trên, thì sẽ thấy có cái gì đó ‘đụng’ đến mình phải không? Không, tôi không quan tâm, mà tôi thực sự quan tâm đến cái gì? Câu trả lời cho các vấn đề trên đều được tổ hợp vào nội dung ‘Những chặng đường Phật, Chúa’. Và lưu ý rằng tôi có cách nhìn vấn đề hơi khác thường một tí, hihi...

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

673. Ngư ông đấu trí với… thượng đế

LTS: Tôi có đọc vài lần truyện ‘Ngư ông và biển cả’ của Hemingway, nhưng tôi thấy không có… hay: ‘Không lẽ Hemingway là phải hay?, hay không lẽ Nobel là phải hay?’ (xem đường dẫn bên dưới). Và hình ảnh nay vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi là ‘một lão già cô độc và một đại dương mênh mông’..., hay là tự tôi sẽ nghĩ ra một câu chuyện mới vậy!, và do đó, tôi sẽ hiểu, mà hiểu theo cách của tôi, hihi…
Rồi cuộc tình mong manh
Men tình ôi chóng vánh
Vị tình nhạt đôi môi
Thuyền tình trôi dĩ vãng

Những chiếc lá vàng bay
Để mùa thu ở lại
Hoàng hôn say say rơi
Mộ địa cuối chân trời
---------
Chiếc thuyền trôi ra giữa biển…
Chỉ còn lại một lão già cô độc đang đối diện với Thượng đế…
Và giữa biển trời mênh mông, lão thấy rõ ràng là Thượng đế đang giương cặp mắt tho ló ra nhìn lão…

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

672. Thượng đế không cần con kiến chứng minh cho sự tồn tại của ngài

 
LTS: Đáng lẽ bài này tôi định viết Bình luận về chuyện ‘Con người, Thượng đế, và UFO’ của bạn Starboy (xem đường dẫn bên dưới), nhưng sau đó, tôi đã mở rộng đề tài này thành ‘Thượng đế không cần con kiến chứng minh cho sự tồn tại của ngài’… Và bạn Starboy thân mến, tôi không thể đọc kỹ từng từ một - bài viết của bạn, vì tôi cần phải… làm việc của tôi (cười), nên tôi chỉ cần hiểu ý chính của bạn là đủ rồi. Và nếu đọc bài viết này, bạn nên đọc thêm ‘Chuyển pháp luân’, ‘Con người và vũ trụ’ (xem đường dẫn bên dưới)…, thân.

 Ta hát cho chiều - tiếng vĩ cầm xưa vọng lại
Ta gửi cho chiều - những khắc khoải chờ mong
Ta tặng cho chiều - mối tình còn lắng đọng
Ta viết cho chiều - nắng ấm rụng trong tim…
 
---------
Số là chiều hôm qua (20/4/2015), tôi suýt bị chém gió. Đó là có một người bạn mang câu chuyện ‘Con người, Thượng đế, và UFO’ ra ngoài quán cà phê để… gặp tôi, may là: 1) tôi thấy tướng anh ấy với cặp mắt ‘dáo dác rất Việt’ khi sắp bước vào quán cà phê, nên tôi biết chắc là anh ta ra đây để chém gió, 2) hơn nữa là tôi đã từng tuyên bố là nếu ai mà muốn ra quán cà phê để chém gió thì phải trả phí ‘chịu đựng chém gió’ cho tôi là 100 USD/lần, hehe… (xem đường dẫn bên dưới), nên tôi chỉ nói vài câu ngoại giao qua loa rồi từ giã ra về.

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

671. Con gà và con đại bàng, và chuyện chú rùa đi tìm chân lý




1. Con gà và con đại bàng
Hôm đó, vô tình tôi đi lạc vào một toà nhà rất đẹp, ở đó, tôi có gặp bà Trish (người New Zealand, thuộc Trung tâm ‘Inner Space’, SG), mà trông hiền như… phật. Bà có kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây (trước đây Nick Vujicic cũng có kể, còn dưới đây là tôi tự kể lại theo ý mình):

Có một cái trứng chim đại bàng mà không biết làm sao đó (chắc là tại một cơn động đất nhẹ), lại lăn lọt vào một cái chuồng gà. May thay, cái trứng to ấy lại được một con gà mẹ ‘vui lòng’ ấp.
Rồi cái trứng này nở ra, và chú đại bàng con chung sống một cách tự nhiên với các con gà lớn nhỏ khác trong vườn, và chúng làm cho chú tin rằng mình cũng là một con gà bình thường như mọi con gà khác. Tuy nhiên, khi nhìn thấy những con chim đại bàng bay trên trời, chú vẫn thấy có một cái khao khát bí ẩn nào đó là muốn được bay lên vùng trời cao rộng kia.
Một ngày nọ, có một ông nông dân bỗng phát hiện ra chú là một con chim đại bàng, bèn khuyên chú hãy bay lên trời cao và sống như chim đại bàng thực thụ. Chú bèn trao đổi sự việc với các con gà khác chung quanh. Nào ngờ, con nào con nấy cũng không tin, ‘dìm hàng’ chú, chế diễu chú, và bảo là chú ‘mơ hão’, và khuyên chú nên sống ‘thực tế hơn’:
-Hãy sống như nhưng con gà bình thường khác, hãy cúi đầu xuống đất, tìm bới những hạt thóc và ăn….
Và một ngày nọ, khi đang ở trên một tảng đá rất cao so với mặt đất, chú bỗng vấp ngã và rơi xuống. Chú sợ quá, bèn hết sức vùng vẫy để được cất mình lên, và trong trong cõi sống chết ngắn ngủi và hầu như tuyệt vọng đó, bỗng đôi cánh xòe ra và chú bay được lên trên không.
Từ đó, chú mới khám phá ra là mình có đôi cánh đại bàng, và đúng là một con chim đại bàng. Và cũng kể từ đó, chú không phải ‘cúi đầu xuống để tìm nhặt những hạt thóc cỏn con’, mà:
-Chú bay cao, bay xa, và sống tự do tự tại và phóng khoáng trên những vùng trời cao rộng.

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

670. Phật là gì? Thiên đàng hay Niết bàn là gì? (Phép nghịch lý trong tư duy - Phần 2)

  
LTS: Đáng lẽ tôi định viết một phần về ‘Phép biện chứng’, tức là định nói về Hegel, Karl Marx và tính nghịch lý của nó, nhưng thôi, vì vấn đề này khá nhạy cảm, xin hẹn trong một dịp khác. Và dưới đây, tôi sẽ chém gió là: ‘tôi đã thành… phật’, hihi…
Không có cái gì là tuyệt đối, chỉ trừ cái tuyệt đối.
Không có cái gì là không biến đổi, chỉ trừ cái biến đổi.
Không có cái gì là bất tử, chỉ trừ cái chết.
Không có ai là không đau khổ, chỉ trừ người chết.
1
Trong số các bà con của tôi, có khoảng 1/4 là theo đạo Phật, 1/4 theo đạo Chúa, 1/4 làm 'cán bộ' (không luôn có nghĩa họ là người vô thần), và 1/4 là dân thường (không luôn có nghĩa họ là người nghèo, hay 'tầm thường') - tất nhiên là các con số này có 'giao' nhau, còn tôi thì làm... cán bộ được gần 40 năm, và tôi nghĩ là các bạn có hoàn cảnh gia đình/dòng họ cũng gần gần như thế… Khi 6 hay 7 tuổi, thỉnh thoảng tôi có đến chơi ở một nhà thờ Tin Lành (ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam) và con của vị Mục sư là bạn (học) của tôi… Sau 1975, tôi càng được gặp nhiều nhà sư và cha nhà thờ là nhờ vào việc học chung tiếng Anh, và nhờ vào nhiều cơ duyên khác… Nay tôi càng có cơ hội để tiếp xúc với nhiều cán bộ… lớn, Việt kiều, và các ‘cao thủ’ của đạo Phật và đạo Chúa… Vì thế, tôi không thiên về tôn giáo nào hay chế độ nào.
Nhưng, dường như trong các entry, tôi viết về đạo Phật nhiều hơn!, lý do là hồi nhỏ, bà nội tôi thường dẫn tôi chạy tung tăng quanh chùa (ở gần nhà), mà ấn tượng này đã ăn sâu vào đầu óc tôi, và do đó, tôi thường viết ‘không ngần ngại’ về đạo Phật, vì hàng ngày tôi được tiếp xúc trực tiếp với ‘Đấng tạo hóa’, và vì triết lý đạo Phật không hạn chế việc phát biểu của người ngoại đạo.
*
(Lưu ý rằng, không phụ thuộc vào Kinh sách, tôi dùng từ ‘Phật/Chúa’ hay ‘Thượng đế’ là có tính đại diện, mà Phật/Chúa = Đấng giác ngộ, còn Thượng đế = Đấng tạo hóa)
Tôi đã mãi suy nghĩ:
-‘Phật là gì nhỉ?’, ‘Đấng giác ngộ là gì nhỉ?’, hay ‘Thiên đàng hay Niết bàn là gì nhỉ?’, và tôi đã suy nghĩ từ năm 1973 đến nay, tức là trên là 42 năm!

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

669. Phép nghịch lý trong tư duy và không có ai là vĩ đại cả! (Phần 1)

(Quyền lực mềm của Khổng thuyết và blogger)

Trong tiếng Anh, người ta dùng từ ‘great man’ để chỉ vĩ nhân, nhưng từ ‘great’ đây không luôn có nghĩa nặng là ‘vĩ đại’ như người Tàu (rất thích dùng chữ đại, như: Đại Hán, đại vương, đại sư, đại tệ, áo đại cán…), mà còn có nghĩa nhẹ hơn để chỉ điều gì lớn hay xuất sắc, ví dụ như: great writer = nhà văn lớn, hay that’s great = thật là tuyệt… 
Tôi xin lỗi khi phải nói rằng người Việt ‘thường’ có thói tư duy một chiều, tức là nếu tin vào các điều mà các tiền bối, danh nhân hay học giả… đã nói, thì tin trong một thời gian dài, thậm chí là hàng ngàn năm, mà không hề kiểm tra lại là họ nói đúng hay sai, và các điều đó có thay đổi nhiều không? Vì thế, trong một entry, tôi có tạm khen một người bạn là biết ‘nhìn ngược vấn đề, thấy được mặt trái của vấn đề, chớp lấy cái nghịch lý của vấn đề’
Và dưới đây, ta sẽ phân tích thế nào là ‘chớp lấy cái nghịch lý của vấn đề’.

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

668. Tuyên bố thành lập ‘Công ty dịch vụ chịu đựng chém gió quốc tế’

 
LTS: Chắc là có một số bạn chưa hiểu được nguồn gốc của câu chuyện này. Số là ở bên Nhật, cách đây nhiều năm (đồng thời với phong trào Karaoke), có một phong trào là 'Dịch vụ cho quý bà' - mà trong đó, các PN có nhu cầu muốn có người nghe mình tâm sự (hay chém gió) thì phải trả tiền. Thế mà ở VN, có vô số người chém gió mà chẳng chịu trả tiền cho người nghe, hihi...
---------
Hôm nay, ngày 15/4/2015, được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng quản trị là ‘Tiến sĩ xoáy’, tôi xin tuyên bố thành lập ‘Công ty dịch vụ chịu đựng chém gió quốc tế’ - là ‘Công ty TNHH một người’, và là sáng tạo đầu tiên trên... thế giới, hihi... Công ty này cũng được chống lưng bởi một số thần thánh trong truyện ‘Tây du ký’ như Phật Tổ Như Lai, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Bồ Đề Tổ Sư, Văn Thù Bồ Tát, Nguyên Thủy Thiên Tôn… Nó có các tiên đề, điều kiện và điều khoản quốc tế sau đây:

Chém gió là chém vào không khí hay chém vào không cái gì cả, có nghĩa là ‘người chém gió’ - cả ngày, cả năm hay cả đời - dùng nước miếng, nói toét cả mồm mà không đem lại lợi ích gì cho xã hội cả.

667. Người Việt sống trong thế giới… ảo

LTS: Trong tất cả các nước trên thế giới, dường như người Việt là sống ‘ảo’ nhất, mà càng tiếp xúc với thực tế, tôi càng kinh hoàng khi thấy đa số người Việt đều sống giống như là những bóng ma bước lạng quạng trong địa ngục - mà không biết đâu là thật giả, dĩ nhiên là tôi cũng không ngoại lệ. Và do đó, phải chăng ta nên vô cùng nghiêm túc nhìn lại cái nền giáo dục hiện nay của mình. Lưu ý rằng dưới đây chỉ là ngôn ngữ thể hiện ‘riêng’ của người viết…, và bài viết sẽ đi từ vấn đề khái quát đến những câu chuyện hoàn toàn có thật.
1
Tôi biết là vừa đọc đề bài, thì sẽ có người phản bác:
-Ui, anh nói sai rồi, người Việt sống rất thật,
nhưng nếu tôi nói ngược lại là ‘người Việt sống rất thật’ thì họ sẽ lập tức phản bác là:
-Ui, anh nói sai rồi, người Việt sống rất ảo’!!!
Rồi có thể có người nói là: 'Ui, anh nói sai rồi, mọi thứ đều do thượng đế quyết định, có cái gì mà phải thật hay ảo chứ?', rồi có người nói rằng: 'Tất cả 3 loại người nói như trên đều là đồ ngu xuẩn, hạ đẳng, súc vật…', thậm chí có người nói rằng: ‘Mọi người đều là ăn mày’, hay ‘người Việt là ngu dốt’ (!!!) - mà theo tôi, cách nói này rất là hàm hồ…
Nói chung là người Việt muốn cho là đúng cũng được, sai cũng được, vừa đúng vừa sai cũng được, không đúng không sai cũng được, nói chung là có thể ‘biến đen thành trắng, biến trắng thành đen’ tùy thích, thậm chí là ‘hủy diệt’ hết mọi giá trị cũng được, vì chúng ta không có một hệ chuẩn về triết học, hay không có ISO-LÝ TRÍ-2015, nên với một ‘bài toán’ thì người Việt có thể cho ra bất cứ ‘đáp số’ nào tùy ý, đại khái là nếu hỏi ‘1 + 1 bằng mấy?’ thì họ sẽ cho ra vô số đáp số (xem chú thích bên dưới), thật đấy, ha..ha..ha…
Vì thế mà chúng ta đã và đang sống trong một thế giới ảo.

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

666. Tư duy kiểu con kiến (Việt Nam không có triết gia! - phần 4)

Blogger Mùa Thu Vàng có bình rằng:
-Lý luận của LB về A,B và C, D rất kín kẽ (xem dưới), nhưng MTV nhớ toán hồi cấp 3 vẫn dùng tập nguồn, tập đích và có tập giao - giao diện giữa A và B, nói là của A cũng đúng và của tập B cũng không sai? - thế nó mới là Đời, LB ạ, nói đúng cũng đúng, mà nói sai cũng sai..., vậy nên đúng sai thuộc về tay kẻ mạnh, LB có đồng ý với MTV vậy không ạ?
Tôi mới trả lời là:
-Uh, đúng hay sai nhiều khi thuộc về kẻ mạnh, nhưng đôi khi cũng thuộc về kẻ yếu (vd, giang san = mỹ nhân), cho nên 'đúng', 'sai' đã có vấn đề rồi, rồi mệnh đề hội 'đúng hay sai' cũng có vấn đề, nên ta phải tùy cơ ứng biến, vì đúng ở không-thời gian này, nhưng lại sai ở không-thời gian khác, cái này được gọi là 'tư tưởng tương đối' mà dường như là một sáng tạo của thế kỷ 20 - hơn xa so với kiểu luận lý ‘A-là-A’ thời nhà Tần (một cách nói xoáy-xoay của người miền Bắc, để chỉ sự quá lạc hậu, cũ kỹ, cổ xưa).
*
Nhưng, chắc ông 'A là A' - là triết gia vô đối!!!, kiêm luôn triết gia số 1 châu Á!!!, và đồng thời là triết gia thứ 3 thế giới!!! - không chịu đâu, vì ổng là 'vô đối', tức là 'vô đối thủ' (độc nhất vô nhị, hay là một lọai ‘Độc Cô Cầu Bại’ kiểu Kim Dung), mà theo ổng, ổng bao giờ cũng là đúng, là nhất cả, vì thế mà tư tưởng triết học của ổng (nếu có!) vừa mới hoài thai/chưa kịp hình thành thì đã bị chết ngay trong trứng nước - mà những người tinh ý sẽ phát hiện ra ngay điều đó trong vòng một sát-na (xem 'VN không có triết gia! - phần 3’), và hệ quả là ta chỉ có vô số các triết lý thôi, chứ không có nền triết học.
Vì sao vậy?
Hãy hình dung nôm na là: Có người nói rằng con kiến chỉ biết không gian 2 chiều, tức là chỉ biết chiều dài và chiều rộng chứ không biết chiều cao, nên thay vì ‘bay’ thẳng từ trên bàn xuống đất (vì nó rất nhẹ), thì nó phải bò ‘ngang’ vòng vòng rất lâu trên nhiều ‘không gian 2 chiều’ - cho đến khi đến tận mặt đất mới thôi, cái này được gọi là ‘tư duy kiểu con kiến’, hay cũng được gọi là ‘tư duy theo chiều ngang’.

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

665. ‘Nhà triết học số 1 của Châu Á’, ha..ha..ha… (Việt Nam không có triết gia! - phần 3)

Trong một lần tôi đến nhà bạn gái, không ngờ cổ lại quay camera tôi, và không ngờ tôi mới phát hiện ra là mình - một người (khá) bi quan - lại cười rất nhiều tiếng ‘ha..ha..ha...’ (mà ông ‘Tiến sĩ xoáy’ bảo là tiếng cười rất sảng khoái!), và lần này tôi lại cười ‘HA..HA..HA…’ rất to, vô cùng to.
Tại sao tôi cười? Tôi xin kể nghen.
*
Một chiều hôm nọ, tôi theo một đám mây trời vơ vẩn mà lọt vào quán cà phê ‘Hoa Vàng’, ở đấy có một người lạ tiến ra chào và bắt tay tôi, sau đó tôi mới được một người bạn giới thiệu:
-Đây là thầy Phạm Thiên Thư.
Nói chuyện hồi lâu, thầy cầm tay tôi và nói:
-Anh là người có năng lượng ‘tâm linh’ rất mạnh (!), tôi cảm nhận được ngay điều đó khi mới vừa nhìn thấy anh.
(Tôi nhớ lại là vào năm 1999, ở Hạ Long, cũng có một người thầy địa lý người Tàu cũng nói vậy; và vào tối hôm nay (11/4/2015), ở quán ‘Trà đạo’ đường Trần Quý Khoách, Sài Gòn, một nữ tu (tại gia) cũng nói y như vậy!)
*
Cơn mơ tâm linh đã đưa tôi bay vào một chiều xoáy nào đó của không gian n chiều, rồi tôi lại hạ cánh xuống một căn ‘Lều Tịnh Tâm’ ở bên cạnh một dòng sông ẩn dáng vào đêm - mà không thấy những nàng lục bình thân yêu của tôi tâm sự vào những buổi chiều tà đầy mơ mộng.
Ở đấy, tôi trông thấy một người tên là Đ. Trong vòng một sát-na, tôi thấy anh ta ngồi trên một cái ghế với đầy vẻ tự tin, tự tin quá (too much). Cũng lúc đó, tôi phát hiện ra những dòng năng lượng sinh học từ các ‘cao thủ’ bay vần vũ đến bộ óc tôi và nhắc nhở rằng:
-Hãy cẩn thận, chưa cần phải nói gì hết.
Vâng, tôi đã tuân thủ những nguyên tắc mà mình đã trải nghiệm qua 40 năm: đừng nói gì khi chưa có đủ điều kiện để suy nghĩ cẩn thận, trong khi đó, có một tiếng hô: ‘action!’ (= quay phim):
Và khai trương bằng những Socrat, Platon, Aristot và hàng loạt những ông ‘mắt xanh mũi lõ’ từ thời cổ đại đến nay, anh ta đã bắt đầu nói về… TRIẾT.

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

664. Bùi Giáng chọn Đỗ Long Vân là... triết gia (Việt Nam không có triết gia! - Phần 2)

  
Nóng giận quá, say quá, mê blog quá cũng là điên,
đua xe, sử dụng ma túy cũng là điên,
ăn mặc hở hang, lộ hàng cũng là điên,
yêu quá, dâm dật quá, mê gái hay mê trai quá cũng là điên,
mê tiền, mê bài bạc, ham phong bì cũng là điên,
sùng bái Khổng Mạnh, văn hóa nước ngoài cũng là điên,
nói phét ở quán cà phê hay quán nhậu cũng là điên,
ham 'mốt' tiến sĩ, tham quyền cố vị cũng là điên,
ham làm bá chủ biển Đông cũng là điên,
ham nói xấu moi móc người khác cũng là điên,
nói người ta điên cũng là... điên,

và đặc biệt là, ham đề cao ‘tôi là số một’ là... hoàn toàn điên!
--------- 
Nếu tôi nói rằng rằng Bùi Giáng không phải là triết gia, thì chắc là tôi sẽ bị… ném đá, thiệt, hihi… Thật vậy, khi tôi đi khảo sát ở giang hồ, thì 100 người có đến… 99 người tôn trọng ông, nếu không muốn nói là 100%, lý do là cho đến nay, chưa có ai dám nói là mình hơn ông cả. Tuy vậy, cũng thật khó để mà đánh giá Bùi Giáng, vì trên mạng có cỡ vài ngàn bài viết về ông, chủ yếu là ca tụng. Tôi không thể bắt chước người ta để ‘khen’ ông, vì cách làm như vậy là ‘xưa’ rồi, và lưu ý rằng đánh giá của phụ nữ cũng không kém phần quan trọng, chẳng hạn, đánh giá của Ngọc Hân công chúa đối với Nguyễn Huệ (rất) là chuẩn xác, vì thế, tôi tạm mượn ra đây 2 phụ nữ mà đã nhận xét về ông.

Nữ nghệ sĩ Kim Cương nói rằng: ‘Tôi rất trân trọng tài năng của ông, nhưng phải nói thật là ông điên nặng, nhưng là cái điên trí tuệ, nói ra nhiều câu cực kỳ sâu sắc’. Hoa hậu Thu Trang (VNCH, 1955) nói rằng: ‘Thu Trang nhớ lại hành động kỳ quặc của ông hôm đó… Cả hai im lặng, tôi muốn nói một câu gì đó để cho có chuyện. Chưa kịp thì anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ của tôi đi trong nhà cạnh đó, anh nhặt lên và lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép. Rồi anh đứng lên: Tôi về!’ (xem các đường dẫn bên dưới). 

Nên nhớ rằng, Kim Cương là một nữ nghệ sĩ vào bậc nhất trước 1975 - đã đánh giá Bùi Giáng là ‘điên nặng’, còn Thu Trang (tức Công Thị Nghĩa) là tiến sĩ sử học - đã đánh giá Bùi Giáng là ‘kỳ quặc’ (trong một ngữ cảnh nào đó), nhưng không ‘nàng’ nào gọi ông là triết gia cả! Tôi cũng vậy - vì thiết nghĩ là người Việt mà có trí tuệ sâu sắc như ông cũng không ít (như Trần Trọng Kim, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Đỗ Long Vân, Nguyễn Hoàng Phương…), và tôi thích cách người ta gọi ông là ‘thi sĩ triết gia’ - không có nghĩa ông là triết gia, mà có nghĩa là thơ của ông chứa đầy tính triết lý.

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

663. Việt Nam không có triết gia! (Phần 1)


LTS: Tôi phải viết cho kịp với tiến độ giao lưu tư tưởng hiện nay, nếu không thì sẽ bị mất những dữ kiện lịch sử ‘sống’, vì tôi bị mất trí nhớ, mong các bạn đọc thông cảm.
Có một người em bên Mỹ về, tôi hỏi:
Cả năm, em có đi nhậu gì không?
-Rất ít, vì không có thì giờ.
Có thường đi uống cà phê?
-Hầu như không, vì ít có ai rảnh.
Thế chiều về em làm gì, có gặp ai tán dốc?
-Không, nếu có gặp thì nói 'chào bạn',
và vào nhà ăn tối, rồi đi vào thế giới mạng.
Tôi mới biết là tại sao người ta làm việc
có năng suất hơn ta hơn 20 lần.
Vì hai mắt họ không dáo dác,
và hai tai họ không hóng hớt...

 
Trong bài này, bằng cách lập luận rằng ông Trần Đức Thảo hay Bùi Văn Nam Sơn có phải là triết gia hay không? (việc tôi nêu ví dụ điển hình ở đây là không quan trọng, vì tôi có thể chọn các ông khác), với việc nói qua một ít về Bùi Giáng, Đỗ Long Vân, Trịnh Công Sơn, Phạm Công Thiện, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Mạnh Thác, Tuệ Sỹ, Nguyễn Hoàng Phương, Trần Đĩnh, Lê Khánh Trường, Ngô Thế Vinh… và một số blogger như Ái Nữ, Cuồng Từ, Giáo Làng, Hai Rạch Giá, Hồ Điệp (Trang Chu), Lộc Vừng, Trần Minh Châu…, tôi sẽ mở rộng là ‘tại sao nước ta lại không có triết gia?’.
Lưu ý rằng đây chỉ là quan điểm cá nhân, và xin đừng gắn chữ ‘triết’ vào người tôi (cười), vì tôi không phải là triết gia hay nhà triết học gì đâu, mà đơn giản, tôi chỉ là ‘Nhà gom lá bàng’. Và lưu ý rằng, chúng ta chớ có nhầm lẫn giữa ‘nhà triết học’ và ‘nhà học triết’, giữa ‘học giả’ và ‘nhà giả học’, giữa ‘sử gia’ và ‘giả sư’… Ngoài ra, tôi cũng mong ông Bùi Văn Nam Sơn, các 'fan' của ông Trần Đức Thảo và các nhân vật có liên quan nói trên thông cảm nếu có gì mạo phạm, vì tôi chỉ ghi nhận (một phần) các dữ kiện thực tế.

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

662. Đi 40 năm vẫn về chỗ cũ!


Tôi yêu sự tĩnh lặng,
nên thường ra ngắm dòng sông
đang dần dà chảy,
cùng với những áng mây trời

đang lãng đãng trôi,
và ở đó,
tôi đã lắng nghe 'thượng đế'
thì thầm với tôi rất nhiều điều,
mà tôi sẽ kể cho các bạn nghe,
và chuyện có thể có thật…
1
Đã hơn 7g tối (ngày 4/1/2015, ở Sài Gòn), ôi, tôi đi qua đường Cách Mạng Tháng Tám, rồi đường Cộng Hòa, rồi đường Phan Đăng Lưu - đông ơi là đông, ôi!, không biết động lực nào đã đẩy loài người ra đầy đường như kiến cỏ mà không ở nhà để tự ‘tu tâm dưỡng tính’ nhỉ! Về đến nhà, ối giời ơi, ‘ầm ầm ầm’ - bên ngoài, tiếng hát của các ‘ca sĩ cấp xóm’ từ cái loa từ hai cái bàn sinh nhật bay ra ngoài cho mấy ngàn người nghe!, và bên trong, tiếng ti-vi của bà chủ nhà với volume mở đến mức 60… bay ra ngoài cho cả xã nghe!:
-Cả thiên hạ tranh nhau ‘hướng ngoại’!!!
Tôi cũng không thoát khỏi cái ‘ma trận’ này, bằng chứng là ở ngoài đường - tôi định gọi điện cho một người bạn, ồn quá, không gọi được, rồi ở trong nhà, quá ồn, cũng không gọi được, thiện tai!, thiện tai!
Và tôi nhớ lại…

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

661. Tư duy lại tương lai…


Bằng lăng tím tháng tư lưng chừng nắng
Khách du buồn, hôn nhẹ đóa hoa mơn
Đời là thế, nói hoài, đời vẫn thế
Tím giao mùa, xao động, tiếng thơ rung!
---------
Các bạn ạ, thực ra để viết như thế này là vô cùng khó, vì muốn viết thì không gian chung quanh mình phải (hoàn toàn) yên tĩnh, trong khi đó, không thiếu người vô tình tôn thờ đồng tiền là ‘thượng đế’, nên chắc chắn họ sẽ dành cho người viết - mà không sinh ra tiền - một cái gì đó tương đương với địa ngục, thậm chí hơn, mà địa ngục cũng phải kêu bằng ‘sư phụ’…
*
Tôi vốn nghe nhiều cụm từ như: ‘Chủ nghĩa hiện sinh’, ‘Chủ nghĩa thực dụng’, ‘Chủ nghĩa duy lợi’, ‘Chủ nghĩa kinh nghiệm’, ‘Chủ nghĩa duy tâm/duy vật’, ‘Chủ nghĩa hậu hiện đại’, ‘Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo’, ‘Chủ nghĩa siêu thực’, ‘Siêu hình học’, ‘Thần học’, ‘Thiền học’… mà có nhiều sinh viên đã hỏi tôi. Không thể trả lời bằng sách vở, ví dụ như từ wikipedia, vì nó làm cho các em loạn càng thêm loạn, và vì nó chỉ dành cho các nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học, nhà ‘học triết’…, tôi mới bảo các em là hãy hiểu theo cách của mình, rồi dần dần sẽ tiến bộ, vì thử hỏi rằng có cái gì trên đời này là hoàn toàn duy vật hay duy tâm - mà không phải là một sự xen kẻ nào đó của cái này trong cái kia!, thử hỏi rằng có hiện thực nào đó mà không có ít nhiều tính huyền ảo trong đó!, thử hỏi có mấy ai sống mà hoàn toàn không thực dụng, hay duy lợi!, thử hỏi rằng xã hội này đã lấy gì làm hiện đại mà phải dùng đến từ ‘hậu hiện đại’!… Cụ thể, hãy đọc Tây du ký, Ỷ thiên đồ long ký/Thiên long bát bộ, Hamlet, Hội chợ phù hoa, Ngư ông và biển cả, Đắc nhân tâm, Đoạn đầu đài, Truyện Kiều… để xem nó có phải là duy tâm hay duy vật!, cổ điển, hiện đại hay hậu hiện đại!, hay là tính ‘thời sự’ của chúng vẫn còn nóng bỏng với nhân loại!...