* Phải nói là hắn đã đầu tư suy nghĩ khá lâu. Chuyện
thơ cũ thơ mới, Tự lực văn đoàn đã nói từ lâu.
Thơ thì có lục bát, song thất lục bát, đường
luật thất ngôn bát cú, tam vần tứ tuyệt, chùm thơ 4 câu có vần luật hay tùy ý,
và nhiều loại thơ mới khác nhau.
Những lời thơ hay lời nhạc trích dưới đây đã
nằm trong ký ức của hắn, mà là ký ức thì không thể luôn chính xác được.
Hắn nhớ trong ‘Bích Câu kỳ ngộ’:
‘Thành Tây có cảnh Bích Câu
Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao
Chen nhau thu cúc, xuân đào
Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông’
Hắn nhớ lời ngâm thơ trong bản nhạc ‘Hòn Vọng
Phu-1’:
‘Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Chín tầng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyện hịch định ngày xuất chinh’
Hắn nhớ bài thơ ‘Qua Đèo Ngang’ của Bà Huyện
Thanh Quan:
‘Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà …’
Hắn nhớ thuộc lòng một đọan thơ của Tố Hữu khi còn
trẻ:
‘Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim’
Rồi bài ‘Tiếng thu’ của Lưu Trọng Lư:
‘Em không nghe rừng thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô’
…Ngày nay còn có nhiều loại thơ mới hơn nữa, ‘quá
mới’, hầu như khó thấy gieo vần ở chỗ nào, khó thấy nhạc tính, câu ngắn câu dài
tùm lum như là viết văn, mà hắn chỉ có thể hiểu được ý qua một đọan thơ nào đó,
nhưng đọc cả bài không hiểu hết ý nói cái gì, nói chung hắn bất lực không thể
thuộc bất cứ một đoạn thơ nào cả trong những bài thơ kiểu ‘quá mới’ kia.
Thế là hắn liền nghĩ đến lời bài ‘Mưa hồng’, nhạc
của Trịnh Công Sơn:
‘Người ngồi
xuống xin mưa đầy
Trên hai tay cơn đau dài
Người nằm xuống nghe tiếng ru
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ’
Trên hai tay cơn đau dài
Người nằm xuống nghe tiếng ru
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ’
Hoặc thơ nhạc, hắn đã được đọc lâu rồi mà không nhớ
tên bài hát:
‘Người đã đến và người
sẽ về bên kia núi
Từng câu nói là từng cánh buồm
giăng cuối trời
Còn lại tiếng cười khóc giữa
đời ...’
Hay một bản dịch của Phạm Duy (!) trong bài
‘Chiều tà’:
‘Thoáng trầm tiếng chiều ngân
Nhạc dặt dìu ái ân
Người ơi, nhớ mãi cung đàn
Năm tháng phai tàn
Duyên kiếp sao đành lỡ làng…’
Nghe rất thơ, hắn trộm nghĩ, có phải thơ là để
thể hiện rung cảm của mình và làm cho người khác hiểu, rung cảm như mình, nhớ và
truyền khẩu những dòng thơ đó. Nếu vậy thì trong nhạc chắc có chất thơ, người
ta cũng phổ nhạc từ thơ, và do vậy cũng có rất nhiều thơ trong nhạc.
Làm thơ theo kiểu cũ quá thì mất tự do, làm thơ
theo kiểu mới ‘quá’ thì cũng có khả năng làm người ta khó hiểu. Trong thơ phải
có chất nhạc, trong nhạc phải có chất thơ, vì thế hắn mạo muội gọi là thơ-nhạc,
và hắn làm theo cách này.
* Hắn bị mất trí nhớ lâu rồi, mỗi bài hát mà
hắn hát rất lâu thì may ra hắn nhớ được vài câu thôi. Có một buổi, không nhớ sáng
hay chiều, hắn được nghe một bài hát trên mạng, bài này hắn chỉ nhập tâm được có 2 câu
thôi, nhưng về nhạc thì hắn khá thuộc:
‘Vì đâu lệ rơi mãi
Vì ai lòng tê tái …’
Hắn nghe ‘cô ấy’ hát truyền cảm một thứ tình
cảm rất tha thiết, như là tâm sự thật, như là cần tình yêu thật, như là níu kéo
thật, và đặc biệt như là một người yêu của hắn thật (!). Hắn đã định bước ra
ngoài có chút việc mà đôi chân cứ nặng trĩu như không muốn xa rời giọng hát
truyền cảm ấy. Hắn xin phép không nhắc đến tên người này. Chính mối rung động
này làm hắn uất ức sinh ra bài thơ ‘Tiếng
hát em kỳ lạ’.
Thế rồi, ngày qua ngày, trong tâm hắn cứ còn những
nốt của bài nhạc và hai câu đó. Hắn bỗng nhớ da diết. Hắn thử đi tìm nàng. Một
hôm, có mấy nam nữ ngồi tán gẫu quanh hắn.
Hắn hỏi một cô gái:
-‘Em có biết cô ca sĩ này không?’
-‘Có’
-‘Có gặp bao giờ chưa?’
-‘Chưa’
-‘Cô ấy có đẹp không?”
-‘Đẹp lắm. Chắc lớn tuổi rồi’
Một chàng trai trẻ nói:
-‘Cô ấy mà đẹp cái gì, sao sao ấy’
Hắn nói :
-‘Ừ, để bữa nào anh theo dõi ti vi thử cô ấy như thế nào’
Cô gái trả lời :
-‘Đẹp mà, đẹp thật mà, hôm nào em đưa hình cô ấy cho anh xem’
Thế rồi cả nhóm cãi nhau ỏm tỏi để chứng minh cho cái lập luận của mình,
mặc dù chưa ai được nhìn tận mặt cô ấy.
Hắn vẫn hy vọng, không dừng cái ý tưởng ‘tìm gặp’ của hắn. Hắn tìm blog của
cô ấy. Nhưng toàn là blog hay bản tin của người ta nói về nàng. Có nhiều trang
web đăng tải bài viết và hình của nàng, có cả bài nói về vụ ‘scandal’ của nàng nữa.
Theo hắn, trông hình nàng rất rực rỡ, da trắng, hấp dẫn, đẹp, ... Mặt khác, có
nhiều đàn ông ca tụng sắc đẹp của nàng, không phải là không có cơ sở, nếu nàng không
phải là đẹp thì chí ít cũng làm cho không ít đàn ông si mê, …
Hắn đã comment cho một chủ blog ở cùng quận với hắn ở Sài Gòn để y giới thiệu
hắn gặp cô ấy một phút thôi, hay đại để là có thể liên hệ qua lại với nàng một vài
câu thôi. Nhưng thất vọng thay, y nói là y chỉ cóp một bài hay ở nơi khác đưa vào
blog, chứ y không quen nàng.
Hắn vẫn hoài vọng gặp nàng trong vô vọng. Chính vì vậy đã sản sinh ra bài
thơ ‘Anh lang thang tìm em’.’
* Nói vậy chứ, làm thơ hay làm cái gì cũng phải có triết lý của nó, làm để
làm cái gì?
Hắn đã ngồi ở quán cà phê, nhìn thấy không gian đầy sắc màu, hắn thấy ‘sắc
sắc không không’, tưởng như có mà không có.
Nhớ nàng, hình bóng và hương thơm của nàng cứ dai dẳng bám hắn suốt ngày,
nên hắn đã viết ‘ước gì…’.
Hắn tự biết tình yêu hay tình dục là sáng tạo tuyệt vời nhất của thượng đế.
Khộng có tình yêu hay tình dục thì làm gì có ai mà nhắc đến 2 chữ ‘thượng đế’. Mặc
dù biết đời là sắc sắc không không, nhưng con người cũng do ngài sáng tạo, hãy
tận hưởng những gì mà ngài đã ban cho, nếu không thì mình chống lại ngài
sao!
Bài ‘Khoảng lặng đêm’ nói lên một
nỗi nhớ vô hình giằng xé hắn, không có cơ hội để suy nghĩ về tình dục. Hắn
dường như muốn khuyên người ta nên chống lại cái sắc sắc không không để cống
hiến trọn vẹn cho tình yêu mà không cần quan tâm đến địa ngục là cái thứ gì.
Câu cuối cùng trong bài ‘Tinh mai’
đã nói lên điều đó, mơ ước được gặp nàng làm hắn như được sống trong hạnh phúc
và hầu như tách rời hắn hoàn toàn ra khỏi những uẩn khúc của cuộc sống, chỉ
biết có yêu mà thôi.
* Cơ bản, hắn đã bị ảnh hưởng nhiều bởi bài ‘Cánh hồng Trung Quốc’ mà hắn
học đánh đàn Mandoline hay thổi kèn Harmonica khi hắn mới khoảng 10 tuổi. Sau
này hắn không còn có dịp đánh đàn hay hát lại bài đó, tất cả chỉ là ký ức:
‘Kìa một nàng Trung Hoa
Đôi mắt đen như hạt huyền
Nàng nhìn tôi xong không nói
Khiến tôi lo lắng ưu phiền…’
Thứ hai là bài ‘Biển tình’ của Lam Phương. Nhờ
đó, bài thơ ‘Lang thang đi tìm em’ của hắn mang đậm nét ‘biển’ là nơi mà con
người có thể thỏa mãn khát vọng yêu đương và luôn luôn cảm thấy lòng mẹ bao la
che chở:
‘Nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa
Bọt tràn theo từng làn gió đưa...’
Rồi ‘Khoảnh khắc’ của Trương Quý Hải:
‘Người về đây với anh
Về bên em
Về đây với căn nhà xưa êm đềm
Vòng tay và làn môi ấm ngày tháng chờ mong’
Rồi ‘Giọt nắng bên thềm’ của Thanh Tùng:
‘Khi thấy buồn em cứ ghé chơi
Chim vẫn hót sau vườn đấy thôi…’
Rồi bị ảnh hưởng bởi bài ‘Chiều tà’, ‘Thành phố
buồn’, ‘Sao lại nhắn nhầm máy anh’, …
* Trong bài ‘Tiếng hát em kỳ lạ’ của hắn, có 2 nàng:
Một nàng là diễn viên điện ảnh ở Hồng Kông - hắn
xem nhiều nhưng chưa biết tên, vì các phim có nàng là phim tiếng Tàu có tựa đề
tiếng Anh - dĩ nhiên là không thể gặp được. Hắn đã nhìn thấy đôi mắt hồ thu,
đôi môi gợi tình, khuôn mặt gợn sóng tình như đại dương và dáng người uyển
chuyển của nàng này trên ti vi, thế là tối nào hắn cũng bật kênh 39 của truyền
hình cáp Cần Thơ, hễ có nàng xuất hiện là hắn dán mắt vào ti vi, dĩ nhiên là
hắn cần phim hay, nhưng phim nào mà có nàng thì đối với hắn cũng là hay.
Một nàng khác, chính là ‘cô ấy’, có lẽ, ở Sài
gòn, thì trước sau gì cũng được nhìn thấy, nếu có lòng, miễn sao được nhìn thấy
trước khi chết là được. Đối với nàng, chỉ trừ gặp gỡ do vô tình thì có hy vọng nào
đó được gọi là tình cảm. Còn gặp gỡ cố tình ư, khó gặp nàng này lắm, nàng quá
rực rỡ trên sân khấu hay quá hấp dẫn trong những bộ đồ mặc ở nhà hay đi dạo phố,
người ta chụp ảnh có nghệ thuật mà. Vì thế hắn có rất ít hy vọng, và vì thế
giới của hắn là một thế giới ‘trầm mặc’ mà trong đó không có chỗ cho hào quang
ẩn nấp.
Đàn ông nào mà không thích người đẹp. Chữ ‘hồ thu’
trong bài thơ này không phải là độc quyền của Đoàn Chuẩn Từ Linh trong bài ‘Gửi
gió cho mây ngàn bay’. Người ta thường nói về đàn bà đẹp với các từ ‘đôi mắt
như hồ thu hay mắt bồ câu, mũi dọc dừa, mặt trái soan, thắt đáy lưng ong…’. Các
bạn hãy xem Lưu Diệc Phi trong phim ‘Thần điêu đại hiệp’ hay trong ‘Thiên long
bát bộ’ và hãy bình chọn mắt nàng như thế nào, mặc dù nàng đóng vai ‘Thần tiên
tỉ tỉ’ nhưng chưa chắc đôi mắt của nàng đã như hồ thu!
* Nói tóm lại, nàng là khởi điểm cho xúc cảm
của hắn, không phải hoàn toàn từ một ‘nàng’ mà ra, mà phần lớn từ các thầy cô
dạy văn thơ cho hắn, các bản nhạc mà cha chú dạy cho hắn khi còn nhỏ, những
rung cảm đa dạng từ các nhà thơ và nhạc sĩ tiền chiến và đương đại, cộng với
tình dục, tình yêu nam nữ, tình yêu thiên nhiên và cái khát vọng tự do, đã được
tổng hợp và chiết xuất đây đó trong các bài thơ của hắn.
Ngày 12/10/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét