Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

103. Ánh sáng lóe lên từ cái chết



Trời ơi cả một biển tình
Trời ơi mặt biển lung linh sóng trào
Biển tình em ở nơi nao
‘Rung’ đêm trăng đến, ‘động’ mùa xuân sang 
Trước tiên hắn xin có một số suy nghĩ nhỏ như sau. Con người sinh ra ở thời đại nào thì phải chịu ảnh hưởng của thời đại đó, lịch sử là lịch sử. Chả lẽ ai đó không phải là người cs, nên ‘đố kỵ’ với những cái gì là cs! Chả lẽ ai đó là người theo đạo Phật nên không đọc sách Chúa hay ngược lại! Như hắn đã nói, coi chừng ta tránh cái thực để đi vào cái ảo, coi chừng ta tránh cái tà ma ngoại đạo để đi vào cái ngoại đạo tà ma. Ngoài ra, hắn không nhìn sự việc dưới đây dưới cặp mắt của một nhà phê bình văn học hay của một thanh niên ‘côm-xô-môn’ mà dưới sự quan sát, cảm nhận và thán phục.
Hồi còn trẻ, hắn có đọc truyện ‘Thép đã tôi thế đấy’ của Paven Coóc-sa-gin. Trong chiến tranh, Paven bị thương ở xương sống, thế là bị liệt nghĩa là không di chuyển được hay rất khó để di chuyển. Vậy thì y bi quan, bỏ cuộc hay không tìm được lối ra (way-out) trong cuộc sống? Không, y đã chuyển hóa cái ‘liệt’ đó vào cuốn sách ‘Thép đã tôi thế đấy’. Y đã vượt qua sự nản lòng bằng cách bước vào một thế giới khác, thế giới của ‘viết’, nôm na là như ta có ai đó đang tuyệt vọng và đi vào cái thế giới blog này vậy. Đó là tình yêu của y, là sự nghiệp của y, và cuối cùng, là cứu cánh của y. Y đã dạy ta hãy đừng quan tâm đến những cái ‘nhỏ nhen ti tiện’ mà hãy sống vì mọi người. Ta yêu y, không những vì lẽ sống của y, mà còn vì cái cách mà y đã chọn một con đường ‘tích cực’ để vượt lên nỗi đau của chính mình, vì thế mà ta nên ủng hộ và động viên những người như y. Vâng, y đã sống, y vẫn còn sống, ta ngưỡng mộ chàng trai đó vì ít ra y đã chỉ ra rằng thay vì sự bi quan hay tuyệt vọng, vẫn có ánh sáng cuối đường hầm.
Hắn đã đọc truyện ‘Papillon - bướm vượt ngục’ (hay ‘Papillon - người tù khổ sai’). Y đã thể hiện cái khát vọng tự do bằng cách rất nhiều lần tổ chức vược ngục và cuối cùng y được làm ‘người’. Y là nói lên cái thân phận ‘oan sai’ của con người và thế nào là địa ngục ở trần gian. Y đã làm ta lưu tâm hay kể lại vài mẫu chuyện ‘lạ’ về cái số phận bị bắt buộc không được làm người, về thế giới đồng tính trong trại giam, giết người bằng cách chọc đũa vào lỗ tai, có một tù nhân nam đã ‘yêu’ một con bò cái, … Hơn những người khác, bằng bất cứ mọi giá, y đã vượt cái số phận, cụ thể là vượt qua ngục tù, không những ngục tù thật, mà là cả ngục tù về tinh thần. Thế giới đã ngưỡng mộ y, trong đó có ta.
Gần đây, hắn đã xem một phim trên kênh truyền hình HBO (các bạn hãy giúp cho tên phim này nhé). Một chàng thanh niên đã bị kết tội oan là giết người và bị bỏ tù 20 năm. Ở trong tù, y đã kết bạn với một người da đen bị ở tù 30 năm mà đã kể lại câu chuyện này. Y có một cái biệt tài về lĩnh vực tài chính ngân hàng, y đã giúp cho nhiều bạn tù và giám đốc nhà tù về làm ăn dịch vụ bên ngoài nhà tù (gã này đã ăn bẩn vài triệu đô), y đã mỗi ngày viết một bức thư ‘xin lập một cái thư viện trong nhà tù’ gởi lên quốc hội trong 6 năm liền cho đến khi được trả lời, …Để thực hiện ý đồ vượt ngục, y đã mua một bức tranh người đẹp mà đàng sau bức tranh đó, y mỗi ngày đào đất đá trong 10 năm, được 500m đường hầm, cuối cùng y được sống tự do ở một bãi biển rất lãng mạn. Người viết khâm phục cách tận dụng tài năng và lòng kiên nhẫn chịu đựng ‘khổ sai’ của y, mặc dù không thể lột tả hết được trong mấy dòng chữ này, nhưng người viết xem đó là một bộ phim hay nhất mà mình đã từng xem về một ‘cái vượt ngoạn mục từ cõi chết’.
Hắn đã vô tình đọc được lời từ cái chết của Steve Jobs, người mà đã sáng tạo cái laptop ‘MacBook’, I-phone, I-pod và I-pad, …, mà một số bạn đang dùng đó. Ông ấy đã không học đại học, đã bị đuổi việc nhiều lầm, đã bắt đầu lại từ con số không nhiều lần, đã bị ung thư tưởng chết rồi mà sống lại nhiều lần, nói chung, y đã sống đi chết lại nhiều lần. ‘Cái chết là sáng tạo vĩ đại của cuộc sống’ là do y gởi lại cho thế hệ sau. Vì thế mà 5 trang gởi từ cái chết của ông ấy đến nay đã được hơn 3 triệu người trên thế giới hâm mộ. Vậy, người ta không những ‘yêu’ ông ấy vì mấy cái ‘I’ kia, mà còn yêu hơn vì ‘cái chết’ của ông.
Hàn Mặc Tử, bị cùi và bị ‘nhốt’ trong Lầu Ông Hoàng (hắn đã đến thăm chỗ đó rồi), y đã thoát ra khỏi ‘ngục’ bằng cách đưa tâm hồn đến Mộng Cầm hay ánh trăng, … Vì thế ta có ít  nhất 4 câu thơ trứ danh sau đây:
Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi.
Hắn cũng biết Hồ Thích, Krishnamurti, …, đã cho ra những triết lý có thể gọi là bất tử bằng cách đứng từ cái chết nhìn lên.
Để thư giãn, bạn đọc lời kệ của ‘Giáo chủ sáng lập ra Minh giáo Ba Tư’ tí nhé:
Đốt tàn xác của ta, ngọn lửa thành bốc cháy hồng hồng, sống đã chi làm sướng, chết không lấy chi làm khổ. Vì thiện trừ ác, chỉ vì quang minh mà nên. Hí, lạc, bỉ, sầu đều trở về cát bụi. Tội nghiệp thay người đời hoạn nạn quá nhiều? (Truyện ‘Cô gái đồ long’ - Từ Khánh Phụng dịch)
…Các bạn ạ, nói thêm tí ngoài lề nhưng rất quan trọng, đó là chuyện về vấn đề tiền bạc danh lợi hay chuyện blog bliếc, có người nói nếu xem chúng là ảo thì cái gì là thực!, ảo đã sao!, nếu ảo mà giúp ta được an ủi hay được vui thì là thực bạn ạ.
…Hắn cũng biết trong số các blogger, không phải ai cũng khỏe mạnh, không phải ai cũng không bị ‘liệt’ ít nhiều về thể chất hay tinh thần, không phải ai cũng có tinh thần luôn được sáng suốt, không phải ai cũng được làm người tốt vì những chuyện ngoài ý muốn, không phải ai cũng có đủ tiền cho gia đình hay bản thân hay có việc làm, không phải ai cũng có vợ chồng, con cái hay gia đình hạnh phúc, không phải ai cũng được học hành đến nơi đến chốn, không phải ai cũng có tình yêu hoàn hảo mà thậm chí nhiều lần bị ‘phụ bạc’, không phải ai cũng có tình yêu thỏa mãn mà thậm chí còn bị tương tư, …  Vì thế, ngoài nỗi vui, còn có những nỗi ‘oán than’ rền trời đất đã được ẩn hiện đâu đó trong những dòng văn, lời thơ, lời bình, …, trong các blog mà có vẻ hay ho hay lãng mạn kia.
Đúng, ta không những yêu sự lãng mạn mà còn yêu hơn nữa sự đau khổ tiềm ẩn trong các blog và trong đời thực. Ta yêu tất cả vì cuối cùng ai ai cũng sẽ đi đến cái chết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét