Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

113. Tình yêu của Tiểu Siêu



Có mấy ai hiểu được
hình ảnh Tiểu Siêu,
vĩnh biệt tình yêu,
nước mắt ràn rụa,
đau lòng khôn xiết,
dần dần chỉ còn là một chấm nhỏ
rồi biến mất vào đại dương cô liêu.
(Hình: Chu Chỉ Nhược, Tiểu Siêu, Triệu Minh và Hân Ly đều là người yêu của Trương Vô Kỵ)
Tiểu Siêu là con gái của Tía Sam Long Vương (‘tía’ hay ‘tử’ đều là từ chỉ màu tím). Tía Sam Long Vương tên là Đại Ỷ Ty, là một trong tứ Đại hộ giáo pháp vương của Minh giáo Trung Thổ, còn có 3 nhân vật nữa là Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, Bạch Mi Ưng Vương Hân Thiên Chính và Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu. Trong Minh giáo còn có Quang Minh tả hữu sứ, đó là Dương Tiêu (tả sứ) và Phạm Dao (hữu sứ), hai nhân vật này còn được người đời gọi là Tiêu Dao nhị tiên. Chuyện tình của Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân Đại Ỷ Ty và Hàn Thiên Diệp cũng vô cùng tuyệt vời, các bạn hãy đọc nhé.
Tiểu Siêu được mẹ giao nhiệm vụ làm điệp viên đột nhập vào Quang Minh Đỉnh để đánh cắp bí kiếp ‘Càn khôn đại na di’ xuất phát từ Minh giáo Ba Tư (tức Iran ngày nay) bị thất lạc vào Trung thổ đã lâu (thời nhà Nguyên, thế kỷ 13-14). Nàng vốn có bản chất cực kỳ hiền dịu, Vô Kỵ được gặp nàng trong một lần rượt theo Thành Khôn (sư phụ ‘đẻo’ của nghĩa phụ chàng là Tạ Tốn), do tính tốt bụng của chàng, nàng đã thầm yêu và đã hết lòng giúp chàng luyện thành môn thần công hộ giáo này. Còn bí kiếp đó thì nàng đã không đánh cắp mà toàn tâm toàn ý tặng cho chàng, sau này chàng trở thành Giáo chủ Minh giáo.
Trong một trận chiến đấu thập tử nhất sinh ở Linh xà đảo giữa rất đông các Sứ giả Minh giáo Ba Tư và nhóm người của Vô Kỵ, cuối cùng họ đã thoát được vòng vây. Nhưng tại đó, Đại Ỷ Ty bị bắt và chuẩn bị hỏa thiêu vì đã vi phạm giáo quy (không còn là Thánh nữ và đã có chồng). Vô Kỵ đã tình nghĩa quay lại cứu bà ta và nhóm người của chàng lại bị lọt vào vòng vây. Để cứu mẹ, cứu chàng và vì chàng là tương lai của Minh giáo Trung Thổ, nàng đã hy sinh tình yêu của mình mà chấp nhận làm ‘Thánh nữ’ tức là Giáo chủ của Minh giáo Ba Tư.

Nàng phải hy sinh và vĩnh biệt tình yêu với Vô Kỵ cho một tình yêu khác lớn hơn, đó là tình yêu đối với tuyệt đại đa số người đời đau khổ hoạn nạn trên thế gian này:
Đốt tàn xác của ta, ngọn lửa thánh bốc cháy hồng hồng.
Sống đã chi làm sướng, chết không lấy chi làm khổ.
Vì thiện trừ ác, chỉ vì quang minh mà nên.
Hí, lạc, bỉ, sầu đều trở về cát bụi.
Tội nghiệp thay người đời hoạn nạn quá nhiều.
Khi vĩnh viễn chia tay với ‘chàng’ ngoài khơi Linh xà đảo, đứng trên chiếc thuyền dần dần xa khuất vào chốn vô cùng, Tiểu Siêu đã ràn rụa nước mắt, vẫy tay tạm biệt và hát với giọng ca não nề thê thảm rằng:
Lai như lưu thủy hề, thệ như phong. 
Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung!
(Đến như nước chảy, đi như gió. Không biết đến từ đâu, không biết cuối cùng đi về đâu!)

Chuyện tình của Tiểu Siêu với Vô Kỵ rất mang tính ‘người’, vừa lãng mạn vừa bí ẩn, đậm tính chất ‘thiền’ và hư vô của tình yêu và đời người ví như nước chảy, mây trôi, không biết đâu là bờ bến, không biết đâu là chỗ dừng.
Nàng đã yêu chàng toàn tâm toàn ý từ đầu tới cuối mà không hề đòi hỏi hay lợi dụng chàng bất cứ cái gì, nàng có một con tim chứa tình yêu nồng cháy không biểu hiện thành lời mà chỉ được biểu hiện bằng ánh mắt, bằng thái độ im lặng, hy sinh và hành động tế nhị, chu đáo và vô cùng ngọt ngào đối với chàng.
(Trong một đợt phỏng vấn cách đây vài năm, theo Kim Dung, trong số 4 người đẹp là Triệu Minh, Chu Chỉ Nhược, Tiểu Siêu và Thù Nhi, thì ông thích nhất là Tiểu Siêu (ý kiến này của ông đã được đăng trên báo VN cách đây vài năm). Thật vậy, Tiểu Siêu có tình yêu cảm động nhất, đẹp nhất, lãng mạn nhất và xứng đáng nhất mà lẽ ra Trương Vô Kỵ phải được thành đôi với nàng).

Ai đã lỡ chọn Tiểu Siêu thì cũng phải ‘hiểu’, thứ  nhất nàng là Thánh nữ, tức là suốt đời phải còn ‘trinh’ đó có nghĩa là nàng sẽ không được lấy chồng hay không được hôn hay ôm ấp đàn ông (ngay trước khi làm Thánh nữ, nàng có được tí xíu điều đó với Vô Kỵ), thứ hai là tình yêu của nàng thuộc dạng ‘chưa thương đã sầu chia phôi’ nên phải có cuộc chia tay tuyệt vọng đầy lãng mạng, đầy đau khổ và đầy nước mắt ...
Nghĩ đến Tiểu Siêu, tôi thường liên tưởng đến một lời nhạc Trịnh: 'Người đã đến người sẽ về bên kia núi, từng câu nói là từng cánh buồm giong cuối trời, còn lại tiếng cười khóc giữa đời'... 
Tiểu Siêu ơi, sao em nỡ là cánh buồm giong cuối trời, và ai đó nếu yêu em thì sẽ cười khóc giữa đời, phải không em? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét