Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

215. Thiên đế và các mối tình vụng trộm


Các bạn thân mến, hôm nay mình viết một entry là ‘Ai sa lưới tình?’. Liên quan đến từ ‘lưới tình’, ta có: sa lưới tình, sa lưới nhện, lạc vào ma trận tình ái, lạc vào mê khúc… Sa lưới tình như thế nào, mình sẽ kể lan man từ trên xuống dưới gồm: thượng đế/thiên đế, các bậc thần tiên, các vua chúa, các 'cao thủ'…, rồi đến các kẻ phàm phu tục tử như chúng ta! Một số nguồn từ Google được ghi trong ngoặc kép. Entry này đang được chỉnh sửa và sẽ đăng tải làm nhiều lần.
Trước hết, mình xin nói về ‘Thiên đế và các mối tình vụng trộm’.


Một bóng thiền quyên trước cảnh tiên
Mắt mới nhìn qua thấy động liền
Dáng cong cong ấy sao cong thế
Dẫu đấng thần tiên cũng đảo điên

Cứ gửi cho anh một dáng tròn
Anh bồng anh bế buổi hoàng hôn
Sao anh thấy lòng rung động mãi
Có phải mùi hương rụng cả hồn!

(Bóng thiền quyên - NGLB)


Thiên đế hay thần Zeus (thần Dớt, trong truyện Thần thoại Hy Lạp), còn gọi là thần Jupiter (trước giải phóng gọi là thần ‘Du Bích Tiên’, trong truyện Thần thoại La Mã).

1. Đảo Crete (nơi xuất thân của Zeus!) là hòn đảo lớn nhất Hy Lạp có nền văn minh rực rỡ từ thế kỷ 25 - 17 TCN, nền văn minh này đã ảnh hưởng đến tận thành bang Misen có nền văn minh từ thế kỷ 20 đến 11 TCN, hai nền văn minh Crete-Misen đã kết hợp thành nền văn minh Hy Lạp cổ đại. Câu chuyện về 'Thiên đế' xảy ra từ thời mông muội, rồi công xã nguyên thủy với chế độ quần hôn, tạp hôn, hôn nhân tập đoàn... rồi chuyển qua thời chiếm hữu nô lệ, với sự tan rã của xã hội thị tộc, từ các thị quốc (city-state) ban đầu như Athenai, Sparte, Troia, Crete…, nhà nước Hy Lạp (state-nation) được hình thành, nhà nước Sparta vào thế kỷ 9 TCN và nhà nước Athène vào thế kỷ 7 - 6 TCN... Nền văn minh Hy Lạp cổ đại (bao gồm toàn bộ khu vực Địa Trung Hải và biển Đen) kéo dài khoảng 1.000 năm (!), từ thảm họa của Mycenae (do sự xâm lược của người Dorian hay các thảm họa tự nhiên và sự thay đổi khí hậu) từ 1250 TCN đến thời điểm Alexandros Đại Đế chết vào năm 323 TCN. Sau đó Hy Lạp bị thôn tính và trở thành một vùng đất của đế quốc La Mã vào thế kỷ 1 TCN.

“Vào thời điểm nước Hy Lạp đang hùng mạnh, ngôi đền kiểu Doric quá tầm thường đơn giản nên cần có các sửa đổi lớn. Giải pháp là đặt một bức tượng khổng lồ trong đền. Điêu khắc gia Athens được giao nhiệm vụ ‘thiêng liêng’ này. Bức tượng Zeus kỳ vĩ do kiến trúc sư Libon thiết kế và được xây dựng vào năm 450 TCN. Điêu khắc gia Pheidias bắt đầu xây dựng bức tượng, cao 12m, vào năm 440 TCN. Bước sang thế kỷ 2 TCN, bức tượng được tu sửa chút ít rồi đến thế kỷ 1 SCN, hoàng đế La Mã Caligula tìm cách đưa bức tượng về Rome, nhưng giàn giáo do các nhân công của Caligula xây dựng bị đổ sụp... bức tượng đã được những người Hy Lạp giàu có chuyển đến Constantinople và tượng đứng vững tại đây cho đến khi nó bị lửa làm thiệt hại nặng vào năm 462 SCN, nay bức tượng không còn lại gì ở ngôi đền cũ, trừ đá và vụn cát cùng nền và những chiếc cột bị gãy của ngôi đền. Hiện nay có bức tượng mới cuả thần Zeus, cao 13m, đặt tại thành phố cổ Olympia, nằm ở bờ biển phía tây Hy Lạp, cách thủ đô Athens khoảng 150 km”.


2. Khởi nguyên vũ trụ là hệ thần Chaos (nghĩa là hỗn mang) sáng tạo ra vũ trụ, rồi hệ thần Uranos cai quản vũ trụ, rồi hệ thần Cronos là các vị thần cai trị bầu trời, và cuối cùng là hệ thần Zeus là chúa tể thần linh.

Đầu tiên, thần Chaos sinh ra các thế hệ con cháu, họ đã đấu đá và tàn sát lẫn nhau, cuối cùng sau nhiều ‘cuộc đảo chính’ ngoạn mục, thần Zeus là người chiến thắng và trở thành chúa tể, lãnh đạo tất cả các vị thần trên thiên giới (đỉnh Olimpus (sau trận chiến với các Titan, Zeus cai trị bầu trời, Poseidon cai trị dưới nước và Hades cai trị âm phủ)), ngài tồn tại đến ngày nay và còn được gọi là ‘bá chủ thế giới’ .

“Có 12 vị thần cùng cai quản thế giới thần linh, đó là: 1. Zeus (còn gọi Jupiter) - thần Sấm sét, chúa tể  thần linh, 2. Hera - vợ Zeus, cai quản hôn nhân, bảo vệ bà mẹ trẻ em, 3. Hadex - cai quản âm phủ, 4. Pozeidon (Neptune) - cai quản biển khơi, 5. Demeter - nữ thần cai quản chăn nuôi và trồng trọt, 6. Herchia - nữ thần cai quản bếp lửa gia đình, đoàn tụ gia đình, 7. Athena (Minerve) - nữ thần trí tuệ, công lí, chiến trận, nghề thủ công và nghệ thuật, con gái riêng của Zeus tự sinh từ bộ não, độc thân suốt đời, 8. Aphrodite (Venus, hay thần Vệ Nữ) - nữ thần sắc đẹp và tình yêu, vợ của thần chiến tranh Arex, 9. Hephaistot - thần Lửa, thợ rèn chân thọt, tổ nghề thủ công đồ sắt, con trai Zeus và Hera, chồng cũ của Venus, 10. Apollon (Heliot) con của Zeus và nữ thần ánh sáng Leto, thần mặt trời, xạ thủ, nghệ thuật, âm nhạc và chân lí, 11. Arthemis (Diane) - em gái Apollon, nữ xạ thủ có cây cung bạc, độc thân vĩnh viễn, 12. Arex (Mars) - thần Chiến tranh, con của Zeus, chồng sau của Venus".


Theo truyền thuyết, các vị thần đã lấy vàng nặn ra những người đầu tiên trên trái đất, Titan Promethe là một vị phúc thần đã đánh cắp lửa của Trời để giúp cho loài người và do đó phải chết để chịu tội thay cho con người, sau đó vì loài người quá kiêu ngạo và có quá nhiều tham vọng nên thần Zues đã ra lệnh cho ‘thần Mưa bão’ hủy diệt trái đất, may mắn còn sót chỉ có 2 vợ chồng, đó là con của Titan Promethe, từ đó sản sinh ra loài người (xuất xứ từ Hy Lạp).
Tôi về nơi bãi biển đê mê
Bóng tím xa xa vẫn hiện về
Chân trời lấp lánh hình hài đó
Bỗng dậy lòng ai bao tái tê

Tôi gõ tìm tôi bóng quyên xưa
Tình khúc du dương hẹn hứa lời
Quán cà phê ấy mơ màng hát
Nhìn thấy dáng quen bỗng rụng rời!

(Bóng quyên xưa - NGLB)


3. Thiên đế là kẻ đa tình và có rất nhiều người tình, ngoài vợ chính thức là Hera, còn được gọi là Thiên hậu, ngài có ‘tòn ten tón tén’ với các nữ thần như Demeter, Latona, Dione, Maia… và các ‘nàng’ ở trần gian như Semele, Io, Europa và Leda…, suy ra ngài có nhiều con, cở 36 người con (với 12 nữ thần) và 39 con (với 25 người phàm) chứ mấy. Việc ‘vụng trộm’ của ngài với người trần sinh ra các con được gọi là ‘bán thần’, ngoài các dũng sĩ, còn có các nam và nữ thần nghệ thuật, chẳng hạn:
-dũng sĩ Perce: anh hùng diệt quỉ dữ cứu người,
-dũng sĩ Heracles (còn gọi Herculles): lập nên 12 kì công, tham dự cuộc chiến tranh thành Troia,
-anh hùng Thesee: xây dựng đô thành Athens (mang tên của nữ thần Athena),
-thần Dionisote (còn gọi Bacchus): thần rượu nho,
-thần Apollon: con của Zeus và Leto, vị thần đa năng có sứ mệnh bảo vệ chân lí, truyền bá âm nhạc và thơ ca, được sinh đôi cùng nữ thần Arthemis,
-nữ thần Athena: thần sáng tạo ra nghề dệt và là nữ thần trí tuệ và bảo vệ hòa bình,
-dũng tướng Hector: người đã đứng ra bảo vệ thành Troia!, do thần Zeus đối mặt với cuộc nổi loạn trên đỉnh Olympus, do Hera ghen và đánh lừa ngài bằng nhan sắc và một đêm hoan lạc (!), thành Troia thất thủ (1184 TCN), Hector bị giết bởi Achille (con của nữ thần biển cả Thetis),
-nữ thần Venus: thần tình yêu và sắc đẹp, theo Homère (người viết 2 bản trường ca Illiade và Odysse) thì nàng là con gái của thần Zeus và Dione, còn sử thi cho rằng nàng được sinh ra từ bọt biển, có dị bản cho rằng nàng do dương vật của thần Uranos khi bị Kronos chém rớt xuống biển mà thành...

* Bổ sung thêm một tí về Nữ thần Venus:


Chắc hẳn có nhiều bạn đã biết câu chuyện về nữ thần Venus, chắc không ít bạn ở trong nhà có tranh hay bức tượng nữ thần Venus bằng thạch cao, bằng sứ, gỗ, thủy tinh hay bằng đồng.
Ngày xửa ngày xưa, trên Thiên đình có 3 nữ thần đẹp nhất, đó là: Thiên hậu (hay Hera), nữ thần Athena và nữ thần Venus (hay Aphrodite). Thiên hậu là vợ của Thiên đế (hay thần Jeus), Athena là nữ thần trí tuệ (và bảo vệ hòa bình cho thành Troa sau này) và là con của Thiên đế, và Venus là nữ thần tình yêu. Trong một bữa tiệc chiêu đãi do Thiên đế tổ chức, có sự tham dự của cả 3 nữ thần, ngoài ra còn có một vị nữ thần là thần ‘Bất hòa’ (vợ của thần Chiến tranh Arex), bà ta đã ném vào trong bữa tiệc một quả táo vàng và nói rằng:
- 'Ai đẹp nhất trong số ba nữ thần sẽ được thưởng quả táo này'.
Thế là cuộc tranh chấp ai là người đẹp nhất Thiên đình xảy ra. Vì trên Thiên đình, không có ai có đủ bản lĩnh để chấm sắc đẹp của các nữ thần, quần thần bèn xuống trần gian để tìm anh chàng Paris (con thứ hai của vua xứ Troie) mà có thiên tư về chấm sắc đẹp một cách vô tư, công bằng và có đầu óc trong sạch (không bị nhiễu loạn vì quyền lực) để phân xử.
Nữ thần Athena hứa với Paris rằng ‘nếu ngươi chấm ta đẹp nhất thì ta sẽ cho người làm bá chủ khu vực (quanh Hy Lạp)’, Thiên hậu hứa với chàng rằng ‘nếu ngươi chấm ta đẹp nhất thì ta sẽ cho người làm bá chủ châu Á’, còn nữ thần Venus hứa với chàng rằng ‘nếu ngươi chấm ta đẹp nhất thì ta sẽ cho người được lấy người đẹp nhất thế gian'. Người đẹp nhất thế gian lúc đó chính là hoàng hậu Helen - vợ vua Hi Lạp (thành Athens)
Sau đó, Paris đã trân trọng trao tặng quả táo vàng cho nữ thần Venus. Và cũng vì chuyện này mà xảy ra cuộc chiến tranh ở thành Troia sau này, trong đó phe ủng hộ thành Troia gồm Thần chiến tranh Arex, Nữ thần tình yêu và sắc đẹp Venus, và Thần ánh sáng Apollo…, phe kia gồm Nữ thần bảo vệ hòa bình và trí tuệ Athena (người ủng hộ nhiệt thành cho Odysseus) và Thiên hậu Hera..., sau đó Nữ thần Venus được lệnh của Thiên đế không tham gia cuộc chiến để phụ trách chuyện tình yêu và hôn nhân của thế gian.
Từ đó Venus là nữ thần đẹp nhất trong vũ trụ. Và cũng từ đó, ta có nữ thần Venus là nữ thần của tình yêu và sắc đẹp, hay là nữ thần tình dục.

4. Là vị thần có quyền lực nhất trên thế giới, nhưng khi tán gái, Zeus không bao giờ dùng sức mạnh, mà dùng mưu mẹo mềm dẻo và uyển chuyển của một người đàn ông tán gái bản lĩnh để chinh phục trái tim của một người đàn bà, có lẽ điều đó làm cho ngài (và tất cả những người đàn ông khác) có một nguồn cảm hứng cao độ. Trong các cuộc tình vụng trộm của Zeus, có lẽ hấp dẫn nhất là chuyện ngài biến thành con bò hiền lành, đẹp, thơm phức và dễ thương, nhẹ nhàng tiến đến tiếp cận nàng Europe, liếm tay của nàng, quỳ xuống dưới chân nàng, cạ cạ vào người nàng… Thấy con bò ‘ngoan’ quá, nàng không đề phòng, leo lên lưng con bò ngồi, nó chở nàng từ từ dạo trên đồng cỏ mượt mà, gió mát hây hây..., rồi bất thần nó vùng lên, chạy liên tục, chạy ra biển, bơi trên mặt biển, bơi liên tục, vượt đại dương cho đến khi đến một vùng đất khác đầy hương vị ái ân và trữ tình. Đến nơi, thần Dớt hiện nguyên hình là một chàng trai uy mãnh, thần thái ngút trời, ngài dùng lời ngon ngọt tỏ tình với nàng, chính sức hấp dẫn của một chàng trai đầy lòng tự tin và cặp mắt tinh tường biết chọn đàn bà, mà đã giúp Zeus có được nhiều mối tình lãng mạn, nếm được đầy đủ vị đắng đào nguyên và sản sinh ra được những đứa con tài hoa…
Sau đây là một số cuộc tình vụng trộm của thần Zeus:

- Zeus hóa làm một cơn mưa, chui lọt xuống hầm sâu và vụng trộm với nàng Danae:

Mưa về em thoáng ở bên song
Đôi mắt tròn xoe ấm cõi lòng
Tóc đen nhấp nháy mềm như lụa
Không gặp mà sao bỗng nhớ mong!

Hỡi gió cuốn đi chạm tóc huyền
Hỡi nàng thục nữ dáng nghiêng nghiêng
Buồn tình bỗng nhiên bừng tỉnh lại
Ai nét hay hay đượm chất thiền

(Dáng huyền - NGLB)


“Vua Acrisios hiếm hoi chỉ sinh được một con gái tên Danae. Cô bé lớn lên ngày càng xinh đẹp. 
Vua thường mong có con trai nối dõi, đến cầu xin thần Apollon ở đền thờ Denph. Thần phán truyền: vua sẽ không có con trai. Nhưng cô Danae sẽ sinh con trai, và đứa cháu ngoại sẽ giết ông cướp ngôi vua. Vua hoảng sợ, tìm cách ngăn chặn hậu họa. Không nỡ giết hại con gái, ông cho xây căn hầm sâu trong lòng đất, đưa Danae xuống nhốt trong căn buồng bốn vách tường đồng vững chắc nhằm ngăn cách nàng với những kẻ đàn ông…
Trải bao tháng ngày sống dười hầm sâu, Danae tội nghiệp chỉ ngắm nhìn bầu trời qua một ô cửa nhỏ. Thần tối cao Zeus đã nhìn thấy nàng công chúa xinh đẹp đáng thương. Zeus hóa làm một cơn mưa, chui lọt xuống hầm sâu và ăn ở với Danae. Nàng thụ thai, sinh một con trai là người anh hùng Perce lừng lẫy, ông tổ bốn đời của dũng sĩ Heracles”.

- Zeus hóa thành hoàng tử ‘Amphitryon’, vụng trộm với vợ của hoàng tử là Ankmen:

Đã yêu thì phải bướm bay
Đã yêu thì phải yêu ngày yêu đêm
Yêu cho đến lúc đã thèm
Vẫn còn yêu nữa, say mềm chửa phai
Nhớ ai bên biển chiều tà
Bước mềm in gót ngọc vào cát yêu
Nhớ ai tình ngập thủy triều
Mây bay trăng trắng mỹ miều dáng em

Nhớ ai ru tiếng êm đềm
Giọt buồn lai láng, bỗng thèm nụ hôn

(Gót ngọc - NGLB)


“Vua Perce lập gia đình, sinh con trai tên Electrion. Vua Electrion lại sinh được chín trai một gái. Con gái đặt tên là Ankmen, về sau gả cho hoàng tử nước láng giềng là Amphitryon.
Hoàng tử Amphitryon thường đi chiến trận vắng nhà. Thần Zeus chú ý, liền hóa thành hoàng tử ‘Amphitryon’ về gặp Ankmen. Hai người ân ái ba ngày đêm liên tục, thần Zeus ra lệnh cho thần Mặt trời Apollon không được mọc suốt ba ngày ấy.
Nàng Ankmen sinh đôi hai đứa con trai - một của chồng, một của thần Zeus. Thần Zeus ẵm đứa con của mình về, lừa lúc nữ thần Hera ngủ say, cho thằng bé bú trộm sữa thần bất tử của Hera. Hera đang ngủ chợt thấy động, tỉnh dậy, hất đứa bé ra. Nó đã bú gần no, rời miệng khỏi vú. Một dòng sữa trắng lớn vọt ngang trời thành dải sao rộng lớn, gọi là Milky Galaxy (chòm sao sữa), phương Đông gọi là sông Ngân Hà. Thần Zeus ẵm bé bỏ chạy, trả cho mẹ nó, rồi đặt tên nó là Heracles (vinh quang của Hera).
Nữ thần Hera vẫn ghen tức, tìm mọi cách truy đuổi giết thằng bé Heracles. Bà ta cho hai con rắn độc chui vào buồng ngủ của hai bé trong cung điện của Ankmen. Chú bé Heracles 10 tháng tuổi ngồi trong nôi hai tay bóp chết hai con rắn...
Sau mười hai chiến công, dũng sĩ Heracles cưới công chúa Dedaniar. Vô tình phạm tội giết người, chàng lại bị đày đi làm nô lệ cho nữ hoàng Omphale ở xứ Libi ba năm. Heracles lại tham gia cuộc chiến thành Troia 10 năm. Tại đấy, chàng yêu một thiếu nữ khác, vợ chàng - Dedaniar ghen tuông mà mắc lừa con nhân mã, vô tình hại chồng bằng tấm áo thấm máu con nhân mã mà nàng tưởng nhầm là chiếc áo bảo vệ lòng chung thuỷ. Heracles trúng thuốc độc, chàng đau đớn không chịu nổi nên đành tự thiêu. Zeus tối cao đón chàng về đỉnh núi Olympe trở thành vị thần bất tử”.

- Zeus hóa thành con bò mộng lông vàng óng để dụ dỗ và vụng trộm với nàng Europe:

Nghiêng nghiêng ấy, có đôi mắt thu hồn
Chờ đến một đêm nào, trăng sẽ ngon
Cong cong ấy, ẩn chứa một thân hình
Nguội lạnh cuộc tình, mơ ấm mùa đông

(Ngon! - NGLB)

“Vua Agienor thành Sidon là con trai của thần Pozeidon và tiên nữ Okenaid xứ Libie. Vua sinh ra bốn con trai là Cadmos, Phenicie, Kilice và Phinee và một gái tên là Europe. Nàng xinh đẹp như ánh sáng.
Một đêm nàng nằm mơ thấy hai mảnh đất khổng lồ cách nhau một quãng biển rộng, một mảnh gọi là Asie, còn mảnh kia chưa biết gọi là gì. Hai mảnh đất hoá thành hai người phụ nữ tranh nhau dữ dội giành bắt lấy nàng Europe. Cuối cùng người phụ nữ tên Asie đành thua cuộc. Người kia nuôi dưỡng chăm sóc Europe đến khi trưởng thành… Tỉnh giấc mơ cô kể lại với vua cha. Điềm chẳng lành?
Một ngày kia thần Zeus quyến rũ nàng, thần hoá làm một con bò mộng lông vàng óng, đôi sừng cong như vầng trăng, vầng trán toả ánh sáng bạc lấp lánh. Con bò đến gần nàng Europe, dụi đầu vào cánh tay, thè lưỡi liếm bàn tay nàng, quì xuống bên nàng. Hơi thở của nó cũng toả hương thơm ngát. Nàng vuốt ve nó rồi ngồi lên lưng. Bất chợt nó vùng chạy, lao xuống nước biển, nàng gào thét kêu cứu. Con bò bơi trên biển như cá. Những nàng tiên nữ biển cả Nereid lội hai bên rẽ nước hộ tống, Europe vẫn khô ráo khi con bò cập bờ một hòn đảo đô thành tên là Cret. Thần Zeus hiện nguyên hình uy nghiêm đẹp đẽ, tỏ tình với nàng. Sau đó Europe sinh hạ ba người con trai là: Minos, Radamante và Sarpedon. Những người dân xứ đảo này lấy tên nàng đặt tên cho toàn bộ vùng đất phía Tây là Europe nghĩa là châu Âu".
- Zues giả làm kẻ chăn cừu, hứa hẹn và tán tỉnh nàng Semele:


"Thần rượu nho Dionisote (Bacchus) là con của thần Zeus với một người phụ nữ Hi Lạp tên là Semele, cậu bé Dionisote sống với mẹ như một đứa con rơi, con hoang. Cuộc tình của mẹ chàng thật là bi thảm. Zeus lẩn tránh Hera, hóa thành chàng trai đến gặp nàng Semele, tỏ tình và khoe khoang. Ông ta hứa sẽ làm bất cứ điều gì nàng muốn.
Nữ thần Hera nghe biết hết, liền tìm cách phá hai người. Bà xúi giục Semele nghi ngờ Zeus không phải là vị thần tối cao mà chỉ là kẻ chăn cừu bình thường. Rồi Semele khăng khăng đòi Zeus hiện nguyên hình để chứng minh nguồn gốc. Zeus ra sức chối từ, ngăn cản nàng. Nước mắt và sự cương quyết của người phụ nữ đã thắng. Zeus buộc lòng phải hiện nguyên hình. Một tiếng sét nổ xé tai, rung chuyển trời đất. Thành Thebes bốc cháy. Zeus nhanh tay cứu kịp đứa bé con trong bụng người tình. Đứa bé thiếu ba tháng. Zeus rạch đùi đặt đứa bé vào, nuôi tiếp. Từ đùi cha, câu bé Dionisote được sinh ra đời lần thứ hai. Zeus đem con đi gởi các tiên nữ Nymphe trong thung lũng nuôi giúp. Hera còn tiếp tục theo dõi đánh ghen khiến cậu bé phải chịu bao khổ cực, trôi dạt từ xứ này qua xứ khác. Có khi thần Zeus phải biến cậu thành con dê để che mắt Hera.
Lớn lên, Dionisote đi lang thang khắp nơi, dạy dân trồng cây nho, ép rượu. Rượu nho mang lại sự vui tươi, hoan lạc có khi tới độ cuồng nhiệt… Dân chúng Hi Lạp học được nghề trồng nho và nấu rượu nho, trở nên khá giả. Họ biết ơn vị thần Dionisote, lập đền thờ chàng"...


Tiếng sóng lòng động rung, đâu đó bóng người tình
Tin nhắn nào gửi đi, đang nghĩ đến bóng hình
Ai nói lời nói yêu, ta liu xiu tháng ngày
Em bây giờ đã xa, tim ta nhói từng giây

(Tim nhói - NGLB)

5.
Đã yêu thì phải bướm bay
Đã yêu thì phải yêu ngày yêu đêm
Yêu cho đến lúc đã thèm
Vẫn còn yêu nữa, say mềm chửa thôi

hay
'Thiên thu vạn cổ yêu là khổ,
Vạn cổ thiên thu khổ cũng yêu'
,
thần Zeus này có nhiều chuyện ‘vụng trộm’ lắm, chúng ta không phải là ngài, nhưng vì là con cháu của ngài, nên đâu đó vẫn lảng vảng trong ta tính vụng trộm của ‘cha’ mình, ‘con hơn cha, nhà có phúc’, đôi khi ta còn lãng mạn hơn nhiều, biết đâu đấy!, nhưng tốt hơn hết là đừng nên bắt chước...

Cuối cùng, điều nầy cho thấy sự hấp dẫn của giới tính đến nỗi… Thiên đế mà cũng 'không thể kìm hãm cái sự sung sướng ấy lại', huống gì là ta - kẻ phàm phu tục tử:
'Tình nào thì cũng chắt chiu,
Người trần mắt thịt cũng yêu như... thần!
'.

-----------------------
Nguồn tham khảo chính:
- http://giangnamlangtu.wordpress.com/2011/07/13/van-h%E1%BB%8Dc-ph%C6%B0%C6%A1ng-tay-1/
- '3 mối tình của thần Du Bích Tiên' (trước giải phóng)

1 nhận xét:

  1. Lưu comt Đào Dũng Tiến:
    Cúp điện giờ mới có anh... Tôi có viết đề tài này (có liên quan) rồi...
    Ps: Sở dĩ mất hết comment/s là vì thời điểm đó blog yahoo 360độ bị sập, tôi chép qua bên blogspot, rồi 1-2 năm sau bỗng (nhiều bài có) lời bình đều biến mất! TM.

    Trả lờiXóa