Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

260. Biển Thanh Bình trong ký ức tôi


Bài này được viết theo thứ tự A, B, C cho các bạn dễ đọc, gồm có những hồi tưởng về: Biển Thanh Bình, Bún cá ngừ, Câu cá đục, Chia phe ném trái dương liễu, Chú bộ đội bí mật, Lính MỹMáy bay phản lực và tàu há mồm, Ném lựu đạn để bắt cá, Những căn nhà làm bằng gỗ Mỹ, Tập võ Vô-vi-nam và Thiên thần bé nhỏ.
(Biển Thanh Bình với cửa biển nhìn từ xa)
Thương ai dáng đứng cong cong
Cành kia rơi lá, lượn vòng quanh em
Hoa kia bung nhụy thơm mềm
Tím kia ngây ngất, ai quên lối về
Bắt đền anh, nhạt nắng chiều
Bắt đền anh dạo phiêu diêu cuối trời
Bắt đền anh, giọt sương rơi
Bắt đền anh dẫn đến nơi địa đàng
Mùa thu hoa lá đượm vàng
Nước về cây cỏ dịu dàng bên sông
Nổi lên tình cảm mênh mông
Quê tôi thấp thoáng bóng hồng đợi ai
(Quê tôi-NGLB)

Biển Thanh Bình trong ký ức tôi, đó là một cái vịnh với 3 bề núi phủ, đứng trước biển, chỉ nhìn thấy có một cái cửa biển nho nhỏ từ xa để tàu bè ra vào. Nhìn bên phải, trên những rừng dương liễu nhấp nhô, tôi thấy núi Sơn Trà xanh mực nhạt xen lẫn với xanh lá cây, có nổi lên một tảng đá màu trắng (hình như là trạm vô tuyến hồi trước!) và con đường dẫn lên đỉnh núi, thỉnh thoảng có những chiếc máy bay trực thăng kêu ‘bịch bịch’ và lượn lượn nổi lên trên nền núi. Phía bên trái là vùng Hòa Khánh kéo dài đến tận Nam Ô với nhiều cát trắng, hình như có thấy tượng Phật màu trắng nhô lên trên những xóm làng ven biển. Xa xa, phía trước thường có có nhiều đám mây trắng bao phủ lưng chừng ngọn Hải Vân, dưới chân núi, thỉnh thoảng có một vài chiếc tàu chiến (của Mỹ!) đậu lãng vãng.
(Bún cà ngừ, Đà Nẵng)

Biển Thanh Bình trong ký ức tôi, đó là cách bờ biển khoảng chừng 2-3 cây số, có những chiếc lưới đánh cá chỉ nhìn thấy be bé mà chiều chiều nổi mấy cái trụ lên mặt biển, thế mà có đứa dám bơi ra đến đó rồi quay về, dại thật! Trên bãi biển, buổi sáng chúng tôi thường ra tắm và về chiều tha hồ mà lặng ngắm ánh chiều tà, có những câu bé/cô bé tắm và xây ‘hòn non bộ’ bằng cát, có vô số chú ‘còng’ lớn bé đủ loại, suốt ngày xe cát không mệt mỏi. Sáng sớm hay chiều, có những nhóm ngư dân kéo lưới vào bờ, tôi cũng tham gia, nặng lắm! Mẹ tôi và cậu tôi thường bảo tôi ra biển mua mực tươi, cua tươi hay cá ngừ còn nhảy đành đạch để về làm món bún cà ngừ tuyệt hảo. Đây cũng là nơi mà chúng tôi nhận tiếp vận 'sản phẩm nông nghiệp' do bà con từ Đại Lộc mang ra...
Biển thật đẹp, bún thật ngon
Cá đục chiên giòn, mì Quảng thật thơm
Những hàng dương liễu xanh rờn
Hỡi nơi đâu đáng nhớ hơn quê mình
(blogger Ngọc)
(Mây trắng trườn qua đỉnh Hải Vân)

Biển Thanh Bình trong ký ức tôi, đó là vào những ngày rãnh, sáng sáng chiều chiều chúng tôi tham gia câu cá đục, chúng chỉ to bằng ngón tay. Có nhiều ‘câu thủ’ đã ra biển câu cá (với mồi là tép tươi). Không ít lần, chúng tôi câu trúng cá óc nóc, nó cắn câu sâu lắm làm chúng tôi gỡ ra rất khó, rồi vứt ra xa, nó đau quá, vừa bay trên trời vừa kêu to lên ‘choắt.. choắt.. choắt…’ vang động cả vùng biển, rồi rơi xuống mặt biển nổi lềnh bềnh phơi cái bụng trắng phếu ra, tí nữa cái bụng của nó xẹp lại rồi lặn mất. Có lúc giẫm trong chân gặp cua, tôi phải cúi xuống, sè hết bàn tay để nắm nguyên cả con cua, nếu không làm thế, nó sẽ kẹp...
Sau giải phóng, các gia đình trong xóm chúng tôi làm gì có nhiều tiền mà đi chợ mua thức ăn. Cá đục thu hoạch được, thường là vài chục con/ngày, có người câu được đến cả trăm con, về kho tiêu cộng với rau rác trồng trong vườn là đã có một bữa ‘đại tiệc’. Tôi không phải là ‘câu thủ’ nên mỗi ngày chỉ câu được cỡ 30-40 con, rồi lấy thớt bằm ra làm chả cá, chiên giòn, chấm nước mắm ớt tỏi. Có một ngày nọ, chiên xong, ra ngoài rửa tay, rồi tôi xuống bếp thì thấy món chả cá chiên biến mất, tôi bèn hỏi cô em gái:
-Món chả cá anh úp dưới cái lồng bàn đâu rồi?
Nó im lặng chả nói gì hết, nhìn vào mồm nó thấy vẫn còn dính đầy dầu, trời đất ơi, em gái của tôi đã ăn vụng ‘công lao’ cả ngày của tôi, híc.. híc…, nhưng nó đã lỡ nuốt vô bụng rồi thì làm sao hả trời!
(Câu cá đục)
Viết cho em - mắt đẹp tuyệt vời
Viết cho em, bài thơ bối rối
Viết cho em, tim đập dữ dội
Viết cho em, nóng hổi tơ tình
(Viết cho em-NGLB)

Biển Thanh Bình trong ký ức tôi, đó là có những nhóm trẻ, thường chia làm 2 phe, ném trái dương liễu hay bắn ná với nhau. Chúng tôi thường chọn những trái dương liễu ‘cốt-xì-nái’ (to bằng đầu ngón tay cái), mỗi lần xông vào cận chiến, chúng tôi phải tránh né, cúi đầu xuống hay lấy tay che mặt để tránh bị ném vào mặt, đau lắm! Chúng tôi còn chế tạo ra những chiếc ná từ những 'chọng' dương liễu hình chữ Y hay từ những sợi thép treo áo quần, còn mũi tên thì làm bằng giấy cuộn lại uốn thành hình chữ V có bọc thép bên trong, có lần, tôi áp dụng chuyện ‘Tam quốc chí’ hay ‘Đinh Bộ Lĩnh’ mà trá hàng, rồi thình lình bắn vào mặt tên đại ca của nhóm ‘địch’, tên này kêu lên một cách đau đớn:
-Ối chao!
Tôi sợ hết hồn, sợ nó về méc cha nó thì sẽ chắc chắn sẽ bị ba tôi đánh đòn và bắt qua nhà nó để xin lỗi cha nó!
(Những cây dương liễu cung cấp trái để chúng tôi 'cờ lau tập trận')

Biển Thanh Bình trong ký ức tôi, đó là có một cậu học sinh ở quê lên, thỉnh thoảng đến học chung và ở lại ngủ chung với tôi. Có một đêm, cậu ấy nói:
-Mỹ là bóc lột, Mỹ xâm lược Việt Nam...
Lúc đó tôi chả hiểu gì. Rồi có một ngày sau tháng 4/1975, có một chú bộ đội ghé thăm nhà tôi, chính là 'cậu ấy', tôi đã tặng cho cậu 3 cái áo ‘may-dô’ mà mẹ tôi vừa mới mua cho tôi, sau đó mẹ tôi la tôi quá trời, híc.. híc…
Tôi vẫn còn nhớ khi tôi học hết lớp 10, có một ngày, ba tôi nói: 'Con phải vào chiến khu tham gia cách mạng'. Tôi không hiểu và hỏi: 'Vào đó làm gì hả ba?'. Ổng trả lời giọng một: 'Nếu con không vào đó thì không thành người (!). Nói rồi ổng liền bỏ đi..., nay ba tôi không còn trên cõi đời này nữa.
(Thời niên thiếu)

Biển Thanh Bình trong ký ức tôi, đó là có một tên lính Mỹ, anh ta thuê nhà ở chung với ‘bồ’ ở đối diện nhà tôi, xéo xéo về phái bên trái. Thường thì mỗi tuần, lính Mỹ thay ‘nhu yếu phẩm’ một lần, cứ cuối tuần là có một chiếc xe Jeep chở hàng đến, thứ gì mà nó xài không hết là nó đem đỗ hết ra ‘bãi rác Mỹ’, uổng thật! Có lần, thằng con ông chủ nhà, rất nghịch, nó nói:
-Tau dòm qua khe cửa, thấy thằng Mỹ đang hun (hôn) con bồ của nó...
Tôi cũng tò mò, (thậm chí thỉnh thoảng có những cuốn tạp chí ‘playboy’ vứt bừa bãi ở vài nhà trong xóm), nhưng lúc đó tôi ham học lắm, chả có thì giờ đâu mà đi xem vụ đó với nó.
Có một tên lính Hàn quốc, thường vào cuối chiều, anh ta đi dạo quanh quanh làm quen với dân, rồi vào nhà dân đánh bóng bàn, đó là cái bàn làm một bằng tấm ván ép (kích thước nhỏ hơn bàn bóng bàn thật), nhưng anh ta vẫn thường xuyên đến chơi và sau đó kiếm được một cô bồ nho nhỏ khá xinh đẹp.
 
(Tha hồ lặng ngắm ánh chiều tà)

Biển Thanh Bình trong ký ức tôi, đó là ngày ngày nghe tiếng máy bay phản lực F5 lên xuống phi trường, gầm rú điếc cả tai và để lại những ‘làn khói’ trắng kéo dài trên bầu trời Đà Nẵng. Vào một buổi chiều nọ, có chiếc tàu há mồm tiếp cận bờ biển, rồi từ mồm của nó nhả ra những con cua khổng lồ (xe thiết giáp M 113) tiến vào bờ biển rồi chạy rầm rập trên đường Khải Định (đường Ông Ích Khiêm ngày nay), lúc đó chúng tôi còn nhỏ có biết gì đâu, nghe hàng xóm nói là chúng đến để ‘dẹp vụ biểu tình gì đó của Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng lớn lắm’!
(Sáng chiều ngư dân kéo lưới)

Biển Thanh Bình trong ký ức tôi, đó là có những ngày nghe ‘ầm’ một cái - có những anh chàng (lính!) tinh nghịch đem lựu đạn ném xuống biển để bắt cá. Chúng tôi vội chạy ra, lao xuống biển bắt ‘hôi’ cá. Rất nhiều con cá bị tức vì chất nổ, nổi lềnh bềnh trên mặt biển hay trong nước, có những con cá gì nằm tuốt dưới đáy thuyền hay đáy biển mà chúng tôi phải lặn sâu xuống mới bắt được và khi nắm nó vào thì bị chích nhức hết cả tay…

(phía bên trái của biển)
Cỏ nào nghiêng nghiêng theo gió lộng
Dại nào ai đó động lòng theo
Còn em, ai mãi miết leo
Còn em, dốc đứng vòng vèo cũng qua
Mê nơi nào, bóng em còn đó
Say nơi nào, khi có dáng em
Mùa này nắng lượn qua thềm
Thu này mây cuộn vóc mềm thon thon

Biển Thanh Bình trong ký ức tôi, đó là có rất nhiều nhà làm bằng gỗ Mỹ và ván ép Mỹ, vách đóng bằng cạc-tông Mỹ, mái nhà lợp bằng tôn Úc. Nơi đó là một xóm lao động, có vài nhà làm bánh tráng, có người làm nghề thầy giáo, kỹ sư, đạp xe xích lô hay xe ba-gác, có những hạ sĩ quan và sĩ quan miền Nam sống hay thuê nhà ở đó, có một vài ‘bà’ âm thầm hoạt động cách mạng (sau giải phóng mới biết). Có vài nhà có những tủ sách Đông-Tây kim cổ rất giá trị, cả xóm học giỏi mà cuối năm học thường có nhiều cậu chở phần thưởng về nhà trên xe xích-lô, Cả xóm biết đánh đàn, thường đêm đêm, dưới những mái nhà đó vọng lên tiếng đàn Măn-đô-lin với những khúc tình ca tiền chiến rất não nuột hay rất lãng mạn mà làm cho tôi trở thành những kẻ đa sầu đa cảm… Có nhiều lần, bão ập vào Đà Nẵng, ba con tôi phải lấy bao cát, bỏ đầy cát vào, buộc chặt lại, rồi leo lên mái nhà, đè chúng lên những tấm tôn. Có lần cãi nhau với một thằng bạn, anh em chúng tôi cầm mấy cục đá to, ném từ xóm bên này qua xóm bên kia kêu ‘ầm ầm’, bố ai mà biết là ai ném, chỉ thấy ông già của nó ra chửi ầm cả lên…
(Mì Quảng 'Bà Ngân', Đà Nẵng)
Ở đó, sáng sớm có bà rao:
-ai mua bún không.. không… không…?
-bánh mì nóng giòn đây.. đây.. đây…,
rồi tối tối có tiếng rao:
-ai ‘hơ vi lơ’ (hột vịt lộn) không.. không.. không…?,
mà suốt đời tôi không thể nào quên.
(phía bên phải của biển)

Biển Thanh Bình trong ký ức tôi, đó là những lần tập võ Vô-vi-nam, Thiếu Lâm, Tây-kinh-đô, hay võ gia truyền.
Trong một lần tập võ gia truyền, tôi và một ông anh luyện với nhau, bị đánh đau quá, ảnh nói:
-Tập giỡn chứ có tập thiệt đâu (?).
Rồi ảnh phủi cát hai tay, bỏ đi và ‘nghỉ chơi’ với tôi. Trời, tập võ mà tập giỡn thì làm sao mà đánh thật được!
Có một thằng bạn, biết võ Thiếu Lâm gì đó, múa may quay cuồng, bị tôi dùng chiêu ‘liên hoàn quyền’ thứ 10 của võ Vô-vi-nam đánh cho chạy dài, nó không dám nói gì nữa.
Có một ‘thằng’ hàng xóm, em của một sĩ quan hải quân miền Nam, anh nó dạy cho nó ‘boxing’ (quyền Anh), và nó thường lấy tôi ra để thử và xúi tôi lấy 2 tấm mo cau và ném dao với nhau cho cắm vào đó, nguy hiểm thật! Nó thường hay khoe khoang rằng anh của nó là giỏi. Một hôm nó đấu với tôi, tôi đã áp dụng chiêu thứ 2 của Vô-vi-nam, đó là khi đối thủ dùng tay phải ‘đấm vòng’ thì ta lấy tay trái gạt ra, rồi dùng 2 ngón tay của tay phải chĩa vào mặt đối thủ, không ngờ tôi chĩa trúng ngay hai con mắt của nó, nó lấy tay bụm mắt, tôi xem lại thì thấy 2 con mắt của nó đỏ hoe, tôi phải dẫn nó về nhà, lấy nước muối chườm mắt cho nó cả tiếng đồng hồ, và dặn nó về nói dối với mẹ của nó là: 'Con bị cát bay vào mắt', nếu không, mẹ nó biết được thì bả đứng bên hàng rào thuốc dấu, bả sẽ chửi: 'Đm, tiên sư bố chúng mầy, bà đánh cho chúng mầy bỏ mẹ!'. Bả có thể chửi cả ngày, thậm chí chửi cả tháng, biết chừng đâu đấy!
Có một số băng nhóm giang hồ ở đó, chúng phái ba cao thủ đến gặp tôi, tên đại ca, đầu trọc, trong tay cầm một cái hộp quẹt Zíp-pô, cử một thằng giỏi nhất giao đấu với tôi, tôi và nó đánh nhau kịch liệt khoảng 15 phút, rồi thằng đại ca nói:
-Thôi, coi như huề.
Thế là chúng bỏ đi.
(Tập võ Vô-vi-nam)

Biển Thanh Bình trong ký ức tôi, đó là có một 'thiên thần bé nhỏ' mà tôi đi họp Chi đội, cô bé rất xinh, tôi liếc ngầm, và cái liếc đó vẫn lưu giữ niềm rung động nhè nhẹ trong tim tôi cho đến tận ngày nay! Vào khoảng giữa năm 1975, có hơn 2000 thanh niên phường Thanh Bình với cơm gói theo người, tập họp tại ngã ba gần trường Kỹ thuật Đà Nẵng (có phóng viên báo đài đến quay phim, chụp hình, viết bài...), rồi đến ‘Bãi rác Mỹ’, chỉ trong một ngày, lực lượng thanh niên đó (cùng với thanh niên đến từ một số trường hay quận khác) đã dọn cơ bản sạch đống rác Mỹ mà đã tích lũy trong gần 20 năm, và cũng từ đó, ngày nay nam thanh - nữ tú chiều chiều tối tối đi dạo vòng vòng quanh khu Quãng trường 29/3.
Mắt lệ cho người, ôi đẹp quá
Hồ thu ân ẩn, khiến ai sa
Môi duyên he hé, hồn ai lụy
Giọt buồn mằn mặn, tim ai say
(Mắt lệ-NGLB)
(Tôi thường nhớ về các Thiên thần bé nhỏ)

Và Biển Thanh Bình trong ký ức tôi, đó là bà nội tôi đã òa lên khóc và mắt của hai bác gái đã đầy lệ khi tôi về thăm lại 'quê' của thời niên thiếu mà có lẽ tôi không còn có cơ hội về thăm lại được nữa, khi viết bài này, tôi nhớ lại mà chảy nước mắt.
‘… Những khoảnh khắc đẹp trở về với những kỷ niệm ngày xưa của Đà Nẵng với biển Thanh Bình rạt rào sóng vỗ bên rặng dương liễu ngát xanh, với núi Sơn Trà (hồi ấy người Mỹ gọi là Monkey Mountain vì có... rất nhiều bà con của... Tôn Ngộ Không!), Ngũ Hành Sơn hùng vĩ! Một cuộc lữ hành ngoạn mục về lại với tuổi thơ người viết... và cả người đọc!' (blogger Trần Hồ Dũng).
Thân tặng bài viết này cho những ‘cô bé, cậu bé’ đã lớn lên từ biển Thanh Bình, Đà Nẵng, có gì hay, các bạn nhớ bổ sung giùm Lá Bàng nhé. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét