Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

224. Bảo Đại đi về đâu?


Lang thang trong ‘trường đại học bôn ba’, mình đã từng ghé thăm một số nơi ăn ở và làm việc của Bảo Đại như: nhà nghỉ mát ở hồ Lắk (Đaklak), các Biệt điện ở Ban Mê Thuột, Nha Trang, Đà Lạt, Hải Phòng, Huế… và nghe người ta nói về cuộc đời của Bảo Đại, về các người tình của Bảo Đại và đặc biệt, nói ông là người ‘ăn chơi’ khét tiếng!
Ông ăn chơi ra làm sao? Sở thích của ông là gì? Những người tình của ông là ai? Ông đối xử với họ như thế nào? Ông đúng hay sai?... Và cuối cùng, đứng trước ‘thượng đế’, với tư cách là một con người ‘sống trong cái địa ngục có tình yêu nhỏ bé này’, ông trả lời như thế nào?
Dưới mắt của một ‘người uống cà phê’, mình xin ghi lại dưới đây tâm sự của mình và một số blogger. Người viết không luận bàn về vấn đề chính trị và không can thiệp vào chuyện riêng tư của các tổ chức/cá nhân có liên quan trong bài viết này.

Dưới nắng hoàng hôn một bóng kiều
Thân hình tuyệt mỹ, dáng phiêu diêu
Chim trời hạ cánh rung tình khúc
Ngự xuống bàn tay đẹp mỹ miều

Chim ơi! chim chớ nhìn dáng ngọc
Chết lịm hồn chim, rớt chiều tà
Chim ơi! chim chớ hôn lên má
Chết lịm tâm chim, dậy sóng tình

Chim ơi! chim chớ nhìn đáy mắt
Chết lịm tình chim, dưới mặt hồ
Chim ơi! chim chớ thơm mái tóc
Chết lịm lòng chim, hương ngát say

Chim ơi! chim chớ ôm sầu nhớ
Chết lịm đời chim, nơi biển tình
Chim ơi! chim chớ mơ màng hót
Chết lịm kiếp chim, một bóng hình
(NGLB)

Để có được nhiều người tình, ngoài việc đẹp trai, phong độ, có phong cách nhã nhặn và lịch thiệp, Bảo Đại còn ‘đặc biệt’ có tâm hồn nghệ sĩ, đa tình, đam mê sắc đẹp và tình dục, kiên trì đeo bám, chi tiêu một cách hào phóng, thậm chí có thể mua hẳn một biệt thự để tặng cho người đẹp… Tính sơ sơ, ngoài Nam Phương Hoàng hậu (xin vui lòng xem entry 223), Bảo Đại còn có 7 bà 'vợ' nữa, ngoài ra, ‘Bảo Đại còn có một người con do bà Từ Cung nuôi, nhưng không rõ là con bà nào do ông không tiết lộ’. Ngoài vợ Việt Nam, Tàu và Pháp ra, ông còn có những người tình ở Hồng Kông, Pháp, Nhật Bản, Zaire…, nên không thể biết được hết là ông còn có những bà vợ nào nữa! Dưới đây, xin giới thiệu vài nét về 7 bà vợ nói trên.

1. Bùi Mộng Điệp - Thứ phi của Bảo Đại ở miền Bắc:

Hãy gặp người có khuôn mặt mủm mĩm đó
Hãy suy tư sao cho trái tim rung nhè nhẹ
Hãy gửi người những bài tình ca khe khẽ
Hãy yêu sao cho thượng đế phải ghen hờn
(NGLB)


Cuối năm 1945, khi ở Hà Nội tham gia làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Bảo Đại bị ‘sa lưới tình’ của 2 người đẹp Bắc Hà, đó là Bùi Mộng Điệp và Lý Lệ Hà. Cặp Bảo Đại - Mộng Điệp là ‘trai anh hùng, gái thuyền quyên’, so với các 'nàng' khác, Mộng Điệp là người được Bảo Đại gần gũi nhiều nhất và để lại nhiều dấu ấn trong cuộc đời của ông nhất.
Bùi Mộng Điệp, sinh năm 1924 tại Bắc Ninh, là một cô gái nghèo, một vũ nữ khá nổi tiếng ở đất Hà thành có sắc đẹp làm say đắm lòng người. Được bạn bè giới thiệu, ông gặp nàng ở một sân tennis, rồi hai người nhanh chóng có cảm tình và đến với nhau, sau đó nàng sinh con gái (Phương Thảo, sinh 1946) khi chàng đang ở bên Tàu.
Bà theo đạo Phật, không theo ‘Tây’, tính tình nho nhã, hiền lành, tháo vát, rất được lòng những người trong hoàng tộc (nhất là bà Từ Cung), bà đã hỗ trợ Bảo Đại và bà Từ Cung trong việc làm một số công trình và việc thiện ở Ban Mê Thuột, quan hệ tốt với các học giả... Trong cuốn ‘Việt Nam sử lược’, ông Trần Trọng Kim đã viết lời đề tặng như sau: ‘Kính tặng bà Bùi Mộng Điệp, là một người biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng’.
Năm 1948, Bảo Đại từ Hồng Kông về lại Việt Nam rồi làm Quốc trưởng (tháng 7/1949), ông đón nàng về Đà Lạt, phong làm Thứ phi (khi đó Nam Phương đã ở bên Pháp từ 1947). Từ đó, ‘bà’ thường xuyên sống gần gũi ông, bà được xem như là ‘Thứ phi phương Bắc’ và được ban áo mũ để thay mặt Hoàng hậu Nam Phương trong các cuộc tế lễ. Năm 1953, bà được cử sang Pháp giao cho Nam Phương hoàng hậu giữ ‘ấn kiếm và một số vật báu’ của triều Nguyễn. Do chiến tranh ngày càng ác liệt, bà ở lại luôn bên Pháp, sau này con sinh thêm 2 người con trai nữa là Bảo Hoàng (1954) và Bảo Sơn (1957). Cuối năm 1996, bà cùng con gái về thăm Huế, vận động tài chính của các tổ chức quốc tế để giúp trùng tu lăng Minh Mạng và một số di tích ở phố cổ Hội An… Bà về nơi yên nghỉ cuối cùng (do bị ngã và chấn thương ở cổ) năm 1997 tại Paris, thọ 73 tuổi.

2. Lý Lệ Hà - mối tình ngắn ngủi:

Anh gửi vào em chút lả lơi
Đôi mắt hồ thu đẹp tuyệt vời
Là người hay tiên trên trời vậy
Em xuống trần gian ‘khuấy động’ đời

'Vắng em thu tàn lối bơ vơ'
Rừng thu xao xác bóng ai chờ
Cây thu hoang lạnh dài vươn cổ
Lá thu hờ hững rơi trong mơ
(NGLB)

Đồng thời với Mộng Điệp, chàng còn sa lưới tình với một nàng nữa, đó là Lý Lệ Hà (thường gọi là cô ‘Thông’ hay cô ‘Đốc Sao’), sinh khoảng năm 1920, không rõ năm mất, xuất thân là một cô gái nhà nghèo, quê ở Hải Phòng. Năm 1938, nàng đã từng đạt giải ‘Hoa khôi áo lụa Hà Đông’ tổ chức tại Hà Đông, và cũng là cuộc thi ‘hoa khôi’ đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam (!), sau đó nhà thơ Nguyên Sa làm thơ và nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sáng tác nhạc nói về nàng:
‘Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát,
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông...’

Là một vũ nữ đã từng nhảy ở 6 vũ trường ở đất Hà thành và các vũ trường khác ở Sài Gòn, nàng nổi tiếng về nhan sắc: ‘hai hàm răng của Lý Lệ Hà là hai hàng bạch ngọc và quý hơn ngọc đã làm cho Bảo Đại say mê và bà Nam Phương phải buồn lòng và lo lắng vì mối tình nầy’, nàng từng trải trong tình trường và được bao nhiêu công tử nhà giàu theo đuổi…
Ban đầu, người anh em họ của Bảo Đại là Vĩnh Cẩn đã giới thiệu ông với Lý Lệ Hằng. Rồi nàng đã có những chiêu quyến rũ và ‘tấn công’ ông, kết quả là ông đã bị ‘sa lưới tình’, hay nói cách khác là đã bị gục ngã dưới chân nàng. Ông quan hệ công khai với nàng, cưng chìu, đối xử một cách lãng mạn và hào phóng… Nàng đã theo ông khi ông lưu vong lần đầu tiên ở Hồng Kông (1946). Tuy nhiên, ‘bữa tiệc nào cũng có lúc tàn’, dần dần trong một thời gian không lâu, mối tình giữa Bảo Đại và Lý Lệ Hà cũng đi vào nhạt phai, rồi hai người chia tay và không có con. Sau đó nàng qua Pháp, lấy chồng và không gặp Bảo Đại nữa.
 
3. Hoàng Tiểu Lan - người đẹp Tàu lai Tây:

Ta hát cho chiều - tiếng vĩ cầm xưa vọng lại
Ta gửi cho chiều - những khắc khoải chờ mong
Ta tặng cho chiều - mối tình còn lắng đọng
Ta viết cho chiều - nắng ấm rụng trong tim
(NGLB)

Như đã nói ở trên, trong thời gian lưu lạc bên Tàu (1946), Bảo Đại lại sa lưới tình với một ‘cánh hồng Trung Quốc’ là nàng Hoàng Tiểu Lan (hay Jenny Woong, thường được cấp dưới của ông gọi là bà ‘Jenny’).
Nàng là một vũ nữ người Tàu lai Pháp. Bên Tàu, Bảo Đại sống ‘túng thiếu’ và được nàng Jenny cưu mang giúp đỡ. Sau này, ông đã đưa nàng sang Việt Nam để ‘đền ơn đáp nghĩa’. Hai người có một con gái tên là Phương An.

4. Lê Thị Phi Ánh - người tình đẹp nhất:

Vị đắng trần gian chả mấy khi
Say mùi hương lạ, say li bì
Say men tình ái, say chới với
Say vị dáng hình, say ngất ngây
(NGLB)

Khi làm Quốc trưởng (1949-1955), Bảo Đại ông còn quan  hệ với một cô gái Huế tên là Lê Thị Phi Ánh. Nàng có sắc đẹp ‘nghiêng nước nghiêng thành’, có thể nói là người tình đẹp nhất (!) trong số các bà ‘vợ’ sau này của Bảo Đại. Bà sinh đươc một trai là Bảo Anh và một gái là Phương Minh. Bà mất năm 1987, tại Việt Nam.

5. Vicky - người vợ Pháp đầu tiên:

Ngoan nào! hai đứa mình thôi
Chỉ nghe nhịp đập bồi hồi 'một' tim
Chỉ nhìn thấy 'một' thân hình
Chỉ còn lại 'một' khối tình ngất ngây
(NGLB)

Theo tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang, trong cuốn ‘Giai thoại và sự thật về Bảo Đại’ (Wikipedia), trong thời gian sống tại Pháp, Bảo Đại yêu thêm nàng Vicky, là bà thứ phi Tây đầu tiên (!) của ông và sinh được một con gái là Phương Tứ.

6. Clément - cuộc tình buồn:

Không có em sông hiền không buồn chảy
Không có em lan gãy cánh nghiêng sầu
Không có em cây chợt buồn day dứt
Không có em khói thuốc bỗng bạc màu
Không có em mây dừng như ngây dại
Không có em cơn gió mãi lạnh lùng
Không có em cá hờn ghen chẳng lượn
Không có em nắng lịm dưới chiều tà
(NGLB)

Cũng theo tác giả trên, sau khi chia tay Vicky, Bảo Đại lao vào cuộc tình buồn với nàng Clément, là một vũ nữ ở xóm Cigalle (Pháp), nàng buôn lậu, vì bị tai tiếng nên ông kết hôn với bà Monique Baudot.

7. Monique Baudot - mối tình cuối đời:

Giữ lại nhé em, miệng cười, răng rất đẹp
Giữ lại nhé em, mặt cười, chả muốn quên
Giữ lại nhé em, mắt nhìn, ai vướng đọng
Giữ lại nhé em, dáng mềm, tơ êm êm
(NGLB)

Monique Baudot sinh năm 1946, nhỏ hơn Bảo Đại 34 tuổi. Nàng kể: ‘Khi tôi đang làm Lãnh sự danh dự của nước Cộng Hòa Zaire, Trung Phi, thì tôi nghe nói Cựu hoàng An Nam đang sống độc thân trong cơn túng bấn, gần như bị bỏ rơi’. Rồi nàng đến với ông và hai người cưới nhau ngày 18/1/1983 tại Paris. Nàng sống với ông vừa là vợ, vừa là quản gia kiêm người giúp việc.
Vì lấy nhau có hôn thú, với tư cách là vợ chính thức của Bảo Đại, ‘bà’ tự xưng tước vị là Thái Phương Hoàng hậu. Hai người lấy nhau không có con.

Các blogger nói về Bảo Đại và Nam Phương


Để cho khách quan, người viết xin dẫn ra đây ý kiến của các blogger tiêu biểu, các ý kiến này sẽ được sắp xếp theo thứ tự A, B, C…

1. Bảo Đại đâu có đủ tâm hồn tuyệt diệu: (blogger Phat, bình trong entry 223)

Em đến với mối tình
Khuôn mặt em xinh xinh
Tiếng cười em trong trẻo
Em tặng cả dáng hình

Rồi cuộc tình mong manh
Men tình ôi chóng vánh
Vị tình nhạt đôi môi
Thuyền tình trôi dĩ vãng

Những chiếc lá vàng bay
Để mùa thu ở lại
Hoàng hôn say say rơi 
Mộ địa cuối chân trời
(NGLB)

Nam Phương Hoàng Hậu đẹp thật dung dị mà cao quý, đằm thắm mà lộng lẫy, cao sang mà lặng lẽ, người đến cuộc đời như mẫu đơn - loài hoa vương của các loài hoa, nhưng tiếc làm sao lại gặp nhầm ông hoàng Bảo Đại không thiếu thứ gì, nhưng ông đâu có đủ tâm hồn tuyệt diệu để đưa nàng Nam Phương kiều diễm đến chốn tuyệt luân! Người hỡi! Nam Phương Hoàng hậu hỡi, có nghe chăng hậu thế khóc thương người!!

2. Bảo Đại không tránh khỏi thói ăn chơi trác táng: (blogger Nam Phương, bình trong entry 223)

Sức mạnh và bản lĩnh của người đàn ông là khoái chinh phục. Họ là những chú ngựa bất kham nhưng khi được thuần phục thì họ như chú cừu non í, cái hay là người cầm cương. Bảo Đại sớm hấp thu nền văn hóa phương Tây và được đào tạo làm người đàn ông số một của VN, do vậy không tránh khỏi thói ăn chơi trác táng, ông cho phép mình được như các vua cha và nhất là mang mặc cảm của một ông vua bị truất phế.
3. Cái bóng của một ông vua hết thời, ăn chơi… không mấy làm cho người ta thích thú: (blogger Nam Phương, bình trong entry 223)
Có lẽ người ta yêu Nam Phương Hoàng hậu bao nhiêu thì cái bóng của một ông vua hết thời, ăn chơi và cũng là một chuyên gia ‘sa lưới tình’ không mấy làm cho người ta thích thú… Hôm nay, được nghe anh nhắc lại bà Hoàng hậu cuối cùng của VN, vụng thấy thương xót cho một thân phận phụ nữ xem ra dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thể tránh khỏi hai chữ bị ‘phản bội’.

4. Cuộc đời của Nam Phương là một tiếng thở dài não nuột: (blogger Chiều Tím, bình trong entry 223)

Ngược dòng tìm sắc ti-gôn tím
Bỗng rộn lòng em một dáng hình
Thời gian trôi mãi, ôi hờ hững
Vắng lặng không gian, chỉ bóng mình

Em mắt xa xôi, đứng tần ngần
Giông bão trườn qua đỉnh phù vân
Tim em xao xuyến về bên ấy
Trong chốn mờ sương, em... thấy anh
(NGLB)


Theo thiển ý của Tiểu mỗ (Chiều Tím): thần tiên cũng như con người, khi đã vướng phải lưới tình thì khó mà thoát ra được. Chỉ khác nhau ở chỗ là ta chọn cho mình giải pháp nào mà thôi: vùng vẫy quẫy đạp hay âm thầm chịu đựng...??? Than ôi! Làm sao mà ta thoát khỏi nó! Lưới tình vô hình nhưng quả là có sức mạnh vô biên - có thể làm thay đổi số phận của con người - Chiều Tím chỉ còn biết mượn mượn lời cụ Tố Như mà chia sẻ với Hoàng hậu Nam Phương cho người vơi bớt nỗi u sầu:
‘Thương thay cũng một kiếp người
Hại thay mang lấy sắc tài làm chi,
Những là oan khổ lưu li
Chờ cho hết kiếp còn gì là xuân’.

Thế mới biết (lúc bấy giờ), tài sắc ai bằng Hoàng hậu Nam Phương, vậy mà cuộc đời cũng là một tiếng thở dài não nuột vì lỡ vướng phải lưới tình!!!

5. Cuộc đời của Nam Phương quả là buồn, buồn lắm: (blogger Chuồn Chuồn Ớt, bình trong entry 223)
Em thích vẻ đẹp hiền hậu đến thánh thiện của Hoàng hậu Nam Phương! Nhưng cuộc đời của bà quả là buồn, buồn lắm.

Em cứ đứng âu sầu nghe sóng biển
Gió lạnh về gợi nhớ chuyện đôi ta
Chuyện mình sao lại xót xa
Chuyện mình sao lại chỉ là đớn đau

Em cứ tưởng gần anh thêm chút nữa
Để lòng được sưởi ấm lửa tình anh
Ngờ đâu tình lại mong manh
Ngờ đâu tình lại chòng chành trong em
(NGLB)

6. Đáng thương cho Hoàng hậu Nam Phương: (blogger Hoàng Hôn Rạng Rỡ, bình trong entry 223)
Những người đàn ông tài hoa sẽ không là của riêng ai, mối tình của họ rồi cũng sớm lụi tàn, đáng thương cho Hoàng hậu Nam Phương!

7. Nâng chúng ta bình đẳng với ông: (blogger Phat, bình trong entry 222)
Vào cuộc đời là vào mê cung điệp điệp trùng trùng, giăng giăng lưới phủ, cạm bẫy bủa vây…, ai trong chúng ta rồi cũng phải hoặc là lạc bước nơi mê cung hoặc sa vào lưới phủ, hoặc mắc chìm cạm bẫy trong đời! ‘Đường Minh Hoàng’ đã nâng chúng ta bình đẳng với ông, cả ông và chúng ta có thể chọn con đường sa vào lưới tình với sự đánh đổi tất cả những gì mà mỗi người trong chúng ta cũng như ông có được cho tình yêu! Sa vào lưới tình là một chọn lựa mà dù kết cục thế nào đi nữa, vẫn có thể mĩm cười mãn nguyện và mãi mãi vì duy nhất tình yêu mới vượt khỏi bàn tay Tạo hóa vĩ đại!

8. Thụ hưởng tình yêu có thật từ một ông vua là thứ hạnh phúc hiếm hoi: (blogger Mai Hương, bình trong entry 223)
Hạnh phúc tuy ngắn ngủi nhưng là cái có thật do một người đàn ông mang đến cho một người đàn bà đẹp, chứ không phải là một ông vua đến với vật mình được sở hữu (bởi ông ta là vua). Hạnh phúc ấy là cái có thật, đã tồn tại trên cuộc đời người đàn bà đẹp. Theo tôi, được thụ hưởng tình yêu có thật từ một ông vua là thứ hạnh phúc hiếm hoi đấy!

9. Vẫn có nguồn ánh sáng chiếu lại từ nơi ông để lại cho đời: (blogger Phat, bình trong entry 224)
‘Ta gửi cho chiều - những khắc khoải chờ mong’ (Nhà gom lá bàng)
‘Còn lại trong ta một cái gì, còn lại cái tốt hay cái xấu trong chính ta, trong con người, trong thâm tâm ta’ (Felix Pecant)… Trong hoàng hôn buông xuống và chìm vào lụi tắt của một vương triều, giã từ ngôi báu và ra đi rồi cuốn theo dòng trôi thời cuộc đầy biến cố lịch sử, vị vua cuối cùng thật sự đã chìm dần sâu và mất hút vào trong bóng đêm, trừ việc ông thoái vị, với tư cách là vị vua cuối cùng cùa lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Bên cạnh những sai khuyết của mình, giữa bóng đêm dày dặt ấy, vẫn có nguồn ánh sáng chiếu lại từ nơi ông để lại cho đời: ‘... riêng trong phạm trù yêu đương, ít nhất ông đã nâng thứ dân lên ngang tầm với hoàng đế và ngược lại, có lẽ đó là cái hay nhất của ông’ (NGLB). Sẽ còn nhiều suy tư, nhưng phải chăng đó cũng là một sắc màu kỳ diệu của tình yêu!, và mỗi người trong chúng ta gởi lại cho đời sắc màu tình yêu rất riêng và tuyệt vời sâu lắng trong trái tim ta!

(Hình minh họa)
Hậu thế đã ca tụng Hoàng hậu Nam Phương và Thứ Phi Mộng Điệp, hậu thế cũng không nói Bảo Đại làm điều gì quá xấu (trừ chuyện ăn chơi trác táng), nói cho cùng, ông cũng là một chuyên gia sa lưới tình chẳng kém gì hoàng đế Napoleon I của Pháp (xin vui lòng xem entry 221)

Để có thể có ‘ý kiến’ về Bảo Đại, ta hãy quay lại một tí về khái niệm ‘thế giới tự nhiên’. Thế giới tự nhiên vốn tồn tại tuyệt đối độc lập với cảm giác của ta, điều này còn có nghĩa là ta nên hiểu các quy luật của nó, biết vận dụng nó một cách hợp lý vào mỗi tình huống cụ thể trong thực tại, mọi sự vi phạm quy luật của thế giới tự nhiên nói chung hay hành động thái quá nói riêng đều phải trả một giá rất đắt. Bảo Đại là một con người, nên dĩ nhiên ông cũng là một phần tử ‘vô cùng bé’ của thế giới tự nhiên, hay nói nôm na là một ‘tiểu vũ trụ’, ta cũng vậy. Do môi trường sống và tính cách tự nhiên của mỗi con người mà người đó có hoạt động như thế này hay như thế kia, theo bên này hay theo bên kia, đơn giản, đó là vấn đề của lịch sử - tự nhiên. Con người đã sống thì phải có nhu cầu, ví dụ như nhu cầu làm việc, học hành nghiên cứu, làm văn làm thơ, ăn uống, ăn mặc, sắm sửa, nhậu nhẹt/cà phê cà pháo, giải trí, yêu đương và tình dục… Mà đã là nhu cầu thì tất cả đều bình đẳng, vì thế, không thể bảo nhu cầu nào là nhất, lại càng không thể bảo nhu cầu tình dục là xấu xa hay tội lỗi, nếu nói thế, vô hình chung ta đã vi phạm ‘quy luật của thế giới tự nhiên’, vì tình dục là một nhu cầu tự nhiên.

Vì mọi phần tử trong vũ trụ là bình đẳng, nên ta phải ‘tôn trọng sự khác biệt’, và vì thế, không phải vì ta khác ông Bảo Đại nên bảo ổng là người xấu, không phải vì ta thích ông Bảo Đại nên bảo ổng là người hay, nói tóm lại, Bảo Đại là Bảo Đại. Vì vậy, với tư cách là một blogger, ta hãy căn cứ vào khái niệm ‘thế giới tự nhiên’ mà xem ông Bảo Đại có ‘hành động thái quá’ hay không?

Thực ra mà nói, để chinh phục được phụ nữ hoàn toàn không phải là một điều dễ dàng, ngay cả trường hợp có nhiều... tiền! Dưới giác độ cá nhân, cuộc đời Bảo Đại mang tiếng là ăn chơi, nhưng cũng có thể nói là… hạnh phúc, một trong những lý do đơn giản là, người đời mấy ai được như vậy! Nguyễn Công Trứ cuối đời khi 73 tuổi mà còn muốn ‘thuyền quyên ứ hự’ bằng cách rước về một ‘em’ 18 tuổi. Còn Bảo Đại cũng đâu có muốn làm ‘hoàng đế’: ‘Xin cho tôi được sống và chết trong bình yên’, tại sao ta phải quá nghiêm khắc với ông!… Các blogger nam thử nghĩ xem, các bạn có ăn chơi hay hưởng lạc như: hát karaoke, massage, em út, bài bạc (cờ tướng), nhận phong bì, nhảy nhót, du lịch… Ta là 'thảo dân' mà còn vậy, huống gì là ‘hoàng đế’!

Nói riêng, Bảo Đại đã có lời thề giữa ông và Nam Phương là ‘tôn trọng chế độ một vợ một chồng’ theo truyền thống của Thiên Chúa giáo, nhưng sau đó ông đã chuyển sang con đường phi-truyền thống, đó là chỉ 12 năm sau khi lấy bà (từ năm 1934), ông đã sa ‘vào lưới tình’ của khoảng 10 ‘nàng’, ngoài ra còn ‘quan hệ’ với hàng tá ‘nàng’ khác. Như vậy, Bảo Đại đã vi phạm lời thề, hay nói cách khác, đối với Nam Phương, ông đã sai (lưu ý rằng việc tình cảm vợ chồng giữa Bảo Đại và Nam Phương ngày càng phai nhạt là do có nhiều lý do 'tế nhị', lỗi không hoàn toàn thuộc về Bảo Đại). Rộng hơn, dưới giác độ dân tộc, vào một thời đoạn mà đất nước còn chiến tranh, đời sống người dân quá nghèo khổ và lạc hậu (1945), ông lại thiếu ý thức mà thích ăn chơi và hưởng khoái lạc, khó mà có thể khẳng định điều đó là đúng, ngay cả khi đất nước trở nên giàu có... Cũng có người nhìn Bảo Đại dưới cặp mắt ‘thoáng’ hơn, đó là, riêng trong phạm trù yêu đương, ít nhất ông đã nâng thứ dân lên ngang tầm với hoàng đế và ngược lại!, có lẽ đó là cái hay nhất của ông.

Ta sống, tại sao cái gì cũng bị lệ thuộc vào ‘thượng đế’, ngài muốn bắt Napoleon ở tù thì phải ở tù, bắt Dương Quý phi bị treo cổ thì phải bị treo cổ, bắt Cleopatra tự tử thì Cleopatra phải tự tử, bắt Nam Phương Hoàng hậu bị phụ tình thì bị phụ tình… Nhưng rất tiếc, ta lại là con người của tình yêu và được sản sinh ra từ tình yêu, mà tình yêu là thứ duy nhất không lệ thuộc vào thượng đế và là ‘bí chất’ duy nhất mà thượng đế không khống chế nỗi. Và phải chăng, bỏ qua tất cả cái hào nhoáng và phù phiếm của thế tục, tình yêu đã giúp con người ngẩng cao đầu trước vũ trụ, giúp con người xóa bỏ được sự mặc cảm về thân phận vô cùng bé của mình, và giúp con người xóa bỏ được nỗi ám ảnh về hai chữ ‘hư vô’... Con người chấp nhận tình yêu, dù có đau khổ, nhưng lại là đau khổ tuyệt vời, do đó tình yêu là một thứ ‘hạnh phúc vô cùng kỳ lạ’ không thể hình dung được, tình yêu làm cho con người thực sự là 'con người', làm cho con người đạt được bến bờ tự do từ 'địa ngục trần thế', có tình yêu, con người 'bỗng' quên đi cái chết, và do đó con người vượt qua ngưỡng sinh tử.

Nhớ em, nhắn mãi cũng chưa vừa
Nắng chiều qua cổng, gió đưa đưa
Lan buồn chết ngất không trổ nụ
Sân vắng nằm im, thiếu bóng người

Hoa cỏ may, trên đồi lộng gió
Bám khắp người, gỡ khó mà ra
Hương lạ kỳ, vương vương vấn vấn
Em lạ kỳ, mê mẫn hồn ai!

Rồi lỡ lang thang, một chuyến đò
Lúc trồi, lúc sụt, lúc quanh co
Lạc chốn địa đàng, sa lưới nhện

Vị cõi đào nguyên, đắng tuyệt vời
(NGLB)


Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ có tình yêu còn lại.

Nam Phương đã yêu, nàng đã được gì? Có, chắc chắn là có, nàng đã được làm một con người thực thụ, hãy hình dung thử xem, nếu nàng không yêu, thì nàng là cái gì trên đời này, nàng không phải là con người ư? Tình yêu không bao giờ sai, tình yêu hoàn toàn không có lỗi, mà có thể lỗi là do ta yêu 'mù quáng' và quá tin vào người tình: 'ta tôn thờ tình yêu chứ không tôn thờ người tình'!

Bảo Đại đã yêu, chàng đã được gì? Có, chắc chắn là có, đó là vị ‘hoàng đế’ uy quyền, ngạo nghễ và kiêu hãnh kia đã hoàn toàn tự nguyện hiến dâng trái tim và thần phục trước 'nàng tiên' mềm mại, lặng lẽ, khiêm tốn và đầy quyến rũ: đó là tình yêu.

Và cuối cùng:
Yêu ai bằng yêu người tình
Hận ai bằng hận người mình đã yêu,

xin ai đó khi yêu hãy nhớ rằng: chỉ có những giây phút bất tử của tình yêu chứ không có tình yêu bất tử ./.
----------------------------------
Các nguồn tham khảo chính:
-Về Nam Phương hoàng hậu: http://vi.wikipedia.org/wiki/Nam_Ph%C6%B0%C6%A1ng
-Về Bảo Đại: http://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A3o_%C4%90%E1%BA%A1i
-Các BLOG Chiều Tím, Chuồn Chuồn Ớt, Hoàng Hôn Rạng rỡ, Mai Hương, Nam Phương, Phat…
(Và nhiều tư liệu có liên quan).

2 nhận xét:


  1. Cảm ơn bạn. Mời các bạn ghé vào trang chuabenhdongian.com Hy vọng những thông tin trên trang web sẽ có ích cho bạn và gia đình

    Trả lờiXóa