Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

227. Ỷ Lan phu nhân và cặp mắt vô cùng tinh ý của Lý Thánh Tông

Tím rịm chiều nay, cây trong cây
Lọt bóng tà dương, lụy chốn này
Ngàn cây tung gió, rung chiều tím
Một bóng hồng xinh, ôi ta say!
(Cảm tác về Ỷ Lan, NGLB)
 Lan (1044!-1117) hay Nhiếp chính Ỷ Lan, là vợ của vua Lý Thánh Tông. Do các biến động lịch sử thời đó, bà tự nhiên đóng vai trò của một ‘nữ hoàng Đại Việt’ mà được gọi là ‘thời đại Ỷ Lan’ kéo dài từ năm 1069 cho đến khi bà mất năm 1117. Bà cũng là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam - một 'nữ hoàng' kiệt xuất đẻ ra một người con kiệt xuất, đó là vua Lý Nhân Tông. Bà có tên thật là Lê Thị Yến hay Lê Thi Khiết, thường được dân gian gọi là ‘Yến cô nương’, cha làm quan nhỏ trong kinh thành (Thăng Long), mẹ mất sớm khi nàng mới 12 tuổi, cha lấy vợ kế rồi ít lâu sau qua đời, nàng sống chung với mẹ kế. Nàng là một thôn nữ nghèo, làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm ở làng Sùi (hay làng Thổ Lỗi, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày nay). 

Mùa xuân năm 1063, Vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà vẫn chưa có con nối dõi nên đi cầu tự ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Đó là một ngày hội lớn, xa giá vua đi đến đâu thì các quan trên dưới và trăm họ ra nghênh đón đến đấy, chiên trống ầm ỉ, các thanh nam thanh nữ, nhất là trẻ con đều ùa ra xem. Đi ngang qua hương Thổ Lỗi, vén rèm ra xem quang cảnh thơ mộng của đồng quê, vua bỗng thấy thấp thoáng trong ngàn dâu xanh mướt có bóng một cô thôn nữ mặc áo tim tím, dáng cong cong, nàng không quan tâm đến đoàn người 'hoàng gia' ồn ào này, mà cặp mắt lơ đãng đang nhìn lên trời mây non nước xa xôi. Vua lấy làm lạ, bèn cho lính hầu ngừng kiệu, vời người con gái ‘kiêu căng’ đó đến hỏi chuyện.
Tiếp chuyện với vua, nàng đối đáp thông minh, ăn nói dịu dàng, lễ phép: ‘Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm việc đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng mẹ cha, không dám mong đi xem rước và nhìn mặt rồng…’. Càng nhìn kỹ, vua càng thấy rõ là nàng vô cùng xinh đẹp, dáng ngọc thướt tha, cuốn hút làm mê mẫn lòng người, có phong cách ung dung, thần thái, khác hẳn những cô gái mà vua đã từng gặp - ‘một con phụng hoàng trong loài người’ mà chỉ có vua Lý Thánh Tôn có cặp mặt vô cùng tinh ý mới phát hiện ra được. Từ những giây phút đó, nàng đã chinh phục được trái tim nhà vua.
Rồi vua ‘đưa nàng về dinh’ tức là về kinh thành Thăng Long, sau đó vua càng ngày càng yêu quý nàng và phong làm Ỷ Lan cung phi. Ngoài ra, vua còn cử thầy ‘đào tạo’ và xây riêng cho nàng một cung gọi là cung Ỷ Lan để kỷ niệm ngày gặp nàng đang ‘đứng tựa gốc lan’. Từ đó nhân gian quen gọi nàng là ‘Ỷ Lan phu nhân’. Rồi nàng thụ thai, sinh con trai đầu là Thái tử Càn Đức tức là vua Lý Nhân Tông sau này. Vua hiếm con nên khi có con trai, ông càng yêu quý và phong nàng làm Nguyên phi (đứng đầu các phi tần trong cung, chỉ dưới Thượng Dương Hoàng hậu).

Sau đó là ‘thời đại Ỷ Lan’ (1069 - 1117), chủ yếu gắn liền với năm con số '2', trong đó bà đã làm Nhiếp chính 2 lần cho 2 vua, và cùng với 2 bộ nhị là ‘Lý Thánh Tông - Lý Thường Kiệt’ và ‘Lý Thường Kiệt - Lý Nhân Tông’ đã 2 lần ‘phá Tống’ và 2 lần ‘bình Chiêm’. Bà cùng thời với Tống Thần Tông (1048-1085) - Hoàng đế thứ 6 của nhà Bắc Tống (xem phụ lục). 
...Ở cương vị Nhiếp chính, Ỷ Lan phu nhân chăm lo phát triển việc quốc chính, tăng cường quân đội, mở mang dân trí, cải cách giáo dục, pháp luật, đạo đức, phát triển Phật giáo, dạy cho con trở thành kẻ có tài… Bà cũng không quên những người nông dân nghèo cũng cảnh ngộ như thủa hàn vi của bà, cho xuất tiền ở quốc khố để chuộc những người phụ nữ phải đem thân gán nợ cho nhà giàu rồi đem gả cho những người đàn ông góa vợ, phạt nặng những người trộm trâu và giết trâu bừa bãi: ‘Thái hậu đổi đời cho họ, cũng là việc làm chân chính vậy. Còn việc thứ hai khiến nhiều người dân càng kính trọng và biết ơn bà, bởi ‘con trâu là đầu cơ nghiệp' (Ngô Sĩ Liên)...
Bà qua đời ngày 25/7/1117, thọ 73 tuổi, được hỏa táng (theo truyền thống của đạo Phật thời đó). Để ghi nhớ công ơn của bà, người dân đã xây dựng chùa Đạm hay chùa ‘Bà Tấm’ để thờ bà.
  
Một số truyền thuyết về Ỷ Lan phu nhân:
-Vì Ỷ Lan mẹ mất từ lúc còn nhỏ, bố lấy vợ kế nên bà có tuổi thơ như ‘cô Tấm’ trong chuyện Tấm Cám, và vì bà là người nhân từ độ lượng, nên nhân dân đã đồng hóa bà với 'cô Tấm’. Ngoài ra, bà còn rất cảm thông với nỗi đau khổ của nhân dân, quan tâm lo lắng đến kinh tế và đời sống của nhân dân, nên được nhân dân hết lòng ca ngợi và tôn sùng bà như là ‘nữ Quan Âm’ tức là con gái của Quan Âm Bồ Tát.   -‘Thông minh vốn sẵn tư trời’, không những học rộng hiểu sâu, bà còn am hiểu Phật học, có khả năng đối đáp với các ‘Thiền sư’ (năm 1096, ở chùa Trấn Quốc, Thăng Long). Trong sách ‘Thiền uyển tập anh’ có ghi lại bài kệ 'sắc sắc không không' của bà: ‘Sắc là không, không tức sắc. Không là sắc, sắc tức không. Sắc không đều chẳng quản. Mới được hợp chân tông’. ‘Với bài kệ này, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan được các nhà nghiên cứu văn học xếp vào hàng tác gia văn học thời Lý - Trần’ (theo Tăng Bá Hoành). 
-Sống trong cung cấm, đầy đủ châu báu ngọc ngà… nhưng bà vẫn luôn nhớ về quê cũ với nương dâu, đồng lúa… Để bớt nỗi nhớ quê hương, bà tâu với nhà vua xin được nuôi một con trâu quý trong kinh thành, để hàng ngày bà được tự tay chăm sóc…, con trâu tự lúc nào, đã trở thành một người bạn thân thiết của bà… Năm ấy, cũng như thường lệ, để giữ tình hữu hảo với nước láng giềng phương bắc, vua cử một đoàn mang báu vật đi cống nạp, trong đó có con trâu quý của bà. Ỷ Lan phu nhân và con trâu thân thiết chia tay tại vùng Gia Lâm. Trâu được người thương quý từ lâu nên trong giờ phút chia tay, nước mắt tuôn trào, quỳ xuống bái biệt Ỷ Lan phu nhân. Khi bà âu yếm vuốt ve con trâu lần cuối, nó rống lên những tiếng dài nghe thật não nùng, thảm thiết… Trâu đi rồi, Ỷ Lan mỗi chiều đều lên lầu cao nhìn về Gia Lâm trầm ngâm hàng giờ nhớ con trâu ngày xưa. Bốn vạn quân cảm động tấm lòng của bà, chỉ trong một đêm, đắp thành quả đồi có hình một con  trâu đang quỳ xuống… và kể từ đó, địa danh ‘Trâu Quỳ’ được hình thành và lưu truyền mãi cho đến ngày nay’ (theo Bùi Hữu Đoàn). 

 Lan phu nhân chính là ‘ngọc trong đá’: khi vua đi đến đâu cũng có tiền hô hậu ủng, có bao nhiêu quan lại cấp dưới hầu tiếp, xun xoe, rất nhiều người xúm lại quanh vua để lấy ‘danh’, trong khi đó có một cô thôn nữ ‘áo vải’ vẫn điềm nhiên tư lự suy nghĩ dưới gốc dâu, xa lạ với thế tục mà chỉ có vua Lý Thánh Tôn có cặp mắt vô cùng tinh ý mới phát hiện ra được: 
Hoa dại làm dại người dưng
Cỏ dại làm dại người thương dáng tròn.

----------------------------------
Phụ lục: Ỷ Lan nguyên phi.
Làm Nhiếp chính lần 1 và ‘bình Chiêm’ lần 1: Năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh (cùng Lý Thường Kiệt) đi đánh Chiêm Thành, Ỷ Lan Nguyên phi được vua tin cậy giao cho ở nhà thay mặt vua phụ trách việc triều chính. Vua đánh mãi không thắng, nản lòng rút quân về đến Tiên Lữ, Hưng Yên thì nghe tin là ở nhà bà giải quyết việc triều chính đâu ra đấy, triều thần trên dưới nể phục, được nhân dân yêu quý… Vua thấy xấu hổ: ‘Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đàn ông há thua sao!’ bèn quay binh lại đánh tiếp và thắng trận bắt được vua Chiêm Thành là Chế Cũ (Rudravarman III), y phải dâng ba châu là Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (thuộc Quảng Bình và Quảng Trị ngày nay) và được thả về. 
Làm Nhiếp chính lần 2:
Khi vua Lý Thánh Tông mất năm 1072, Thái tử Lý Nhân Tông lên ngôi vua khi còn nhỏ dại (sinh năm 1066, mới có 6 tuổi). Lúc ấy xảy ra ‘sự kiện Dương Thái hậu và 76 thị nữ bị giết!’, đó là trong triều có cuộc tranh giành quyền lực nội bộ, Lý Thường Kiệt thì theo phe Ỷ Lan Nguyên phi, còn Thái sư Lý Đạo Thành thì theo phe Dương Thái hậu, cuối cùng phe Ỷ Lan thắng, bà lên làm Linh Nhân Hoàng thái hậu và một lần nữa bà lại làm Nhiếp chính thay con trị nước. Sau đó, bà đã giải quyết tốt việc đoàn kết nội bộ, tha tội và trọng dụng Lý Đạo Thành, cùng với ông lo công tác ở hậu phương để hợp lực với Lý Thường Kiệt ở tiền tuyến, nhờ đó mà Lý Thường Kiệt đã làm được việc ‘phá Tống, bình Chiêm’: 
'Phá Tống’ lần 1: Năm 1075, sau khi dẹp được Nùng Trí Cao, vì muốn mở rộng lãnh thổ và có thêm nhiều tài lực, Tống Thần Tông theo kế hoạch của Tể tướng Vương An Thạch chuẩn bị tích cực xâm chiếm Đại Việt. ‘Ngồi im đợi quân giặc đến mới đánh, không bằng ra quân trước, chặn thế mạnh của giặc. Đây là biện pháp phòng ngự tích cực nhất’, (lúc đó Lý Nhân Tông mới có 9 tuổi), Ỷ Lan Hoàng thái hậu cử Lý Thường Kiệt mang quân sang bất thần đánh úp châu Khâm, châu Liêm, rồi châu Ung (Quảng Đông và Quảng Tây, Trung Quốc), quân Tàu đại bại, việc này đã làm đảo loạn giang san nhà Tống, làm phả sản kế hoạch cải cách kinh tế của Tống Thần Tông và Vương Anh Thạch, Vương An Thạch phải từ chức.  
‘Phá Tống’ lần 2: Để đáp trả, năm 1076, đại quân nhà Tống gồm 30 vạn người (10 vạn quân và 20 vạn dân phu), cùng với quân Chiêm Thành, Chân Lạp, do Quách Quỳ và Triệu Tiết đứng đầu tiến sang đánh Đại Việt. Vào mùa xuân năm 1077, Lý Thường Kiệt dùng chiến tranh tâm lý, thảo ra bài hịch: ‘Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm. Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!’ làm quân sĩ nức lòng đánh giặc, bên cạnh đó, Lý Thường Kiệt còn dùng thế mạnh của thủy binh và sách lược đánh ‘tập hậu’, quân Tống bị thua nặng ở trận Như Nguyệt (sông Cầu, Bắc Ninh) phải đồng ý ‘nghị hòa' và rút quân về nước. 
‘Bình Chiêm’ lần 2: Năm 1103, tướng Lý Giác làm phản ở Diễn Châu (Nghệ An), rồi giúp vua Chiêm Thành là Chế Ma Na sang đánh lấy lại ba châu mà đã dâng nộp từ năm 1070. Năm sau, Ỷ Lan Nguyên phi và vua Lý Nhân Tông cử Lý Thường Kiệt dẫn quân sang đánh Chiêm Thành, Chế Ma Na thua và trả lại ba châu như cũ. 

1 nhận xét:

  1. Lưu:
    -Anh gửi về em một chút sầu
    Dáng xinh xinh ấy biết tìm đâu
    Nắng xuyên khe cửa chờ ân ái
    Nước lùa kẻ đá đợi tiêu dao
    -Chiều tà ngơ ngẩn đứng trông
    Dáng tiên khuất cõi non bồng xa xôi
    Tình đã hết, ngã chia đôi
    Anh ôm sầu nhớ, chơi vơi cõi trần
    -Cánh phượng hồng xinh, gió lã lơi
    Xao xuyến lòng ai, muốn dáng người
    Buồn ơi, mi đến rồi đi nhé
    Để lại tình ai, ấm cõi đời

    Trả lờiXóa