Nhớ em ngồi
dưới gốc cây
Mắt huyền lơ đãng, tóc mây gió lùa
Lang thang
tìm đóa hoa mua
Hoa đâu không thấy, thấy chua chát lòng
Thu sang
biết mấy ngỡ ngàng
Thu sương, thu khói, thu tàn, thu phai
Thu nào
đến với men say
Dáng em còn đó, nắng đau cuối chiều.
(NGLB)
Năm ngoái,
mình đi trên một chuyến xe từ Cần Thơ về Sài Gòn và có xem băng Thúy Nga trình
diễn bài ‘Niệm khúc cuối’ với sự hiện diện của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên,
trông ‘anh’ như một diễn viên điện ảnh lớn tuổi nhưng vẫn còn khá phong độ.
Mình có thể
viết về một nhạc sĩ khác, nhưng thôi, vì cứ hát nhạc Ngô Thụy Miên là nghĩ đến
tình yêu, nên mình chọn một trong những nhân vật tiêu biểu cho dòng nhạc ‘hậu
tiền chiến’ là Ngô Thụy Miên vậy.
Hồi nhỏ,
mình có được học nhạc từ ba và chú mình, sau đó từ thầy Hoàng Bích Sơn, Trần
Đình Quân và anh em nhà Quang Dũng, được khoảng 10 năm, học không liên tục, nên bài viết này mình không bàn về âm nhạc mà chỉ
bàn về nhạc cảm, chủ yếu dựa trên cuộc sống bôn ba giang hồ và phong trào
Karaoke mà thôi.
Ngoài ra, các
blogger hay dùng từ ‘giăng lưới tình’, không có ý nói là tán gái, mà có nghĩa
là ‘tính trữ tình’ trong văn, thơ, nhạc… của ai đó làm nhiều người rung động
đến nỗi… ‘sa lưới tình’! Vì thế, mình gọi Ngô Thụy Miên là một trong những nhà
‘giăng lưới tình’, và trong entry này, mình gọi Ngô Thụy Miên là ‘anh’, vì dưới
mắt mình, anh vẫn còn... trẻ!
Sau đây
là vài nét về nhạc sĩ Ngô Thụy Miên:
Dù tình chỉ
là khuôn mặt duyên
Ta cũng mắt tình si lưu luyến
Dù tình chỉ là làn da trắng
Ta cũng tim xao xuyến rộn ràng
(NGLB)
Là một trong
những nhạc sĩ ‘trữ tình’ lớn của miền Nam và hải ngoại, Ngô Thụy Miên quê ở Hải
Phòng, sinh năm 1948, năm nay được 64 tuổi.
Gia đình anh
kinh doanh sách ở Hải Phòng rồi Sài Gòn (đường Phan Đình Phùng). Anh có học
trường Đại học Khoa học và Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Trong thời gian học
nhạc, anh có một mối tình với nàng Đoàn Thanh Vân, sau đó anh đi nước ngoài, rồi thành
hôn với nàng năm 1979, và đến nay định cư tại California.
Năm 1981, anh
tốt nghiệp Cử nhân về máy tính và hiện đang làm cho hãng Olympia, Washington. Trong
những năm 1990, anh đã sáng tác những ca khúc như ‘Cần thiết’, ‘Em về mùa thu’,
‘Trong nỗi nhớ muộn màng’, ‘Riêng một góc trời’, ‘Mưa trên cuộc tình tôi’…
Các ca
sĩ ‘mê’ nhạc Ngô Thụy Miên:
Em quên anh
rồi có phải không?
Mùa hè rực lửa chuyển sang... đông!
Quán cà phê
cũ không người đến
Tảng đã ngồi trơ bỗng hóa khùng
(NGLB)
- Trong đêm nhạc tiền chiến ‘Gái Xuân’ tổ chức
tại nhà hát lớn Hà Nội mới đây (ngày 15/4/2012), ‘khán giả được sống trong
không gian nhạc tiền chiến của các nhạc sỹ quen thuộc như Lê Thương, Văn Cao,
Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Trần Hoàn... và khám phá những nhạc phẩm ‘ít
cổ điển hơn’ của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên và Từ Vũ…, khán giả gặp những giọng ca
đẹp, gắn bó với nhạc tiền chiến như Mai Hoa với chất giọng trầm ấm quen thuộc
với nhạc phẩm ‘Lệ đá’ của Trần Trịnh phỏng thơ Hà Huyền Chi, ‘Tiếng dương cầm’
của Văn Phụng; Anh Thơ truyền cảm xúc đặc biệt đến người nghe qua chút buồn
thương mây, gió, trăng, hoa với ‘Giọt mưa thu’ của Đặng Thế Phong, ‘Trương Chi’
của Văn Cao; Trọng Tấn trải nghiệm mới mẻ với nhạc Ngô Thụy Miên trong ‘Mắt
biếc’; Việt Hoàn hay hơn, cảm xúc hơn khi tự sự cùng ‘Tình nghệ sỹ’ của Đoàn
Chuẩn - Từ Linh và ‘Tình hoài thương’ của Phạm Duy. Đêm nhạc mang tới sự mới lạ, phiêu linh của
Thanh Lam với ‘Cô đơn’ của Nguyễn Ánh 9, ‘Nửa hồn thương đau’ của Ngô Thụy
Miên; hay chút ma mị, đắm say như nhập đồng của Tùng Dương với nhạc phẩm ‘Ngậm
ngùi’ của Phạm Duy và ‘Mùa thu cho em’ của Ngô Thụy Miên'. (Nguồn 2)
- Trong Chương trình ‘Mắt thu’ do ca sĩ Ánh
Tuyết tổ chức ngày 11-12/8/2012 tại Sài Gòn, ngoài sự tham gia của các ca sĩ
như Thụy Long, Phi Thúy Hạnh, Thùy Dương, Thu Trang, Hoàng Trung, Xuân Trường,
Tấn Đạo, Diệu Hiền, còn có một ca sĩ Mỹ hát trên đất Việt, đó là Kyo
York, anh rất thích trình diễn những bài hát của Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng... (Nguồn 3)
- ‘Năm 1993, trung tâm nhạc Thúy Nga đã thực
hiện cuốn băng video Paris By Night 21 với chủ đề Tình Ca Ngô Thụy Miên, gồm 16
nhạc khúc tiêu biểu trong số các sáng tác của ông từ 1965-1993, với sự điều
khiển chương trình của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn…
Đầu năm 1997, trung tâm Thúy Nga đã phát hành CD Ngô Thụy Miên và Những Sáng
Tác Mới, gồm 10 tình khúc, với các giọng ca của Tuấn Ngọc, Thái Hiền, Don Hồ,
Thanh Lan, Ý Lan, Thanh Hà, Thế Sơn và Họa Mi. Đặc biệt trong CD Thúy Nga 1997,
bản Riêng Một Góc Trời, cũng là chủ đề của CD nầy, với tiếng ca của Tuấn Ngọc,
đã được phổ biến rộng rãi trong các cộng đồng người Việt trên thế giới, và ngay
năm sau đó tình khúc nầy đã được chọn là nhạc phẩm nổi tiếng nhất trong năm
1999 (top hit of the year)… (Theo Trường Đinh, Nguồn 4)
- Trong số
các ca sĩ ‘đương đại’, Tuấn Ngọc hình như là ca sĩ ‘đóng đinh’ với nhạc Ngô
Thụy Miên nhất. Ca sĩ Trọng Tấn cũng rất ‘kết’ nhạc Ngô Thụy Miên, trong đêm ca
nhạc ‘Gái Xuân’ nói trên, ngoài bài ‘Nửa hồn đau’ (Thanh Lam biểu diễn) và ‘Mùa
thu cho em’ (Tùng Dương biểu diễn), Trọng Tấn đã hát bài ‘Mắt biếc’. Nói về sự
gắn bó với nhạc Ngô Thuỵ Miên, Trọng Tấn cho biết: ‘Ngay từ những ngày đầu đi
hát chuyên nghiệp tại Hà Nội, nghĩa là từ năm 1995-1996, Trọng Tấn đã hát nhạc
Ngô Thuỵ Miên. Ngày ấy, nhạc của ông chưa được hát trên sân khấu lớn mà chỉ
biểu diễn tại các tụ điểm, phòng trà nhỏ. Sau này, cũng có lần Trọng Tấn hát
nhạc của Ngô Thuỵ Miên trên những sân khấu lớn nhưng không thường xuyên’. (Nguồn 5)
Có nhiều đánh giá về ‘nhạc Ngô Thụy Miên’, chẳng hạn như:
- Nhà thơ,
nhạc sĩ Thụy Kha cho biết: ‘Thường gọi dòng âm nhạc thời trước Cách mạng tháng
8 là dòng nhạc của thủa bình minh tân nhạc. Nếu phân tích kỹ thì phải gọi là
dòng nhạc ‘hậu tiền chiến’ hoặc tiền chiến nối dài, hơi thở của dòng nhạc này
lan tỏa vào đời sống và phát triển mạnh mẽ đến 1954, một số các tác phẩm của
nhạc sĩ Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Tô Vũ, Nguyễn Văn Tý... được sáng tác vào khoảng
thời gian 1945 - 1954. Thậm chí những ca khúc của Phạm Đình Chương, Cung Tiến,
Ngô Thụy Miên sáng tác sau đó rất nhiều cũng được xếp vào dòng nhạc tiền
chiến’. (Nguồn 6)
- ‘Việt Nam chúng ta tự
hào có rất nhiều nhạc sĩ tài ba mà những cống hiến của họ đã góp phần làm cho
nền âm nhạc chúng ta từ trong nước ra đến hải ngoại thật là tuyệt vời đáng ngợi
khen. Trong số họ Ngô Thụy Miên có thể nói mà không sợ bị cho là quá đáng khi
ta tôn vinh ông là bậc thầy của âm nhạc trữ tình. Nhạc của NTM dìu dặt, réo
rắt, róc rách, vi vu, líu lo và vô cùng kỳ diệu. Còn ca từ thì mượt mà, trau
chuốt và siêu đẳng ít ai sánh, cứ như là thi ca, như là hội họa. Đẹp đẽ và
tuyệt vời, con hơn cả tuyệt vời nữa. (theo Trần Minh Hiền, Nguồn 7)
- 'Người ta trong đó có MT nghĩ đến nhạc NTM luôn gợi nhớ về một cái gì đó
trong trẻo, dễ thương, trẻ trung, ngây ngô... và đặc biệt là vô cùng trong
sáng! Giai điệu tự nhiên nhẹ nhàng, nhưng vẫn xao xuyến đi vào lòng
người một cách đẹp đẽ, nên thơ và bất ngờ... Ca từ giản dị, tự nhiên đầy
chất thơ... Thế nên, nhạc NTM là hội đủ những tinh túy của cái đẹp nhạc thơ
họa... được chắc lọc tinh khôi nhất!' (theo blogger Miên Thảo)
Nhiều
lời nhạc trong các ca khúc của Ngô Thụy Miên đã được người hát thuộc lòng như:
-Bàn tay
năm ngón em vẫn kiêu sa. Vẫn tóc mây bay má môi hồng thấm. Gót bước nhẹ vương ý
thơ. Tình yêu nào vương mắt ngọc. Mơ ước vẫn chưa phai nhòa… (Giáng Ngọc)
-Chiều còn
vương nắng để gió đi tìm. Vết bước chân em qua bao nhiêu lần. Lời ru đan ngón tay
buồn. Ngàn năm cho giá băng hồn. Tuổi gầy nồng lên màu mắt... (Dấu tình sầu)
-Chiều nay
mình lang thang trên phố dài. Không có em ai chung bước dỗi nhau giận hờn.
Không có em đường xưa giăng mắt mây trôi. Chiều nào hai đứa chung đôi. Lặng
nhìn mùa thu lá rơi… (Chiều nay không có em)
-Dù cho mưa
tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời. Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây. Dù
có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy. Có lá buồn gầy, dù sao, dù sao đi
nữa tôi vẫn yêu em… (Niệm khúc cuối)
-Em có nghe
mùa thu mưa giăng lá đổ. Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương. Và em có nghe
khi mùa thu tới. Mang ái ân mang tình yêu tới. Em có nghe nghe hồn thu nói mình
yêu nhau nhé… (Mùa thu cho em)
-Em như một
nụ hồng cầu mong chẳng lạnh lùng. Em như một ngày mộng mà ta hằng ngại ngùng,
sẽ ru ta nghìn nhớ một ngày thoáng mây đưa. Chuyện tình đã như mơ ... Em như
giọt rượu nồng dìu ta vào cuộc mộng… (Tình khúc buồn)
-Giọt nắng
đi hoang vào mắt em buồn. Dìu chân em bước vào nắng cô đơn, nắng ướt mi em
hương bay thơm nồng. Trôi trôi nhẹ trên đôi môi gương màu. Mắt em chơi vơi...
Chiều nắng công viên sỏi đá thêm sầu… (Giọt nắng hồng)
-Mưa có rơi
và nắng có phai. Trên cuộc tình yêu em ngày nào. Ta đã yêu và ta đã mơ, mơ
trăng sao đưa đến bên người. Một lần gặp gỡ đã như quen thuở nào. Một lần gặp
gỡ nhưng tình đã xa xưa… (Bản tình cuối)
-Nắng Sài
Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông. Anh vẫn yêu màu áo ấy vô
cùng. Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng. Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn. Mà mùa
Thu dài lắm ở chung quanh… (Áo lụa Hà Đông)
-Nhớ tới
năm xưa bên nhau. Bước trong chiều mưa phím ru nhẹ đưa. Bến cũ đam mê say sưa.
Lá thu còn rơi người xa vắng người. Mắt biếc năm xưa nay đâu. Cánh sao còn đây
tóc mây nào bay…. (Mắt biếc)
-Tháng sáu
nhạt mưa, mưa ướt mềm vai em. Trời mênh mang xõa kín bờ mi ngoan. Gót bước buồn
lây trong gió chiều mưa bay. Hồn bâng khuâng nghe tiếng gọi đam mê. Anh muốn
cùng mây giăng kín đường về… (Tình khúc tháng Sáu)
-Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan. Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ. Em có tìm anh trong
cánh chim. Paris có gì lạ không em? Mai anh về giữa bến sông Seine. Anh về giữa
một giòng sông trắng… (Paris có gì lạ không em)
-Rồi từ
giọng hát em chợt vút cao vút cao. Một trời một trời. Bài ca thánh đêm vang lên
trong ngày dài. Mệt nhoài một phận đời. Ôi biết bao giờ ta đốt hết từng lời ca
êm. Mặn nồng trong tim muộn phiền… (Từ giọng hát em)
-Tình
yêu như nắng, nắng đưa em về, bên giòng suối mơ. Nhẹ vương theo gió,
gió mang câu thề, xa rời chốn xưa. Tình như lá úa, rơi buồn, trong nỗi
nhớ. Mưa vẫn mưa rơi, mây vẫn mây trôi, hắt hiu tình tôi... (Riêng một
góc trời)
-Trời hôm
nay mưa nhiều hay rất nắng. Mưa tôi trả về bong bóng vỡ đầy tay. Trời nắng ngạt
ngào tôi ở lại đây. Như một buổi hiên nhà nàng dịu mát. Trời hôm ấy mười lăm
hay mười tám. Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba… (Tuổi mười ba)
Hạ về trước
ngõ, lan phơi phới
Thu sắp vào
thăm, cá bơi bơi
Cây xanh
trổ cành, hoa ôm lá
Thác biếc
phun sương, nước thấm người
*
Từ trên cao
xuống, dáng cong cong
Ào ào bên dưới, dáng cuộn vòng
Lung linh đáy nước, rào rạt dáng
Một cõi đào nguyên, dáng mặn nồng.
(NGLB)
Chắc Ngô
Thụy Miên phải từng trải qua nhiều mối tình, hay sa lưới tình nhiều (!) và từng trải đau
khổ mới viết nên những dòng nhạc tình sâu đậm đến như vậy. Hát nhạc Ngô Thụy
Miên là hát nhạc tình, nghe lời nhạc Ngô Thụy Miên là nghe tiếng tơ tình…
Nếu không
nhầm, lời nhạc của anh nói rất nhiều về mùa thu, không ít bản nhạc của anh được
phổ từ thơ Nguyên Sa…, các bản nhạc của anh nếu mà được đánh đàn Mandoline hay
thổi kèn Harmonica thì tuyệt, để rồi 'mọi trái tim mê nhạc Ngô Thụy Miên lay động: tình tứ, bồi hồi, phảng phất cái tự tình da diết khôn nguôi (theo blogger NP)'.
Lơ lững ít
thôi, lơ lững hoài
Ghé vào quán nhỏ uống cà phê
Nắng vàng rực rỡ xuyên qua áo
Ngơ ngẩn hồn ai, chẳng muốn về
(NGLB)
Trong các
lần hát Karaoke, thường thì các bài như ‘Niệm khúc cuối’ và ‘Áo lụa Hà Đông’,
‘Paris có gì lạ không em’, ‘Tình khúc tháng Sáu’, ‘Từ giọng hát em’, 'Riêng một góc trời'… được các
‘Karaoke sĩ’ chọn rất nhiều, đặc biệt là nghe các ca sĩ nổi tiếng hát các bài hát của ‘anh’ hay nghe nhạc
sĩ ‘Vô Thường’ luyến và rung trên đàn Guitar điện, ta sẽ vơi được những cảm giác căm
thù, giận hờn, buồn đau trong đời và dễ chìm vào giấc mộng thiên thai:
'Em vẽ gì đây, vẽ câu thơ. Vẽ rung, vẽ động, vẽ mơ, vẽ màng. Em vẽ nên ánh trăng vàng. Em vẽ anh, mắt ngỡ ngàng tối qua'…
------------------------------------
Các nguồn
tham khảo chính:
-Nguồn 1: http://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%B4_Th%E1%BB%A5y_Mi%C3%AAn
-Nguồn 2: http://dongdoshow.com/tin-tuc/dam-say-nhung-tinh-khuc-tien-chien-trong-%E2%80%9Cgai-xuan%E2%80%9D-660.html
-Nguồn 3: http://vnexpress.net/gl/van-hoa/am-nhac/2012/08/ca-si-my-hat-nho-ngo-thuy-mien/
-Nguồn 4: http://bacsiletrungngan.wordpress.com/2011/04/08/57-tnh-ca-ng-th%E1%BB%A5y-min/
-Nguồn 5: http://www.tinmoi.vn/trong-tan-lam-moi-minh-voi-nhac-ngo-thuy-mien-08855962.html
-Nguồn 6: http://www.baomoi.com/Trong-Tan-lam-moi-minh-voi-nhac-Ngo-Thuy-Mien/71/8262281.epi
-Nguồn 7: http://thcslongthanhbac.violet.vn/entry/show/entry_id/7502896, (và các tài liệu khác có liên quan)
-Nguồn 1: http://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%B4_Th%E1%BB%A5y_Mi%C3%AAn
-Nguồn 2: http://dongdoshow.com/tin-tuc/dam-say-nhung-tinh-khuc-tien-chien-trong-%E2%80%9Cgai-xuan%E2%80%9D-660.html
-Nguồn 3: http://vnexpress.net/gl/van-hoa/am-nhac/2012/08/ca-si-my-hat-nho-ngo-thuy-mien/
-Nguồn 4: http://bacsiletrungngan.wordpress.com/2011/04/08/57-tnh-ca-ng-th%E1%BB%A5y-min/
-Nguồn 5: http://www.tinmoi.vn/trong-tan-lam-moi-minh-voi-nhac-ngo-thuy-mien-08855962.html
-Nguồn 6: http://www.baomoi.com/Trong-Tan-lam-moi-minh-voi-nhac-Ngo-Thuy-Mien/71/8262281.epi
-Nguồn 7: http://thcslongthanhbac.violet.vn/entry/show/entry_id/7502896, (và các tài liệu khác có liên quan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét