Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

603. Bóng đè!


Sáng nay thức dậy, làm một ấm chè búp Thái Nguyên và một ly cà phê, tôi bưng ra sau vườn, để chúng trên một chiếc bàn đá, rồi đứng bên cạnh dòng sông, bỗng lòng tôi ngẩn ngơ.

1. Chúng tôi nói chuyện Phật, Chúa, Ala...

Tối hôm qua, chúng tôi đã nói chuyện về Phật, Chúa, Ala, Cao Đài, Hòa Hảo... cho đến khuya.

Sáng nay, nắng vàng tươi đã quàng lên hàng dừa nước xanh đen, phả rực vào hàng rào thép bướng bỉnh, sưởi ấm bờ đất chạy dọc theo hàng rào và sà xuống mấy viên bê tông chưa kịp tỉnh sau cơn mộng lạnh giá về đêm... Tôi đã cảm nhận... được cái mênh mông vô thường của Phật, cái đức tin diệu vợi về 'thượng đế' (hay Ala), cái bóng hình của Chúa lởn vởn trong trí óc, và cái mờ ảo của vài vị thánh đến với tôi từ thế giới trùng trùng duyên khởi!

Tôi là một... hằng số, tức là một hàm hằng mà không phụ thuộc vào sự biến đổi của các biến số tôn giáo hay chính trị (triết học). Đơn giản:
-Nếu em theo đạo Cao Đài thì anh có yêu em không?
-Dĩ nhiên là có chứ, anh không thiên vị bất cứ tôn giáo nào, còn em có quyền tự do của em.

Do đó, tôi thường im lặng lắng nghe và hầu như rất ít nói chuyện tôn giáo hay chính trị, nói làm gì cho tốn... năng lượng (cười). Ví dụ như tối hôm qua, tôi nghe kể chuyện về ông Nít ông Niết gì đấy (Nietzsche) tuyên bố... giết thượng đế, nhưng (hồi trước) tôi có nghe ả blogger 'Gà Mái' nói là: 'Thượng đế không chết vì ngài đâu có sống!'; rồi tôi bỗng nhiên nghe kể một tin mới về bà Thanh Hải Vô Thượng Sư nào đó với câu 'Con thà xả bỏ thân mạng nầy quyết không quy y với thiên ma ngoại đạo' gì gì đó (tôi không bình luận chuyện này ở đây)..., nhưng tôi lại liên tưởng đến nhiều cụm từ mà con người đặt ra từ xưa đến nay như: 'tà ma ngoại đạo', 'dị giáo', 'thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết', 'thế lực thù địch'... mà, thường là, người này tha hồ gán cho người khác nếu thấy không... thích, ha.. ha.. ha...

2. Con người tưởng mình to hơn... tạo hóa!

Tôi thường nghĩ về Alexandre Đại đế, Thành Cát Tư Hãn, Tần Thủy Hoàng, Napoleon, Hitler, Stalin..., mà đôi khi tôi vẫn tưởng tượng cái hình ảnh Thành Cát Tư Hãn ngồi trong một túp lều da dê và thầm thì với đạo sĩ Khưu Xứ Cơ về cái được gọi là 'bất tử'; hình ảnh Napoleon chụp cái vương miện trong tay Đức giáo hoàng, vò nát, rồi ném xuống đất; hình ảnh Bill Clinton lần đầu tiên thăm Hà Nội, rồi đòi đi nhà thờ và làm dấu 'a-men'...: dù họ có biểu hiện tin 'ngài' hay không, tôi vẫn tự hỏi là họ làm thế là vì 'ngài' hay vì 'cái tôi', và tôi nghi là họ vì bản thân của họ quá!

Thời gian vừa qua, tôi rất chú ý đến lão Mao, và xem như là một ví dụ điển hình (typical) của cái được gọi là xem con người như rơm rác và lái triết học theo bất cứ chiều hướng nào mà y muốn, muốn thiên đường có thiên đường, muốn địa ngục có địa ngục: y cũng không đến nổi là hoàn toàn vô ích, y đã chỉ cho nhân loại rằng chớ tin vào một thứ triết học hay chủ nghĩa nào, hay bất cứ ngôn từ mỹ miều nào phát ra từ miệng các chính trị gia hay các ông lớn!

Nhưng tại sao mấy gã to đầu đó nói hùng nói hổ, nói thánh nói tướng, rồi quy cho cùng, y cũng phải thần phục 'đấng tạo hóa'? Lý do đơn giản là các 'chính trị gia' thường muốn biến một cái khe nhỏ thành một dòng sông vĩ đại hay một đại dương mênh mông và ngược lại, biến trời thành đất và ngược lại, biến thiên đường thành địa ngục, biến đen thành trắng, biến tốt thành xấu và ngược lại, rồi y hoang tưởng y là... thượng đế, nhưng khi y ngước nhìn ngài, ngài 'không nói gì cả', mà lại hào phóng ban cho y cái chết, nên y thua.

3. Vì có nhiều thánh quá nên chả biết ai là thánh!

...Rồi tôi có đọc được tiêu đề là 'Obama thề tiêu diệt nhà nước Hồi giáo (IS)' và kêu gọi thành lập một liên minh toàn cầu để chống lại nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan này. Mặc dù không hiểu biết nhiều về đạo Hồi, nhưng tôi vẫn có cảm tình với đạo này, qua truyện 'Ngàn lẻ một đêm', kinh Kô-ran và đặc biệt là qua miệng của những người Minh giáo Ba Tư hay người đẹp Tiểu Siêu: 'Đốt tàn xác của ta, ngọn lửa thánh bốc cháy hồng hồng. Sống đã chi làm sướng, chết không lấy chi làm khổ. Vì thiện trừ ác, chỉ vì quang minh mà nên. Hí, lạc, bỉ, sầu đều trở về cát bụi. Tội nghiệp thay người đời hoạn nạn quá nhiều' (Ỷ thiên đồ long ký, Kim Dung)... Nhưng tôi rất khó để mà hiểu rằng đấng Ala đã sai họ đánh bom liều chết khắp thế giới! Và bản chất cũng tương tự cho các 'đức tin' khác.

Bây giờ, đi đâu tôi cũng gặp thánh xếp theo thứ tự A, B, C đủ loại, nào là Đạt Lai Lạt Ma, Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo), Gandhi, Khổng Tử, Krishnamurti, Lão Tử (Thái Thượng Lão Quân), Lev Tolstoi (Á thánh), Nguyễn Bỉnh Khiêm, Osho, Phật Hoàng (Trần Nhân Tông), Quan Thánh (Quan Công), Socrate, Tagore, Tam Thần Tinh (Tam Đa: Phúc, Lộc, Thọ), Táo Quân, Thanh Hải Vô Thượng Sư, Thánh Mẫu (nương nương), Thần Tài, Thích Nhất Hạnh, Tôn Dật Tiên, Tuyên Hóa (nhà sư), Victor Hugo...; ngoài ra, có thể có thánh X nào đó vì làm lớn mà thường vung tay múa mép 'lên lớp' người dân... 

Nói chung là rất nhiều vị thánh nước ngoài đã lũ lượt rủ nhau về VN để tụ hội, mà có thể là, theo ngôn ngữ dân gian, để 'ngắm gà khỏa thân', măm măm xôi chè/bánh Trung thu, thậm chí là phì phèo thuốc lá 555... Và nói chung là người Việt mang về nhà đủ các loại tượng bằng sành sứ về các vị thánh, mà làm đầu óc tôi rối bời, chả còn biết ai là thánh chính thức cả!
Riêng tôi, tôi rất đau lòng khi dân ta mang các vị thánh 'mắt xanh mũi lõ' ở đẩu ở đâu về thờ, nhưng đau lòng nhất là việc mang cái 'bóng đen' của lão Mao Ngã Hành ở bên Hắc Mộc Nhai về thờ đâu đó lâu nay!
Và tôi cảm thấy tội nghiệp cho con người:
-Sao người dễ phong người ta làm thánh đến thế, ôi sao người lại dại dột đến thế! 

4. Liệu rằng có một cái ‘bóng đè’!

Tôi đã được biết, chẳng hạn như: Nguyễn Xuân Vinh vẽ quỹ đạo phi thuyền Apollo lên mặt trăng, Đặng Thái Sơn đạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X, Ngô Bảo Châu đạt giải toán học quốc tế Fields, Lê Viết Quốc (Google) đã trở thành người Việt Nam đầu tiên đạt được giải thưởng toàn cầu về công nghệ thông tin, Võ Đình Tuấn vừa được Creators Synectics đánh giá xếp hạng 43/100 trong danh sách "100 thiên tài đương thời thế giới"...

Trong bài viết ‘Thiên tài sẽ không xuất hiện ở Việt Nam?’, nhà báo Hoàng Hường đã đau lòng viết: ‘Tại sao Đỗ Nhật Nam không thể trở thành những Ngô Bảo Châu tiếp theo. Hay chúng ta phải cay đắng thừa nhận: thiên tài sẽ không xuất hiện ở Việt Nam. Ai cho họ xuất hiện?’, và anh còn viết: ‘Vì họ (dân Việt) được thừa hưởng những quy tắc và giáo lý ứng xử còn nhiều định kiến và nặng nề trong xã hội, không cho phép con người được mạnh dạn có những suy nghĩ riêng và dám thể hiện suy nghĩ ấy, không dám đứng ngoài quán tính đám đông’...
Tôi không những không phản đối, mà còn hay nói rằng: Tại sao ở trong mảnh đất hình cong chữ S này, người Việt không thể, nhưng ra khỏi cái chữ S này, thì họ lại có thể trở thành ‘nhân tài/thiên tài thế giới’, liệu rằng có một cái ‘bóng đè’ trong nước, đặc biệt là việc đem các bức tượng vĩ nhân nước ngoài để choán chỗ trí tuệ/hù dọa khát vọng ‘mới chớm’ của dân Việt, mà đã kìm hãm sự phát triển các nhân tài/thiên tài VN để vươn lên tầm cỡ quốc tế?

5. Chủ nghĩa tự do... 

Hôm trước, ngày 20/9/2014, vô tình mà tôi đến tụ điểm ‘cà phê Dương Thụ’ ở đường Phạm Ngọc Thạch (Sài Gòn). Ở đấy, tôi đã được nghe ông Phạm Nguyên Trường (với học giả Bùi Văn Nam Sơn) thuyết trình về đề tài ‘chủ nghĩa tự do’ (về cuốn sách ‘Chủ nghĩa tự do truyền thống’ của Ludwig Von Mises)… 
Câu chuyện rất dài, tôi chỉ tóm tắt là muốn có tự do thì phải có dân chủ, mà muốn có dân chủ thì chủ yếu phải có xã hội dân sự…, nhưng con đường đi đến tự do thì đòi hỏi phải có một quá trình đấu tranh gian khổ, từng bước một, vì dân phải có dân trí, vì thế họ mới ý thức được là mình có quyền tự do gì và đấu tranh để có được quyền tự do đó… Ví dụ lý thú nhất mà tôi ghi nhận được là: Ông Moisen đã dẫn những người dân nô lệ Israel tiến hành một cuộc trường chinh 40 năm vượt qua sa mạc đầy phiêu lưu mạo hiểm, và ông đã chết trước khi tiến vào miền đất hứa!, rồi người kế tục (Giosuê) sẽ tiếp tục đưa người dân đến bến bờ của tự do... 
Và sáng hôm đó, tôi khá vui vẻ tán thưởng những gì ông nói.

Nhưng, khái niệm ‘tự do’ mà ông Trường nói đã làm tôi phải suy nghĩ nhiều ngày. Tôi tự hỏi là người dân có thể có tự do không, nếu những người chỉ hô hào ‘dân chủ’ khi cần dân ủng hộ để ‘khởi nghĩa’, rồi họ sẽ trở thành ‘chủ dân’ sau khi giành được ngai vàng?, nếu những kẻ độc tài (như lão Mao) cứ liên tục xuất hiện trong lịch sử?, nếu những tổ chức khủng bố cực đoan (như IS) cứ sinh sôi nẩy nở?, nếu con ác quỷ trong mỗi con người luôn song hành, vĩnh viễn và vĩnh viễn? 
Điều đặc biệt quan trọng và có tính bản chất là, đa số dân ta tự… nô lệ, không phải chủ yếu là vì sự áp đặt của những nhà chính trị hay nhóm lợi ích, mà chủ yếu là họ tự mang những ‘pho tượng thánh’ vào nhà hay vào đầu, và tự giác xin làm nô lệ! (có thể xem việc chen lấn xô đẩy để xin ‘dấu ấn Đền Trần’ để được thăng quan tiến chức - là một trong những ví dụ điển hình). Thử hình dung là người Việt ai mà không thích chụp hình với các ông lớn, chẳng hạn, và đem treo chình ình ngay trong nhà mình: liệu rằng hình ảnh của các ông lớn có phải là biểu tượng cho các giá trị Việt, hay là hoàn toàn ngược lại!!!

Vâng, tôi đã khảo sát kỹ rồi, chúng tôi đã thảo luận kỹ rồi, quá khứ như thế nào thì tương lai sẽ như vậy, hơn 1000 năm trôi qua đã chưa đủ để chứng minh được cái dân chủ hay cái tự do ‘siêu hình’ đấy cho dân Việt hay sao, bằng chứng là chúng ta giành được tí dân chủ nào thì các thử thách mới cam go hơn, khốc liệt hơn sẽ xuất hiện, và những thử thách này của tạo hóa đối với con người sẽ mãi mãi diễn ra, không dưới hình thức này thì cũng dưới hình thức khác, bởi vì dân cũng chỉ là con người, mà kẻ chăn dắt dân cũng chỉ là những kẻ phàm tục tử với đầy tham-sân-si, và bởi vì bản chất của vấn đề là chúng ta đang sống trong ‘cõi ta bà’ mà nhận thức là một bài toán tiến hóa vô hạn, với một đáp án dường như là vô định!

6. Đám lục bình trôi thoải mái giữa dòng sông

Cuối cùng, tôi xin trích ra đây vài câu thơ của Ngô Tự Lập (blog Hoài Tố Hanh):
Platon đã chết/Jésus và Nguyễn Du đã chết/Bây giờ đến lượt anh/Ai đó nói trước cái chết mọi người đều bình đẳng/Tôi muốn thêm: cái chết biến ta thành những kẻ cùng thời…

Còn tôi đã nhiều lần nhìn dòng sông mãi chảy, và có làm mấy câu rằng:
Ai đã sinh ra đạo Hồi?
các môn phái? các đấu trường chính trị?
Ngẫm nghĩ một hồi, tôi tự hỏi:
-Chả phải là ‘ngài’ đấy ư?
Mà cái gì ‘ngài’ đã sinh ra là hợp lý!
Và vì thế, phải chăng:
-Chân lý của con người chưa hẳn là sự thật,
mà sự thật của ‘ngài’ mới là chân lý!


Và chiều nay nàng hỏi tôi:
-Anh thích là đám lục bình trôi tự do giữa dòng sông hay trôi luẩn quẩn quanh góc vườn?, tôi trả lời:
-Dĩ nhiên là anh muốn là đám lục bình trôi thoải mái giữa dòng sông, điên gì mà rúc vào xó vườn để bị 'bóng đè'.

Nghe câu trả lời này, nàng cười rõ to, hihi...

HẾT.
---------
Chú thích:
-Nhà văn Ngô Tự Lập và ‘nghịch lý Khổng Tử’
Tôi mới được biết tin (từ Hoài Tố Hanh, blog Việt) về vụ ‘nhà văn Ngô Tự Lập’. Cơ duyên là như thế này, hè năm nay, ông sang Mỹ để làm luận văn tiến sĩ, tại đây, ông được giao lưu thơ với một số tay bút của trường đại học Massachusetts, may thay, thơ của ông lại được một dịch giả kiêm nhà thơ Martha Collins thích, sau đó, bà ta và ông Lập cùng dịch và đưa một số bài thơ của ông vào tập thơ ‘Những vì sao đen’ (Black Stars). Vào ngày 17/6/2014, ông được một tổ chức (chính ông cũng không biết) đề xuất vào danh sách 10 người được xét giải ‘Pen Awards 2014’ (tạm dịch: Cây bút xuất sắc 2014) của Mỹ! (Đến nay, tôi - người viết cũng chưa được biết kết quả cuối cùng của giải này).
Đồng thời với tin này, tôi cũng được đọc bài ‘Lý thuyết và thực hành của Ngô Tự Lập’ trên Facebook của ông Nguyễn Tôn Hiệt (có người khẳng định đó là Hoàng Ngọc Tuấn, trang web Tiền Vệ) mà cho rằng ông Lập khi viết bài ‘Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam’..., đã đạo văn của GS Mỹ là Hayes Edwards!
Tôi không thể biết là ai đúng, ai sai, vì ở VN, chuyện gì cũng có thể xảy ra, và có người nói là ‘làm tổng thống VN khó hơn làm tổng thống Mỹ nhiều!’, mà tôi chỉ nói ra 2 quan điểm:
1. Có thể có ai đó có ít nhiều tài năng (chưa nói là ai hơn ai), nhưng nếu ở trong nước thì tài năng đó vô cùng khó để được quốc tế phát hiện, mà chỉ khi gặp may mà có người/tổ chức nước ngoài thích, rồi được họ đề cử vào các giải có đẳng cấp quốc tế, chẳng hạn như trường hợp ông Lập nói trên. Còn ngày xưa, ông Tagore cũng gặp may mắn như vậy, khi một bản dịch thơ (tiếng Anh) của ông, vào năm 1912, bị đánh rơi ở một ga tàu điện ngầm ở London, mà người nhặt được tập thơ đó lại là một họa sĩ mà có quen biết rất nhiều với các thành viên của Viện hàn lâm Thụy Điển, kết quả là Tagore đạt giải Nobel, chứ không phải thơ của ông là hay nhất Ấn Độ hay nhất thế giới thời đó... Vì thế, có ai là nhân tài hay thiên tài ở VN, mà không gặp vận may, thì vui lòng nằm ở đó chờ… chết cho đến cuối đời vậy, hihi…
2. Tôi có một suy nghĩ khác về khái niệm ‘đạo văn’. Tôi lấy một ví dụ cụ thể là tôi và ông Khổng Tử cùng ngắm 1 cây hoa hồng, ở 2 nơi khác nhau và vào 2 thời điểm khác nhau. Không có lý do gì để bắt buộc là kết quả mô tả của tôi phải hoàn toàn khác của ông Khổng Tử! Có 2 trường hợp xảy ra, nếu tôi mô tả hoàn toàn khác ông Khổng Tử thì mọi người bảo tôi là một thằng… điên!, còn nếu tôi mô tả giống ông Khổng Tử thì người ta nói là tôi… đạo văn của ổng!, đó là vì ông Khổng Tử sinh ra trước tôi 2600 năm (ông sinh năm 551TCN), chứ nếu ông sinh ra sau tôi 2600 năm thì người ta lại bảo là ông Khổng Tử đạo văn của tôi! Tóm lại, tôi thấy rằng người Việt hay lấy mấy cái bóng vĩ nhân đó ‘đè’ lên các sáng tạo của thế hệ trẻ: tôi là tôi, tôi có quyền sáng tạo, còn cái sáng tạo đó có giống ông Khổng Tử hay (các) ông ‘mắt xanh mũi lõ’ trước đây hay không, tôi không quan tâm.
-Thanh Hải Vô Thượng Sư: xem:
http://thuvienhoasen.org/a9714/nhan-dinh-ve-phap-mon-quan-am-cua-thanh-hai-vo-thuong-su-hoang-lien-tam
-Thiên tài sẽ không xuất hiện ở Việt Nam?, xem:
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/116310/thien-tai-se-khong-xuat-hien-o-viet-nam-.html

12 nhận xét:

  1. Nhà Gom Lá Bàng (Facebook) Cô pé tặng Lá Bàng 1 bài thơ nhé, hihi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lam Bình
      Hi, anh sang nhà em thích bài nào rinh về bài đấy!

      Xóa
    2. Nhà Gom Lá Bàng
      Chiều hoang dáo dác bên sông
      Lục xanh, bình tím, sắc không thẫn thờ
      Vào nhà mắt vẫn trong mơ
      Em đây, anh đó, có chờ được chăng, hihi..

      Xóa
  2. Cô đơn đứng trước dòng sông mộng
    Vườn vắng, trời im, than tiếng chim
    Mưa đâu lấp ló trời xa tít
    Hoa tím ngoài sân mỏi mắt tìm

    Trả lờiXóa
  3. Hồng Phúc (Facebook)
    Sâu xa, mọi sự lột trần hết làm cho người ta tin vào sức mạnh nào, tôi liên tưởng đến bức tượng của cụ LN. Đọc mà đau lòng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Hồng Phúc, bạn góp ý rất tế nhị, hợp ý mình, thân.

      Xóa
  4. MT sang thăm anh LB nè , lâu rồi lười tung tăng quá nên ít sang thăm anh , anh vẫn khỏe ..??? tối ngon giấc để đón cuối tuần vui vẻ , hp thật nhiều anh nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui da da, chào công chúa pé pỏng,
      ở bên í có vui k?
      Cám ơn nhé, chúc chiều t6 vui.

      Xóa
  5. một chiều - mưa lặng lẽ đến bên anh...
    từng giọt khẽ....xin mưa đừng- thêm lạnh...
    sắc thu vàng lá vô tình trên lối...
    cho lòng người thu nhớ ....tháng năm xanh....
    mưa ghé thăm anh- đọc bài viết chỉ biết ngẫm nghĩ xem anh LB đang gửi gắm gì trong ấy- hổng biết bình chi...
    viết mấy dòng trêu lb chút .. đừng giận mưa nha. luôn vui nhé anh( dạo này mọi ng chuyển sang fb và TV hết buồn ghê ah huuuu)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, dạo nay LB bận lắm,
      ít khi viếng 'nhà',
      thôi, chơi sơ sơ cho vui vậy,
      cám ơn Mưa nghen, chiều t6 ngọt ngào.

      Xóa
  6. Lưu comt AN:

    Rồi ngày mai chúng mình ra
    một cái bàn đá
    bên cạnh một cây móng bò
    nở đầy hoa tím.
    Bỗng chú mèo
    đến cà cạ bên ta.
    Nhớ con rùa ở nhà,
    hay là ta về cho nó ăn nhỉ!
    Ôi, hết đồ ăn rồi,
    nhớ chiều nay phải đi mua cho nó
    một ít rau muống vậy!

    Hihi...

    Trả lờiXóa
  7. 'Nửa cho anh giấc mộng hư'
    Nửa cho anh giấc vô tư của mèo
    Nửa trên vách núi cheo leo
    Nửa vương địa ngục, nửa treo cõi buồn

    Trả lờiXóa