Hắn có nhiều lần uống cà phê với một người, qua
tự thú của người này thì từ nhỏ đến nay, y thực sự không biết tình yêu là như
thế nào vì trong suốt cuộc đời của y, hầu như y không có sự hỗ trợ tinh thần nào
về phía cha mẹ, vì thế y không cảm thấy được tình yêu của cha mẹ, và vì thế dẫn
đến cái hệ quả là mọi thứ được gọi là ‘tình yêu’ của y đối với con người - trừ
tình yêu thiên nhiên, khoa học, nghệ thuật - đều khác thường, bị ‘méo’, bị ‘sứt
mẻ’ hay không bao giờ hoàn chỉnh. Điều này hẳn các nhà tâm lý học thấy rõ hơn.
Theo y, cha mẹ của y thường gây gổ từ nghiêm
trọng, lớn bé đến vặt vãnh mỗi ngày hàng chục lần trong gần ba mươi năm,
nên anh em trong gia đình y bị phân tán và có lẽ về tâm thần không tránh bị ảnh hưởng. Một
trong những hậu quả của các cuộc ‘gây gổ’ liên miên của cha mẹ y là phần nào đã
dẫn đến gia đình của y, cách xin việc hay làm việc của y, cách đối nhân xử thế
của y, cách ‘sinh hoạt’ của y sau này không được bình thường như những người khác.
Mặt tích cực khác là từ nhỏ, y được sinh ra ở
một nơi mà bao quanh với một khu vườn rộng đầy hoa trái, với những cánh đồng
lúa, với những ngọn đồi ‘bạn bè’ nỗi lên trên nền những dãy núi xanh biếc từ xa
xa cộng với dòng sông cung cấp cho y món cá ‘rầm’ và những cơn lụt; lớn lên một
tí, cha chú của y đã dạy cho y đánh đàn và hát các bài hát như 'Cánh hồng Trung
quốc’, Chiều tà’, ‘Dòng sông xanh’, ‘Gửi gió cho mây ngàn bay’…, mà những
tình yêu đôi lứa và tình yêu thiên nhiên lồng ghép trong đó đã thấm sâu vào máu
thịt của y, và do đó, y trở thành là một con người đa sầu đa cảm.
Cũng từ đó, y có khát vọng tình yêu, y thường
nói nếu có một hợp đồng ngày mai chết thì y sẽ ký ngay, nhưng đó không phải
hoàn toàn là một cái chết vật lý mà y sẵn sàng ra đi cho cái khát vọng tình yêu
đó (không chỉ bó hẹp trong phạm vi tình yêu nam nữ). Nếu đạt được khát vọng đó,
trừ con của y, cái gì y cũng có thể từ bỏ, kể cả ‘triết’ là cái mà y yêu thích gần
như suốt đời. Cũng chính vì thế mà người ta thấy y hầu như lúc nào cũng tranh
thủ gần gũi với con y vì sợ một ngày nào đó mà y ra đi vì cái khát vọng đó, y sẽ
không được nhìn thấy con của mình nữa.
Trên đây mới là chuyện chính mà hắn muốn nói ra,
còn những phân tích dưới đây chỉ là chuyện phụ. Tại sao hắn viết, làm sao hắn biết được và viết
được từ khi nào?
Khoảng 1981, hắn có thể viết liền
một mạch 13 trang ‘triết lý về tình yêu’
(viết bằng bút chì cho nên cũng dễ sửa). Nhưng sau đó hắn bị bệnh sốt
rét kéo
dài 2 năm đã làm những ý niệm từ các suy nghĩ của hắn không có kết nối
với nhau
được nữa. Chẳng hạn, viết nửa trang email hẹn gặp em họ hắn mà hắn phải
sửa đi
sửa lại cả chục lần, không lần nào mà hắn thấy yên tâm cả; điều này cũng
có tính tích cực, vì làm bất cứ cái gì, hắn phải rà đi rà lại hàng
chục đến hàng trăm lần,
điều này góp phần quyết định việc hắn thành công lớn hơn so với cái mà
hắn có
thể, chứ không phải là so với người khác. Cũng cần nói thêm, vì các lý
do có
tính chất số phận, hắn phải dùng nhu thắng cương, dùng nhược thắng
cường, lấy
tịnh chế động, nhất là lấy vô chiêu thắng hữu chiêu (mong bạn đọc hiểu
chỗ này
khi hắn nói về ‘triết’). Nhìn hắn thì lúc nào cũng nhàn nhã, như là
không làm
cái gì cả, nhưng thực ra hắn tính rất chính xác, 11g làm cái gì, 12g làm
cái
gì, 1g làm cái gì, 2g làm cái gì, 4g làm cái gì, … và đó cũng là nỗi khổ
của
hắn vì hắn bị lệ thuộc nặng vào không-thời gian (xem bài ‘con người và
không-thời gian’).
Năm 1984, hắn bắt đầu viết ‘triết học vật lý’, nhưng viết được nửa trang
thì tay hắn ‘cứng ngắt’ không viết tiếp được nữa: có cái gì đó không luân lưu
tuôn trào trong đầu hắn. Hồi đó hắn có đọc ‘Phép biện chứng của tự nhiên’ của
Ăng-ghen và ‘Bút ký triết học’ của Lê Nin (Lê Nin chỉ ghi 2 bên lề của một cuốn
sách triết học nào đó) mà cho đến nay, theo hắn, chưa có ai viết về triết học
(của tự nhiên) ‘tốt’ hơn 2 ông ấy. Hắn thầm phục sao ông Ăng-ghen lại
giỏi như vậy, hắn có khá nhiều kiến thức nhưng sao viết khó quá. Thế rồi một
buổi nọ, đi đấu bóng bàn, hắn thấy một ‘bóng hồng’ thấp thoáng và cuốn hút hắn,
hắn về nhà chấp bút và đã viết được 20 trang. Khi chấm bài luận văn này, thầy hắn
có nhận xét là ‘ý của luận văn là ‘một’ nhưng từng phần của luận văn lại không
có liên kết với nhau’, tuy nhiên hắn vẫn nhận được điểm cao nhất (tức là không
có ai trong số các bạn cùng lớp/khóa của hắn có điểm cao hơn).
Thực ra, những suy nghĩ về ‘triết’ của hắn đã được hình thành vào năm 1981,
đến nay đã 31 năm rồi, hắn đã suy nghĩ đào đi đào lại rất nhiều lần để thêm
‘chất’ vào cái đã hình thành đó mà thôi, do đó hắn tin rằng những suy nghĩ của
hắn không đến nỗi ‘tệ’ lắm.
Tại sao hắn viết, chắc chắn không phải là cần nổi tiếng, mặc dù nổi tiếng
thì trong thâm tâm ai lại không thích, cũng không phải là cần ai biết hắn là ‘triết
gia’ cái gì đấy vì hắn hiểu triết học theo một nghĩa hoàn toàn khác:
- Hắn viết vì hắn muốn phản ánh cái
khát vọng tình yêu mà không bao giờ trở thành hiện thực, để chỉ ra một con
người sống mà tự xếp mình dưới mức ‘hạ cấp’ và tự nhận là mình sống ở tầng địa
ngục thứ 19, đã tồn tại và sống với các người có liên quan như thế nào.
- Hắn không bao giờ làm kinh doanh, nên không biết đến chuyện đầu tư cái gì
hay lỗ lãi cái gì, nói chung hắn là không có khả năng ‘thật sự’ để làm ra tiền.
Hắn tồn tại và tự cứu sống cuộc đời hắn bằng triết học và triết học đã đẻ ra tiền
cho hắn. Hắn thường nói là hắn gặp may mắn không thể hiểu nổi hay hắn còn nói là ‘Chúa’ luôn ở bênh cạnh hắn và giúp
hắn bất cứ lúc nào (hắn không tin Chúa).
Từ cuộc đời như vậy sản sinh ra cho hắn
một cái nghề gọi là ‘tăng cường năng lực’ mà khi ghi vào lý lịch, hắn chẳng
biết phải khai như thế nào, tạm cho đó là một cái nghề tư vấn tổng quát cho hầu
hết mọi loại hình hoạt động trong phạm vi nghề nghiệp có liên quan, mà nói là nghề
tư vấn chiến lược thì không phải hay nói là nghề ‘tăng cường năng lực’ thì cũng
không có ý nghĩa đầy đủ. Khi giảng bài, chẳng hạn 5 ngày, thì trung bình 45
phút hắn phải sản xuất ra một bài gỉảng về một chủ đề nào đó có liên quan (ví
dụ ‘tổ chức là gì ?’).
- Hắn viết triết thì cũng mong cho có
người biết và cảm thông là có một con người quá đặc dị, đặc dị thê thảm, phải
sống và suy nghĩ về thế giới này như thế nào.
- Nếu có người hỏi hắn quan niệm về triết học hay định nghĩa về triết học
như thế nào, hắn sẽ chỉ ra chung quanh hay chỉ
lên bầu trời và trả lời ‘đó là triết học’, chấm hết.
Có thể dùng phép song ánh để cho người đọc tạm hiểu qua các ví dụ sau đây.
Đối với Voltaire, ông ta cho là chúa Jesus không có thật và Kinh phúc âm
chỉ là ‘giả’ phẩm mà thôi, nhưng ông ta lại tin Chúa về mặt lý tính. Chúa Jesus
như là một hình ảnh tổng hợp những tinh túy của loài người, từ Ngài toát ra
những trí tuệ và đức tính với cái ngưỡng mà loài người hay, nói riêng, Voltaire
không bao giờ vượt qua được. Chúa của Voltaire là như vậy.
Tương tự như vậy đối với quan điểm về Phật, đối với ai đó, Ngài không phải
là đấng ‘quyền phép vô biên’ mà chỉ là một người bình thường chết năm 70 tuổi
mà thôi. Tư tưởng Phật (thế kỷ thứ 6 và thứ 5 - TCN) được sản sinh ra ở Ấn Độ,
nơi mà nền văn minh sông Hằng tiếp cận nền văn minh Tây Á và nền văn hóa Trung
Quốc xa xưa, vì thế những điều mà Phật chiêm nghiệm lại thể hiện tổng hợp tinh
túy của nhân loại mà cho đến nay và nhiều ngàn năm sau vẫn mãi là tinh túy. Phật
được hiểu như thế đấy.
Vì thế, người ta không thể xếp hạng Phật hay Chúa như là các vĩ nhân (xem
bài ‘Con người và vĩ nhân’). Và nói tựu trung thì tư tưởng của Phật, Chúa, Hồi
giáo, Lão - Trang hay Khổng - Mạnh đều quy về ‘một’.
…Một vài ví dụ ở đời thường. Như vụ ông A vì ham tiền, vụ ông B ham làm ăn
kinh doanh lớn, vụ ông C ham trở thành triết gia, vụ ông D ham danh, …, theo
hắn, là tương đương với nhau – đó là tham vọng, cái gì cũng có giá của nó, nhưng
tham vọng thì luôn luôn phải bị trả giá rất đắt.
Ông A vì ham tiền thái quá nên sai lầm mà đã bị bỏ tù, bị phát mãi tài sản,
gia đình ly tán, … Ông B chưa có vấn đề gì, nhưng nếu ông ta thấy việc làm ăn
vượt qua khả năng quản lý của ông ta thì phải biết dừng đúng lúc. Ông C phải hết
sức cẩn thận vì người đời hiếm khi quan tâm đến triết học, hơn nữa, miệng lưỡi
của người đời thì quá đa đoan.
Ông D …, nhớ đến vụ ĐLNV, hắn chợt bật cười, hắn nói với con hắn là ‘ai đó,
quá ngây thơ’ (ý hắn là không phải quy hết về NV), và nghĩ là vụ này đã đem lợi
cho hắn đến trăm triệu đồng vì từ đó mà hắn và nhiều người khác thấy háo danh
là tai hại như thế nào. Có người nói là ông ấy bị bệnh vĩ cuồng, bệnh tâm thần
hoang tưởng, háo danh, .., nhưng hắn nghĩ khác, hắn nghĩ là ai đó đã chưa hiểu vĩ
nhân là gì, lịch sử là gì, vai trò của con người trong lịch sử như thế nào, và
cuối cùng con người/vĩ nhân sẽ đi về đâu ?
Vụ hắn bị tai nạn giao thông mới đây, trong lúc nằm dưỡng thương, hắn rất
lạc quan trừ vài khoảng thời gian ngắn bi quan, hắn lại thấy có lợi đến trăm
triệu đồng vì từ đó hắn có thể rút kinh nghiệm, đặc biệt là có thể cảm thông
nỗi đau của những người bị tai nạn và, nói chung, của nhân loại.
…Cần nói thêm một tí về bệnh vĩ cuồng. Bệnh này dành cho cả đàn ông lẫn đàn
bà. Bệnh vĩ cuồng, nói nôm na, là bệnh tưởng mình là vĩ nhân, muốn trở thành vĩ
nhân hay nghiện vĩ nhân. Hiểu hơi mở rộng một tí, theo hắn, chữ vĩ này không
chỉ hàm chứa trong từ vĩ nhân, mà nói chung, con người thường cảm thấy cái tôi,
cái đau, cái khổ của mình là số một, là to, là lớn hay là vĩ đại nhất trên đời,
mặc dù người ấy không bao giờ mơ ước minh là vĩ nhân, điều đó mãi mãi gây ra
nhiều thảm cảnh cho con người.
Nói nôm na, Hemingway, Jack London, Shakespeare, Dostoevsky, Lev
Tolstoi, Aimatov, …, là những người chiêm nghiệm ra triết lý từ thực tại,
còn các triết gia như Krishnamurti, Heidegger, Kant, Sartre, …, lại hệ thống
hóa những cái chiêm-nghiệm-ra-triết-lý-từ-thực-tại đó thành triết học, tác phẩm
‘Tự do đầu tiên và cuối cùng’ Krishnamurti là một ví dụ. Và nói như vậy, triết
lý/triết học vốn sẵn có trong thực tại, chúng chắc không phải là sẵn có trong
đầu óc của một số người, lại càng không phải sẵn có trong sách vở, khi nào còn
thực tại thì triết lý vẫn còn sản sinh, như dòng sông Vu Gia chảy mãi không bao giờ ngừng.
(7g58, sáng ngày
6/9/2011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét