Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

90. Hẳn phải có bí mật - Hẳn phải có bí quyết


Hắn vẫn thường suy nghĩ, những điều hơi bị ‘kỳ lạ’ về một số xếp hay mấy ông thầy. Suy nghĩ đôi khi, suy nghĩ hoài, có một lúc, chính là lúc này đây, hắn xin kể một số chuyện cho các bạn nghe.
* Hồi đó ở TN, hắn có một ông xếp. Trước khi làm xếp, ông ấy vừa là bạn, vừa là học trò (có thể nói như vậy) của hắn. Thế mà sau khi được lên làm xếp, ông ấy có thái độ thay đổi hẳn, ông ấy tỏ ra mình là thầy của hắn trên mọi lĩnh vực kể cả lĩnh vực mà ông ấy còn học hắn một ngày trước khi được lên làm xếp. Ông ấy còn đối xử với hắn quá đáng như nói móc nói xéo, nói xoáy nói xoay, khi có cơ hội, làm như giữa hắn và ông ấy có mối thù nào trước đó, chắc ông ta làm như thế để cho ‘đã’ cái oai làm xếp, … Sau đó, ông ấy bị ‘có vấn đề’, nên hết được làm xếp, … Ba năm sau, vào một buổi tối, trong khi xỉn, ông ấy đã ghé nhà hắn và nói ‘tôi xin lỗi, tôi không cố tình như vậy’. Sau này, hắn có gặp ông ấy 2-3 lần, mặc dù vô cùng bận nhưng ông ấy nói ‘tôi sẵn sàng ngồi nói chuyện với anh cả ngày, tôi rất quý tình bạn’.
Sau đó, hắn bị làm ‘lính’ cho một ông xếp rất kỳ lạ. Đó là ông ấy thường bảo hắn cùng đi với ông ấy đến nhà hàng, quán ăn, shop quần áo hay dịch vụ, cứ mỗi lần ông ấy ăn uống hay mua cái gì, thì sau đó ông ấy vừa ngậm tăm trong mồm vừa lẳng lặng ra khỏi tiệm, vì hắn còn ở đó nên hắn phải móc túi trả tiền, trăm lần như một… Sau này, vô tình kể nhiều chuyện trong đó có chuyện này, bạn hắn mới trố mắt lên nói ‘không ngờ ảnh chịu đựng giỏi như thế’. Thì phải chịu đựng, biết thế nào bây giờ, vả lại hồi đó hắn đã lớn tuổi, nhưng trình độ quan hệ xã hội lại ‘nhỏ tuổi’, nên hắn không bị stress mạnh lắm, …Hơn 10 năm sau, ông ấy gọi điện thoại bảo hắn về thăm ông ấy có việc rất quan trọng, lúc đó hắn chưa biết là ông ấy sắp chết, khi gặp hắn, ông ấy mừng vô cùng, rồi ít lâu sau ông ấy ra đi. Hắn không thể giải thích được rõ ràng là tại sao ông ấy cần gặp hắn và tại sao ông ấy lại mừng đến như vậy, nhưng hắn vẫn trân trọng thái độ đó và lấy làm an ủi vô cùng: hắn không còn trách ông ấy nữa!
Rồi hắn làm ở HN được khoảng 5 năm, rồi cái gì cũng có lúc kết thúc, chương trình mà hắn làm cũng phải kết thúc để nhường cho những chương trình khác với những nhân sự khác. Một ngày trước khi nói lời tạm biệt để hắn về quê ‘rửa tay gác kiếm’, ông xếp Tây mới đi dạo Phố Tràng Thi để mua tặng cho hắn 2 món quà. Món thứ nhất là một chiếc mũ cối, hắn mới tức cười mà bảo ‘ở VN thì đâu lại không có mũ cối’, nên sau đó hắn tặng lại cho một người bạn mà thích cái mũ đó. Có một điều đáng kinh ngạc là ông ấy vừa  cười hề hề vừa tặng cho hắn một món quà thứ 2, đó là một cuốn về các câu chuyện tình bằng tiếng Việt và nói ‘trong 5 năm nay, tôi chưa bao giờ làm xếp của anh được một phút nào cả, chỉ có tình yêu mới sai khiến được anh thôi!’. Hắn mãi ấn tượng về câu nói đó.
…Còn nhiều chuyện tản mạn nữa, khi nào rãnh hắn sẽ kế tiếp nhé, có vẻ hơi bị lạc đề rồi, xin tập trung vào ‘chính sử’ bạn ạ. Nhưng, các bạn sẽ đoán theo ý bạn, xếp có cái lý của xếp không và tại sao cuối cùng/cuối đời, các xếp lại tốt như vậy, hẳn phải có một bí mật!
** Có một câu chuyện về ông ‘tiến sĩ’ mà nay ta vẫn gọi là ‘tiến sĩ qua một đêm’ đó.  Có một lần, buổi tối, hắn ghé nhà thầy, nói chuyện một hồi, thấy trên bàn của thầy có một bộ ‘Tư bản luận’ bằng tiếng Nga, hắn mới hỏi ‘thầy hiểu hết bộ sách này chưa?’, trả lời ‘tôi mới hiểu được 30%’. Ối trời đất ơi, ông ấy đã hao phí 30 năm mới hiểu được 30%, như vậy để hiểu được hết bộ Tư bản luận thì ông ấy sẽ mất 100 năm!!!, và để hiểu được 54 cuốn của bộ ‘Lê-nin toàn tập’, thì ông ấy tốn khoảng 1000-2000 năm!!!, đó là chưa kể đến đầy rẫy các sách khoa học khác nữa! Vậy thì tới lúc nào ông ấy mới hiểu cái lý thuyết mà ông ấy đang nghiên cứu để mà phê phán, bổ sung hay cho ra một ít sáng tạo cho xã hội này? Đó là một ấn tượng thực sự các bạn ạ.
Lại có một chuyện nữa, có một người nọ, từ lúc đọc cuốn sách ‘Thuật xử thế của người xưa’ của ông Nguyễn Duy Cần, đến nay đã được 40 năm nhưng vẫn chưa hiểu, cứ tạm cho là y hiểu vừa đủ để tán gẫu ở quán cà phê đi. Nhưng hắn tự hỏi là ông Nguyễn Duy Cần có bao nhiêu cuốn sách, cứ cho là 10 cuốn đi, như vậy thì để hiểu những cuốn sách của Nguyễn Duy Cần, y phải mất ít nhất 400 năm!!!. Nhưng ngoài Nguyễn Duy Cần, còn có Nguyễn Hiến Lê, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Nguyễn Hoàng Phương, Nguyễn Văn Trung (chưa kể ‘Lục tử tài thư’, sách Tây, …), thì tính sơ sơ,  để có thể hiểu hết các tác phẩm của 5 ông trên, y sẽ mất 2000 năm!!!
…Hắn đã từng thấy một người, trong khoảng thời gian bằng một giấc ngủ trưa, y có thể đọc 7 cuốn sách đủ loại, ta có tây có, tổng quát có, khoa học cụ thể có, toàn các loại sách khó nhai. Thế mà trong vòng 60 phút, y có thể hiểu tổng quát, hiểu cơ bản thậm chí hiểu sâu và có thể bình luận và trích dẫn thoải mái nhiều chỗ trong 7 cuốn sách kia, hẳn phải có một bí quyết!  
Hắn đã từng nghe, có một nhà lãnh đạo nọ, lần đầu tiên đến thăm một tỉnh, ông ấy chỉ chạy xe vòng vòng vài nơi và tiếp xúc với một số lãnh đạo tỉnh trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, rồi sau đó tại hội nghị, ông ta có thể phát biểu và phân tích tỉnh đó yếu chỗ nào, mạnh chỗ nào, chỗ nào làm được, chỗ nào chưa làm được, nên phát triển cái gì, phát triển như thế nào? Bài phát biểu của ông ta có thể thành kim chỉ nam cho các lãnh đạo của tỉnh đó và được dùng trong một thời gian dài. Vậy, tại sao nhà lãnh đạo đó có ‘nhãn quan’ đúng như thế chỉ trong một thời gian tiếp cận và quan sát ngắn như vậy, hẳn phải có một bí quyết!
Ông Ngô Bảo Châu, người đã từng đạt giải Fields toán học, chắc là nhãn quan của ông ấy đã nhìn xuyên suốt thế giới toán học. Nhưng để đạt được cảnh giới toán học, như là cái thời mà người ta sáng tạo ra phép tính tích phân hay hình học phi Ơ-cờ-lít, …, thì đòi hỏi các nhà toán học phải rất rất kỳ công cộng thêm với động lực của lịch sử nữa. Cũng mở thêm ngoặc đơn ở đây là, ông Anh-x-tanh là người sáng tạo ra thuyết tương đối hẹp, nhưng cuối đời ông ta cứ loay hoay mãi trong cái rừng bạt ngàn và rậm rạp của thuyết tương đối rộng mà hình như cho đến nay chưa có lời giải đáp hoàn hảo.
Nói tóm lại, tại sao có người đọc sách hoài vẫn chưa hiểu, mà nếu có hiểu thì hiểu lầm, hiểu không rõ ràng, hiểu sai lạc hay không áp dụng được vào công việc hay cuộc sống, nhưng tại sao có người có thể đọc rất nhiều nhiều sách mà có thể làm được điều ngược lại! Người viết không dám trả lời, vì đọc sách như thế nào, ‘hẳn phải có bí quyết’!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét