Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

1019. SỰ THẬT VỀ QUAN CÔNG VÀ 'ĐIÊU THUYỀN' (Sưu tầm và lời bình)

Kết quả hình ảnh cho Quan Công

Tôi có biết một sự thật về Quan Công, đó là ông ‘Mục hạ vô nhân’, và về Điêu Thuyền, đó là nàng ‘Fake beautiful girl’.
‘Mục hạ vô nhân’* là gì? Là lúc nào cũng xem dưới mắt không có ai ra gì, tức là xem anh hùng võ lâm thiên hạ không ra chi, huống gì là lão bá tánh dân ngu khu và cu đều... đen! Khi Lưu Bị lên ngôi vương (Hán Trung Vương, tháng 8 năm 219) thì phong tước ‘hầu’ cho Quan Vũ, tức là Hán Đình Hầu, và từ đó mắt họ Quan hay nghếch nghếch nhìn lên trời và coi thiên hạ không ra gì!
Còn ‘fake beautiful girl’? Fake’ trong từ ‘fake news’ của… ông Trump, tức là tin giả, tin vịt, ‘fake beautiful girl’ là ‘mỹ nhân giả’. Điêu Thuyền hoàn toàn không có thật trong Lịch sử Trung Hoa, mà chỉ là một người đẹp được thêu dệt trong các truyền thuyết dân gian, ví dụ như được hư cấu trong Tam quốc chí.
Nghe nói người Tàu có ‘Tứ đại mỹ nhân’, thì trong đó Tây Thi và Dương Quý Phi là có thật và không phải là tốt lành gì! (vì trực tiếp hay gián tiếp làm mất nước), Vương Chiêu Quân thì nửa Tàu nửa Việt* (nay có đền thờ ở làng Diêm Tỉnh, xã Thụy Dũng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, cũng có cùng tên, cùng năm sinh với Vương Chiêu Quân bên Tàu, là người đẹp thuộc quận Giao Chỉ, được đưa vào cung thời Hán Nguyên Đế để gả cho Hung Nô), còn Điêu Thuyền là không có thật…
Minh họa thêm, nhân vật Vi Tiểu Bảo trong ‘Lộc đỉnh ký’ chính là hư cấu của Hòa đại nhân trong đời thực - dưới thời Càn Long, nghe đồn tay họ Hòa này là đồng tính!, nhưng Hòa đại nhân thực và Vi Tiểu Bảo hư cấu về bản chất là hoàn toàn khác nhau… Ngoài ra, Tôn Ngộ Không trong ‘Tây du ký’ có thể là nhân vật Viên Hồng* trong ‘Phong thần bảng’ - người đứng đầu Mai Sơn Thất quái, là đệ tử của Thông Thiên Giáo chủ (Bồ Đề Tổ sư!) thuộc ‘Triệt giáo’; họ Tôn đối đầu với Ngọc Hoàng Thượng đế và Phật Thích Ca thuộc ‘Xiển giáo’; còn Thái Thượng Lão Quân là sư tổ của ‘Đạo giáo’. Nói chung ‘Tây du ký’ là một phiên bản của ‘Phong thần bảng’…, và các fbker thời @ không phải mất công tìm hiểu về Xiển giáo, Triệt giáo là cái qué gì!, và ngay cả Đạo giáo (và Khổng giáo) kể từ thời ‘Hậu Thanh’ (sau 1949) thì ở bên Tàu cũng không còn nữa!, mà chỉ còn lảm nhảm ở xứ Rùa X!... Vì thế, cái gì mà anh ‘Xiển giáo’ Tàu nói thì sự thật chỉ có dưới một nửa, hay bằng không, thậm chí là âm!
Vì sao?

*
HUYỀN THOẠI QUAN CÔNG
Đăng lại chuyện Quan Công trên "Giờ Giải Ảo", ngày 17 Tháng Tư 2013, đã có trình bày từ Tháng Tám năm 2010 trên đài phát thanh NVR!... Người trả lời là nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nghĩa. (Nguồn: Fb Dung Tran)

+ Thưa ông, hình như chúng ta có ba nhân vật Quan Công khác nhau. Một là hình tượng anh hùng được phổ biến trong tuyệt tác dã sử là Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa. Hai là nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa không lấy gì là anh hùng cả. Và thứ ba là pho tượng được nhiều nơi trưng bày trên bàn thờ với khói hương nghi ngút của thế kỷ 21. Trước hết, ai là người đã lần đầu tiên làm lễ thờ cúng Quan Công?
+ NXN: Tác giả La Quán Trung có khuynh hướng đánh giá nhà Hán là chính thống và thiên về phe Tây Thục, hay Hán Thục là phe Lưu Bị. Những người khuông phò Lưu Bị được ông đánh giá cao hơn các nhân vật khác. Ông cũng dựng ra nhiều giai thoại đẹp mà không có thật về Quan Công, kể cả chuyện khi chết rồi thì hiển thánh. Tào Tháo mới là bậc cơ mưu mà tránh kế "Di Thi Giá Họa" của nhà Đông Ngô - sau khi chặt đầu Quan Công thì sợ Tây Thục trả thù nên đưa thi hài không thủ cấp cho Bắc Ngụy, Tào Tháo không mắc mưu mà cho khâm liệm chôn cất tử tế và còn cho dựng am thờ Quan Công:
- Chính Tào Tháo là người đầu tiên mở ra phong trào thờ cúng Quan Công!

+ Các ông vua đời sau cũng vì nhu cầu củng cố vương quyền của họ mà tiếp tục đề cao nghĩa khí của Quan Công: đời Tống thì coi ông ta là vị thần hộ quốc; đời Thanh thì Càn Long tôn ông là Trung Nghĩa Vũ Thần Đại Đế, nhiều tướng sĩ Mãn Thanh còn treo ảnh và đeo tượng của ông làm bùa hộ mệnh. Rồi vì truyền thuyết Quan Công ưa đốt đuốc đọc kinh Xuân Thu mà vua Hàm Phong nhà Thanh nâng ông lên thành thiên tài văn học đứng ngang hàng Khổng Tử. Các phong trào "Phản Thanh Phục Minh" - nhất là ở miền Nam Trung Hoa - cũng dựng miếu thờ Quan Công làm cơ sở liên lạc. Ngày nay, nơi thờ cúng Quan Công nhiều nhất là tại Hong Kong. Như ông vừa nói, đấy là một nhân vật lịch sử, tức là một người có thật?
+ NXN: Đấy là nhân vật có thật vào cuối đời Đông Hán bên Tầu và có góp phần xây dựng lên một trong ba nước của thời phân tranh Tam Quốc - từ năm 220 đến 280. Trong thời kỳ đó, nước ta vẫn còn bị ách Bắc thuộc và thực tế bị cai trị bởi nhà Đông Ngô, một chế độ cai trị thuộc loại hà khắc nhất khiến Bà Triệu đã khởi nghĩa. Bà Triệu có lẽ sinh vào năm 225 và khi khởi nghĩa thì bị Tôn Quyền sai Lục Dận là cháu Lục Tốn sang làm Thứ sử Giao Châu với quân binh qua tiêu diệt sau sáu tháng giao tranh, Bà Triệu phải tự trầm vào năm 248, ở tuổi rất trẻ là 23. Chúng ta đọc Tam Quốc mà ít liên hệ đến chuyện đau thương của đất nước mình vào giai đoạn ấy, và chẳng hiểu vì sao dân ta đã có thành ngữ "Thằng Ngô Con Đĩ" vì ách cai trị của Đông Ngô!
Trở lại Quan Công, ông ta có thể sinh năm 162 tại tỉnh Hà Đông, nhưng chắc chắn là mất vào năm 220, là khi cục diện tam phân vừa mới bắt đầu. Quan Công có tên tự là Vân Trường hay Trường Sinh, thiếu thời là nhà nghèo, đi bán đậu hủ kiếm sống, nhưng giỏi võ và có tinh thần nghĩa hiệp:
- Chính là vì tính nghĩa hiệp ấy nên ông ta đã giết người và đi trốn.
Trong lúc đi trốn tại huyện Trác ở tỉnh Hà Bắc, ông gặp Lưu Bị là người có họ rất xa với Hoàng đế nhưng nhà cửa sa sút nên làm nghề đan dép và bện chiếu để kiếm ăn. Người thứ ba là Trương Phi, cũng sinh tại huyện Trác và là tay khá giả nhất trong ba anh em kết nghĩa ở vườn đào mà vườn cây trồng đào này nằm trong trang trại của Trương Phi.

+ Như vậy, trong ba anh em kết nghĩa, hai người anh là Lưu Bị và Quan Công đều nghèo cả và khá giả nhất chính là Trương Phi?
+ NXN: Trương Phi tánh tình bộc trực, nhưng không phải là vô mưu và cũng là người đề nghị lập bàn thờ kết nghĩa anh em. Sau khi kết nghĩa, họ hưởng ứng lời kêu gọi của triều đình mà đi dẹp loạn Khăn Vàng và dần dần nổi tiếng từ đó.
- Truyện Tam Quốc dựng ra thành tích đầu tiên của Quan Công chém tướng Hoa Hùng của Đổng Trác là chuyện hư cấu, không thật.
Lưu Bị không dự hội nghị các chư hầu do Viên Thiệu triệu tập để đánh Đổng Trác và Quan Công cũng không tham dự trận này mà Hoa Hùng chết vào tay Tôn Kiên. Chuyện sai khác giữa lịch sử và tiểu thuyết thì nhiều lắm, ta không thể bàn hết ở đây mà chỉ nên tập trung vào con người của Quan Công.

+ Ông thấy Quan Công không được ở những điểm gì?
+ NXN: Mùa Thu năm 198, Tào Tháo và Lưu Bị hợp quân đi đánh Từ châu để trừ Lã Bố. Quan Công dự trận bao vây này và trong bước đường cùng, Lã Bố dâng vợ mình* cho Quan Công để lấy lòng và nhờ ông nói giúp với Tào Tháo. Quan Công ngờ nghệch hỏi Tào Tháo rằng mình có được nhận người đàn bà ấy không? Tào Tháo bảo rằng được. Nhưng vì thấy Quan Công cứ hỏi thêm mấy lần nữa, Tào Tháo bèn để ý và sai ông mang vợ Lã Bố tới xem mặt. Thấy nàng đẹp quá, Tào Tháo giữ lại cho mình! Chúng ta đều hiểu là trong chiến tranh thời cổ, đàn bà chỉ là chiến lợi phẩm mà phe chiến thắng có thể chiếm đoạt. Nhưng cách Quan Công xử trí với vợ của Lã Bố thì cũng hơi lạ. Bố này cũng mắt la mày lét háo sắc nhưng hơi ngây thơ khi để nàng lọt vào tay Tào Tháo! Chuyện này cũng vui đấy chứ và có được chép trong bộ sử nhà Thục là Thục chí!:
- Những chuyện lặt vặt ấy có nhiều lắm, nhưng cho thấy con người đạo đức đạo mạo đầy khí tiết của Quan Công khi đốt đuốc suốt đêm đọc kinh Xuân Thu bên ngoài phòng của Nhị Tẩu, hai bà Cam và My phu nhân của Lưu Bị, thì hơi nặng phần trình diễn!

+ Nói về Quan Vân Trường, người ta ngợi ca lòng trung dũng nghĩa hiệp, nhưng một kỳ trước ông lại nói đến khí độ kiêu mạn hẹp hòi. Ông nêu ra vài thí dụ được không?
+ NXN: Phe Tây Thục của Lưu Bị có ngũ hổ tướng là Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung và Mã Siêu, mà Quan Vũ là người đứng đầu vì vừa giỏi võ vừa là em kết nghĩa của Lưu Bị. Nhưng thật ra, nói về tài năng quân sự, chưa chắc ông đã vượt nổi Triệu Tử Long là tay có võ công rất cao mà cực kỳ gan dạ và mưu lược khi thất thế và phải phá vòng vây. Trong suốt câu chuyện, không thấy Triệu Tử Long kèn cựa với ai, nhưng thấy Quan Công háo thắng và khinh người, kể cả với Triệu Vân mà Triệu Vân vẫn nhịn được. Chính Triệu Tử Long mới xứng đáng là một danh tướng kiệt xuất và có đức độ. Về phần Quan Vân Trường, khi nghe tin Mã Siêu đến hàng Lưu Bị ở Tây Xuyên:
- Con người khí độ hẹp hòi ấy lập tức viết thư hỏi Gia Cát Lượng, rằng tài năng Mã Siêu có thể so sánh với ai?
Gia Cát Khổng Minh bèn trả lời: "Mã Siêu chỉ có thể sánh với Trương Phi chứ không thể siêu phàm như ngài được!". Quan Công rất khoái và đem thư đi khoe mọi người! Khi Lưu Bị tự xưng là Hán Trung Vương và phong lão tướng Hoàng Trung làm Hậu tướng quân thì Tiền tướng quân là Quan Vũ bất mãn không nhận ấn tín vì nghĩ rằng mình bị coi như ngang hàng Hoàng Trung!

+ Đó là chuyện bên trong, với bên ngoài, Quan Vũ còn phạm những sai lầm gì khác?
+ NXN: Khổng Minh Gia Cát Lượng có người anh cả là Gia Cát Cẩn làm quan bên triều Đông Ngô. Lúc khởi nghiệp, Lưu Bị chiếm Kinh Châu của Đông Ngô và hẹn là sẽ trả lại sau khi lấy được Tây Xuyên. Sau này, Ngô Tôn Quyền thấy phe Bắc Thục quá mạnh nên sai Gia Cát Cẩn qua gặp trấn thủ Kinh Châu là Quan Vũ để kết thông gia. Gia Cát Cẩn dâng đề nghị của Tôn Quyền là xin con gái của Quan Công lấy con trai của mình. Quan Công ngắt lời: "Con gái ta là hổ nữ làm sao có thể phối hôn với con trai Đông Ngô là khuyển tử được? Ngươi chớ nói thêm, nếu ta không nể ngươi là bào huynh của quân sư Gia Cát Lượng thì ngươi ắt là mất đầu!". Quan Công quên mất Tôn Quyền thuộc loại thế gia vọng tộc của Giang Đông khi mình còn đẩy xe đi bán tầu hũ, và càng quên là Tôn Quyền cũng là anh vợ của Lưu Bị chứ có hèn kém gì? Quan trọng nhất, Quan Công quên hẳn chiến lược hòa Ngô để cự Ngụy do Gia Cát Lượng vạch ra, lại còn nhục mạ Tôn Quyền và hăm dọa Gia Cát Cẩn!:
- Ông ta đã vì tánh kiêu mạn gây bất mãn cho một đồng minh và quả nhiên là làm Tôn Quyền nổi điên nên kết hợp với Tào Tháo và dụng mưu cho Quan Công khinh địch mà vào tròng và để mất Kinh Châu. Và mất mạng.
Sau đấy, đến lượt Lưu Bị thiếu sáng suốt, quên hẳn chuyện lớn là diệt Bắc Ngụy để khôi phục nhà Hán. Ông ta cho rằng Quan Công đã chết thì mình chẳng còn thiết gì đến phú quý vinh hoa, nhất định cầm quân đánh lại Đông Ngô để trả thù rồi cũng mất mạng! Gánh giang sơn vì vậy lại trút trên vai Gia Cát Lượng!

+ Thưa ông, một trong những lời phê phán nặng nhất về Quan Vân Trường là ông ta đã để thất thủ Kinh Châu và làm hại cho sự nghiệp của Lưu Bị. Như ông vừa trình bày thì đúng như vậy. Nhưng ai là người đề ra chiến lược này?
+ NXN: Trong bộ Tam Quốc, ta biết Lưu Bị đã ba lần tìm tới Khổng Minh qua giai thoại "tam cố thảo lư" và để ý tới sự sốt ruột và kiêu căng của Quan Vũ và Trương Phi. Thật ra, theo bộ sử Thục chí thì chính Khổng Minh ở tuổi 27 tìm đến Lưu Bị đã 47 tuổi để đề nghị chiến lược đời sau gọi là "Long Trung quyết sách". Long Trung là tên đất ngụ cư của Khổng Minh khi ông nghiền ngẫm cục diện tan nát của nhà Hán và đề ra chiến lược là giúp Lưu Bị củng cố sức mạnh tại đất Thục thành một trong ba lực lượng, sau ta gọi là Ngụy-Thục-Ngô, với chủ trương là hòa với phe Đông Ngô của Tôn Quyền để đương cự địch thủ chính và mạnh nhất là phe Bắc Ngụy, của Tào Tháo. Sau trận Xích Bích thì cục diện ấy thành hình, nhưng lại sớm tan vỡ sau khi Khổng Minh giúp Lưu Bị chiếm được gần trọn vẹn đất Tây Xuyên. Sai lầm lớn nhất là giao cho Quan Công trấn giữ Kinh Châu, đó là sai lầm của Khổng Minh vì ông biết rõ tính tình của Vân Trường. Nhưng bản thân Khổng Minh khi đó phải đi vào Tây Xuyên nên không thể giao cho ai khác và trước khi đi căn dặn mãi:
- Mà không có kết quả cũng vì sự kiêu căng nông nổi của Quan Vân Trường. 
Đời sau thì nói là vì trời không tựa nhà Hán, thực sự thì vì người (Quan Công) chứ không vì trời!

+ Vì sao người Việt chúng ta cũng có nhiều nơi lập miếu thờ Quan Thánh Đế Quân?
+ NXN:
- Phải chăng đấy là tinh thần "tự Hán hóa" khi ta lấy hào quang và bùa chú Trung Hoa để đeo lên ngực mình?
Người Hoa, người Ấn hay người Hồi ngụ cư tại Việt Nam có quyền dựng đền đài miếu mạo để thờ phụng thần linh của họ. Chúng ta phải kính trọng tín ngưỡng của mọi người mà cũng chẳng nên tô tượng đi thờ thần thánh gì đó của thiên hạ trong khi bậc anh hùng duy nhất được dân ta phong thánh là Trần Hưng Đạo Vương lại không được như thế. Ta có 11 đền miếu thờ Quan Công: 1. Đền Ngọc Sơn hồ Hoàn Kiếm trước đây từng là nơi thờ Quan Thánh; 2. Đền Quan Công ở bến Tây Luông, cách cổng thành Thăng Long hai dặm; 3. Miếu Quan Đế do Bỉnh Trung Công thời Hậu Lê dựng ở phường Hà Khẩu, Thăng Long; 4. Miếu Quan Thánh ở xã Năng Tịnh, huyện Mỹ Lộc, Nam Định; 5. Đền Quan Đế ở xã Vân Trai, huyện Ngọc Sơn, Thanh Hóa; 6. Đền Quan Thánh ở phố Bắc Hà, huyện Kim Động, Hưng Yên; 7. Miếu Quan Đế ở xã Nước Hai, huyện Hòa An, Cao Bằng. 8. Đền Quan Công tại cạnh chùa Thiên Mụ ở Huế; 9. Đền Quan Công ở Hội An, Quảng Nam; 10. Đền Quan Công tại huyện Tuy Phong, Bình Thuận; 11. Đền thờ Quan Thánh tại Vũng Tàu. So với 7 ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo Vương: 1. Đền Bảo Lộc, tỉnh Nam Định; 2. Đền Trần Thương, tỉnh Hà Nam; 3. Đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình; 4. Điện Thờ Đức Thánh Trần, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương; 5. Đền Tân Phẩm, tỉnh Thừa Thiên Huế; 6. Đền Đức Thánh Trần, 36 Hiền Vương, quận 1, Sài Gòn; 7. Đền thờ Đức Thánh Trần, ấp Lai Khê, xã Lai Hưng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

+ Vì sao nhiều cơ sở kinh doanh của người Việt mình cũng có tượng Quan Công?
+ NXN: Vì ảnh hưởng của người Tầu khi họ làm ăn buôn bán và không quên Quan Vân Trường xuất thân là... bán tầu hũ. Họ tin rằng Quan Công sẽ ngăn được những điều dữ và giúp cho cửa hàng của họ làm ăn phát đạt. Người Tầu có thể tin vậy, nhưng ta có nên bắt chước họ không? Mà nói cho cùng, bà con có thể bày bàn thờ Thần Tài, Thổ Công hoặc Thần Bạch Mi vì còn có sự hợp lý, chứ Quan Công thì chưa chắc như vậy. Có lẽ chúng ta đừng lười biếng mà nên nghĩ lại... Tôi xin lấy một thí dụ chẳng có gì là hoang tưởng để ta cùng suy ngẫm:
- Nếu mai này Hải quân của Bắc Kinh đặt tên một chiến hạm của họ là Quan Vũ hay Quan Vân Trường và cho trấn giữ huyện Tam Sa của họ bên đảo Hải Nam hoặc tại vùng quần đảo Trường Sa của ta, thì chúng ta làm gì?
Làm… gì... gì... gì?

*
Sau khi đăng 'trước' bài ‘Huyền thoại Quan Công’, tôi thích lời bình này của anh Phạm Hiền:
- Không cần phải lôi chính sử Trung Hoa ra, mà ngay trong Tam Quốc Chí, La Quán Trung đã chỉ ra hàng loạt những hành vi ngu xuẩn của Quan Công trong vai trò của một tướng lãnh, tha Tào Tháo ở Hoa Dung Đạo, mất Kinh Châu và bỏ mạng dưới tay một gã thư sinh, miệng còn hôi sữa là nhục thấy bà cố rồi, thế mà còn bày đặt hiển thánh đòi đầu và nhát ma Tào Tháo!

Và khi bạn Dung Mac bình là: ‘Điều nghi ngờ lớn nhất (của tôi) ngày nay là môn... Lịch sử’, thì bỗng tôi nhận được một tin nhắn:
ĐỀ SỬ VỀ CHUYẾN CÔNG DU CỦA TỔNG THỐNG TRUMP*
- Nhà Trắng đã phát thông báo xác nhận chuyến công du đến châu Á của Tổng thống Mỹ D. Trump cùng phu nhân Melania. Theo đó ông Trump sẽ đến Nhật, Hàn, Trung Quốc, Philippines, Hawai và Việt Nam.
Theo bạn, vì sao ông Trump lại chọn các quốc gia và địa điểm trên trong Asian Tour của mình?
Kkkkk... Có blogger hay fbker nào tham gia trả lời câu hỏi của thầy Nguyễn Viết Đăng Du không?, hehe... 

Còn khi viết phần mở đề của bài này, tôi đã có câu và mang xuống đây:
- Vì thế, cái gì mà anh ‘Xiển giáo’* Tàu nói thì sự thật chỉ có dưới một nửa, hay bằng không, thậm chí là âm!
Xiển giáo là gì? Hồng Nhung rưng rưng ‘giọt sương trên mí mắt’*, nhéo yêu tôi một cái và bảo: ‘Anh đâu có biết, lúc mặt trời sinh ra, mặt trời là nước mắt…’, nhưng ông Chả Cá Lã Vọng, à quên, ông Khương Tử Nha đã trả lời giùm cho tôi:
- Xiển giáo là tôn giáo của các vị ở trển’…

(HẾT)
---------
Chú dẫn:
1.       Điêu Thuyền: ‘Quan Công dự trận bao vây này và trong bước đường cùng, Lã Bố dâng vợ mình cho Quan Công để lấy lòng và nhờ ông nói giúp với Tào Tháo. Quan Công ngờ nghệch hỏi Tào Tháo rằng mình có được nhận người đàn bà ấy không? Tào Tháo bảo rằng được. Nhưng vì thấy Quan Công cứ hỏi thêm mấy lần nữa, Tào Tháo bèn để ý và sai ông mang vợ Lã Bố tới xem mặt. Thấy nàng đẹp quá, Tào Tháo giữ lại cho mình! (Nguyễn Xuân Nghĩa): Phải chăng nàng này là Điêu Thuyền!, ha..ha..ha…
2.       ‘Giọt sương trên mí mắt’, trình bày Hồng Nhung: https://www.youtube.com/watch?v=wkmZQ8b51i0
3.       ‘Mục hạ vô nhân’: Nghĩa là: dưới mắt không có người. Xưa dùng để chỉ những người kiêu ngạo, không xem ai ra gì. Nôm na hay nói: nhìn bằng nửa con mắt. Ấy là lối nói đã giảm bớt rồi. Dân ta vẫn thế, việc gì cũng làm mềm (người khác) đi, làm bớt cá tính, bớt góc cạnh. (ngkhanhan, blogspot.com)
4.       Thầy giáo ra đề Sử về chuyến công du của Tổng thống Trump: Học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM vô cùng háo hức với đề kiểm tra môn Lịch sử về chuyến công du đến châu Á sắp tới của Tổng thống Mỹ D. Trump cùng phu nhân Melania. Người ra đề là thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử của trường này. Cụ thể, đề kiểm tra như sau: “Nhà Trắng đã phát thông báo xác nhận chuyến công du đến châu Á của tổng thống Mỹ D. Trump cùng phu nhân Melania. Theo đó ông Trump sẽ đến Nhật, Hàn, Trung Quốc, Philippines, Hawai và Việt Nam. Theo bạn, vì sao ông Trump lại chọn các quốc gia và địa điểm trên trong Asian tour của mình?”. Xem thêm: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thay-giao-ra-de-su-ve-chuyen-cong-du-cua-tong-thong-trump-20171021102737633.htm
5.       Tôn Ngộ Không tức ‘Viên Hồng là con vượn bạch ở núi Mai Sơn nên linh thiên và thần thông’ (vanhoc, xitrum.net)... Tôn Ngộ Không có nhiều điểm giống Viên Hồng, người đứng đầu Mai Sơn Thất quái và cũng là đệ tử Triệt Giáo. Có thể họ Tôn là Viên Hồng tái sinh, thoát ra từ ‘Sơn hà xã tắc đồ’ của Thái Thượng thời trước. (Chiến Tiên, facebook.com)
6.       Vương Chiêu Quân là người Việt!, xem thêm: http://nhagomlabang.blogspot.com/2014/07/vuong-chieu-quan-la-nguoi-viet-nam.html
7.       Xiển giáo: Vào thời nhà Thương-Chu, trong ‘Phong thần bảng’, bên Trung Hoa có phân chia ra Tam giáo: 1) Xiển giáo: các vị ở thiên đường hay niết bàn, tức là ‘Thần giới’, bao gồm Phật giới, đứng đầu là Nguyên Thủy Thiên Tôn - chỉ định ra Ngọc Hoàng Thượng đế; 2) Triệt giáo: người, ma quỷ, yêu tinh ở ‘Hạ giới’, bao gồm Ma giới, đứng đầu là Thông Thiên Giáo chủ (hay Bồ Đề Tổ sư trong Tây du ký!); và 3) Đạo giáo: các tiên ông, tiên bà, tiên nữ, tiên đồng ở ‘Tiên giới’ (thường là động tiên), đứng đầu là Thái Thượng Lão Quân (Lão Tử). 

4 nhận xét:

  1. Trong bài:

    Và khi bạn Mac Dung​ bình là: ‘Điều nghi ngờ lớn nhất (của tôi) ngày nay là môn... Lịch sử’, thì bỗng tôi nhận được một tin nhắn:
    ĐỀ SỬ VỀ CHUYẾN CÔNG DU CỦA TỔNG THỐNG TRUMP*
    - Nhà Trắng đã phát thông báo xác nhận chuyến công du đến châu Á của Tổng thống Mỹ D. Trump cùng phu nhân Melania. Theo đó ông Trump sẽ đến Nhật, Hàn, Trung Quốc, Philippines, Hawai và Việt Nam.
    Theo bạn, vì sao ông Trump lại chọn các quốc gia và địa điểm trên trong Asian Tour của mình?
    Kkkkk... Có blogger hay fbker nào tham gia trả lời câu hỏi của thầy Nguyễn Viết Đăng Du không?, hehe...
    C/c: Mac Dung, Phạm Hiền, Dư Sinh Hà, Sinh Hoang, Mynhan Ha, Dung Tran, Pé Ty... Tks!
    http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thay-giao-ra-de-su-ve-chuyen-cong-du-cua-tong-thong-trump-20171021102737633.htm

    Trả lờiXóa
  2. Trả lời
    1. Giơ ngón tay cái và 3 ngôi sao lớn chớp chớp và 3 ngôi sao bé bé là chiều nay trúng mánh 3 tờ 500 và 3 tờ 50 phải hôn?, hehe... Tks!

      Xóa
  3. Lưu comt Dung Tran:
    Tìm nhau trong cõi mù sương
    Trắng cong nhô nhấp ngàn hương bỗng về
    Khói chiều cuộn gió đê mê
    Một trời rạo rực nhạc phê mấy tầng
    https://scontent.fsgn2-3.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/19756836_679300922261777_4219098248634122991_n.jpg?oh=b714d0d633a075c18ac6d9f17db08132&oe=5A83A4DB

    Trả lờiXóa